Nguyễn Văn Phước
Trung Quốc tấn công Hoàng Sa có sự thoả thuận với Mỹ, đánh chiếm Gạc Ma có sự vô cảm của Nga. Việt Nam nợ hay Trung Quốc nợ Việt Nam?
Vào ngày 19/1/1974 lịch sử – cách đây tròn 45 năm – sau một thời gian chuẩn bị âm mưu tấn công đánh chiếm Hoàng Sa, có sự ‘thoả thuận ngầm’ từ phía Mỹ, Trung Quốc đã dùng những tàu chiến hiện đại lúc bấy giờ, trong đó có hai tàu quét lôi T43, hai tàu chống ngầm cùng 500 lính hải quân áp sát bao vây Hoàng Sa trước đó mấy ngày (sau đó 17 chiến hạm của Trung Quốc trong đó có 4 tàu ngầm trên đường tới Hoàng Sa và phi cơ phản lực bay tới từ đảo Hải Nam). Cuộc tấn công xâm lược chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã gây ra cái chết của 74 người lính VNCH trong lúc cận chiến với tàu Trung Quốc, 16 lính bị thương, 48 lính bị Trung Quốc bắt làm tù binh.
Lực lượng không quân ngay lúc đó của Việt Nam Cộng hòa ở sân bay Đà Nẵng khá mạnh (bao gồm 120 máy bay phản lực Northrop F-5) nhưng lại không được phép cất cánh để tham chiến. Theo Đại tá phi công tình báo Nguyễn Thành Trung việc sử dụng các máy bay phản lực tiêm kích tái chiếm Hoàng Sa không thể diễn ra do Mỹ cảnh báo Tổng thống Thiệu không được hành động vì Mỹ đã làm lành với Trung Quốc và chấp nhận làm ngơ để Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Cần nhắc lại những sự kiện lịch sử rất liên quan: Tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc hội kiến Mao Trạch Đông. Mỹ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung ‘Thông cáo Thượng Hải’, trong đó phản đối "bá quyền" tại châu Á và Thái Bình Dương. Cũng từ năm 1972, Trung Quốc chấm dứt viện trợ vũ khí và lương thực cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đổi lại Mỹ công nhận chính sách "Một Trung Quốc", theo đó họ bỏ phiếu loại Đài Loan ra khỏi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để Trung Quốc thay thế. Năm 1973, Trung Quốc và Mỹ mở văn phòng liên lạc ở thủ đô mỗi nước mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Năm 1973, với Hiệp định Paris, Hoa Kỳ và Hạm đội 7 rút quân và thiết bị của Hoa Kỳ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Như vậy Hoa Kỳ đã xem tranh chấp tại quần đảo này không phải là việc của họ. Việc Mỹ rút quân và kết làm đồng minh đã giúp Trung Quốc có thể điều quân đánh chiếm Hoàng Sa mà không lo ngại sẽ xảy ra xung đột với Mỹ.
14 năm sau vào sáng ngày 14/3/1988 Trung Quốc với sự tính toán thời điểm và chuẩn bị trước đó, đã dùng 3 tàu khu trục hộ vệ tên lửa 502 Nanchong, 556 Xiangtan và 531 Yingtan bao vây cụm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Phía Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải HQ 505, HQ 604 và HQ 605. Sau cuộc tranh chấp cờ trên đảo san hô Gạc Ma và trận thảm sát bằng súng đại liên và pháo hạ nòng từ tàu chiến phá huỷ 3 tàu vận tải, giết chết 64 người lính hải quân Việt Nam, bắt 9 người lính Việt Nam làm tù binh và chiếm được đảo Gạc Ma từ ngày đó.
Theo lời kể của một cựu binh Gạc Ma có mặt trên đảo lúc đó, vì quá thương những đồng đội của mình đã bị giết như bắn bia trên đảo, đã trăn trở đi tìm nguyên nhân vì sao sau khi biết tin mất đảo Gạc Ma lại không phản ứng về mặt quân sự ngay vào lúc đó, điều tàu chiến hay máy bay chiến đấu ra chiếm lại đảo Gạc Ma, đã cho biết: Đô đốc hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 hải quân Giáp Văn Cương đã lệnh cho các tàu săn ngầm của lữ đoàn 171 xuất phát ra đánh tàu mặt nước của Trung Quốc. Nhưng tương quan lực lượng với Trung Quốc quá chênh lệch. Tàu chiến của Việt Nam ở khu vực gần bờ lúc đó chỉ có mấy chiếc tàu pháo mà loại tàu rất nhỏ di chuyển ra Gạc Ma rất lâu, còn tàu săn ngầm thì chỉ có pháo, ngư lôi, trong khi Trung Quốc có tàu khu trục, tàu pháo, tàu tên lửa rất to, rất hiện đại.
