Bùi Quang Vơm
“Công khai bỏ [Dự luật Đặc khu] là công khai thừa nhận Bộ chính trị thiếu trí tuệ, thiếu sáng suốt. Kết quả nghiền ngẫm suốt 20 năm của những đỉnh cao trí tuệ của đảng đã cho ra một sản phẩm không đủ tiêu chuẩn qua cửa công chúng. Bộ chính trị, mấy ông “giời con” đã không bằng trí tuệ của dân?” – B.Q.V.
So sánh thế sao được thưa anh Bùi Quang Vơm! Trí tuệ bán nước thì không bao giờ có thể so sánh dù một mảy may với trí tuệ nhân dân tỏa sáng bởi lòng yêu nước vô bờ bến. Đó là cả một biển cả đang lay động, sẽ chôn vùi bất kỳ tên Lê Chiêu Thống đỏ lòm nào!
Bauxite Việt Nam
Với 423/432 đại biểu có mặt tán thành, sáng 11/6, Quốc hội Hà Nội đã quyết định loại khỏi chương trình việc thông qua dự án luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (luật Đặc khu) và được quyết định lùi lại vào kỳ họp sau, kỳ họp thứ 6, vào tháng 10/2018.
Nhưng trước khi trình QH, dự thảo sẽ phải đưa ra cho Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận trước vào kỳ họp trong tháng 8, nhưng,thông cáo mới nhất từ Văn phòng Quốc hội, ngày 4/8, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH, dự án luật này “đang được xem xét thận trọng, tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Hiện vẫn còn thời gian để Chính phủ chỉnh sửa, hoàn thiện, vì 2 tháng nữa kỳ họp thứ 6 mới diễn ra”.
Sau đó ông này thả một câu treo lửng lơ: “việc Quốc hội xem xét dự án luật vào thời điểm nào còn chờ vào kết quả quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân thế nào, tiếp thu ý kiến cử tri thế nào…”.
Nhưng lại nói rõ: “trong dự kiến chương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả năm 2019 và những tháng cuối năm 2018, dự luật đặc khu cũng chưa xuất hiện”.
Sợ dân rồi?
“Bộ chính trị đã quyết định, Quốc hội bàn để ra luật, chứ không thể không ra luật”. Đó là lời bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị KimNgân, nhưng Quốc hội đã không thể thông qua, phải lùi ngày bỏ phiếu lại, bây giờ lại lấp lửng rằng trong chương trình từ nay cho đến hết năm 2019, “chưa xuất hiện” Luật Đặc khu.
Chuyện như đùa! Chương trình xem gì, xét gì, phê chuẩn gì, v.v đều do Thường vụ Quốc hội cũng tức là Bộ chính trị quyết định. Không có trong chương trình là do Bộ chính trị không cho đưa vào, chứ Luật nào tự “xuất hiện”hay tự “chưa xuất hiện”được? chuyện công bố ỡm ờ này phải được hiểu rằng, Dự luật Đặc khu đã được bãi bỏ. Bộ chính trị đã quyết định không đưa dự luật ra bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội, ít nhất từ nay tới hết năm 2019.
Như vậy, Dự luật được lẳng lặng bãi bỏ, hay lẳng lẳng thực hiện một cách vụng trộm? Tại sao phải lấp lửng?
Công khai bỏ là công khai thừa nhận Bộ chính trị thiếu trí tuệ, thiếu sáng suốt, Kết quả nghiền ngẫm suốt 20 năm của những đỉnh cao trí tuệ của đảng đã cho ra một sản phẩm không đủ tiêu chuẩn qua cửa công chúng. Bộ chính trị, mấy ông “giời con” đã không bằng trí tuệ của dân?
Chưa thông qua, mà cơn sóng phản đối đã làm ông Thủ tướng Phúc hốt hoảng kêu lên “đang có một làn sóng khủng khiếp” buộc ông ngay 8/6 phải vội vã đề nghị Quốc hội lùi ngày phê chuẩn, nhưng ngày 10/06 vẫn nổ ra Tổng biểu tình trên khắp cả nước với hàng trăm ngàn người tham gia.
