Minh Hải
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc phát động chiến tranh Biên giới phía Bắc Việt Nam (17/2/1979- 17/2/2019), báo chí Việt Nam những ngày qua đã đăng thông tin rầm rộ sự kiện này. Liệu đây có phải là bước đột phá, nới lỏng hơn về quyền tự do báo chí Việt Nam? Và liệu đây có phải là động thái mà Việt Nam muốn thể hiện sự cứng rắn trong mối quan hệ bang giao với Trung Quốc, đồng thời từng bước ngả hẳn về Phương Tây và Hoa Kỳ?…
Ngày 17/2/2019, tròn 40 năm ngày Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình đã phát động chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Mặc dù cuộc chiến chỉ diễn ra khoảng gần một tháng là Trung Quốc tuyên bố rút quân về nước nhưng đã để lại hậu quả vô cùng to lớn đối với Việt Nam lẫn Trung Quốc. Riêng Việt Nam con số ước tính có hàng hàng chục ngàn chiến sĩ và hàng vạn đồng bào bị Trung Quốc thảm sát, hàng trăm ngàn căn nhà, công trình bị phá hủy hoàn toàn.
Là một phần của lịch sử Việt Nam và thế giới nhưng có khoảng thời gian dài báo chí Việt Nam hầu như lẩn tránh hoặc rất rất ít nhắc đến cuộc chiến này. Thế nhưng, năm 2019 báo chí Việt Nam lại đưa tin rầm rộ, kỹ lưỡng. Thậm chí những tờ báo có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VietNamNet đã cho đăng những bài viết có nội dung tố cáo mạnh mẽ tội ác của Trung Quốc gây tại Việt Nam khiến dư luận, cộng đồng mạng Internet trong và ngoài nước quan tâm đến hiện tình Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên.
Từ Khánh Hòa, nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ quan điểm với Việt Nam Thời Báo rằng nếu như theo dõi tình hình báo chí Việt Nam theo sát với tình hình chính trị của Việt Nam trong quan hệ Việt-Trung thậm chí là đối với các quốc gia khác trên trường quốc tế ở phương diện ngoại giao thì không ngạc nhiên cho lắm. Bởi vì nó có liên quan đến Hội nghị Thành Đô 1990 và Giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào thềm lục địa của Việt Năm vào năm 2014. Ông nói:
“Chúng ta biết quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc đặc biệt trong quá khứ có những căng thẳng, chiến tranh với nhau được coi là đề tải vô cùng nhạy cảm từ khi nào? Kể từ sau Hội nghị Thành Đô vào tháng 9/1990. Kể từ sau Hội nghị Thành Đô báo chí Việt Nam mới coi cuộc chiến giữa hai nước do Trung Quốc xâm lược là đề tài nhạy cảm. Chứ còn trước đó, sau sự kiện như là ngày 17/2/1979, báo chí Việt Nam lúc đó cũng rầm rộ lên tiếng án Trung Quốc gay gắt lắm chứ không phải là không. Đặc biệt là tờ báo Nhân Dân vào thời ấy luôn đăng những bài ngay trang nhất nói thẳng việc Trung Quốc phát động chiến tranh quy mô lớn tại Biên giới phía Bắc và sau đó đăng những lời Tổng động viên”.
Ông Tạo nói tiếp:
“Thế thì việc nhạy cảm ấy đến bao giờ kết thúc? Đáng lẽ cái sự thật hiển nhiên này nó phải kết thúc cách đây 5 năm, tức là sự kiện giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào năm 2014 kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để thăm dò dầu khí, bùng phát báo chí Việt Nam cũng rầm rộ đưa thông tin này. Là một người làm báo, tôi thấy đây là mốc rất quan trọng. Nó khác hẳn thời điểm sau Hội nghị Thành Đô cho đến thời điểm trước khi sự kiện Giàn khoan HD981. Những đề tài như thế này sau Hội nghị Thành Đô rất nhạy cảm, báo chí Việt Nam hết sức cẩn trọng khi đưa tin thậm chí là phải né, không dám động vào. Nhưng ở đây có điều ngược lại là tại sao báo chí Việt Nam thời điểm đó đăng rầm rộ thông tin về sự kiện này? Tôi nghĩ chắc là có sự chỉ đạo bật “đèn xanh” đến từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua các cơ quan chức năng như là Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo xuống các Tổng Biên tập… nếu ai ngạc nhiên thì phải ngạc nhiên từ hồi đó”.
Trở lại cuộc chiến Biên giới Việt-Trung vào năm 1979, mặc dù kết thúc vào tháng 3/1979 nhưng khoảng thời gian nhiều năm sau đó quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc chìm đắm khủng hoảng toàn diện cho đến khi chính thức được bình thường hóa vào năm 1991. Mặc dù có những lúc thế này hoặc lúc thế kia khi nói về cuộc chiến nhưng cần phải thừa nhận là báo chí Việt Nam hiện tại đã được nới lỏng trong việc đưa thông tin phản ánh quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nó không chỉ dừng ở đề tài chiến tranh trong quá khứ, kể cả quan hệ kinh tế, xã hội …
Theo nhà báo Tạo:
“Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam họ cũng nhận thức ra được vấn đề kể từ sau sự kiện giàn khoan HD981, Trung Quốc làm chuyện này quá đáng thì họ phải thay đổi quan điểm nếu không họ sẽ không còn tính chính danh lãnh đạo đất nước. Ngay cả bản thân những Đảng viên cao cấp họ cũng không tín nhiệm Ban lãnh đạo Đảng nữa nếu như không có lập trường rõ ràng để bảo vệ chủ quyền Đất nước, quyền lợi quốc gia”
Vì vậy muốn giải thích hiện tượng báo chí Việt Nam trong mấy ngày này, ông Tạo nói nó không đơn thuần lý do là tròn 40 năm ngày Trung Quốc phát động chiến tranh Biên giới phía Bắc giết hại hàng chục ngàn đồng bào chiến sĩ của Việt Nam. Sự kiện 40 năm chỉ là một lý do, cái chính là nhìn nhận quan hệ hai nước Việt-Trung sau sự kiện giàn khoan HD981 thấy có một sự thay đổi khá nhiều. Ngoài ra, trong những năm gần đây Hoa Kỳ có những động thái nhẹ nhàng, tế nhị để cố gắng kéo Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Do Việt Nam có một trí chiến lược khá quan trọng tại Biển Đông, Hoa Kỳ dứt khoát không muốn đường hàng hải này bị Trung Quốc thao túng.
Báo chí Việt Nam được bật “đèn xanh” rất có thể là phép thử của Ba Đình đối với Trung Nam Hải. Theo những nguồn tin không chính thức và báo chí Việt Nam cũng không nói nhưng có chia sẻ với nhà báo Tạo thì nguồn tin này là có cơ sở. Đó là thời gian gần đây Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội làm mọi cách để tác động Việt Nam không nên làm rầm rộ về sự kiện 40 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc, nếu làm rầm rộ thì rõ ràng có bất lợi cho Trung Quốc. Bởi lẽ:
“Người dân Việt Nam và thế giới cũng đã thấy được bộ mặt xâm lược xấu xa của Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình ở thời điểm đó đã phát động chiến tranh. Tôi không cho đây là mốc để xem xét lại mối quan hệ coi Trung Quốc là đồng chí tốt mà như tôi nói ở trên nó diễn ra từ thời điểm sự kiện Hội nghị Thành Đô cho đến sự kiện giàn khoan HD981. Báo chí Việt Nam đăng tin rầm rộ 40 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc có thể là một động thái của Hà Nội thăm dò lập trường của Bắc Kinh như thế nào? Đồng thời nó còn gióng lên tiếng nói để Hoa Kỳ và một số quốc gia khác trong bang giao làm ăn với Việt Nam hiểu rằng lập trường của Hà Nội đối với Bắc Kinh đã có sự thay đổi như thế nào?”
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu đây có phải là một luận cứ để chứng minh báo chí Việt Nam đang được tự do? Nhà báo Tạo không cho như vậy. Ông nói riêng về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đợt này báo chí Việt Nam được viết rầm rộ như thế, phản ánh chân thực như thế đúng là có sự thay đổi rõ ràng trong sự quan lý của báo chí. Riêng trong lĩnh vực quan hệ Việt-Trung thôi, chứ đừng nghĩ rằng chủ trương nới lỏng báo chí là chung cho mọi lĩnh vực. Đơn cử như phản ánh về vấn đề nhân quyền, phản ánh sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam thì chắc chắn rằng không ông tổng biên tập nào ngốc ngếch đến nỗi là được nới lỏng ra chuyện đó và đề tài này vẫn còn đang rất nghiệt ngã.
VNTB gửi BVN.