Trung Quốc củng cố ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Phương Thảo chuyển ngữ

Trung Quốc luôn có ảnh hưởng đáng kể ở Đông Nam Á. Gần đây, khi phương Tây hướng sự chú ý đến nơi khác, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố kinh tế và chính trị của mình trong khu vực.

Con sông dài nhất Đông Nam Á chảy qua 4.300 km (2.672 dặm) trước khi đổ vào Thái Bình Dương, từ trên cao nguyên Tây Tạng đến vùng đồng bằng ven biển Campuchia và Việt Nam. Ở Trung Quốc sông này được gọi là Lancang – Lan Thương; ở các nước hạ lưu là “Mẹ của Nước”, hoặc sông Mekong, nguồn sống cho toàn bộ khu vực. Nước sông được dùng để tưới ruộng lúa và rừng đước và cung cấp hàng triệu nước uống, thực phẩm và năng lượng cho hàng triệu người.

Ở phương Tây, từ Mekong gợi lên cả những hình ảnh kỳ lạ và những ký ức lịch sử đau đớn. Thực dân châu Âu. Lính Mỹ. Ngôi đền Angkor Wat. Các đường phố Sài Gòn. Cuộc chiến tranh rừng rậm những năm 1960. Máy bay trực thăng và tàu tuần tra.

https://3.bp.blogspot.com/-9N-dabAU8S8/W8djvXekvnI/AAAAAAAACEs/sWtN0gyiUr04oBcsNwpnj1HQ0iPEwBRdwCLcBGAs/s640/image-1349237-860_poster_16x9-ncds-1349237.jpg

Một chiếc thuyền đánh cá của người Campuchia trên sông Mekong ở Phnom Penh, Campuchia.

Tuy nhiên, ở châu Á, tương lai kinh tế của toàn bộ khu vực phụ thuộc vào sông Mekong. Con sông nối năm quốc gia rất khác biệt nhau: Việt Nam kinh tế mạnh mẽ, hàng xóm cảnh giác Campuchia, Thái Lan tự tin, Myanmar bị cô lập chính trị và Lào kém phát triển.

Đồng thời, sông Mekong kết nối năm quốc gia này với Trung Quốc, hàng xóm khổng lồ ở phía Bắc. Đối với Trung Quốc, con sông là một điểm triến vào khu vực họ đã cho xây đập và các nhà máy điện, đường xá và đường sắt, bến cảng và nhà máy. Ở Đông Nam Á này, một thế giới đang hình thành, một thế giới mà Trung Quốc nắm quyền kiểm soát ở mức độ lớn hơn nhiều so với ở châu Phi, châu Âu hay thậm chí Trung Á.

Trên toàn thế giới, Bắc Kinh đang bận rộn đảm bảo tiếp cận nguyên liệu thô và hành lang thương mại và mở ra các thị trường mới. Cú đẩy mạnh nhất cho đến nay là sáng kiến Một vành đai một con đường, chương trình phát triển rộng rãi ban đầu được coi là kết hợp Á Âu – Eurasia nhưng đã vươn đến những ngóc ngách khác trên thế giới.

Ở một số nước, như Sri Lanka, Pakistan hay Ethiopia, sự hiện diện của Trung Quốc tràn ngập. Ở những nơi khác, như Mỹ Latin, sự mở rộng của Bắc Kinh là chậm chạp nhất.

Nhưng không có khu vực nào khác chịu ảnh hưởng của Trung Quốc nhiều như ở các quốc gia dọc theo sông Mekong. Một phần là do sự gần gũi về địa lý và văn hóa của họ với Trung Quốc, với các liên kết lịch sử có thể có từ hàng trăm năm. Nhưng đó cũng là một kế hoạch chiến lược, có hệ thống lớn hơn bất kỳ dự án nào.

Một cường quốc toàn cầu mới đang trỗi dậy dọc sông Mê Công, có khả năng thích nghi và linh hoạt. Cường quốc này điều chỉnh các điều kiện chính xác của mỗi quốc gia, từ tình trạng phát triển đến các nhu cầu kinh tế. Cường quốc đó cân nhắc hệ thống chính trị của các nước cùng với các ưu tiên ngoại giao và quân sự của họ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã làm như thế nào? Làm thế nào mà tài nguyên và khả năng độc đáo của Trung Quốc có thể củng cố ảnh hưởng của họ? Giả sử không có cuộc khủng hoảng kinh tế hay chính trị làm gián đoạn kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, các quốc gia và khu vực khác sớm muộn gì cũng sẽ phải đối mặt với những câu hỏi tương tự.