Lùi, nhưng nếu Đảng, Chính phủ và Quốc hội vẫn tìm cách thông qua đúng cái Dự luật này, thì một cuộc Tổng biểu tình với quy mô và quyết tâm lớn hơn sẽ chắc chắn nổ ra.
Nếu cuộc tổng biểu tình này nổ ra, trước kỳ họp tháng 10, nhiều khả năng sẽ đi kèm với một cuộc đảo chính cướp chính quyền.
Ngày 10/6, biểu tình nổ ra đồng loạt trên gần 50 tỉnh, có “biểu hiện bạo loạn có tổ chức bởi những phần tử lạ, tại Phan Rí Cửa”. Ngày 12/6, Bộ trưởng Tô Lâm phải bay vào kiểm tra trực tiếp. Ngày 14/06 bộ Công an ra quyết định trang bị máy bay trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cho cấp huyện, súng đại liên, trung liên cho cấp xã, và có hiệu lực ngay lập tức. Tiếp đến, ngày 12/07, chủ tịch nước Trần Đại Quang công bố sẽ áp dụng Thiết quân luật ở một số thành phố.
Những động thái này cho thấy, Bộ chính trị chắc chắn đã có thông tin tình báo về một kế hoạch cướp chính quyền, hoặc do chính các tổ chức quần chúng đồng loạt nổi dậy, hoặc bởi một hay vài lực lượng chống đối, lợi dụng phong trào, mượn gió bẻ măng, chẳng hạn của Tướng lĩnh Quân đội kết hợp Công an, của hệ thống tay chân ông Ba X liên kết với hệ thống đàn em của ông Lê Thanh Hải?! Thiết quân luật, cướp vũ khí và dùng trực thăng bắn tên lửa vào dân, vào quân đảo chính, dùng xe tăng cán chết dân như Tàu Cộng cán chết sinh viên năm 1989 tại Thiên An Môn?
Tại sao dân chống?
Có hai nguyên nhân chính:
1- Nguy cơ Tàu.
“Trung Quốc (Tàu Cộng) không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính đất nước ta”. Đó là lời Giáo sư, nhà giáo nhân dân, Thiếu tướng công an Trương Gia Long, Tổng cục phó Tổng cục chính trị Bộ Công an.
Người Tàu đã có mặt trên suốt 10 tỉnh biên giới giáp ranh, hàng vạn người, rào làng, sinh con đẻ cái, xây trường học, dựng đền thờ, làm nhà thương, xây cầu, đổ bê tông đường, và cấm người Việt lai vãng.
Hàng vạn công nhân Tàu, phần lớn là quân nhân xuất ngũ, có mặt trên Tây Nguyên, sản xuất quặng nhôm với những bể chứa hàng triệu m3 bùn đỏ độc hại. Chỉ một hành động làm nổ các bể bùn đỏ này, hàng trăm nghìn hecta đất sẽ bị nhiễm độc nhiều đời, hàng triệu ngườisẽ chết và không còn môi trường sống.
Hàng trăm nhà máy, hàng trăm công ty do người Tàu quản lý, hàng vạn lao động được đưa sang từ Tàu lục địa rải suốt từ biên giới phía Bắc tới tận cùng bờ biển phía Nam. Như một chiến dịch tràn ngập lãnh thổ.
Bây giờ, nếu Luật Đặc khu thành hiện thực, ba khu vực yết hầu của cả ba miền đất nước có nguy cơ trở thành nhượng địa cho tư bản và dân di cư người Tàu dưới danh nghĩa nhà đầu tư, hoàn tất âm mưu thôn tính Việt Nam, thực hiện thời kỳ Bắc thuộc mới.
Cơ sở của sự lo sợ này của dân chúng là những cam kết của Hà Nội trong Hiệp ước Thành Đô, mà chính cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã thốt lên, rằng “một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”.
