Trung Quốc dậy sóng, quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình đối mặt nguy cơ suy giảm

Thủy Thu

Trung Quốc dậy sóng, quyền lực tuyệt đối của ông Tập Cận Bình đối mặt nguy cơ suy giảm

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Ảnh tư liệu

Một học giả Trung Quốc đề nghị nên xem xét lại việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình.

Vào tháng 3 năm nay, tại kỳ họp Lưỡng hội (gồm Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (tức Mặt trận Tổ quốc), các đại biểu Trung Quốc đã nhất trí chính thức xóa giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước Trung Quốc.

Động thái này giúp Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023, thậm chí trọn đời.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Trung Quốc liên tục đối mặt hàng loạt vấn đề khủng hoảng như kinh tế tăng trưởng chậm, bê bối vắc xin, cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang. Điều này khiến giới học giả Trung Quốc dấy lên những ý kiến trái chiều về sức mạnh quyền lực của ông Tập.

Giáo sư Luật Hứa Chương Nhuận, thuộc Đại học Thanh Hoa trong bài viết đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc (Bắc Kinh) nhận định: “Người dân Trung Quốc, bao gồm giới tinh hoa một lần nữa lại cảm thấy hoang mang tột độ về phương hướng phát triển quốc gia và an toàn bản thân. Sự lo lắng ngày càng tăng lan rộng thành nỗi hoảng sợ trong toàn quốc”.

Theo ông Khương Hạo, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Thiên Tắc thì đây là phát biểu rất mạnh mẽ bởi “nhiều thành phần trí thức có thể cũng có chung ý tưởng nhưng không dám nói ra”.

Trong bài xã luận, ông Hứa kêu gọi các đại biểu Trung Quốc xem xét lại việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước. Mặc dù bị kiểm duyệt chặt nhưng mạng xã hội Trung Quốc vẫn rầm rộ chia sẻ bài viết này.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đang phải chật vật đối phó tranh chấp thương mại ngày càng tăng với Washington. Một số chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng, cuộc chiến thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể được kiểm soát nếu Bắc Kinh hành động linh hoạt hơn và kiềm chế giọng điệu huênh hoang của mình.

“Trung Quốc cần kiềm chế hơn khi xử lý các vấn đề quốc tế”, Giáo sư Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh Giả Khánh Quốc chia sẻ trên một diễn đàn mới đây tại Bắc Kinh, “Không nên tạo ra bầu không khí như thể [Trung Quốc] sắp thay thế Mỹ”.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại, Trung Quốc lại đau đầu đối phó với vụ bê bối vắc xin đang gây phẫn nộ trong xã hội nước này.

Nhiều chuyên gia nước ngoài và quan chức trong ĐCSTQ cho rằng, những sự vụ gần đây khiến giới trí thức, cựu quan chức và tầng lớp trung lưu đang hình thành sự lo ngại trước chính sách cứng rắn của ông Tập.

Một cựu quan chức Trung Quốc trả lời New York Times rằng, rất nhiều đồng nghiệp cũ của ông đang chia sẻ bài viết của Hứa Chương Nhuận.

Nhiều ý kiến của giới quan chức Bắc Kinh cho rằng, những lời chỉ trích này sẽ lớn dần lên theo thời gian khiến quyền lực của ông Tập suy giảm và khiến chính tầng lớp quan chức cấp cao cũng sẽ dấy lên sự hồ nghi về các quyết định của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Vài tuần gần đây, có dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của [thế lực] chống đối quyền lực tuyệt đối của ông Tập”, Richard McGregor, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Lowy, Sydney, Australia nói.

Một số dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại và những ý kiến phê bình trong nước có thể đã khiến chính quyền Bắc Kinh giảm bớt những phát biểu quá cứng rắn.

Ví du, một loạt các bài báo đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo chỉ trích các học giả và chuyên gia Trung Quốc khi những người này lớn tiếng tuyên bố rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành siêu cường công nghệ.

