Tương Lai
Có lẽ hoài niệm là cung bậc dễ gây rung động nhất ở tuổi ngoại 80 như tôi trong cảm nhận và suy tư. Như một đợt sóng trào, những hoài niệm khơi dậy biết bao hình ảnh, nét dáng, sự kiện vốn dồn nén, ấp ủ và dường như đã vùi lấp trong tro tàn của những buồn vui, căm giận, những tủi hổ, tự hào, những nỗi nhớ mãnh liệt, những khát khao cháy lòng… Trong đống tro tàn ấy vẫn âm ỉ ủ kín nhiệt năng của những đốm lửa từng nuôi dưỡng sức sống trong mỗi đời người. Thế rồi hoài niệm đã khơi dậy những đốm lửa đang ủ kín trong lớp bụi thời gian. Đợt sóng trào kia chẳng qua chỉ là một phần của sự sống được nén chặt dưới lớp bụi thời gian đang được giải tỏa để bật ra những ánh lửa.
Đúng vậy, một phần của sự sống mà nếu không có những ánh lửa đó thì cuộc đời thật chán ngắt! May thay cho tôi, trong chặng cuối của con đường đã đi và đang nặng nhọc tiếp bước đã có được niềm vui từ ánh lửa của những hoài niệm mà buổi gặp mặt với các học trò cũ trường Chu Văn An niên khóa 1954-1955 vừa rồi đã gọi dậy trong tôi những niềm vui đang quá khan hiếm! Đây là lớp học sinh của niên khóa đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô “trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về”* tại nhà Gia Hảo và Chi Lan vừa rồi đã sáng lên một ánh lửa ấm lòng để xua bớt đi những bụi bặm nhiễu nhương của cuộc sống khi những giá trị đang bị đảo lộn, bị đánh tráo, bị bung ra từng mảng, từng mảng. Tôi mang máng nhớ đến một ý tưởng của Steve Jobs, nhân vật có dáng dấp huyền thoại của thế kỷ XXI này: Không thể kết nối các điểm trong đời khi nhìn về phía trước, chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại phía sau.
Cùng với anh Việt Phương tại sân trường Chu Văn An, kỷ niệm 100 năm thành lập.
Hôm ấy, chúng tôi đã lùi lại hơn nửa thế kỷ để kết nối các điểm trong đời mà gợi nhớ lại những chuyện xưa từng để lại dấu ấn trong mỗi chúng tôi nay đã có cháu nội, cháu ngoại, tất cả đã trải qua những chặng đường đời lắm gian truân trong những bước đi vô vàn gian khó của đất nước. Chính chặng đường gian khó đó đã gắn kết chúng tôi, khơi lại ánh lửa rực sáng trong hoài niệm, giúp làm sáng tỏ hơn nguyên nhân của những gì đang đầu độc cuộc sống chúng ta hôm nay. Để từ nguyên nhân ấy mà nhìn rõ hơn những bản mặt nhầy nhụa ngày ngày chườn ra một cách trơ tráo làm nền cho những chửi rủa từ mọi phía, từ nhiều góc đứng khác nhau, tạo ra một cơn lũ giận dữ mà cả xã hội đang chịu đựng. Nhìn rõ hơn cội nguồn những phẫn nộ trào dâng trước những tai họa khủng khiếp của chế độ toàn trị phản dân chủ quyết bám vào quan thầy cùng hội cùng thuyền “lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan” để giữ bằng được cái thể chế đã ruỗng nát nhằm bám giữ cái ghế quyền lực gắn liền với lợi ích đã cướp đoạt của dân. Đồng thời cũng phải chịu đựng những hệ lụy của hệ thống giá trị bị bung vỡ trong buổi hoàng hôn của một triều đại.
Trên mảnh đất của bung vỡ đó đang nảy nòi những giá trị rởm được vung vãi ra từ nhiều phía với những động cơ khác nhau của những con người trong nhiều cảnh ngộ chẳng giống nhau. Thì chẳng phải “phần lớn hành động hàng ngày của chúng ta chỉ là hậu quả của những động cơ ẩn giấu mà ta không nắm được” đó sao? Hiềm một nỗi, “chính bằng cơ chế lây nhiễm chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá”, điều mà Gustave Le Bon, tác giả của “Tâm lý học đám đông” đã cảnh báo!