Lào: bẫy nợ

Đoạn đường từ biên giới Trung Quốc đến Muang Xay, thị trấn lớn đầu tiên ở bắc Lào đi mất 3,5 giờ đòng hồ mặc dù tuyến đường này chỉ dài 100 km. Con đường đi qua những ngôi làng nhỏ và rừng cao su màu xanh non khi gà và lợn chạy băng qua đường. Vài ổ gà sâu như bồn tắm.

Con đường chạy lên chạy xuống, và từ hầu như ở mọi sườn núi, người ta có thể nhìn thấy công nhân xây dựng dưới thung lũng bên những cột trụ cầu. Các lỗ khoan phá vỡ những ngọn núi phía sau lưng họ.

Một công ty Trung Quốc đang xây dựng một tuyến đường sắt dài 414 km tới thủ đô Vientiane của Lào. Đây là một dự án công nghệ đầy tham vọng – một nửa số đường ray sẽ đi qua các đường hầm, trong khi 60 km đi qua cầu – nhưng không ai nghi ngờ tuyến đường sẽ đi vào hoạt động theo kế hoạch vào năm 2021. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giảm thời gian đi từ biên giới Lào-Trung Quốc đến Muang Xay xuống còn 25 phút. Đến Vientiane, sẽ mất khoảng ba giờ.

https://1.bp.blogspot.com/-caiSZT6V42U/W8dj6b9pyzI/AAAAAAAACEw/dCde5NAcci8ceEPQj4ucMl8IeISkWCL8wCLcBGAs/s640/image-1349339-640_panofree-fcvf-1349339.jpg

Thành phố Muang Xay bùng nổ nhờ sự hiện diện của các công nhân xây dựng. Khách sạn được đặt kín. Xe hơi SUV Trung Quốc xếp hàng trên đường phố.

Ở vùng ven thành phố, nơi sẽ xây ga xe lửa có một khu định cư của công ty đường sắt. Cờ Lào bay trong gió bên cạnh cờ đỏ Trung Quốc. Theo kỹ sư trưởng Lin 30 tuổi, toàn bộ tuyến đường được chia thành sáu giai đoạn xây dựng. Chỉ riêng văn phòng của ông đã tuyển dụng 4.000 công nhân Trung Quốc. “Vài trăm người Lào cũng làm việc ở đây”, Qiu Jixin, 44 tuổi, lãnh đạo Đảng ở đây nói. “Nhưng không phải về mặt xây dựng. Họ giúp vận chuyển hoặc ở trong nhà bếp”.

Qiu nói, là lãnh đạo Đảng, ông chịu trách nhiệm về “giáo dục tư tưởng và chống tham nhũng”. Ngành đường sắt của Trung Quốc nổi tiếng về quỹ đen. Dự án Lào do Bộ trưởng Bộ Đường sắt khi đó Liu Zhijun khởi xướng vào năm 2009. Ông này đã bị tù nhiều năm.

Tuy nhiên, tiện ích của dự án đường sắt là điều hiển nhiên. Lào, nước nghèo nhất của tiểu vùng sông Mekong, có cơ sở hạ tầng tồi tệ. Người dân thường tử vong vì những căn bệnh tương đối nhẹ vì thường mất nhiều thời gian để vượt qua những con đường xấu kinh khủng và đến được bệnh viện kế tiếp. Hành lang đường sắt mới có thể trở thành xương sống của một mạng lưới giao thông giúp Lào bắt kịp những người hàng xóm.

Nhưng bằng cái giá nào? Khi họ lần đầu tiên khởi công dự án vào năm 2016, các nhà hoạch định ước tính chi phí khoảng 6 tỷ đô la (5,2 tỷ euro). Vào thời điểm đó có giá trị bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Lào – một sự chênh lệch quá lớn, ngay cả so với các dòng tín dụng gây tranh cãi mà Trung Quốc đã trao cho các nước khác. Các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới nghi ngờ khả năng kinh tế của dự án.

