Phạm Đoan Trang
Đây là những lý luận rất điển hình của công an Việt Nam nói chung và ngành an ninh nói riêng. Tôi đưa lên để các bạn nhận ra rằng: Không cần phải là người học luật, biết luật, chỉ cần có cảm nhận tối thiểu về công lý, với lương tri của một con người bình thường, chúng ta sẽ thấy lực lượng kiêu binh bảo vệ Đảng Cộng sản sai phạm, tăm tối và đang phè phỡn trong thứ quyền lực được Đảng bảo kê như thế nào. Không có lý gì chúng ta phải cúi đầu trước những kẻ như thế.
Tình huống 1: Sau khi đã sầm sập xông vào quán, quay phim từng người, chặn cửa bắt tất cả khán giả về đồn kiểm tra giấy tờ và đánh đập tàn bạo những người phản đối.
– Mời về làm việc thì không chịu, cứ thích gây rối để phải cưỡng chế.
– Công an các anh vú to thật đấy nhỉ. “Cả vú lấp miệng em”. Người ta đang xem ca nhạc phòng trà, các anh vào phá, đánh, bắt người ta về đây rồi bảo người ta gây rối. Thế gọi là “vú to”, hay là “không vú” – tức là “vu khống” đấy. Vú to hay vu khống, các anh thích được gọi là gì hơn?
– Chị có biết các bài hát được biểu diễn toàn là bài không được cấp phép không?
– Tôi không có danh sách các bài bị cấm, nhưng cứ cho là chúng tôi hát bài bị cấm thì các anh có thể xông vào phá và đánh chúng tôi như thế à?
– Các anh chị là một thế giới riêng rồi, đối lập với chúng tôi. Tất nhiên là chúng tôi không thể để yên cho các anh chị được.
– Thế giới riêng nào? Khi các anh hát nhạc đỏ, chúng tôi có phá các anh không?
Tình huống 2: Sau khi đã lục soát đồ đạc và lấy được một tờ giấy giống như là danh sách khách mời dự show ca nhạc.
– Danh sách này là thế nào?
– (Cười xoà) Các anh hỏi làm gì? Chuyện này có quan trọng không?
– Quan trọng. Danh sách này là cái gì?
– Sao lại quan trọng?
– Quan trọng chứ. Đây là buổi biểu diễn không được cấp phép.
– Quan trọng với các anh chứ đâu quan trọng với tôi. Các anh hỏi làm gì?
– Hỏi để làm rõ, xử lý.
– À thế à? A, để xử lý thì ngu gì tôi trả lời. (Thực ra tôi định nói thế này cơ: “Tưởng hỏi làm gì chứ hỏi để xử lý thì ngu đéo đâu mà trả lời, ơ kìa!”, nhưng kiềm chế vì rất dễ cười ầm lên).
– (Dằn giọng) Tao hỏi, danh sách này là thế nào? Ai tổ chức?
– Anh hỏi làm gì?
– Tao có quyền hỏi.
– Vậy mày hỏi lại đi.
– Danh sách này là thế nào?
– Hỏi lại.
– Danh sách này là thế nào?
– Cứ hỏi thêm 1000 lần nữa đi. Hỏi tới sáng đi vì mày có quyền hỏi mà.
– …
Tình huống 3: Không moi được thông tin gì về người tổ chức sự kiện và khách tham dự.
– Tôi thấy chị hèn thế. Làm rồi không dám nhận. Nhục.
– Tôi lại thấy cướp mà lại gọi tránh đi là “tạm giữ” mới là hèn.
– Này chị bỏ cái giọng ấy đi nhé. Ai cướp của chị?
– Tiền này của tôi, đồ của tôi, các anh lấy mất thì gọi là gì?
– Tiền này từ đâu ra?
– Hay nhỉ. Tôi chưa thấy cướp nào lại hỏi nạn nhân “tiền này từ đâu ra” bao giờ.
– Cứ làm rõ nguồn gốc đi rồi tôi trả chị. Tiền bán vé phải không? Hay là tiền này có nguồn gốc xấu nên không dám làm rõ?
