Phạm Chí Dũng
Đài truyền hình VTV phát trên cả nước: Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại đồn công an ở Hà Nội hôm 3/8/2017.
Sắp mở tòa!
Cho đến thời điểm tháng Chín năm 2018, đã có một điểm tương đồng đặc biệt trong cơn địa chấn mang tên Trịnh Xuân Thanh: cả hai cơ quan cảnh sát Đức và Slovakia đều tạm kết thúc giai đoạn đầu tiên về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong vòng khoảng 2 tháng, tuy khác nhau về thời gian. Với người Đức là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2017, còn với Slovakia là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2018.
Kể từ tháng Tám năm 2018 khi vụ Trịnh Xuân Thanh bị ‘vận chuyển’ qua sân bay Bratislava của Slovakia bị các tờ báo của Đức và Slovakia tung loạt bài điều tra mang tính phát hiện và gây chấn động chính trường Slovakia, hai tháng là khoảng thời gian tối đa mà quốc hội nước này yêu cầu phải kết thúc công việc điều tra của cảnh sát, và sau đó vấn đề này đã được trực tiếp chỉ thị bởi Tổng thống Slovakia Andrej Kiska và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini.
Mới đây, trang thoibao.de cho biết sau 2 tháng điều tra, Viện Công tố Slovakia đã ra quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Hai cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Đáng chú ý, quyết định khởi tố vụ án trên của Viện Công tố Slovakia diễn ra ngay sau những cuộc gặp giữa hai công tố trưởng của Slovakia và Đức và giữa bộ trưởng nội vụ của Đức và Slovakia về vụ Trịnh Xuân Thanh; cũng diễn ra ngay sau cuộc nói chuyện ngắn gọn của Ngoại trưởng Slovakia Lajcak với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp tại New York vào tháng Chín năm 2018.
"Nếu quý vị tiếp tục nói rằng quý vị không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của quý vị không có mặt trên chuyến phi cơ của chính phủ Slovakia, thì tôi yêu cầu quý vị hãy đưa ra lời giải thích không sai sót về việc quý vị đã đưa ông ta từ Đức về Việt Nam bằng cách nào", và "Bất kỳ cách giải thích gây hiểu nhầm nào từ phía quý vị cũng sẽ gây ra những hậu quả cho quan hệ song phương giữa chúng ta, và chúng tôi cũng đang sẵn sàng có những hành động hạn chế trên cơ sở vì lợi ích của EU" – một phát ngôn mang tính ‘tối hậu thư’ của Lajcak dành cho Phạm Bình Minh!
Slovakia từ chối tiếp Nguyễn Phú Trọng?
Quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án ‘dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen’ của Viện Công tố Slovakia cho thấy vụ Trịnh Xuân Thanh đã không thể chìm xuồng ở Slovakia theo cách mà giới chóp bu Việt Nam hết sức mong muốn.
Một số thông tin cho biết trước đó đã có những ‘vận động’ từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và cả những hứa hẹn ‘sẽ tạo môi trường thuận lợi về đầu tư và thương mại ở Việt Nam cho Slovakia’, nhưng đã không được chính phủ của Thủ tướng Peter Pellegrini hồi đáp.
Một dấu hỏi lớn vẫn đang hiện ra là liệu Slovakia có nằm trong kế hoạch ‘công du 3 nước châu Âu’ của Nguyễn Phú Trọng – người đang rất cần tính ‘chính danh chủ tịch nước’ ngay sau cái chết của Trần Đại Quang? Bởi vào đầu tháng Chín năm 2018, ông Trọng đã chỉ bay đến hai quốc gia được Việt Nam xem là ‘thân thiện’ là Nga và Hungary. Phải chăng phía Slovakia đã từ chối tiếp ‘đảng trưởng’ đảng Cộng sản Việt Nam?
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia cũng cho thấy quan điểm của những lãnh đạo cấp cao nước này là lạnh lẽo và cứng rắn hơn nhiều so với những gì thể hiện trước đó với giới chóp bu Việt Nam, và chiều hướng của ngành tư pháp Slovakia là rất có thể sẽ dẫn tới một phiên tòa lớn để xét xử những quan chức Slovakia dính líu đến vụ ‘tiếp tay cho bắt cóc’, theo cách mà Tòa án Thượng thẩm Berlin vào tháng Tư năm 2018 đã mở phiên tòa xử Nguyễn Hải Long – một người Việt tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, dẫn đến việc Long phải chịu án tù giam gần 4 năm sau khi đã phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của y.