Để giảm tác động đối với ngân sách, Chính phủ Vientiane cho đơn vị thi công Trung Quốc thuê đất: 5 mét ở hai bên đường ray, cộng với 3 kilômét vuông xung quanh 10 nhà ga xe lửa dự định. Đó là một mô hình có thể được thấy ở nhiều quốc gia mà Trung Quốc xây dựng đường xá, đường sắt và bến cảng: Bắc Kinh đảm bảo quyền sử dụng đất trong trường hợp người vay không thể trả nợ.

Ở Lào, Bắc Kinh tự thể hiện là một loại nhà thầu có thể giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Đồng thời, Trung Quốc tạo ra sự phụ thuộc mà từ đó quốc gia đối tác không thể tự giải phóng sớm bất cứ lúc nào. Lào đã bị mắc trong bẫy nợ của Trung Quốc.

Thái Lan: phương pháp kiềm chế

Có thể phải mất nhiều thập kỷ, nhưng nếu Trung Quốc làm theo cách này, tuyến đường sắt đến Lào sẽ không dừng ở Vientiane. Với Bắc Kinh, đây là một phần của một dự án lớn hơn, một mạng lưới vận chuyển châu Á có thể đến một ngày nào đó đi đến tận Singapore và bao gồm không chỉ đường bộ và đường sắt mà còn cả một con kênh đào lớn nữa.

Tại thủ đô Bangkok Thái Lan, những người có ảnh hưởng ủng hộ tham vọng của Bắc Kinh, một số người trong đó là thành viên của Hiệp hội Kinh tế và Văn hóa Thái Lan -Trung Quốc (TCCEA). Làm thể nào mà một hiệp hội này được hình thành 40 năm trước, điều này có thể được giải thích bằng một câu duy nhất, theo tổng thư ký của nó, Paisal Puechmongkol: “Sau khi Mỹ thất bại trong Chiến tranh Việt Nam, Thái Lan tìm kiếm đồng minh chống lại Việt Nam”. Trung Quốc phù hợp với bối cảnh đó.

Một trong những dự án mà bạn bè của Bắc Kinh ở Thái Lan đang hướng tới đã chiếm thời gian của các nhà chiến lược địa chính trị trong nhiều thế kỷ: Kênh Kra, đường thủy nhân tạo kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

https://3.bp.blogspot.com/-qMtp_VV56e0/W8dj_EQQ1TI/AAAAAAAACE0/95ByTQwyGfwMXHo-r2AfLzz_hQXvIfQlwCLcBGAs/s640/image-1349239-640_panofree-xivy-1349239.jpg

Một đồn điền chuối của Trung Quốc ở Lào

Hiện tại, giao thông hàng hải giữa hai đại dương – bao gồm khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc – đi qua eo biển Malacca. Nhưng eo biển đó đang gần tới giới hạn. Có gần 100.000 tàu thuyền đi qua eo biển này hàng năm. Trong một vài năm tới, sẽ đạt công suất tối đa 120.000 tàu. Khả năng xảy ra tai nạn hoặc xung đột quân sự với Hoa Kỳ có thể chặn nút cổ chai này là điều lo ngại cho các chính trị gia Trung Quốc lâu nay. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gọi đó là “tình trạng tiến thoái lưỡng nan Malacca”.

“Kênh Kra sẽ giải quyết vấn đề này và các vấn đề khác”, Pakdee Tanapura, một nhà kinh tế của TCCEA nói. Cắt ngang eo đất Kra, nơi mà Thái Lan chỉ rộng 40 km, sẽ không chỉ tạo ra một đường thủy mới. Còn sẽ tiết kiệm cho các công ty vận chuyển hàng trìệu chi phí nhiên liệu.

Pakdee đoán rằng sẽ mất khoảng tám năm và 20 tỷ đô la để xây dựng kênh đào. Các mẫu thiết kế ông trình bày mang tất cả các điểm nổi bật của các công ty xây dựng Trung Quốc. Thái Lan và Trung Quốc được biết là đã ký một tuyên bố về ý định này, nhưng Pakdee nói Trung Quốc khéo léo chỉ vận động hành lang sau lưng cho dự án.