Vậy là, cùng một lúc, xã hội phải dung nạp vào nó dòng chảy của lòng phẫn nộ chính đáng và cao cả, hòa lẫn với những hả hê dung tục của gợn sóng sủi bọt đẩy những rác rưởi lên trên bề mặt, dạt trôi ven sông. Chỉ có điều, những tư tưởng cao đẹp nâng cuộc sống lên thì giống như dòng chảy của con sông luôn bị khuấy động bởi những con sóng nhỏ trên mặt sông, cho dù những con sóng nhỏ ấy không quyết định được dòng chảy, song lại dễ dàng đập vào mắt những người hiếu kỳ hoặc những ai đó muốn quảng bá cho cái tôi dung tục của mình. Lại nữa, nhìn cho ra sức cuộn chảy từ bên dưới, cái quyết định sức chuyển động của dòng sông, thường không phải là tầm nhìn của số đông mặc dầu chính họ tạo ra sức chuyển động ấy. Thì chẳng phải những tư tưởng triết học dẫn tới cuộc cách mạng Pháp 1789 phải mất gần một thế kỷ mới bám rễ được vào tâm hồn đám đông. Nhưng một khi lý tưởng đã bám rễ được vào một thế hệ thì như tác giả của “Những người khốn khổ”, đại văn hào Pháp V. Hugo khuyến cáo: “Cái thứ cát đang bị xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ thành pha lê rực rỡ”.
Những hoài niệm của một thời gian khổ, đầy thử thách và nhiều sắc thái trải nghiệm của những người bình thường từng sống cùng những biến động dữ dội của đất nước suốt hơn nửa thế kỷ quây quần bên nhau vừa rồi gợi lại những câu chuyện, những con người, những sự kiện đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức gọi dậy trong tôi những xao động khó tả. Như những thước phim quay chậm những mảng sống khi mờ, khi tỏ hiện dần ra những ngày đứng lớp và lớp học sinh vừa lạ lẫm, vừa quen thuộc.
Những ngày đầu tiếp quản tôi phải tự soạn lấy giáo án cho môn văn vì không được dùng chương trình và sách giáo khoa cũ đã và đang phải thanh lọc, loại bỏ, trước hết là các môn văn, sử, địa, công dân giáo dục. Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may, vì nhờ vậy mà tôi được thỏa sức “tung hoành” với các bài giảng trước đám học trò đang khát khao với cái mới và những đổi thay. Với một trình độ học vấn rất hạn chế, sách vở, tài liệu nghiên cứu được lưu hành còn hiếm hoi, song bù vào đó là sức trẻ và ngọn lửa trinh nguyên của niềm tự hào chiến thắng Điện Biên và Kháng chiến thắng lợi khiến tôi nhanh chóng gần gũi và thu hút được tâm hồn lớp học trò Chu Văn An Hà Nội khởi đầu từ giữa niên khóa 1954-1955 khao khát tự do. Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh.
Những thầy giáo, cô giáo Chu Văn An niên khóa 1955-1956 (ảnh do Lê Trung Bách gửi cho). Chỉ nhớ được tên một số người, xin kể ra đây: Bách rời công việc dạy học từ 1965 để đi B, hiện ở SG, là người đứng ở hàng đầu, thứ 6 từ phải sang; tiếp đó, thứ 7 là An Văn Chiêu; thứ 8 là Tương Lai, quần áo đen; thứ 9 là Bạch Năng Thi; thứ 10 là Thạch Quang Tuấn; 11 là Nguyễn Đức Thuần; 12 là anh Trường. Ở hàng 2 phía sau cụ Tuấn là chị Oanh và chị Vỵ; bên trái là anh Luyện; bên phải ở hàng thứ 3 là Lê Quang Châu; bên phải là Phan Vịnh; cụ Tiếp; ở hàng 4, thứ 2 từ trái sang là nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (đứng trước mặt người đeo kính ở phía sau); ở hàng cuối, thứ 4 từ trái sang, là Đào Thiện Dụ. (Có ai nhớ thì xin bổ sung hoặc đính chính giúp).