Còn khi cơn địa chấn bắt cóc lan sang Slovakia, Cựu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội Lê Hồng Quang được báo chí Đức và Slovakia xem là nhân chứng rất quan trọng trong việc móc nối cho đoàn quan chức công an Việt Nam, dẫn dắt bởi Bộ trưởng công an Tô Lâm, mượn máy bay của Chính phủ Slovakia để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đưa từ Bratislava sang Moscow vào ngày 26/7/2017.
Thế nhưng vào đầu tháng Tám năm 2018, Lê Hồng Quang đã biến khỏi căn hộ của ông ta, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia quyết định chỉ đạo Bộ Nội vụ và cảnh sát nước này mở cuộc điều tra về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Sau đó, có tin và cả hình ảnh về Lê Hồng Quang đã ‘trốn an toàn’ về Hà Nội và được hiểu rằng ông ta đã được đảng Cộng sản Việt Nam ‘bảo kê’.
Kaliňák sẽ phải nhận án?
Dù Lê Hồng Quang đã ‘bỏ trốn thành công’, vẫn còn một nhân chứng khác không thể đào thoát: cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák – một nghi can và cũng là một dấu hỏi rất lớn dính líu vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ và vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’.
Đến lúc này, đã chắc chắn rằng cựu bộ trưởng nội vụ Kaliňák không còn giữ được tư thế bất khả xâm phạm, mà ông ta ít nhất đã bị cảnh sát Slovakia điều tra thẩm vấn về mối quan hệ cá nhân của Kaliňák với giới quan chức mật vụ Việt Nam ‘đặc biệt’ đến thế nào mà khiến ông ta lại nhiệt tình đến độ sẵn sàng cho nhóm Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn chuyên cơ để bay thẳng từ Bratislava đến Hà Nội.
Tháng Chín năm 2018, phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình RTV của Slovakia đã nêu ra với ông Kalinak những nghi vấn của những nhà báo và luật sư ở Berlin rằng có ai đó ở Slovakia đã nhận hai triệu Euro trong vụ đưa Trịnh Xuân Thanh về nước?
“Tôi đã nhận hai triệu Euro ư? Đừng đánh lạc hướng vấn đề như thế, thực sự là ngu xuẩn”, ông Robert Kaliňák trả lời phóng viên Đài RTV Slovakia. “Bắt cóc tên tội phạm đã ăn cắp 130 triệu, tôi thực sự không thương hại hắn”, cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia nói (Thoibao.de)
Nếu sắp tới kết quả điều tra của cảnh sát Slovakia làm rõ về trách nhiệm dính líu của Kaliňák với những kẻ bắt cóc, ông ta thậm chí có thể bị bắt giam và bị xử án về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.
Sau khởi tố là gì?
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia còn cho thấy Chính phủ nước này dường như quyết định sẽ lặp lại những biện pháp trừng phạt ngoại giao mà Nhà nước Đức đã tiến hành mạnh mẽ vào năm 2017.
Sau tháng Bảy năm 2017, khủng hoảng Đức – Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Một năm sau, vào ngày 9/8/2018, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã tuyên bố chính thức sẽ không bổ nhiệm đại sứ của Slovakia ở Hà Nội cho đến khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được điều tra rõ ràng. Khủng hoảng Slovakia – Việt Nam đã chính thức bùng nổ với động tác hạn chế ngoại giao đầu tiên như thế.
Những thông tin từ hải ngoại cho biết đến nay các cơ quan cảnh sát và tư pháp Slovakia đã nắm trong tay nhiều tài liệu và bằng chứng về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’, được cung cấp bởi cảnh sát Đức và tự điều tra. Thậm chí còn có tin (khó kiểm chứng) cho biết một số tài liệu – nhằm bạch hóa vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và có thể mang mục đích đấu đá chính trị nội bộ – đã được chuyển đến cảnh sát đặc biệt Đức từ… Việt Nam.
Với hệ thống bằng chứng và chứng cứ phong phú như thế, xác xuất Chính phủ Slovakia công bố biện pháp chế tài ngoại giao với đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam là khá cao và có thể xảy ra trong tháng Mười hoặc tháng Mười Một năm 2018. ‘Hạ cấp ngoại giao’, triệu hồi đại sứ của Slovakia về nước (hiện tại chỉ là Đại biện lâm thời), và tuyên bố trục xuất Đại sứ của Việt Nam tại Slovakia – ông Dương Trọng Minh – về nước theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia là ông Bela Bugar có thể sẽ là những động tác trừng phạt mạnh hơn của Slovakia, làm tiền đề để Liên minh châu Âu phải xem xét lại mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cả về số phận mành chỉ treo chuông của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu).
P.C.D.
Tác giả gửi BVN