Có ít nhất hai ý kiến chống lại dự án. Một, bất kể vị trí nào của con kênh, nó cũng sẽ tách rời miền bắc Phật giáo của Thái Lan khỏi phía nam khiêm tốn với chủ yếu là người Hồi giáo. Điều này sẽ đặt ra một vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc nội của Thái Lan

“Ngoài ra, Ấn Độ cũng e ngại con kênh đào này”, Paisal nói. New Delhi xem xét tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực một cách thận trọng và Bangkok phải tính đến điều này.

Kế hoạch là để tiến lên phía trước nhưng phải cẩn thận. Chính phủ Ấn Độ, cũng như Tokyo và Seoul, sẽ được tư vấn và đưa vào dự án. Hầu hết dầu nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đi qua eo biển Malacca tắc nghẽn.

Cuộc tranh luận về kênh Kra làm lộ ra một khía cạnh quyết đoán hiếm thấy của Trung Quốc. Bắc Kinh hỗ trợ dự án một cách rõ ràng và sẽ hưởng lợi cực kỳ lớn từ việc này. Nhưng họ biết rằng nó có một đối tác tự tin và kinh tế mạnh ở Thái Lan rằng họ không thể ăn hiếp được như Lào – hoặc Campuchia.

Campuchia: tác động chính trị

Có ba thứ bị cấm trong sòng bạc ở Sihanoukville, một thành phố nghỉ mát ven biển ở miền nam Campuchia: vũ khí, ma túy và rượu. Để đảm bảo rằng khách hàng hiểu được các luật này được viết bằng tiếng Trung Quốc.

“Nếu tôi có quyền, tôi cũng cấm người Trung Quốc lái xe ẩu và cấm xây nhà chọc trời”, một tài xế ở Sihanoukville tên Chanly nói. “Tai nạn chết người xảy ra không ít. Tôi lo sợ cho vợ tôi bất cứ khi nào cô ấy leo lên chiếc xe. Và rồi còn cái này”, anh nói thêm, chỉ vào một trong số hàng chục tòa tháp cao 30 tầng dang dở biến trung tâm thành phố thành một công trường xây dựng lớn.

Được xây dựng vào những năm 1950 và được đặt tên theo cựu hoàng của Campuchia, Sihanoukville từ một thiên đường biển yên tĩnh đã trở thành “thuộc địa Trung Quốc”, như cách Chanly đã gọi. Mỗi năm, số lượng khách du lịch Trung Quốc trong thành phố tăng gấp đôi. Hầu hết họ chỉ đến để đánh bạc.

“Sihanoukville không còn là Campuchia nữa”, Vannarith Chheang thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia tại thủ đô Phnom Penh nói. “Đại sứ quán Trung Quốc đang bận rộn suốt ngày đêm với việc cải thiện hình ảnh xấu của đất nước họ. Tám trong chín người Campuchia có ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc”.

Một người không có ấn tượng xấu về Trung Quốc là Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cầm quyền 33 năm. Trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng Bảy, ông đã khoe khoang trên trang Facebook của mình về việc có sự hỗ trợ của lãnh đạo Trung Quốc.

Hun Sen đã thắng cử, một phần nhờ vào Trung Quốc: Đại sứ Bắc Kinh đã tham gia một trong những sự kiện vận động của đảng cầm quyền và chiến dịch bầu cử quốc gia đã nhận được khoản đóng góp trị giá 20 triệu USD từ Trung Quốc. Vào tháng Tư năm 2017, Hun Sen đã giới thiệu một cuốn sách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đề nghị “các công chức, giáo sư và sinh viên” Campuchia đọc. Ngay trước cuộc bầu cử, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã đến Campuchia, gọi Campuchia là “người bạn trung thành” và hứa hẹn 100 triệu USD viện trợ quân sự.

Chheang sử dụng một lập luận chính trị để giải thích mối quan hệ chặt chẽ của Campuchia với Trung Quốc: Quốc gia Đông Nam Á này đã cảm thấy bị đe dọa bởi hai nước láng giềng sát bên là Thái Lan và Việt Nam. “Theo lối này, Trung Quốc là một đồng minh tự nhiên”, ông nói. “Hơn hết, phương Tây không thực sự biết họ muốn gì trong khu vực này”. Ông nói Trung Quốc đang phát triển nhanh đến mức Mỹ và châu Âu khó có thể phát triển các chiến lược mới đủ nhanh để đối phó với cường quốc toàn cầu mới. Các nước nhỏ ở Đông Nam Á có ít sự lựa chọn nhưng phải cúi đầu trước thực tế.

