Trần Thành
Toà án có quy chế thẩm phán báo cáo án. Nay ở Đoàn Luật sư TP.HCM cũng ‘ăn theo’, muốn mấy ông, bà thầy cãi ở Sài Gòn cũng phải báo cáo… luận cứ bào chữa cho chủ nhiệm ‘duyệt’ trước (!?)
Chuyện đó vừa xảy ra đối với hai vị luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh. Mấy năm qua, hai vị này cùng nhiều đồng nghiệp khác, luôn có mặt trong những phiên tòa mà người tù thường được gọi bằng cái tên đầy ‘lãng mạn cách mạng’: tù nhân lương tâm.
Đoàn Luật sư: phải là cánh tay nối dài của Đảng
Nhiều thế hệ luật sư ở Sài Gòn sau năm 1975 nói rằng hồi họ mới đặt chân vào Phân hiệu Đại học Pháp Lý ở Bình Triệu (nay là đại học Luật TP.HCM), thì hình ảnh khá dũng cảm đầu tiên gây ấn tượng, là câu chuyện kể về luật sư Francis Henry Loseby (luật sư của quân đội Hoàng Gia Anh) đã bào chữa thành công trong vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”.
Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng của Luật Khoa Đại Học Đường ở Sài Gòn trước năm 1975, từng kể với các đồng nghiệp thế hệ đàn em, là hồi đó ông cũng được các vị giáo sư của chế độ Việt Nam Cộng Hòa giảng dạy về lập luận bào chữa của luật sư Francis Henry Loseby đối với người tù chính trị Nguyễn Ái Quốc, tức ông Hồ Chí Minh, một lãnh tụ cộng sản miền Bắc.
Tại thời điểm đó, luật sư Loseby chỉ có thể làm tròn được chức năng bào chữa, nếu không bị lệ thuộc vào chính quyền Hong Kong vốn dĩ đang có nhiều quan hệ mật thiết với chính quyền Đông Dương.
Hình minh họa.
“Hình ảnh luật sư Loseby làm cho tôi xác tín rằng người luật sư khi hành nghề phải đứng trên đôi chân độc lập, không nương tựa cũng như không chịu ảnh hưởng vào bất cứ ai và của ai, bất cứ thế lực nào. Nếu cảm giác của tôi tại thời điểm đó là sự kính nể đối với luật sư khi dám, và phải đương đầu với nhiều khó khăn từ nhiều phía, thì về sau tôi lại cảm nhận, và hiểu rằng luật sư khi hành nghề muốn được độc lập, không phải đơn giản như mình nghĩ”. Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng, chia sẻ. [https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/tim-hieu-nghe-luat-su/13976/mot-vai-cam-nghi-ve-tinh-doc-lap-cua-luat-su-khi-hanh-nghe].
Thế nhưng hiện tại thì gần như ai cũng rõ, việc luật sư ‘không chịu sự lệ thuộc vào chính quyền’ như thời của luật sư Loseby, là điều không tưởng. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư phải là đảng viên. Chi bộ Đảng ở Đoàn Luật sư đó, chịu sự quản lý của Bí thư Thành ủy/ Tỉnh ủy địa phương nơi có Đoàn Luật sư. Các mệnh lệnh nhân danh đảng Cộng sản luôn phải được thực hiện, bất chấp đó có thể đi ngược lại với pháp luật hiện hành. Việc “100% nhất trí” đề cử ông Tổng Bí thư kiêm luôn Chủ tịch nước hôm 3-10 là ví dụ gần nhất.
Nói cách khác, tổ chức Đoàn Luật sư bị buộc phải là cánh tay nối dài của Đảng.
Nghịch ý Đảng: nhẹ nhất là khai trừ!
Vào ngày 5 tháng 1 năm 2008, một bản tuyên bố hùng hồn được phổ biến rộng khắp để xác nhận “Hoàng Sa và Trường Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là lãnh thổ không tách rời và bất khả xâm phạm của Việt Nam cả về phương diện pháp lý (de jure) lẫn phương diện thực tế (de facto)”. Hàng trăm cánh tay của luật sư giơ lên biểu lộ sự đồng tình cương quyết. Đó là Tuyên bố về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của Đoàn Luật sư TP.HCM.