– Sao cướp lại bắt nạn nhân làm rõ nguồn gốc tiền? Tôi còn chưa bắt các anh giải thích lý do bắt người thì thôi chứ.
– Chị nói tiền của chị phải không? Chị chứng minh đi, giải thích nguồn gốc nó đi rồi chúng tôi trả.
– Tôi giải thích rồi các anh không trả thì sao? Lấy gì bảo đảm các anh trả? Ai là người có quyền diễn giải nguồn gốc số tiền này là xấu hay tốt? Mà tại sao tôi lại phải trả lời cướp?
– Cướp? Tao cướp đéo gì ba cái đồng bạc rách của mày.
– Đến bạc rách còn cướp nữa là bạc lành.
– …
***
Ở đây, chỉ với tư duy logic thông thường, hẳn bạn cũng có thể thấy công an rất đuối lý, và cách đặt câu hỏi của họ bộc lộ rõ sự kém cỏi của phương pháp “điều tra” mà công an áp dụng bấy lâu nay: thuần tuý dựa trên sự đe dọa, ép cung, mớm cung, và trò khiêu khích rất rẻ tiền.
Đó là bởi vì phương pháp luận hay là triết lý làm việc của công an Việt Nam đã sai ngay từ đầu: Họ và thứ luật pháp của họ không bảo vệ tự do của người dân hay là nhân quyền, mà chỉ là công cụ để bảo vệ một thể chế độc tài. Từ đó mới có chuyện họ đòi hỏi người dân chỉ được hát những ca khúc được cấp phép (vậy giả sử tôi hát nhạc Beatles hay ABBA thì có phải là phi pháp không?), phá bằng được một đêm nhạc phòng trà, đánh đập tàn tệ người tổ chức và ca sĩ…
Dùng bạo lực một cách thoải mái như thế, đồng thời khống chế để nạn nhân không thể nào tự vệ hay ghi lại bằng chứng, đó mới là nghiệp vụ số 1 của an ninh Việt Nam.
Tất nhiên tôi phải nói rằng, nếu vào đồn mà các bạn đối đáp với công an với những lý lẽ như trên thì chắc chắn bạn sẽ… ăn đòn. Bởi lẽ công an Việt Nam từ lâu đã quen với việc làm bố dân. “Đại diện cơ quan pháp luật” là một cái gì đó to lắm, “mời” đến gặp là công dân phải bỏ hết công việc mà lon ton “lên đồn”, hỏi là phải khai báo đầy đủ, bị “đấu tranh” là phải im lặng chịu trận… chứ ai lại cãi xơi xơi thế, láo, “tao đập chết mẹ mày” ngay. “Ôn hoà” đối với công an thực chất nghĩa là ngoan ngoãn, phục tùng, bảo gì nghe nấy, tóm lại là phải sợ họ.
Và mặc dù tôi thừa nhận rằng trong những người bị tấn công đêm đó, tôi là người “hung hãn” nhất, đã đấm một quả vào một đồng chí công an (sau đó bị đồng chí ấy đấm trả vài quả vào đầu, đạp cho vài cú vào bụng, v.v.), khi vào đồn lại bất hợp tác hoàn toàn, nhưng trong thâm tâm, tôi thừa hiểu họ đánh vì quá căm ghét tôi, mà lý do căm ghét là vì tôi không sợ họ. Ôn hoà hay bạo lực, lịch sự hay thô tục, đúng hay sai, với công an xứ độc tài điều đó không quan trọng; thực chất chúng chỉ cần bạn sợ chúng. Nếu bạn nhất định không sợ, bạn có thể phải trả giá, nhưng như thế cũng có nghĩa là chúng đã thất bại vì không đạt được điều chúng muốn.
P.Đ.T.
_____
(*) Ảnh chỉ có tính minh họa. Tay mình vẫn như đang chơi đàn mới sợ chứ!
Nguồn: FB Phạm Đoan Trang