Không ở quốc gia Mekong nào khác mà Trung Quốc không có ý chí chính trị mạnh mẽ và công khai như ở Campuchia. Các hành động của họ ở nước này cho thấy rằng điều kiện địa phương được họ xem xét – ngay cả khi đó là một cuộc bầu cử có vẻ dân chủ bề ngoài, điều vốn không thể có được ở Trung Quốc ngày nay.

Việt Nam: hiện diện kinh tế bằng bất kỳ mức giá nào

Ngay trước khi đi vào Biển Đông, có hai cây cầu lớn bắc qua hai nhánh chính của sông Mekong. Một cây cầu Việt Nam xây chung với người Nhật. Cầu kia được xây chung với người Úc.

Đối với Trung Quốc, không một quốc gia Mekong nào khác khó chế ngự được như nước láng giềng và cựu thù Việt Nam. Năm 1979, hai nước xã hội chủ nghĩa đã có một cuộc xung đột biên giới ngắn nhưng đẫm máu mà về cơ bản đó là một cuộc đấu tranh vì tính ưu việt trong khu vực sau sự biến động của Chiến tranh Việt Nam. Các mối quan hệ hai bên đã bất ổn kể từ đó.

Trung Quốc đang làm mọi thứ có thể để thiết lập sự hiện diện kinh tế ở Việt Nam. Tại Hà Nội, các công ty Trung Quốc đang xây dựng tuyến tàu điện ngầm trong khi ở bờ biển Đông Nam, một nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc sắp đi vào hoạt động. Hàng chục nhà máy dệt Trung Quốc đã mọc lên ở vành đai công nghiệp quanh Thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vẫn bùng nổ đều đặn. Vào tháng 6, hàng trăm người Việt Nam đã biểu tình chống lại luật có thể đảm bảo quyền thuê đất dài hạn của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc. Bốn năm trước, hàng ngàn người Việt Nam đã xuống đường để phản đối giàn khoan dầu của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào năm 2016, một nhân viên Hải quan đã viết từ “Fuck you” vào hộ chiếu của một du khách Trung Quốc – trên một trang hộ chiếu có bản đồ lưỡi bò ở vùng biển mà Trung Quốc và Việt Nam cùng tuyên bố có chủ quyền

“Ở Việt Nam, sự phản đối Trung Quốc không bao giờ xuất phát từ các chính trị gia”, Nguyễn Chí Tuyến, 42 tuổi, một người lên tiếng chỉ trích Chính phủ Việt Nam nói. “Về chủ đề đó, Chính phủ bị người dân thúc đẩy”.

Điều khiến anh e sợ về Trung Quốc không chỉ là quyền lực kinh tế và các tham vọng bành trướng. “Nỗi sợ lớn hơn của chúng tôi là mô hình độc tài của Trung Quốc, một nhà nước giám sát công nghệ tiên tiến”, Tuyến nói. Một trong những lãnh đạo của Đảng nhà nước Việt Nam cho mô hình đó là hấp dẫn, ông nói. “Chính phủ của chúng tôi còn lâu mới có thể liên tục theo dõi công dân của mình như Bắc Kinh. Nhưng ngay cả bây giờ tôi phải suy nghĩ kỹ về những người tôi gặp”.

Thật khó để nói liệu các mối quan hệ ý thức hệ giữa hai Đảng có đủ để cho họ vượt qua các mối quan hệ khó khăn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Bắc Kinh không có nhiều đòn bẩy khi tạo ảnh hưởng đến Hà Nội. Hai nước hợp tác chặt chẽ về mặt kinh tế. Nhưng với dân số 95 triệu người, một nền kinh tế khá lớn bao gồm một ngành du lịch mạnh mẽ, Việt Nam không hoàn toàn bất lực trước sức mạnh vượt trội của Trung Quốc.

Bởi vì Trung Quốc chưa đủ mạnh để thực thi các tuyên bố ở Biển Đông, họ gây áp lực gián tiếp lên Hà Nội. Ở đây, các khoản đầu tư lớn của Bắc Kinh tại Lào và Campuchia đang được đền đáp: Lào có đứng vị trí khá trung lập trong cuộc tranh luận về việc ai sẽ kiểm soát các đảo ở Biển Đông, trong khi Campuchia hoàn toàn đứng về phía Trung Quốc.

