Thu Thủy
Giới quan sát nước ngoài cho rằng, liên kết Mỹ – EU – Nhật sẽ làm thay đổi quy tắc và trật tự của thương mại toàn cầu, còn Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ bị gạt ra ngoài hệ thống mậu dịch chủ yếu của thế giới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng kịch liệt.
Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang tiếp diễn, chưa có dấu hiệu ngưng lại cho dù xuất hiện tin đồn về sự tiếp xúc bí mật giữa hai bên nhằm đưa các quan chức quay trở lại bàn đàm phán.
Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31/7 cho thấy hoạt động mậu dịch tháng 7 đã bị giảm đi rõ rệt, giá cả tăng lên, phản ánh cục diện căng thẳng về thương mại với Mỹ đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Nhiều nhà kinh tế có cách nhìn tiêu cực về kinh tế Trung Quốc, cho rằng đang lâm vào cảnh “thập diện mai phục”. Liệu có phải chính phủ Trung Quốc đã phạm sai lầm khi nhìn nhận, đánh giá đối thủ trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ?
Trương Lâm: Trung Quốc ngoài việc nhìn nhận, đánh giá sai về cá nhân Tổng thống Donald Trump, còn phán đoán sai lầm về quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU
Học giả Trương Lâm, nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc Bắc Kinh (Unirule Institute of Economics) – một “think tank” độc lập ở Trung Quốc – hôm 30/7 đã viết bài đăng trên nhật báo SCMP của tỷ phú Jack Ma, cho rằng: Bắc Kinh đã phạm phải “hai sai lầm sẽ khiến Trung Quốc phải trả cái giá thê thảm”.
Ông Trương Lâm viết, Trung Quốc ngoài việc nhìn nhận, đánh giá sai về cá nhân Tổng thống Donald Trump, còn phán đoán sai lầm về quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU.
Ông Trương Lâm viết, thứ nhất, chính phủ đã sai lầm khi cho rằng Donald Trump chỉ là nhà buôn thích hư trương thanh thế, Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại chẳng qua chỉ vì cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà thôi; nhưng thực tế, chiến lược quốc phòng của Mỹ đã chỉ rõ: Mỹ sẽ không dung thứ cho cách làm của Trung Quốc trong mậu dịch và kinh tế nữa.
Sai lầm thứ hai mà Bắc Kinh phạm phải là “ảo tưởng và không thực tế khi muốn thiết lập mặt trận mậu dịch chung với EU để cùng liên kết chống lại Mỹ”.
Trung Quốc đã đánh giá sai lầm về cá nhân ông Trump
Thực ra hai vấn đề mà ông Trương Lâm nêu ra không phải mới. Thái độ của giới trong nước Mỹ mấy năm gần đây ngày càng trở nên cứng rắn với Trung Quốc, các giới đều nhất trí cao trong việc kiềm chế Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Ted Yoho từng nói “quan hệ Mỹ – Trung đã chuyển từ cạnh tranh sang giai đoạn mới đối đầu”; các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc cấp thiết đi tìm đồng minh đều bị EU cự tuyệt.
Về việc Trung Quốc có đánh giá sai tình hình hay không, nhà kinh tế Tần Vĩ Bình sống ở Mỹ lại có quan điểm hơi khác.
Ông nói: “Tôi cho rằng thời kỳ đầu thì có chút mơ hồ. Trung Quốc không biết ý đồ thực của Donald Trump thế nào; nhưng hồi tháng 5 Mỹ đã phái 7 đại biểu tới Bắc Kinh để “hạ chiến thư”, nói rõ cho Trung Quốc biết là (Mỹ) sẽ chơi rắn. Cuộc hội đàm đó đã truyền đi tín hiệu mạnh mẽ, nếu Trung Quốc vẫn không hiểu (ý tứ của Mỹ) thì thật không thể hiểu nổi. Tôi tin rằng, sau đó Trung Quốc đã biết rõ ý đồ của Mỹ, nhưng Trung Quốc bất lực, không có cách nào thay đổi được cục diện hiện nay”.
Ông bổ sung: chính phủ Trung Quốc cũng phạm sai lầm trong việc phán đoán tình hình trong nước hiện nay.