Bản tuyên bố do luật sư Lê Công Định chấp bút (ông Định đã bị kỷ luật khai trừ khỏi Đoàn Luật sư, và ông hiện là thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), luật sư Nguyễn Đăng Trừng đứng tên trong vai trò chủ nhiệm Đoàn Luật sư. Hơn 4 năm sau, dàn khoan HD981 của Trung Quốc thao túng biển Đông, và ngày 30 tháng 7 năm 2014, luật sư Trừng bị khai trừ khỏi đảng cộng sản Việt Nam.
Khi ấy, luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã phản ứng bằng một văn bản, khẳng định: “Tôi bị kỷ luật chỉ vì một lý do duy nhất là đã kiên quyết bảo vệ dân chủ và sự tự quản độc lập của Đoàn Luật sư TP.HCM”. Ông Nguyễn Đăng Trừng vẫn tiếp tục hành nghề luật sư, không bị ‘án khai trừ’ như đồng nghiệp Lê Công Định.
“Trong bối cảnh xã hội ở Việt Nam bấy lâu nay, tìm một vị thủ lĩnh luật sư đoàn sẵn sàng đương đầu, chống lại sự can thiệp thô bạo từ phía đảng cộng sản và chính quyền để bảo vệ sự độc lập và tự quản của giới luật sư trong khả năng có thể như luật sư Nguyễn Đăng Trừng đã làm, thì thật là mò kim đáy bể”. Nguyên luật sư Lê Công Định nhận xét.
Bí thư Lê Thanh Hải của Thành ủy TP.HCM chỉ định người ngồi vào ghế chủ nhiệm thay cho luật sư Nguyễn Đăng Trừng là luật sư Nguyễn Văn Trung. Ông Trung chính là vị chủ nhiệm đã ‘mời cà phê’ luật sư Miếng và luật sư Mạnh như đã nói ở đầu bài viết.
Phải là những con cừu ngoan ngoãn
Cựu thẩm phán Phạm Công Út từng là một quân nhân. Ông được biết đến là một luật sư không ngại cường quyền để lên tiếng bảo vệ cho người dân bị ức hiếp. Từng có thời gian dài giữ vị trí công tố, khi chuyển qua nghề luật sư, ông Phạm Công Út hiểu rằng cần phải có nhiều con én để có thể kéo xuân về. Ông đã tập hợp đồng nghiệp với cách gọi ‘cà rỡn’: Hội đồng bào chữa (đối nghịch với Hội đồng xét xử), để chia nhau đi khắp các miền Tây nguyên cho đến đồng bằng sông Cửu Long để đòi lại công lý cho những thân phận dân đen.
‘Hội đồng bào chữa’ này khi biện hộ cho bị cáo án chính trị, sẽ tạo áp lực tâm lý lên cả phía thẩm phán lẫn kiểm sát viên công tố tại phiên tòa, giúp hạn chế chuyện trấn áp bị cáo trong quá trình xét xử.
Kết quả là vào mấy tháng trước, luật sư Phạm Công Út đã bị khai trừ khỏi Đoàn Luật sư TP.HCM khi ông đang tham gia bào chữa trong một vụ án hình sự.
Xem ra việc ‘mời cà phê’ hai vị luật sư ở Sài Gòn là một tín hiệu xấu đe dọa cho quyền độc lập nghề nghiệp của luật sư; nhất là sắp tới đây khi ông Tổng Bí thư chính thức ngồi thêm ghế Chủ tịch nước, cũng đồng nghĩa ông Nguyễn Phú Trọng chiếm giữ luôn chức danh Trưởng Ban Cải cách Tư pháp Quốc gia.
Khi ấy, chắc chắn những luật sư nào dám ‘trái chỉ đạo’, nhẹ nhàng nhất là sẽ bị ‘đập chén cơm’ qua việc tống ra khỏi Đoàn Luật sư, bởi ‘tội khán chỉ’, không chịu ngoan ngoãn làm những con cừu của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
T.T.
VNTB gửi BVN