Trong buổi gặp mặt vừa rồi, có người đã xúc động và hào hứng nhắc lại hình ảnh của trái tim Đankô “trái tim rực sáng như mặt trời… Đi thôi! Đankô thét lớn và xông lên phía trước, chỗ của mình, tay nâng cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người đi”. Rồi hình ảnh của cặp đôi trai tài gái sắc Lôikô Zôbar và Rađđa yêu nhau bằng một tình yêu sâu kín cháy bỏng con tim, nhưng lại còn yêu tự do mãnh liệt hơn nên không thể gạt bỏ tự do để tự trói mình trong sợi dây trói buộc, cho dù đó là sự trói buộc tự nguyện của tình yêu đôi lứa: “Lôikô, nghe đây”, Rađđa nói, “tôi chưa yêu ai bao giờ, tôi chỉ yêu anh. Nhưng tôi còn yêu tự do nữa. Mà tự do thì tôi còn yêu hơn cả anh, nhưng không có anh tôi không thể sống được, cũng như anh không thể sống thiếu tôi. Cho nên tôi muốn anh là của tôi cả linh hồn lẫn thể xác… Anh sẽ phải phục xuống chân tôi trước mặt mọi người và hôn bàn tay phải của tôi, lúc bấy giờ, tôi sẽ là vợ anh”! Như thể bị trúng thương vào ngực, Lôikô nhảy lùi ra và thét vang thảo nguyên. Hôm sau, trước mặt Rađđa và tất cả mọi người, chàng trai đau khổ thốt lên “Đêm qua tôi đã nhìn vào tim tôi và không còn tìm thấy chỗ nào dành cho cuộc sống tự do của tôi trong đó nữa. Chỉ có một mình Rađđa ở đó…”. Và rồi kết cục thì như Rađđa nói sau khi gục xuống dưới mũi dao của Lôikô: “Vĩnh biệt Lôikô! Em đã biết trước là anh sẽ làm như thế”! Mũi dao của Lôikô đã xuyên thẳng vài trái tim Rađđa. Họ chọn cái chết để không phải từ bỏ tự do và tình yêu.
Cảm hứng lãng mạn đã gọi dậy trong tuổi trẻ cái háo hức đi tới những chân trời mới. Những mẩu chuyện, những đoạn văn tôi chọn trong mớ tri thức nghèo nàn và hết sức hạn hẹp của mình để đưa vào bài giảng thuở ấy, vừa phản ánh những khát vọng mơ hồ đang dần định hình trong chính bản thân tôi, hình như đã góp một phần nhỏ bé khích lệ những đòi hỏi cháy bỏng trong những tâm hồn non trẻ, gọi dậy những khát khao về một lý tưởng sống cao đẹp, những “pha lê rực rỡ” như V. Hugo nói. Trong mông lung suy ngẫm, tôi mường tượng ra sự thăng hoa của cái chất pha lê rực rỡ ấy từng rọi sáng tâm hồn những con người đang ngồi bên tôi nhắc lại những kỷ niệm xưa, những ngày dấn thân vì nghĩa lớn của cuộc đời trai trẻ.
Một góc buổi gặp mặt thầy trò trường Chu Văn An tại nhà Gia Hảo vừa rồi.
Thật thú vị, cho dù 60 năm đã trôi qua, những học trò cũ của tôi dạo ấy vẫn nhắc lại chuyện mà chính tôi đã quên về những buổi tan học, nhiều em đã ngồi lại nghe tôi đọc truyện mà V. còn nhớ vừa gợi ra như “Timua và đồng đội”, “Vichia Valiep ở nhà và ở trường” và một số truyện khác không còn nhớ tên. Cũng may là trời phú cho tôi cái giọng đọc, nhờ vậy những đoạn văn trích giảng đã phần nào giúp tôi nhen nhúm được lòng ham hiểu biết của lớp học trò buổi ấy, khiến cho đến tận bây giờ những người đã làm ông, làm bà vẫn còn nhắc lại. M. còn thâm trầm gợi lại một câu thơ của một học sinh Chu Văn An thưở ấy (nay đã là một ngòi bút góc cạnh) mà tôi có lần đọc trong buổi chia tay với các em “Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, thì xa xôi biết mấy cũng lên đường, Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương” dường như để trách khéo tôi về những “dụ dỗ hùng biện”. Không hiểu liệu những “hùng biện dụ dỗ” ấy có len lỏi chút nào vào trong lực hút thôi thúc chàng trai M. dấn thân vào cuộc chiến đấu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” dưới mưa bom bão đạn trong suốt quãng đời tuổi trẻ cháy bỏng ngọn lửa lý tưởng, để rồi may mắn nguyên vẹn trở về Hà Nội và ngồi cạnh tôi hôm nay.