Việt Nam có các phương pháp gián tiếp của riêng mình để có được những gì họ muốn. Vào tháng 3, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, Hà Nội đã cho phép hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Việt Nam đi qua Biển Đông và nâng ảnh hưởng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Tín hiệu đã rõ ràng: Việt Nam đang tìm kiếm các đồng minh để bù đắp cho sự thống trị chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Myanmar: đi vào vùng trống

Một trong những bộ phim thành công nhất của Trung Quốc cho tới giờ là phim kinh dị tên “Điệp vụ Tam giác vàng” và dựa trên một câu chuyện có thật. Vào năm 2011, những tên cướp trên sông Mekong đã cướp hai tàu chở hàng của Trung Quốc và giết chết tất cả 13 thành viên phi hành đoàn. Các nhà điều tra đã xác định một ông trùm ma túy từ nước láng giềng Myanmar làm chủ mưu và cuối cùng bị dẫn độ sang Trung Quốc và bị hành hình. Kể từ đó, ngoài các cuộc tuần tra từ Thái Lan, Lào và Myanmar, cảnh sát Trung Quốc cũng đã thiết lập sự hiện diện ở hạ lưu sông Mekong. Và dù bốn quốc gia sông Mekong đi qua đã hợp tác dưới sự bảo trợ của Ủy ban sông Mekong, Bắc Kinh đã thành lập một tổ chức mới vào năm 2015 có Myanmar và Trung Quốc hiện cùng tham gia. Tổ chức đó được gọi là Hợp tác Lancang-Mekong.

Sự kiểm soát của Trung Quốc ở Đông Nam Á từ lâu đã vượt ra khỏi việc xây dựng các tuyến đường sắt, kênh đào, sòng bạc và các nhà máy điện. Dọc theo sông Mekong, sự hiển thị quyền lực của Bắc Kinh thể hiện rõ ràng các mục tiêu chính trị và chiến lược. Để đạt được điều đó, lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn sẵn sàng phá vỡ học thuyết hàng thập kỷ của họ về việc không tham gia vào các cuộc khủng hoảng chính trị của các nước khác.

Ví dụ, Bắc Kinh nhận thấy khi phương Tây từ bỏ thiện chí đối với lãnh tụ Myanmar Aung San Suu Kyi sau khi bà không lên án cuộc thảm sát dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya. Các chính trị gia phương Tây hầu như chưa đọc xong những bài phát biểu bày tỏ sự thất vọng của họ đối với người được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1991 khi Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp bà ở Bắc Kinh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất một kế hoạch ba giai đoạn làm giải pháp cho cuộc khủng hoảng và đề xuất Trung Quốc đóng vai trò là hòa giải – một sự kiện bất thường nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc.

Các nhà quan sát sự tham gia của Trung Quốc ở châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ Dương nhận thấy một khuôn mẫu: ở nơi các nước khác rút lui, Bắc Kinh đang nhanh chóng đẩy mạnh vai trò của mình. Điều đã xảy ra khi các nước thành viên EU và Ấn Độ quay lưng với Sri Lanka. Điều đó cũng xảy ra khi Saudi Arabia và Israel bị Mỹ xa lánh dưới thời Barack Obama. Và đang xảy ra ở Pakistan khi mối quan hệ của Washington với Pakistan bị ngừng trệ.

Khuôn mẫu này sẽ lặp lại ở Đông Nam Á – đặc biệt là bây giờ khi Châu Âu và Hoa Kỳ đang lún sâu trong các vấn đề của riêng họ, tăng khả năng có thể thiếu sự hiện diện tầm nhìn chiến lược cần thiết.

Không một quốc gia nào trên sông Mekong có nhà nước pháp quyền mạnh mẽ. Không quốc gia nào trong đó có nền dân chủ theo tiêu chuẩn phương Tây. Điều này không kém phần quan trọng đối với chế độ độc tài độc đảng ở Lào và Việt Nam so với các chế độ quân sự thống trị ở Thái Lan và Myanmar hoặc Campuchia ngày càng độc tài dưới sự lãnh đạo của nhà độc quyền Hun Sen.

Nhưng ở tất cả các quốc gia này, có những người lo sợ một trật tự thế giới mới do Trung Quốc chi phối hoàn toàn.

P.T.

Nguồn bản gốc: Spiegel

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.