Không ai biết nội dung bí mật của Hiệp ước, nhưng báo Tàu thì lấp lửng công khai cam kết của Hà Nội xin trở thành thuộc quốc, thành một tỉnh, một khu tự trị của Cộng hoà Trung Hoa vào năm 2020, trong khi 15 điều cam kết thực thi trong Tuyên bố chung do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký với Trung Cộng tháng 1/2017, gồm các nội dung mà nhiều chuyên gia đánh giá giống như sự tiếp tục của quá trình xoá bỏ biên giới hai nước, chuyển dần hệ thống hành chính Việt Nam hoà tan vào nền quản trị Trung Cộng.
Tổng biểu tình rầm rộ cho thấy, người Việt vĩnh viễn không chấp nhận đảng CS của ông Trọng “hữu nghị, anh em” với Tàu; bất cứ kẻ nào trong chính quyền CS quỵ luỵ Tàu, thân Tàu, kẻ đó là kẻ thù của người Việt.
Tất cả sự có mặt của người Tàu trên đất Việt hiện nay, cả di dân lẫn kinh tế, không được dân Việt thừa nhận, sẽ bị huỷ, bị quốc hữu hoá, khi chế độ đương thời bị phế truất.
Vì vậy, một khi Luật Đặc khu không có thêm điều luật chống Tàu, thì sẽ còn biểu tình.
2- Nguy cơ tham nhũng.
Nếu vẫn duy trì phương thức quản trị đang áp dụng trên cả nước hiện nay, tức là không thừa nhận quyền độc lập bất khả can thiệp của Tư pháp, cấm tự do báo chí và điều tra độc lập, cấm tự do biểu đạt và quyền tự bảo vệ lợi ích của lao động và dân chúng, đảng vẫn độc quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm quan chức, thì tham nhũng là không thể tránh khỏi, không khác gì tình trạng trên cả nước hiện nay.
Quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Đặc khu là quyền hạn tập trung và rất lớn, trong khi cơ quan giám sát là Hội đồng nhân dân Đặc khu chỉ không quá 15 người, vẫn được bầu ra theo cơ chế hiện tại, nghĩa là đảng cử, đảng bỏ phiếu, bịa phiếu, sẽ không có gì đảm bảo chống được lợi ích nhóm và tham nhũng khép kín.
Quyền hạn của Chủ tịch Đặc khu tập trung và rất lớn, đem lại cho vị Chủ tịch đặc lợi lớn, sẽ là nguồn gốc của việc “chạy” tham nhũng chính trị.
Dự luật quy định: Trưởng đặc khu, hay Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đặc khu do Chủ tịch Uỷ ban tỉnh giới thiệu, Hội đồng nhân dân bầu, và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Nhưng dù ai đề cử hay giới thiệu, chỉ một ý kiến của Bí thư Tỉnh uỷ đủ để được thay bằng một ứng viên khác. Để phê chuẩn, dù Thủ tướng có ý gì, một ý kiến của Tổng bí thư đủ để huỷ bỏ mọi kết quả.
Như vậy, để có vị trí trong hệ thống đặc quyền, đặc lợi của đặc khu, có thể phải chạy tất cả, từ Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Bí thư Tỉnh uỷ, tới Văn phòng Chính phủ, tới Thủ tướng, tới Văn phòng Trung ương đảng, tới Tổng bí thư, nhưng rõ ràng, điều kiện cần và đủ là chỉ “chạy” Bí thư Tỉnh uỷ và “chạy”Tổng bí thư. Đảng độc quyền quyết định công tác cán bộ.
Chống Tam quyền phân lập, vừa đá bóng vừa thổi còi, lòng tham và sự hấp dẫn của đồng tiền đã có thể biến cả Thủ tướng “Ba X”, cả Bí thư thành uỷ Đinh La Thăng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Trung tướng anh hùng Phan Văn Vĩnh, v.v. thành tội phạm, Bí thư Lê Thanh Hải thành một thứ “Bố già”.