Sẵn đà, tôi chân tình hỏi thẳng M. và những học sinh cũ từng nghe tôi hơn 60 năm trước đây: “Tôi vẫn muốn tự vấn bằng một câu Kiều, “nghĩ mình công ít tội nhiều”, xin được hỏi thật các em, sau bao nhiêu trải nghiệm trên đường đời, các em nhìn nhận những điều tôi từng dạy buổi ấy đã gieo vào trong các em những mầm xanh hay là những nấm độc, công bằng và thẳng thắn hơn, mầm xanh có lan tỏa hay nấm độc đã lấn át?”.
Hình như vẫn là M., nay là vị đại tá nghỉ hưu, đang chăm sóc một trang trại ngoài đê sông Hồng đã ân cần mời tôi và các bạn lần sau sẽ gặp mặt tại trang trại của mình. Vẫn một thái độ sòng phẳng và thẳng thắn, M. trả lời tôi: “Thầy ạ, mặc dầu đến nay em nghĩ rằng các nhà cầm quyền cộng sản không thể tiếp tục tồn tại vì sự hư hỏng và thoái hóa đã đến ngưỡng, họ đã phản bội lại sự nghiệp của đất nước, của chính chúng em, những người đã dấn thân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Thế nhưng, chúng em vẫn trân trọng những gì thầy dạy chúng em buổi ấy mà theo em, đó là những giá trị đích thực của mỗi đời người. Những cái đó thì chúng em luôn trân trọng giữ gìn. Hơn nửa thế kỷ với biết bao những biến động, cái gì đã là giá trị đích thực của một đời người gắn liền với những hoài bão cao đẹp của tuổi trẻ thì vẫn là cái đáng quý nhất”.
Tôi hiểu rằng, lần trở về Thủ đô của những học sinh Chu Văn An Hà Nội lần này không còn hoành tráng với “năm cửa ô đón chào” với “trùng trùng quân đi như sóng” mà mỗi người lính dày dạn phong sương lại về lại với những thân phận và nét dáng riêng của từng cảnh ngộ. Họ nói nhiều hơn sự may mắn của số phận, để hôm nay được ngồi lại với nhau trong căn phòng ấm cúng này khi mà phần lớn đồng đội của họ đã nằm lại cùng núi rừng Trường Sơn trùng điệp hay giữa những cánh đồng mênh mang sông nước của chiến trường miền Tây nơi tận cùng đất nước.
Tiếp lời M., Q. Ng. sâu lắng và nhỏ nhẹ nhắc lại những kỷ niệm mười năm trên chiến trường của “Người con trai Hà Nội”, tác phẩm cùng tên của anh. Khoác balô lên đường năm 1965, vượt Trường Sơn vào chiến trường, có mặt giữa ác liệt của mặt trận Sài Gòn Mậu Thân 1968, có lúc đóng sát biên giới Campuchia, rồi chuyển về Miền Tây và cuối cùng là trong đội hình hành quân của quân đoàn 4, vượt qua ngã tư Bảy Hiền, ngã ba Bà Quẹo, theo đường Trương Minh Giảng tiến vào trung tâm Sài Gòn. Anh viết trong cuốn sách nhỏ tặng tôi: “Lò lửa chiến tranh như một phép thử để khẳng định phẩm chất con người… Chiến tranh không phải là “ngày hội” và đường ra trận không phải “đẹp lắm” như lời một bài hát. Ấn tượng sâu sắc trong Quang ngày chiến thắng là mình đã rất may mắn khi còn được trở về Hà Nội… cùng vói nó là nỗi trăn trở về những đồng đội đã ngã xuống, mãi nằm lại ven đường ở mọi miền đất nước… trở về cuộc sống đời thường nhưng Quang không thể quên đi quá khứ, một quá khứ hào hùng oanh liệt của một thế hệ thanh niên Hà Nội từng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
Đang sâu lắng, nhỏ nhẹ, giọng nói của Q. Ng. bỗng đanh lại gay gắt khi nói về những giá trị bị băng hoại đang làm ô uế hình ảnh của những người đã quyết tử để cho tổ quốc quyết sinh ấy. Nghen ngào nhắc đến hình ảnh B., bạn anh, người bị sốt rét ác tính nằm lại trong rừng sâu, khi đồng đội tìm thấy tưởng đã chết nên phải bó lại trong tấm ni lông lúc nửa đêm nhưng chưa kịp chôn, sáng ra B bỗng nhiên tỉnh dậy, giờ đây B. đã bước vào tưổi 70 đang phải chiến đấu với những di chứng của những cơn sốt rét rừng tái phát. Nói đến B. cũng là về mình từng chung cảnh ngộ của B. nhưng anh không nhắc đến.
Tôi nghe trong anh nỗi đau của người từng đem máu của mình để đổi lấy tự do cho cả một thế hệ, cho cả một dân tộc. Và vì là nỗi đau từ trong tim của người đã dấn thân, đã đổ máu cho một sự nghiệp đang bị phản bội cho nên nó rất khác với sự hả hê vênh váo trong trào lưu chửi rủa mang tính thời thượng của một số ít những người từ lâu đã đứng ngoài cuộc, chưa hề đổ một giọt máu cho Tổ quốc mình nay đang huyên hoang tự phong cho mình là đã sáng suốt đi trước thời đại! Điều ấy không lạ. Trong ánh chiều tà của một thể chế đang lụi tàn, những điều ấy khó tránh khỏi. Cảnh chợ chiều với “hàng quán người về nghe xáo xác, nợ nần năm hết hỏi lung tung” giữa cơ man là rác rưởi níu bước chân đi cũng là chuyện thường tình. Bỗng trong đầu tôi bật ra một liên tưởng về “tiếng chim hót trong bụi mận gai” và “tiếng chim bìm bịp đang len lỏi nơi bụi rậm”.
“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” trong tác phẩm cùng tên của Colleen McCullough nhắc lại truyền thuyết “về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”! Đồng thời giữa bụi rậm lại còn có con chim bìm bịp trong truyện cổ tích Việt Nam, cứ hay chui rúc hết bụi cây này sang bụi cây khác để tìm lại một quả tim đã bị ném đi. Đó là trái tim của một tướng cướp quyết từ bỏ cuộc đời tội lỗi đã tự xẻ ngực móc trái tim để trao cho một nhà sư với lời khẩn cầu được dâng lên đức Phật. Nhà sư nhận lời nhưng trên đường đến đất Phật thì trái tim đã bốc mùi hôi nên đã ném vào bụi rậm. Khi gặp được thì đức Phật lại hỏi về trái tim của tên cướp và nhà sư phải quay trở lại để tìm nhưng không sao tìm được nữa. Con chim bìm bịp là hóa kiếp của nhà sư đã phản bội lời nguyền. Phải chăng vì vậy mà bìm bịp có tiếng kêu rất buồn. Người ta chỉ nói bìm bịp kêu chứ không nói bìm bịp hót. Cũng có khi người ta dùng tiếng kêu đó như chim mồi để bẫy những chim non khờ dại! Cả hai cũng đều là chim cả đấy thôi cho dù đây chỉ là trong truyền thuyết! Nhưng phải chăng cái lõi của truyền thuyết lại là sự thật lịch sử mà nhiều thế hệ đã gửi vào đó tâm tình và khát vọng của chính họ?
Sự liên tưởng về biểu tượng hai tiếng chim đã đến với tôi khi tôi mông lung nghĩ về dân tộc mình phải “chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại” để có thể tồn tại và phát triển trong trường kỳ lịch sử đầy máu và nước mắt. Để có được tiếng hót khiến cho “cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười” com chim trong truyền thuyết ấy phải đổi bằng tính mạng của chính mình. Nếu hai tiếng Việt Nam được thế giới biết đến, và có một thời đoạn khi đi ra nước ngoài người Việt Nam được thân ái đón nhận thay vì cái cảm giác tủi hổ hiện nay, là nhờ vào cái gì nếu không phải là đã dám đứng lên chống lại các thế lực ngoại xâm luôn lớn hơn mình gấp bội và quật ngã chúng. Cái gọi là “lương tâm thời đại” là gì nếu không phải là ý chí quật cường, dứt khoát không quy phục trước mọi thế lực hiếu chiến và bành trướng, sớm nhận ra cái quyết định sự tồn tại của một quốc gia là nội lực dân tộc được phát huy lên những nấc thang cao nhất chứ không thể là sự lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào, bất cứ ý thức hệ nào. Đó là điểm quy chiếu để nhìn nhận và phân tích những sự kiện lịch sử.
Những cảm tính thời thượng hay những thiên kiến xuất phát từ những cảnh ngộ riêng tư nên đã mất tính khách quan khi nhìn nhận những thời đoạn, những sự kiện đã qua mà đặt chúng vào trong tính cụ thể lịch sử. Điều ấy sẽ dễ gây ra những ngộ nhận. Đáng sợ hơn là những ngộ nhận ấy lại theo “cơ chế lây nhiễm chứ không theo cơ chế suy luận” để đến với “đám đông”, như đã dẫn ra ở trên, sẽ đưa tới những hệ lụy khó lường. Trong đó, có những hành vi tự phát thường quên khuấy mất câu thành ngữ “đã không giúp tay chèo, đừng lấy chân chặn nước”!
