Việt Nam là thành viên của ILO từ lâu và đã phê chuẩn năm trong tám công ước cơ bản của ILO (số 29; số 138; số 182; số 100; và số 111). Ba công ước cơ bản chưa được Việt Nam phê chuẩn là công ước số 87 về quyền tự do liên kết và bảo vệ quyền được tổ chức, công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và công ước số 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức.
Cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lẫn Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam EU (EVFTA) đều yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba công ước cơ bản còn lại của ILO. Giả như còn TPP thì có thể ba công ước này đã được phê chuẩn.
Việc tham gia CPTPP và EVFTA là rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và chúng tôi ủng hộ việc đó. CPTPP đã được ký tháng 3-2018 và đang trong quá trình phê chuẩn.
Việt Nam và EU đã thống nhất toàn bộ văn bản của EVFTA và EVFTA dự kiến được ký vào tháng 10-2018. Do phần đầu tư phải được quốc hội của tất cả các nước EU chuẩn y, nên phần này đã được tách riêng thành Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA); như thế EVFTA chỉ cần Quốc hội EU và Quốc hội Việt Nam chuẩn y là xong. Tuy nhiên, phiên họp cuối cùng vào tháng 3-2019 của Quốc hội EU là phiên chót mà EVFTA có thể được chuẩn y (nếu được ký và được trình), ngoài phiên này ra không còn cơ hội nào cho EVFTA trong năm 2019 (do có bầu cử Quốc hội EU vào tháng 5-2019) và sau 2019 thì tương lai EVFTA có thể mờ mịt hơn nhất là trong bối cảnh vụ Trịnh Xuân Thanh có thể gây bất lợi quan hệ Việt Nam – Đức và Việt Nam – EU.
Như thế cơ hội cho EVFTA không thật sáng sủa như báo chí chính thống đưa tin. Chúng tôi yêu cầu Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ba công ước cơ bản của ILO nói trên càng sớm càng tốt (tốt nhất vào kỳ họp tháng 10-2018) và thực hiện nghiêm túc chúng nếu không muốn lỡ hẹn EVFTA như Việt Nam đã từng bị trễ việc ký kết BTA với Mỹ và việc gia nhập WTO do ảnh hưởng của những người thân Trung Quốc.