Tôn trọng tuyệt đối quyết định của Mẹ Nấm: tại sao không!?

Ánh Liên

Trưa ngày 17.10, người con can đàm của đất Việt và người tiên phong đấu tranh chống lại nạn bạo lực trong đồn công an, công lý cho môi trường và lợi quyền của những người yếu thế trong xã hội Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) đã lên chuyến bay đến nước Mỹ cùng với mẹ và người con của mình. 

Mừng cho nước Mỹ

Mẹ Nấm ra đi trong sự bức tử của nhà tù Việt Nam và những áp lực chính trị bên ngoài. Sự ra đi của chị, một lần nữa cho thấy rằng, hệ thống Nhà nước Việt Nam sẵn sàng từ bỏ bất kỳ một người nào can đảm thực hiện Điều 25 Hiến pháp Nhà nước. Và càng chứng tỏ một nước Mỹ sẵn sàng đón nhận những người can đảm như thế.

Cái giá phải trả là quốc gia Việt Nam tiếp tục mất mát những con người quý giá, dưới sự truy bức của thể chế chính trị. Những con người vốn rất cần thiết cho sự kiến tạo một quốc gia thực sự phát triển và bền vững, nơi mà con người được sống đúng với giá trị của chính nó. Nhưng Hà Nội đã đặt ngoài lề những tài sản vô giá này, như cách mà chính thể giam cầm hàng trăm tù nhân chính trị, trong đó có Mẹ Nấm và Trần Huỳnh Duy Thức.

https://4.bp.blogspot.com/-aHbYo3VpdcQ/W8dicN3bBUI/AAAAAAAACEg/hMtTPGhx_pI5-voj9GOIxrnilkSZrcYvwCLcBGAs/s640/55d83f62-52da-406b-ba79-46be0366b494.jpeg

Blogger Mẹ Nấm và hai con trên máy bay đi Mỹ hôm 17.10.2018. Ảnh: MLNQVN

‘Nước Mỹ còn mạnh dài dài. Những người tài giỏi can đảm yêu nước ở các quốc gia độc tài thường không được trọng dụng thì họ cưu mang và cho ở lâu dài. Những con người như thế và con cái họ sẽ giúp làm cho nước Mỹ càng ngày càng mạnh’, Facebooker Trần Tiến nhận định.

Đối với phong trào đấu tranh trong nước, sự ra đi lần này của một nhà hoạt động nhân quyền tích cực, năng động như Mẹ Nấm là một tổn thất không nhỏ. Tuy nhiên, sự nhân bản của phong trào đòi quyền làm người tại Việt Nam lại chính là sự tôn trọng quyết định rất con người của từng cá nhân đấu tranh. Với Mẹ Nấm, đó là sự tôn trọng quyết định của chị và chia sẻ ước mơ lớn lao từ những người con của chị, người mẹ già của chị… về sự đoàn tụ gia đình.

Chúng ta không thể không run rẩy trước ước mơ cháy bỏng của bé Nấm, người con của Như Quỳnh trong một lá thư gửi cho bà Melania – Phu nhân của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

‘Con muốn được gặp bà Melania, nhưng chắc không được đâu, để con nói với Bà rằng con và em rất nhớ mẹ và cầu mong bà Melania có thể giúp mẹ về với con’. – Bé Nấm trong thư gửi Phu nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ước mơ.

Lựa chọn cuối cùng

Vẫn luôn tồn tại những quan điểm chỉ trích liên quan đến sự kiện này, đa phần xuất phát từ nhóm người thiếu thiện cảm với những người bất đồng chính kiến.

Trong khi Facebooker Đặng Tiến bày tỏ: “Khoái nhỉ cứ đấu tranh là được sang Mỹ”. Thì Facebooker Hà Thanh Bùi cho rằng: “Chúc mừng Mẹ Nấm đã cập “thiên đường” Mỹ thỏa niềm mơ ước. Vậy là mục đích hoạt động chống Nhà nước bao lâu nay của chị cũng đã thành hiện thực”.

Thực ra những lập luận này đều là những ngôn từ được lặp lại từ sự tuyên truyền mang tính giáo điều của Nhà nước Việt Nam, trong đó cho rằng, mọi sự đấu tranh nảy sinh ở Việt Nam đều nhằm mục đích tư lợi, bao gồm cả việc ‘được đi nước ngoài’. Tuy nhiên, không ai, kể cả những người tìm cách lập luận như thế giải thích được vì sao việc thả người có khi đến từ sự gợi ý của chính Nhà nước Việt Nam; tại sao Nhà nước Việt Nam ‘nhân đạo’ bằng cách dẫm đạp lên chính bản án mà mình tuyên án (theo luật quy định thì chấp hành 1/3 án phạt tù thì mới được xét đặc xá); tại sao những đối tượng ‘chống đối Nhà nước’ lại được Nhà nước trao trả cho phía phương tây mỗi khi một hiệp định thương mại được ký kết.

Không có sự nhân đạo nào ở đây cả, mà nó càng cho thấy, Nhà nước Việt Nam tìm cách bức tử trong hệ thống nhà tù, sử dụng con tin là gia đình những người thân của họ để khuất phục ý chí của những người bất đồng chính kiến. Biến công dân của mình trở thành những món quà đổi chác vì mục đích kinh tế, chính trị.

Facebooker Anh Tuan Nguyen khi phản ứng trước những ngôn từ mang tính ‘ác ý và thù hằn’ bằng luận điểm: “cứ ăn đủ đòn thù cộng sản, ngồi tù, chịu sự khủng bố ác độc của cầm quyền đi rồi sẽ có người cho đi [nước ngoài]”.

Nhóm ‘Thân hữu Nhà nước’ không trả lời được câu hỏi đó. Nhưng rõ ràng, những suy nghĩ ‘hèn mọn’ nhằm xuyên tạc mục đích thực tế của đấu tranh của người đấu tranh nhân quyền Việt Nam càng làm rõ sự phi nhân đạo, sự ‘hằn học’ (bất khoan dung) trong chính những nhóm người này.

Còn những người muốn cải biến Việt Nam, nếu bày tỏ thất vọng về sự ra đi lần này của Mẹ Nấm, thì đó cũng chỉ là những người ích kỷ. Bởi họ đòi hỏi người đấu tranh dân chủ, nhân quyền phải ‘tù rục xương’ để đòi quyền lợi cho chính bản thân họ. Câu hỏi là: tại sao lại trút hết mọi gánh nặng về ‘nhân quyền, dân chủ’ lên vai một người, và tai sao phải bắt người khác đấu tranh cho mình để rồi sau đó ‘nguyền rủa, chỉ trích’ họ khi đi tỵ nạn chính trị?

Tôn trọng quyết định của chủ thể nhân quyền

Với tư cách là chủ thể của xã hội, khát vọng sự hiện diện quyền con người và đang miệt mài tìm kiếm sự hiện thực hoá Điều 25, bản thân người viết chia sẻ niềm vui với bà Tuyết Lan, và mẹ – con Mẹ Nấm trong chuyến đi lần này. Người viết tôn trọng tuyệt đối, và trân trọng tuyệt đối quyết định của Mẹ Nấm, và tin tưởng rằng, tại đất nước tự do, chị có nhiều sáng kiến và hoạt động tích cực hơn đối với phong trào trong nước, trong việc thúc đẩy một giá trị nhân quyền toàn vẹn và ý nghĩa đối với Việt Nam trong tương lai.

A.L.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bookmark the permalink.