“Vẫn còn quá sớm để chứng minh những phát biểu này liệu có tác động tới đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc nhưng thú vị là Bắc Kinh đã có một số điều chỉnh giọng điệu về chính sách ngoại giao”, bà Susan Shirk, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc thế kỷ 21, Đại học California nói.

                                                                                                        Theo Thời đại

T.T.

Nguồn: http://soha.vn/trung-quoc-day-song-quyen-luc-tuyet-doi-cua-ong-tap-can-binh-doi-mat-nguy-co-suy-giam-20180802193929412.htm

Đọc thêm:

Trung Quốc xấu mặt vì những thỏa thuận kỳ lạ mang danh Vành đai – Con đường

Thủy Thu

Trung Quốc xấu mặt vì những thỏa thuận kỳ lạ mang danh Vành đai - Con đường

Hai nhà lãnh đạo Trung-Séc. Ảnh tư liệu

Bộ phận giới quan chức Séc cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc mua đất ở nước bản địa, chứ không phải đầu tư đơn thuần.

Một rạp chiếu phim ở Thái Lan được trang bị ghế ngồi thủy lực sẽ mang đến cho khán giả cảm giác mạnh. Một khu trượt tuyết trong nhà đang nổi lên gần bãi biển của thành phố Gold Coast, Australia. Một trung tâm Đông y của Trung Quốc tại vùng sản xuất rượu vang phía Nam Cộng hòa Séc.

Cả ba dự án đều thuộc tham vọng xây dựng các mối quan hệ địa chính trị và kinh tế trên toàn thế giới của Chính phủ Trung Quốc nhưng tất cả chúng đều đi lệch khỏi sứ mệnh ban đầu.

Trong 5 năm qua, một số dự án quy mô nhỏ, ít ảnh hưởng với danh nghĩa thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường vẫn được các công ty Trung Quốc lách luật hạn chế đầu tư ra nước ngoài của Chính phủ.

Để hạn chế các doanh nghiệp trong nước ồ ạt đổ vốn ra nước ngoài, Bắc Kinh đã không còn khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia vào các giao dịch trong các lĩnh vực bất động sản và giải trí, đồng thời có động thái ngăn chặn trong một số trường hợp.

Doanh nghiệp TQ lách luật

Khi nền kinh tế trong nước có dấu hiệu căng thẳng, các quan chức Trung Quốc đã thận trọng lên tiếng về sáng kiến Vành đai và Con đường, họ đang xem xét số vốn của các giao dịch và số lượng các dự án đang hoạt động.

Nhưng điều này không thể ngăn cản một số công ty Trung Quốc tiếp tục lách luật.

“Có những thỏa thuận kỳ lạ xuất hiện dưới danh nghĩa Vành đai và Con đường, vì đây là cách các doanh nghiệp chứng tỏ phương thức hoạt động của họ phù hợp với mục đích chính trị của Chính phủ”, Arthur Kroeber, Giám đốc điều hành Gavekal Dragonomics, một công ty nghiên cứu kinh tế độc lập cho biết.

“Đây chắc chắn là một sân khấu vô cùng rộng lớn cho những kẻ cơ hội”, ông Kroeber nhấn mạnh.

Ngoài Trung tâm Đông y tại Cộng hòa Séc, các doanh nhân Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng các trung tâm văn hóa và công viên giải trí ở Hungary, Ý, Philippines, Nga, Serbia.

Một công ty xây dựng đã sử dụng sáng kiến Vành đai và Con đường để biện minh cho một thỏa thuận xây dựng một khu phức hợp giải trí ở Indonesia bao gồm một khách sạn và sân gôn có tên Trump.

Ngoài việc sa đà xây dựng các địa điểm vui chơi giải trí, sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đang mở rộng về mặt địa lý.

Trọng tâm ban đầu của sáng kiến ​tập trung vào các quốc gia dọc theo con đường tơ lụa – tuyến đường thương mại cổ xưa nối dài từ Marco Polo về phía Đông. Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng phạm vi của sáng kiến tới châu Phi và Nam Mỹ.

