Tháng Hai chưa qua, tháng Ba đã tới

FB Nguyễn Văn Phước

Trong lịch sử, có cuốn sách mà sự ra đời là cả cuộc đấu tranh dài gay cấn.

Tròn đúng 30 năm sau sự kiện Trung Quốc giết hại 64 chiến sĩ hải quân chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam ngày 14-3-1988, tác phẩm “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” do Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương cố vấn, chủ biên được chính thức xuất bản dù đã gặp rất nhiều gian truân, thử thách. Vì sau năm 1990, đề cập đầy đủ sự kiện Gạc Ma trên truyền thông là cấm kỵ, chưa nói đến làm sách còn khó hơn rất nhiều. Hãy đọc đường link bài viết đấu tranh để ra được cuốn sách này 3 năm về trước sẽ hiểu vì sao, không chỉ sách Gạc Ma mà thông tin về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc 17-2-1979 lúc đó là rất nhạy cảm và vô cùng khó khăn.

D:\Downloads\BVN\19-2\1 - Copy.jpg

Cuốn sách hiện đã bị tạm dừng phát hành bằng công văn thu hồi của Cục Xuất bản dù đã có đính chính lần 2 đầy đủ, chỉ vì bị một số vị tướng về hưu là Thiếu tướng công binh Hoàng Kiền, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn kéo nhau lên Cục Xuất bản, Nhà xuất và Ban Tuyên giáo Trung ương mạt sát Anh hùng Lê Mã Lương, lên án những người làm sách sự thật về Gạc Ma là ‘bài Trung phò Mỹ dựng cờ vàng’!? Khởi đầu từ việc Thiếu tướng về hưu Hoàng Kiền khi mới nghe ra sách, chưa hề cầm cuốn sách và chưa hề đọc một chữ, mà mới nghe nói có Tướng Lê Mã Lương tham gia chủ biên đã vội vàng viết bài vận động phản đối sách và nhóm tác giả như đánh trận, như đúng rồi (!). Và động cơ phía sau của những người cực đoan phản đối cuốn sách này mà rất nhiều người nghi ngờ đặt câu hỏi thật sự không biết là vì điều gì?

Cụ thể là: Tại sao họ hiểu rõ về Gạc Ma mà suốt 30 năm qua họ lại hoàn toàn im lặng không dám nói lên sự thật cho quân dân Việt Nam biết? Và họ chỉ lên tiếng khi cuốn sách vất vả được ra đời? Họ lên án là sách thiếu chữ ‘Trước’ trong lệnh nổ súng mà các mật lệnh và các tư liệu Bộ Tư lệnh Hải quân và nhà nước đã công bố lúc đó đều không có chữ ‘Trước’? Và ngữ cảnh đoạn đó do cựu binh Gạc Ma kể lại là quân Trung Quốc đã nổ súng bắn Trần Văn Phương rồi, thì nếu ép thêm chữ ‘Trước’ sẽ cực kỳ vô lý và sai.

Tại sao họ công khai mạt sát, tỏ hận thù với Tướng Lê Mã Lương và những người làm sách chỉ vì Tướng Lê Mã Lương từng khẳng khái nói về lệnh không được nổ súng trong trận Gạc Ma của Đại tướng Lê Đức Anh nhiều năm trước, dù không hề nói trong sách? Họ đang bảo vệ ai và chống lại ai? Câu chuyện về Đại tướng Lê Đức Anh ra Trường Sa chỉ ít ngày sau khi mất Gạc Ma vì sao đã không hề nhắc một từ đến 64 liệt sĩ Gạc Ma mà chỉ ca ngợi tình hữu nghị với Trung Quốc chắc chắn sẽ được làm rõ, giải mã minh bạch sau này (xin xem link).

Tại sao nhân danh quân đội yêu nước mà họ chỉ tập trung đòi tiêu huỷ sách Gạc Ma, đòi truy tố những tác giả, phản đối kịch liệt tất cả những người vinh danh các tử sĩ Hoàng Sa đã anh dũng chống quân Trung Quốc xâm lược 19/1/1974 mà không hề đòi thu hồi tiêu huỷ cuốn sách ca ngợi kẻ thù của nhân dân Việt Nam là cuốn ‘Đặng Tiểu Bình – Một trí tuệ siêu việt’ là kẻ ra lệnh xâm lược Việt Nam, giết hại đồng bào và người lính Việt Nam ngày 17/2/1979 và hạ lệnh đánh chiếm đảo Gạc Ma, giết chết 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam?

D:\Downloads\BVN\19-2\2 - Copy.jpg

Tròn đúng 40 sau năm sự kiện 17-2-1979, tác phẩm ‘Cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược 17-2-1979’ sau nhiều năm thực hiện chính thức nộp chờ giấy phép xuất bản. Mong cuốn sách ý nghĩa thiêng liêng này sớm đến tay bạn đọc để khắc ghi sự hy sinh của những người lính, người dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, đã ngã xuống trong những ngày tháng đau thương không quên của cuộc chiến tranh chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược.

Rất mong rằng sự cho phép báo chí viết đúng bản chất và mạnh mẽ về sự kiện 17-2 năm nay không chỉ là một điểm sáng mà thực sự sẽ mở ra một trang sử rất mới trong việc đề cập đến các sự thật trong lịch sử Việt Nam.

Bất luận tình thế, thời cuộc có thay đổi như thế nào đi nữa – thì lịch sử rất cần phải được ghi nhận chính xác như những gì vốn có đã từng diễn ra.

Sau này, sự thật trước và sau hành trình gian nan 4 năm ra đời cuốn sách ‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử’ có thể viết thành cuốn sách với nhiều tình tiết và thông tin liên quan, thú vị chưa từng có, vì đó cũng là hiện thực lịch sử.

N.V.P.

Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenvanphuocfirstnews/posts/2081694408610666

This entry was posted in 40 năm Chiến tranh biên giới, Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma. Bookmark the permalink.