Tỉnh táo nhìn lại tiến trình lịch sử, cơ man là những quanh co khúc khuỷu, vô vàn những sai lầm, vấp ngã, nếu không có một điểm quy chiếu là những hành vi lịch sử ấy có thúc đẩy lịch sử đi tới hay không, lòng dân có thuận theo hay không thì sẽ khó có được cái nhìn đúng đắn về lịch sử. Chẳng thế mà Voltaire chua chát nói “tội ác có anh hùng của nó, sai lầm có tử sĩ của nó… thường những kẻ côn đồ giống các vĩ nhân”! Không hiếm những tội đồ của lịch sử từng huyênh hoang về vai trò của chúng khi chúng ăn may nhận được một món hời từ xương máu của nhân dân góp lại. Nhưng rồi, sớm hay muộn, sự sòng phẳng của lịch sử sẽ đưa chúng về lại đúng vị trí của chúng. Điều này không chỉ riêng lịch sử dân tộc ta, lịch sử của rất nhiều quốc gia dân tộc đều như vậy. Thật thú vị khi chúng ta đang chứng kiến những biến động dữ dội của thế giới, khắp các châu lục, từ những siêu cường từng, hoặc đang muốn làm mưa làm gió với những khát vọng không kém ngông cuồng, cho đến những quốc gia dù lãnh thổ và dân số nhỏ bé, vẫn đang nuôi cho mình những khát vọng mãnh liệt và chính đáng tự khẳng định chính mình. Những thách đố mãnh liệt của những biến động ấy đang tạo ra những cơ may cho dân tộc nếu những nhà cầm quyền dám chọn con đường sống khôn ngoan trong những toan tính vốn quá hạn hẹp và quá lạc điệu hiện nay. Mọi nguồn lực nội sinh của dân tộc phải được huy động vào việc xoay chuyển cục diện đất nước thay vì khai thác nó để phục vụ cho những toan tính thanh toán đối thủ, tranh đoat quyền lực bằng những mưu ma chước quỷ trong các thủ đoạn mị dân và trấn áp.
Nước nào rồi cũng tính toán trên lợi ích của chính họ. Để không là con tốt trên bàn cờ của các cuộc chơi giữa các nước lớn, phải biết cách tồn tại và phát triển bằng chính bản lĩnh của dân tộc thể hiện trong nhận thức, ý chí và bản lĩnh của con người Việt Nam. Chỉ có điều, khi nói đến con người thì luôn luôn là những con người cụ thể, “con người này” theo cách diễn đạt của Hégel, không hề là con người trừu tượng. “Con người này” chính là những “con người nhỏ bé” tôi đang nói đây. Những “con người này” với trải nghiệm mà những “người con trai Hà Nội” như tên gọi của một tác phẩm có dáng dấp tự truyện, những học sinh Chu Văn An đã dấn thân trong mưa bom, bão đạn trong suốt chặng đường trai trẻ nay ngồi cạnh tôi đây, đang gọi dậy trong tôi niềm xúc động của lòng biết ơn nhưng cũng nhói trong tim nỗi đau mất mát.
Quả đúng là “sự tàn bạo của tiến bộ được gọi là cách mạng. Khi chúng kết thúc, ta nhận ra loài người đã bị đối xử thật thô bạo, nhưng có một sự thật cần phải thấy rõ, vì vậy mà nhân loại đã tiến lên”. Chẳng phải là đại văn hào Pháp V. Hugo đã thẳng thắn chỉ ra sự nghiệt ngã của con đường mà lịch sử phải đi qua như vậy đó sao!
Anh Việt Phương bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ Kỷ niệm 50 năm đoàn quân Nam tiến.
Hãy trả về cho lịch sử sự sòng phẳng và nghiêm cẩn phán xét khi đã có độ lùi cần thiết của thời gian. Chính “thời gian đã tích tụ vô vàn mảnh vụn của niềm tin, ý tưởng, trên đó nảy sinh tư tưởng của một thời đại. Chúng không bỗng dưng nảy mầm, nhú hoa; những chiếc rễ của mỗi tư tưởng đều cắm sâu vào một quá khứ dài lâu. Khi chúng đơm hoa, thời gian đã chuẩn bị sẵn cho mùa nở, và bao giờ cũng phải đi ngược về quá khứ để hiểu sự ra đời của chúng”. Sự dấn thân của những “người con trai Hà Nội” như Q.Ng., như Tạ M., H.B., Mai X. Tr, Đỗ X.V. đang ngồi cạnh tôi đây và bao học sinh Chu Văn An khác mà tôi chỉ được nghe tên như anh hùng phi công Vũ Văn Thiều, bác sĩ Đặng Thùy Trâm… đã tiếp bước những “học sinh trường Bưởi”, những người góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám và những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong thế kỷ XX mà tên tuổi của họ đã từng rạng rỡ trong sử sách.