Đặc khu với dự luật như vậy, sẽ chả mấy chốc sản sinh một loạt những tên ăn trộm mới, cho ra đời những tên đảng viên tỷ phú mới.
Dự luật phải như thế nào
Bộ chính trị đang âm mưu lùi vô thời hạn Luật Đặc khu để tránh một cuộc tổng biểu tình có nguy cơ phế truất chế độ. Nhưng vẫn không biết đảng quyết định bỏ hay âm thầm thực thi không cần công khai luật? Đây là một dạng “lách” Hiến pháp, thủ đoạn không nói đến, cấm nhắc đến, lờ đi giả như không biết, như kiểu “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, như kiểu Luật biểu tình, một kiểu chiến thuật để “cứt trâu hoá bùn” rất quen thuộc của Bộ chính trị Đảng CS.
Không, không cần phải “tiểu nhân” như vậy. Để thỏa mãn lòng dân, Dự luật Đặc khu chỉ cần thêm hai việc:
1- Thêm điều khoản cấm mọi nhà đầu tư có nguồn gốc Tàu cộng. Luật sẽ ngăn chặn bằng mọi giá sự thâm nhập cuả Trung Cộng vào đặc khu dưới mọi hình thức có thể. Cấm mọi nhà đầu tư đến từ các quốc gia độc tài, phi dân chủ.
2- Chủ tịch Đặc khu do dân bầu trực tiếp và bãi miễn bất cứ lúc nào khi phát hiện tham nhũng.
Thử nghiệm mô hình mới.
Nếu đặc khu là nơi thí điểm các mô hình quản trị kinh tế và xã hội tiên tiến, để rút bài học và tổng kết kinh nghiệm mở rộng áp dụng cho cả nước, thì tại sao không đưa vào thử nghiệm mô hình Thị trường Tự do trên nền tảng Xã hội dân chủ đa nguyên? Trong mô hình đa nguyên, không có lực lượng chính trị nào là lãnh đạo, Tư pháp, Toà án và cảnh sát giữ vai trò trung lập, trung gian hoà giải các xung đột xã hội. Với quy mô tương đương huyện, 300.000 tới 350.000 dân, việc vận dụng thể chế Dân chủ trực tiếp là hoàn toàn khả thi và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế xã hội rất cao. Trưởng đặc khu sẽ do dân bầu trực tiếp, mọi luật lệ, chính sách liên quan tới toàn dân sẽ do dân trực tiếp bỏ phiếu. Báo chí tự do, điều tra độc lập, mọi mâu thuẫn, xung đột đều tự do dàn xếp thông qua thương lượng ôn hoà giữa các đại diện xã hội dân sự với nhau, với doanh nghiệp, với chính quyền… Đây là mô hình Thuỵ Sĩ, tương ứng với một dạng thể chế chính trị tiên tiến của nền văn minh châu Âu hiện đại.
Ba đặc khu có thể thử nghiệm ba mô hình khác nhau.
*
Nếu Dự luật không được bổ sung để cấm người Tàu thâm nhập và không được thay đổi một cách căn bản để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, thì có thể khẳng định là Dự luật Đặc khu được Bộ chính trị quyết định đưa ra ép Quốc hội làm luật, có âm mưu đen tối: Hiện thực hoá những bước cuối cùng của quá trình Hán hoá lãnh thổ; Thanh toán đối thủ để tập trung quyền lực, chiếm chỗ đặc lợi, và thu gom đặc quyền vào tay phe nhóm, chuẩn bị cho một kế hoạch tham nhũng đại quy mô.
Nếu Đặc khu ra đời từ một ý tưởng trong sáng, nó phải trở thành cơ hội để áp dụng và phổ biến rộng rãi các mô hình dân chủ tiên tiến, đã được thử thách bằng lịch sử tiến hoá của nhân loại, đang tồn tại và phát triển trong phần tiến bộ nhất của Hành Tinh.
12/8/2018
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN