TUYÊN BỐ CỦA NHÓM “LÃO MÀ CHƯA AN” VỀ LUẬT ĐẶC KHU

Chính phủ Việt Nam đã trình dự thảo “Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” (Luật Đặc khu) để Quốc Hội thảo luận và thông qua trong kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá XIV, từ ngày 21-5-2018 đến 15-6-2018. Do sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân, ngày 11-6-2018 Quốc hội đã quyết định lùi thời gian xem xét thông qua dự án luật này sang kỳ họp thứ VI, dự kiến vào tháng 10-2018.

Ngày 10-7-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đã nói “xin ý kiến rộng rãi nhà khoa học, nhân dân về đặc khu kinh tế”. Cho đến nay chưa rõ việc “xin ý kiến rộng rãi” sẽ diễn ra thế nào.

Theo kế hoạch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến họp trong tháng 8-2018 sẽ bàn tiếp về Luật Đặc khu để chuẩn bị cho kỳ họp thứ VI. Báo chí đưa tin đã có một tài liệu phục vụ cho việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ V; tài liệu đó đã nêu một số vấn đề trong dự thảo luật mà người dân phản đối và đưa ra các lập luận bác bỏ những sự phản đối đó, tức là nhằm biện minh cho dự thảo luật. Tuy nhiên, cho đến nay (6-8-2018) các chuyên gia và đông đảo nhân dân tiếp tục phản đối và yêu cầu huỷ dự án luật này.

Ngày 4-8-2018 báo chí tưởng thuật rằng trong phiên họp từ 8-8 đến 13-8-2018 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét luật đặc khu.

Dự luật Đặc khu đã được trình hay sẽ được sửa đổi vẫn phải nhằm đạt mục đích được nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Đảng Cộng sản Việt Nam về “xây dựng một số đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

Chúng tôi phản đối dự luật đặc khu vì một số lý do sau đây:

1) Trong hai mục tiêu nêu trên của Nghị quyết số 11-NQ/TW thì mục tiêu “với quy chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng” cho đất nước là không thể đạt được nếu chỉ thực hiện tại vài đặc khu có quy mô dưới cấp tỉnh lớn, như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Đà Nẵng; còn mục tiêu “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị” với “thể chế vượt trội” cũng không thể thực hiện được nếu không có sự thay đổi thể chế chính trị ở tầm quốc gia. Nói cách khác cả hai mục tiêu là bất khả thi nếu không có sự thay đổi thể chế đồng bộ ở cấp quốc gia theo hướng dân chủ, pháp trị và cai quản (governance) tiên tiến. Nếu có sự thay đổi như vậy, tức là biến cả nước thành “đặc khu” (một việc mà chúng tôi hết sức ủng hộ), thì luật về đặc khu chẳng còn ý nghĩa gì.

2) Một mục tiêu khác của dự luật (theo Tờ trình của Chính phủ số 411 cho Quốc hội, tr. 4-5) là “Tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao công nghệ sinh học;…”  chỉ có thể thực hiện được ở các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ chẳng hạn. Nhưng hãy xem xét thật nghiêm túc tình hình của các khu công nghệ cao Hoà Lạc (được thành lập từ 1998 và 20 năm sau vẫn chưa đâu ra đâu: đến 2016 chỉ thu hút được 78 dự án với vốn đăng ký 60 ngàn tỷ đồng và nhiều dự án đã không thể triển khai và phải thu hồi giấy phép đầu tư của 17 dự án và nhiều dự án khác đang chậm tiến độ sắp bị thu hồi giấy phép), Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP, thành lập năm 2002) có lẽ “thành công” hơn cả đạt gần 3,4 tỷ USD vốn giải ngân trong 16 năm hoạt động (với 1 tỷ USD của Intel Products và 1 tỷ USD của Nidec, ngoài ra là vốn giải ngân của các công ty khác) và các doanh nghiệp tại SHTP nộp ngân sách năm 2017 gần 118 triệu USD, mức xuất khẩu từ SHTP hơn 10 tỷ USD, nhưng SHTP vẫn chưa được như kỳ vọng sau 16 năm hoạt động. Đó là chưa kể đến sự èo uột của nhiều khu công nghệ cao ở các nơi khác. Chưa rút kinh nghiệm để cải thiện các khu công nghệ cao như vậy, thì hỏi làm thế nào để thu hút đầu tư công nghệ cao, cho khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu & phát triển ở các “đặc khu” xa các trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật này? Mục tiêu này là hoàn toàn không có cơ sở và không thể khả thi ở các đặc khu đó.

3) Mục tiêu tiếp theo (Tờ trình của Chính phủ số 411 cho Quốc hội, tr.5) là “Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị Hành chính Kinh tế Đặc biệt có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả” chắc chắn sẽ thất bại vì những phân tích 1) và 2) ở trên.

4) Nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu (nếu tính bằng tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP thì Việt Nam thuộc các nước hội nhập sâu nhất) vào nền kinh tế thế giới. Cần cải cách thể chế sâu rộng ở quy mô toàn quốc chứ không phải “thử nghiệm” ở vài “đặc khu nhỏ”, nói cách khác mô hình đặc khu không còn phù hợp với Việt Nam ngày nay.

5) Thế thì tại sao người ta vẫn khăng khăng cố làm các “đặc khu”? Có những dấu hiệu khó chối cãi về sự câu kết giữa các doanh nghiệp cánh hẩu (nhất là các doanh nghiệp bất động sản) và chính quyền hay một số người của chính quyền trong việc đổ xô chia chác đất và các dự án “đón lõng đặc khu” để trục lợi tại Vân Đồn, Phú Quốc và phần nào ở Bắc Vân Phong.  Có sự giống nhau khó chối cãi của sự câu kết như vậy khi người ta nhất quyết sáp nhập Hà Tây và vài xã Hoà Bình vào Hà Nội 10 năm trước đây.

6) Tuy dùng từ ngữ rất hào nhoáng (thể chế vượt trội, công nghiệp 4.0, công nghệ cao, vân vân), nói là “Tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi” cho “dịch vụ, du lịch nghỉ đưỡng cao cấp, công nghiệp văn hoá, dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay,…”  (Tờ trình của Chính phủ số 411 cho Quốc hội, tr. 5) nhưng thực ra chỉ là để hợp thức hoá sự câu kết nêu ở điểm 5) ở trên và sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào kinh doanh bất động sản, casino (mà có lẽ là “công nghiệp văn hoá”?), khách sạn, sân bay… đang được hối hả xây dựng để được hưởng các mức ưu đãi đặc biệt.

7) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều là các nơi rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng và với việc biến các đặc khu này thành các khu đặc lợi rất có thể tạo khuyến khích cho việc gây ra những nguy cơ khôn lường đối với an ninh quốc gia.

Còn có thể nêu ra các lý do khác cho việc phản đối luật đặc khu.

Vì các lý do nêu trên, chúng tôi yêu cầu:

1) Chính phủ huỷ bỏ, không trình dự luật đặc khu dù dưới dạng đã được trình hay sẽ được sửa đổi (thí dụ bỏ thời hạn thuê đất 99 năm xuống 50 hay 70 năm, bỏ một số quy định quá ưu ái cho “công dân nước có biên giới chung với tỉnh Quảng Ninh”, vân vân);

2) Trong trường hợp Chính phủ vẫn cố ý trình dự luật đặc khu, thì yêu cầu Quốc hội bác bỏ dự luật đặc khu đó.

This entry was posted in Luật Đặc khu. Bookmark the permalink.