Ngay sau đó Đô đốc Giáp Văn Cương đã điện cho viên Thiếu tướng Chuẩn Đô đốc của Hạm đội Liên Xô (năm 1991 Liên Bang Xô Viết tan rã mới tách ra thành 15 nước cộng hòa độc lập trong đó Nga là lớn nhất) đang đóng ở Cam Ranh nhờ giúp đỡ, chi viện. Viên Thiếu tướng Liên Xô đã điện về Bộ Quốc phòng Liên Xô tại Matxcova xin ý kiến và được trả lời: ‘Nước chúng tôi có biên giới với Trung Quốc hơn 6 ngàn km, quan hệ giữa 2 nước đang tốt, chúng tôi phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích bè bạn’. Ông Giáp Văn Cương thất vọng cay đắng vì thương lính của mình. Ông bị bệnh nặng và mất 2 năm sau đó vào ngày 23/3/1990.
Vị Đô đốc Hải quân đầu tiên của Việt Nam này ngay vào năm 1984 đã nhận định: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của hải quân Việt Nam". Trong hai năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Kế hoạch bảo vệ Trường Sa của ông được cấp trên chấp thuận. Ông ra lệnh: ‘Nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay. Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu "kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi".
Theo lệnh đó, ngày 14/3/1988, sau khi mất Gạc Ma, tàu HQ 505 dù bị trúng đạn pháo hư hỏng nặng đã lao nhanh giữa những làn đạn đại bác, ủi thẳng lên đảo Cô Lin biến con tàu thành cột mốc chủ quyền bằng thép rồi bốc cháy, trước khi quân Trung Quốc kịp đổ bộ chiếm đảo.
Ngay sau đó Bộ Ngoại Giao VN và các báo lớn ở Việt Nam, lúc đó đều là báo giấy vì chưa có Internet đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Trung Quốc xâm lược Gạc Ma. Mọi người chỉ rất ngạc nhiên là suốt một thời gian dài sau năm 1990 thì hầu như báo chí truyền thông lại dường như được chỉ đạo không đề cập nhiều đến sự kiện bi thương Gạc Ma, kể cả tưởng niệm cũng khó khăn vì cho là vấn đề nhạy cảm (cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chống Trung Quốc xâm lược ngày 17/2/1979 cũng vậy). Mãi đến ngày 22/7/2015 sau cuộc đấu giá bức tranh ‘Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử’ và Đại Lễ Tưởng niệm và Cầu siêu chính thức lần đầu tiên 3000 người tham dự được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP. HCM thì việc đưa tin sâu về Gạc Ma trên báo chí mới được khai thông.
Hôm nay tròn 45 năm kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc, những người Việt Nam yêu nước ghi lòng tưởng nhớ đến những tử sĩ Hoàng Sa đã dũng cảm chiến đấu vĩnh viễn ngã xuống ở Hoàng Sa. Như lời Thượng toạ Thích Thanh Phong trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã khẳng định: “Đã là những người lính Việt Nam ngã xuống để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc thiêng liêng thì dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thể chế nào cũng cần được tri ân và tôn vinh”. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Trong chiến tranh, vì lợi ích của chính Trung Quốc mà Trung Quốc giai đoạn đầu có viện trợ cho Việt Nam. Nhưng hãy so sánh món nợ tiền đó có xứng bằng món nợ những vùng chủ quyền lãnh thổ vô giá của dân tộc không một loại tiền bạc nào so sánh được mà Trung Quốc đã xâm lược, đang chiếm đóng của Việt Nam?
Với tuyên bố ‘Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam’ thì bao giờ và bằng cách nào Việt Nam có thể thu hồi được vùng lãnh thổ có chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng Hoàng Sa, Gạc Ma bị cưỡng chiếm bởi quân Trung Quốc – để linh hồn anh linh cùng cốt nhục 74 tử sĩ Hoàng Sa và 64 liệt sĩ Gạc Ma đang lạnh lẽo giữa biển khơi được mỉm cười nơi chín suối?
Có lẽ sẽ không hề dễ dàng và một sớm một chiều – nhưng ở hiện tại – nếu thực sự yêu nước thương dân – hãy cảnh giác cao độ với Trung Quốc: Thực phẩm, sản phẩm điện tử và dịch vụ viễn thông, đặc khu, miếng mồi bẫy chuột ‘Vành đai và Con đường’ mà các nước khác nhận ra chân tướng đã tẩy chay, các món vay, lời lẽ những viên đạn lạnh bọc đường, cùng những mưu đồ dã tâm trong máu ko bao giờ thay đổi đc của Trung Quốc!
N.V.P.
Tác giả gửi BVN