Trong chút riêng tư, tôi muốn nói đến một học sinh trường Bưởi mà một học sinh Chu Văn An ngồi cạnh tôi hôm nay vừa nhắc đến: anh Việt Phương, người luôn có mặt trong những dịp kỷ niệm lớn của ngày thành lập trường, nhưng lần kỷ niệm 110 năm vừa rồi đã không có mặt vì anh đã là người thiên cổ. Chúng tôi thiết tha nhớ đến sức truyền lửa của con người ấy không chỉ với những buổi nói chuyện của anh mà bằng chính nhân cách và sự nghiệp của anh. Rời trường Bưởi lúc 17 tuổi tham gia hoạt động cách mạng bị Pháp bắt bỏ tù, tháng 9.1945 ở trong đoàn quân Nam tiến, là một cán bộ chỉ huy trẻ nhất, bí thư Đảng ủy của trung đoàn chiến đấu tại mặt trận tại Nam bộ được cử về lại Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để nhận ý kiến chỉ đạo mà sau này khi gặp lại, Đại tướng vẫn chưa quên người tên người chỉ huy trẻ tuổi ấy và yêu cầu thử đứng chào xem có còn nhớ đến tác phong quân nhân hay không. Đây là một chi tiết cảm động mà trong một lần vui chuyện giữa mấy anh em Việt Phương đã kể lại.
Việt Phương là thần tượng của lớp học sinh sinh viên Hà Nội buổi ấy, trong đó có những người đang ngồi cạnh tôi đây được nghe anh nói và hôm nay xúc động nhắc lại. Sau lần được cùng anh đến dự kỷ niệm 100 năm trường Bưởi tôi gửi cho anh tấm ảnh chụp hai anh em ở sân trường, anh đã chép gửi tặng tôi bài thơ trong đó có những câu: “Người ơi/ chẳng dám nói gì/ Nhờ cây nhờ cỏ thầm thì giùm cho… Nhờ niềm vui ở sân trường/ Nỗi đau dọc những chặng đường dấn thân/ Trời như bảng lảng bâng khuâng, Đất như phóng khoáng lâng lâng gió lùa/ Mưa bay trong nắng giao mùa/ Người ơi / xin gửi giọt mưa nhắn lời” mà rồi sau đó trên tập thơ xuất bản năm 2013 anh gửi tặng tôi có in.
Tương Lai, về thăm lại ngôi nhà đã ở những năm 1955-1959 ở góc trường Chu Văn An, sát bờ Hồ Tây.
“Niềm vui ở sân trường” của Việt Phương từng được nuôi dưỡng trong những chặng đường dấn thân của lứa đàn em học sinh trường Bưởi – Chu Văn An sau này như tôi đọc thấy từ hồi ức của Quang trong tác phẩm “Người con trai Hà Nội” anh đã tặng tôi: “Trở lại thăm trường, một trong những mong ước của anh ngày còn ở chiến trường. Vẫn con đường Thụy Khuê quen thuộc và cánh cổng trường xưa… Đứng lặng một lúc lâu giữa sân trường rồi Quang men theo ra bờ hồ Tây, nơi có nhà bát giác cổ kính được xây theo kiểu Pháp nhìn xuống bờ hồ nay được xây bao lại… để đứng đó khá lâu với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn trong gió chiều lồng lộng”. Đã từng bồi hồi đứng tại đó mỗi lần có dịp về thăm lại chốn xưa, một góc của trường Chu Văn An sát mép nước Hồ Tây, tôi cảm nhận từ đáy lòng những kỷ niệm buồn vui đó của nhiều thế hệ học sinh kế tục truyền thống trường Bưởi. Gần gũi nhất là thế hệ Việt Phương, người anh lớn và tiếp đó, thế hệ Đặng Quang Ngọc, Tạ Minh, Đỗ Xuân Vinh, Nguyễn Gia Hảo và rất nhiều người khác nữa mà tôi không thể kể tên ra đây, những người học trò cũ thân thiết đã sẻ chia với tôi những niềm vui và nỗi buồn, những khắc khoải suy tư về vận mệnh đất nước của những trái tim luôn hòa cùng nhịp đập với từng bước đắng cay hay hào hùng của những tuổi trẻ luôn tiến về phía trước, cống hiến hết mình cho độc lập và tự do của tổ quốc. Rất nhiều người đã ngã xuống cho sự nghiệp cao cả ấy.
