Ánh Liên
Một nhóm người đội mũ cối, mặc đồ bộ đội với loa cầm tay công suất lớn tìm đến nhà ông Nguyễn Lân Thắng kiếm chuyện, chửi bới,… gây mất trật tự khu phố.
Những người này tự xưng là ‘thương binh; bộ đội già’, và lên tiếng kêu gọi Nguyễn Lân Thắng là đồ ‘phản cách mạng’.
Trong một video, nhóm này sau khi thực hiện xong hành vi gây rối đã đứng dậy và tuyên bố: ‘Mai bố mày quay lại đấy, đ*t mẹ mày’.
Nhóm ‘thương phế binh’ nằm lê lết trước nhà ông Nguyễn Lân Thắng
Những câu nói đầy tục tĩu, những hành vi gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu phố mà ‘nhóm thương binh’ trên có đáng được tán dương?
Nếu họ đang là cựu chiến binh thực sự, thì họ đã và đang bôi xấu hình ảnh ‘anh bộ đội cụ Hồ’ trong mắt người dân, họ cho thấy tính chất rời rạc, tục tĩu, vô văn hóa và cả có phần bệnh hoạn trong đó.
Nếu họ không phải là cựu chiến binh, mà là một nhóm người được thuê 1 triệu đồng/ngày để quấy rối những nhà bất đồng chính kiến, thì chính những hành vi thô tục, vô văn hóa như thế đã thực sự làm tổn hại danh tiếng và hình ảnh của bộ đội, đặc biệt là những cựu chiến binh giàu sinh ra tử trong chiến tranh. Cách thức bôi nhọ này không chỉ gián tiếp gây hại hình ảnh bộ đội trong dân, và gián tiếp phỉ báng uy tín của người chiến sĩ quân đội nhân dân.
Và dù thật hay giả, thì hành vi gây rối công cộng, phát loa công suất lớn tại khu phố – gây ‘ô nhiễm tiếng ồn’ là vi phạm Điều 5 – pháp lệnh cựu chiến binh/2005. Trong đó nêu rõ, nghiêm cấm hành vi, ‘lợi dụng danh nghĩa, uy tín Cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.’
Vì vậy, chính quyền sở tại có trách nhiệm nhanh chóng chấm dứt các hành vi gây rối trật tự, bôi nhọ thanh danh cựu chiến binh này.
Hội cựu chiến binh Việt nam – tổ chức đang quản lý thương phế binh, bộ đội về hưu trong toàn quốc cũng cần phải lên tiếng phê phán và chấm dứt các hành vi sử dụng hình ảnh thương bệnh binh vào các mục đích gây rối trật tự công cộng, nhục mạ nhân phẩm – danh dự, sách nhiễu khu vực ở của những người bất đồng chính kiến nêu trên. Sự lên tiếng này là cần thiết để tránh sự bóp méo và bị hủy hoại của hình ảnh bộ đội trong mắt người dân địa phương và trên cả nước.
Hiện trạng ‘giả danh’ hay ‘lợi dụng’ nhóm người trong xã hội để tiến hành các hoạt động gây rối, sách nhiễu đối với những người bất đồng chính kiến là phổ biến. Tuy nhiên, vì tính chất ‘lợi dụng’, nên những nhóm người này (thường núp bóng dư luận viên hoặc cựu chiến binh) với sự nhiệt tình nhưng nông nổi lại gây ra một phản ứng ngược, phản ứng đó bao gồm cả sự đánh lầm giá trị bị giả danh trong mắt người dân, khiến người dân có cái nhìn tiêu cực, thiếu thiện cảm đối với những người mang sắc phục bộ đội. Hay nói đúng hơn, sự nhân danh hay giả danh với mục đích nêu trên (dù mạo danh hay nhân danh) cũng làm ô uế và bóp méo hình ảnh người bộ đội trong mắt người dân.
Cách đây không lâu, một nhóm truyền thông tự xưng là Dư luận viên – Viet vision đã cùng với ‘một cựu chiến binh’ kéo đến nhà của anh Phan Vân Bách gây phẫn nộ bởi những hành vi và lời nói đe dọa mạng sống, xúc phạm nhân phẩm – danh dự. Còn trước đó 3 năm, lễ dâng hương tưởng nhớ các chiến sỹ Gạc Ma đã bị một số thanh niên tự xưng là dư luận viên ngăn cản. Sự việc này gây phẫn nộ đến mức, báo Giáo dục Việt Nam (trực thuộc Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam) tuyên bố, đó là hành động ‘không thể chấp nhận được’, một hành động ‘vô lễ mà những kẻ thiếu hiểu biết đã gây nên’.
Thực chất, những nhóm dư luận viên như thế này là ‘giả danh’, tuy nhiên nó vẫn được chính quyền làm ngơ, vì tác dụng ‘chống phản động’. Thành phần tham gia nhóm dư luận viên giả danh gồm sinh viên, học sinh (thậm chí là học sinh THCS) với hiểu biết xã hội kém, nhưng lại không chấp nhận sự khác biệt xã hội; được dẫn dắt bởi một người trung niên (thường xuất thân từ môi trường công an, quân đội). Và chính từ sự giả danh, khiến ‘dư luận viên’ trở thành một cụm từ miêu tả nhóm người vô văn hóa, mất trật tự, thiếu kiến thức về lịch sử – chính trị cũng như đầy chất ngông cuồng, háo thắng.
A.L.
VNTB gửi BVN