Cơ quan tố tụng ở Đồng Nai ngăn trở quyền kháng cáo phúc thẩm

Trần Thành

“Luật sư có thể làm gì khi quyền kháng cáo của thân chủ bị ngăn cản?”. Luật sư Đặng Đình Mạnh, Đoàn Luật sư TP.HCM, đặt câu hỏi cứ ngỡ như đang bỡn cợt nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

https://2.bp.blogspot.com/-AzwfP4xS8JA/W2sCwOc83aI/AAAAAAAAAS8/bQJBgHyBeBsxnZY9ZvJmwIXBg-HyDRl3QCLcBGAs/s640/_99576205_dangdinhmanh2.jpg

Luật sư Đặng Đình Mạnh. Ảnh: chụp video

“Chiều 7-8 tôi đã làm việc và gởi văn bản trực tiếp cho Trung tá Trần Thanh Hải, Đội trưởng Cơ sở Giam giữ Thành phố Biên Hòa. Ông ấy ghi nhận và hứa sẽ cho kiểm tra”. Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết.

Hoạt động tư pháp đang bị xâm hại tại Đồng Nai

Trong một chia sẻ đầy bức xúc hôm 7-8, luật sư Đặng Đình Mạnh nhấn mạnh rằng, “Kháng cáo bản án sơ thẩm được luật quy định là một quyền, là quyền bất khả cưỡng đối với tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng khi bị cáo thực hiện quyền. Điều này được hiểu khi nội dung kháng cáo của bị cáo là không chính đáng một cách hiển nhiên, thì tòa án vẫn buộc phải xét xử lại vụ án lần thứ hai theo thủ tục phúc thẩm”.

Vẫn theo luật sư Mạnh, trong hoàn cảnh bị cáo bị tạm giam, bị giới hạn tự do, không có các phương tiện như giấy, viết… thì quyền đó nhiều khi không được bảo đảm thực thi. Tuy vậy, theo xác nhận của luật sư Mạnh, với đa phần trường hợp, người ta ít nghe phản ánh về sự xâm phạm quyền kháng cáo của các bị cáo từ các trại tạm giam.

“Cho đến những ngày gần đây, trong vụ án tuyên xử 20 bị cáo về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Nai vào ngày 30-07-2018, vì họ đã tham gia biểu tình vào ngày 10-06-2018, thì trong thời gian cân nhắc việc kháng cáo, 15 ngày kể từ ngay tòa án tuyên án, một số thân nhân của bị cáo bị tạm giam đã phản ánh với luật sư về tình trạng cán bộ quản giáo đe dọa, ngăn cấm các bị cáo kháng cáo gây sự lo ngại trong công chúng về các sự lạm quyền, xâm phạm quyền bị cáo trong hoạt động tư pháp?!”. Luật sư Đặng Đình Mạnh kể.

Vấn đề ở đây là lược theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, kể từ thời điểm sau khi bản án sơ thẩm được tuyên cho đến khi tòa án cấp phúc thẩm thụ lý hồ sơ vụ án, thì luật sư không được quy định bất kỳ quyền hạn, vai trò gì trong giai đoạn này. Cho dù, trong thực tế thì bị cáo vẫn rất cần có sự tư vấn, bảo vệ của luật sư trong giai đoạn này như tư vấn nội dung kháng cáo cho bị cáo. Thậm chí, tiến hành các thủ tục để bảo đảm các các quyền mà luật pháp quy định cho bị cáo trong phạm vi và điều kiện bị tạm giam.

“Thế nên, trong sự việc cụ thể của một số bị cáo đang bị đe dọa, ngăn cấm thực hiện quyền kháng cáo tại Cơ sở Giam giữ thuộc Công an TP. Biên Hòa, thì chúng ta thử nghĩ xem luật sư có thể làm gì cho thân chủ của mình?”. Luật sư Đặng Đình Mạnh nhắc lại một lỗ hổng chết người trong thủ tục về tố tụng mà giới luật sư đã lên tiếng kiến nghị từ lâu.

Quyền công dân bị xâm phạm

Lâu nay trong vụ án hình sự, sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bản án chưa có hiệu lực, mặc dù luật sư có giấy chứng nhận bào chữa của 3 cấp tố tụng điều tra, truy tố, xét xử, trong thời gian này, khi bản án chưa có hiệu lực, thời hạn 15 ngày dành cho kháng cáo, cho thấy bị cáo lúc này rất cần luật sư vào trại giam để hướng dẫn, hoặc tư vấn cho bị cáo về bản án đã tuyên, để bị cáo có quyền về kháng cáo.

Tuy nhiên đúng như thực tế nêu trên của luật sư Đặng Đình Mạnh, cơ quan quản lý trại giam không cho luật sư vào thăm gặp bị cáo sau giai đoạn xét xử, khi bản án chưa có hiệu lực. Thậm chí ngay cả khi bị cáo ký tên vào mẫu đơn soạn sẳn do giám thị đưa cho trong phần thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm, thì phía luật sư của bị cáo vẫn không được tiếp xúc để tham vấn cho thân chủ của mình.

Phải chăng đây là một sự trở ngại lớn mà các cơ quan tiến hành tố tụng, các nhà làm luật chưa nghĩ đến? Lưu ý là thời điểm này bị cáo chưa hoàn toàn mất quyền công dân. Không những vậy, sau giai đoạn xét xử sơ thẩm bản án chưa có hiệu lực, trong nhiều trường hợp, như vụ án ở Biên Hòa nói trên, lúc này phía gia đình bị cáo mới mời luật sư để tiếp xúc bị cáo, hoặc vào trại tư vấn cho bị cáo để hướng dẫn cho bị cáo làm đơn kháng cáo theo trình tự thủ tục pháp luật quy định.

Việc ngăn trở bị cáo gặp luật sư cho thấy phải chăng quyền của bị cáo đã bị hạn chế bởi bản án sơ thẩm đã tuyên?

Cựu Chánh Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao, thẩm phán Đinh Văn Quế có ý kiến về vấn đề trên như sau: Ai là người có quyền cho phép luật sư gặp bị cáo trong trại giam sau khi tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án? Dù Bộ Luật Tố tụng Hình sự không quy định, các cơ quan tiến hành tố tụng chưa hướng dẫn nhưng thực tiễn gặp trường hợp tương tự thì Viện Kiểm sát với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp có quyền can thiệp để luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, nếu trại giam “máy móc” không cho luật sư gặp bị cáo.

Với tinh thần cải cách tư pháp, tạo điều kiện cho luật sư hoạt động thì các trại giam không nên gây khó cho luật sư nếu việc cho luật sư gặp bị cáo chỉ để tư vấn về quyền kháng cáo cho thân chủ. Nếu cán bộ trại giam “sợ” trách nhiệm thì phải báo cáo lãnh đạo trại, lãnh đạo trại thấy vướng về pháp luật thì cần trao đổi với cơ quan chức năng, đặc biệt là đối với Viện Kiểm sát cùng cấp.

Ở vụ án tuyên xử 20 bị cáo về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” tại Đồng Nai vào ngày 30-07-2018, vì họ đã tham gia biểu tình vào ngày 10-06-2018, xem ra sở dĩ các bị cáo bị cản trở quyền kháng cáo, vì ai đó ngại rằng với sự hiện diện của các luật sư trong phiên phúc thẩm (nếu có), các dối trá của phiên sơ thẩm sẽ lộ mặt…

T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Lỗ hổng pháp luật Việt Nam. Bookmark the permalink.