Những sẻ chia đó không chỉ đến từ những học sinh Chu Văn An ngồi bên tôi trong cuộc gặp cảm động mà tôi đang kể lại. May mắn cho tôi là còn nhiều học sinh cũ đồng cảm với những dằn vặt suy tư của tôi thường đến thăm tôi, hoặc qua thư từ, nhắn gửi. Xin chỉ được nói đến mấy cuộc gặp cảm động nhân ngày 20.11 năm nay, 2018. Ngày 19.11, Đại tá S., người học sinh cũ từng đi suốt cả chặng đường dài chiến đấu đến tận hôm nay, từ Biên Hòa về, mang theo một chậu lan, rủ ba bạn khác đến thăm thầy, vẫn còn nhắc lại lời nhận xét của tôi dạo ấy. Cô Ph. vừa cười vừa nhỏ nhẹ chêm vào, như muốn tô điểm thêm cho lời nhận xét mà ông bạn S. của mình vừa nhắc lại: “Thầy ơi, cậu ấy là người hét ra lửa. Liều lắm đấy thầy ạ”.
Còn Đ. thì như thường lệ đúng ngày 20.11 đến với một chậu phong lan. Và vì thời gian của một Chủ tịch Hội đồng quản trị một trường đại học lớn đang quá bận rộn trong ngày này, anh chỉ vắn tắt trả lời tôi: “Năm nay 72 rồi, công việc của trường em điều hành 20 năm, nay đã tạm ổn, toàn bộ sức lực em dồn hết cho việc hoàn thành một cụm nhà trường vừa được xây dựng theo thiết kế và chỉ đạo của một kiến trúc sư có tên tuổi từ Pháp về gồm ba khu vực đại học, trung học và tiểu học – mầm non theo tiêu chuẩn quốc tế ở Sài Gòn, cùng với một công trình xây dựng một trường đại học trên khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội vừa được phê duyệt. Tâm nguyện của em là khi nằm xuống sẽ để lại được cho đời hai cơ sở trường học ở hai đầu đất nước. Em muốn mời thầy đến thăm cơ sở mới xây của em để thầy vui”. Rời quân ngũ sau quãng đường dài đi B, tiếp đó, cùng với những hoạt động trên lĩnh vực tin học, điện tử, Đ. dồn toàn bộ sức lực cho công việc giáo dục. Ý tưởng lớn của anh từng động viên cổ vũ tôi rất nhiều, vừa tự hào về một người học trò cũ, vừa thầm lặng cám ơn người học trò cũ đã tiếp thêm sinh lực cho tôi.
Học sinh cũ về thăm lại thầy xưa nhân ngày 20.11.2018 vừa rồi.
Đúng, sinh lực mới! Những ngày bệnh không viết nổi “Mênh mông thế sự” cho dù chỉ “để gió cuốn đi”, đầu óc nặng trĩu những day dứt suy tư về thời cuộc với những biến động dồn dập đầy thách thức và ấp ủ những đột biến đang mở ra những cơ hội mới, càng thấy mình quá kém cỏi vì chẳng làm được gì, chẳng lẽ lại tự an ủi “lực bất tòng tâm”! Và rồi, đúng dịp may mắn được gặp lại những học trò cũ, đánh thức những hoài niệm, gợi dậy những niềm vui để giữa dòng hoài niệm ấy mà tìm lại được một nguồn sinh lực mới.
Tôi thầm đọc câu thơ Việt Phương trong tập thơ cuối cùng anh tặng tôi mà tôi có dịp nhắc lại trong lần gặp gỡ vừa rồi với những học sinh cũ, những đồng chí của tôi:
Thời thế xấu đến thành ra tốt
Ở nơi đâu có một
Chỉ một người
Không phải tướng mà đang là con tốt
Thản nhiên bơi ngang ngược giữa dòng xuôi
Cát bụi chuyển sự đời lên sự sống
Lửa bừng bừng cháy bỏng chân trời xa.
Ngày 22.11.2018
T. L.
Tác giả gửi BVN