Nhà kinh tế Tần Vĩ Bình: Chính phủ Trung Quốc phạm sai lầm trong việc phán đoán tình hình trong nước hiện nay
Ông nói: “Theo cách nói của chính phủ Trung Quốc thì tổng thể nền kinh tế đang vận hành rất tốt, cho nên họ mới dám tiếp tục tiến hành các hoạt động ngoại giao. Thực tế tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay rất xấu, lại thêm ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, có thể nói thời gian tới kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Tôi cho rằng không phải Trung Quốc tính toán sai, mà là họ đã đánh giá thấp ảnh hưởng do chiến tranh thương mại gây ra”.
Tuy người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh từng bày tỏ: Trung Quốc lúc đầu “không muốn đánh, cũng không sợ đánh” cuộc chiến mậu dịch này; nhưng theo bài phân tích của ông Cao Thiện Văn, nhà kinh tế hàng đầu của Công ty chứng khoán Trung Quốc Essence Securities viết hồi tháng 5 thì có vẻ Trung Quốc đã không hề chuẩn bị tư tưởng cho một cuộc chiến tranh thương mại.
Liệu có phải Trung Quốc vì “khinh địch” mà “tính toán sai lầm” về con bài mà mình có trong va chạm mậu dịch với Mỹ chăng?
Ngày quan chức hai nước quay trở lại bàn đàm phán vẫn xa vời
Về vấn đề này, Giáo sư Chính trị học Hạ Minh ở trường Đại học The City College of New York đã tổng kết thành 4 điểm:
“Thứ nhất, Trung Quốc do nguyên nhân đạt kỳ tích kinh tế, dễ xuất hiện tinh thần kiêu ngạo, tự đại; thứ hai, do vô tri, ngày nay đại bộ phận những người sống ở Trung Quốc trong ký ức không có chút khái niệm về khủng hoảng kinh tế; thứ ba, bộ máy truyền thông của nhà nước Trung Quốc luôn tuyên truyền chúng ta (Trung Quốc) tốt thế nào, còn họ (nước ngoài) xấu ra sao, hình thành sự ám thị tâm lý “Trung Quốc rất tốt” trong khi so sánh; thứ tư, lãnh đạo Trung Quốc “tự ngộ độc”, họ cho rằng mình rất tuyệt vời, tự nở mũi”.
Xét về tình hình hiện nay, cuộc tranh chấp mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng kịch liệt. Cuộc chiến tranh thương mại “đánh lâu dài” này sẽ gây ảnh hưởng thế nào tới kinh tế hai nước? Rốt cuộc bên nào sẽ có lợi trong tình thế bế tắc hiện nay?
Theo ông Tần Vĩ Bình phân tích: “Đối với Mỹ có giả thuyết ảnh hưởng đến tình trạng lạm phát tiền tệ; còn đối với Trung Quốc thì phải đối phó với áp lực và thách thức lớn hơn Mỹ nhiều. Dân chúng Trung Quốc sẽ không chỉ đối mặt với vật giá leo thang mà còn thất nghiệp, xí nghiệp sụp đổ, vốn nước ngoài triệt thoái. Nếu thời gian kéo dài thêm, thậm chí có thể gây nên bất ổn xã hội”.
Giáo sư Hạ Minh cho rằng Trung Quốc đã thua trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ
Giáo sư Hạ Minh thì cho rằng: “Trung Quốc đã thua, không thể thắng được. Cuối cùng là xem kinh tế nước nào sẽ bị tổn hại lâu dài; trong tình thế hiện nay thì kinh tế Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại lâu dài. Các nước đang phát triển hình thành quan hệ dựa vào các quốc gia phát triển, hệ thống quản lý toàn cầu về cơ bản vẫn do phương Tây chủ đạo”.
Sự liên kết giữa Mỹ, EU và Nhật sẽ gây nguy cơ Trung Quốc bị gạt ra ngoài cuộc chơi mậu dịch thế giới
Cục diện quốc tế đang trở nên biến ảo khó lường. Các thông tin mới cho thấy, tranh chấp mậu dịch giữa Mỹ và EU đã dần được tháo gỡ và đạt được hiệp định khung về “quan thuế zero (0)” trên một số lĩnh vực. Mỹ còn có kế hoạch khởi động đàm phán hiệp định mậu dịch tự do song phương với Nhật.
Giới quan sát nước ngoài cho rằng, liên kết Mỹ – EU – Nhật sẽ làm thay đổi quy tắc và trật tự của thương mại toàn cầu; còn Trung Quốc sẽ đứng trước nguy cơ bị gạt ra ngoài hệ thống mậu dịch chủ yếu của thế giới.
T.T.