Ngoài ra, ở Australia, công ty TNHH cổ phần phát triển nghệ thuật Songcheng đang xây dựng một khu vui chơi giải trí khổng lồ trên khoảng đất 100 mẫu Anh dọc bờ biển phía Đông Gold Coast.

TQ lo mất máu vì doanh nghiệp lợi dụng sáng kiến thế kỷ của ông Tập để đổ tiền ra nước ngoài - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tham dự lễ ký kết với người đồng cấp Séc Milos Zeman. Ảnh: Tân Hoa Xã

“Chúng tôi sẽ cung cấp các buổi biểu diễn văn hóa mang tính bản địa như câu chuyện Captain Cook phát hiện ra nước Australia”, Zhang Xian, Giám đốc điều hành của Songcheng nói.

Công viên giải trí, được gọi là Australia Legend Kingdom, dường như kết hợp mọi lĩnh vực đang bị Chính phủ Trung Quốc đóng băng: Bắc Kinh đang cố gắng cấm các công ty lớn đầu tư vào các hạng mục giải trí, thể thao và bất động sản ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Trung Quốc lại đưa Australia Legend Kingdom vào danh sách các dự án trọng điểm.

Songcheng điều hành 30 công viên giải trí ở Trung Quốc với các khu tàu ​​lượn siêu tốc cũng như các công trình mang đặc sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Trung Quốc. Công ty này còn sở hữu một số khách sạn theo chủ đề, trong đó một khách sạn được phục dựng như một khu rừng nhiệt đới, một khách sạn khác trong giống Maldives nhưng nằm trên một hồ nước.

Đại diện Australia của Songland, Roland Evans, cho biết công ty luôn có tham vọng vào Australia. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố sáng kiến ​​Vành đai và Con đường vào năm 2013, công ty đã chớp lấy cơ hội.

Quy hoạch xây dựng của công viên giải trí Songcheng ở Australia vẫn chưa được hoàn thiện nhưng theo bản phác thảo ban đầu, dự án gồm chung cư cao tầng cho khoảng 2.000 cư dân và nhà hát biểu diễn nhạc kịch về lịch sử Trung Quốc và Australia. Công ty này còn hy vọng sẽ xây dựng khu nghỉ mát trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới.

Nhiều người cho rằng, các công viên giải trí và nhà hát, rạp chiếu phim – có chức năng giống như các cầu cảng và cơ sở hạ tầng khác – có thể thúc đẩy nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh.

“Một trong những mục tiêu là trao đổi văn hóa dọc theo ‘Vành đai và Con đường’ để tăng cường sức mạnh mềm của chúng tôi [Trung Quốc]”, Chen Shaofeng, Viện phó Viện Công nghiệp Văn hóa Đại học Bắc Kinh nói. “Các dự án văn hóa cũng có thể hỗ trợ chiến lược cho hợp tác kinh tế”.

Đây là những mục tiêu to lớn nhưng giới phân tích cho rằng, thực chất Trung Quốc đang rải tiền ở nước ngoài.

Một số công ty tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường cho biết, họ nhận được khoản vay ưu tiên từ các ngân hàng quốc doanh. Các công ty khác cho biết họ đang nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, giúp đào tạo nhân viên và thúc đẩy các dự án kinh doanh mới ở nước ngoài.

Li Dan thành viên của Betop Entertainment, công ty đang xây dựng rạp chiếu phim cảm giác mạnh ở bãi biển nổi tiếng Pattaya, cho biết đây là rạp chiếu phim đầu tiên của công ty ở nước ngoài.

“Dự án này phù hợp với chính sách Vành đai và Con đường”, Li nói.

Cạm bẫy xây dựng

Tuy nhiên, cũng có những cạm bẫy khi sử dụng tên Vành đai và Con đường. Một số công ty Trung Quốc đã bắt đầu gặp phải những trở ngại với các dự án ở nước ngoài.

Công ty TNHH Phát triển bất động sản RiseSun luôn muốn xây dựng một trung tâm Đông y ở thị trấn nhỏ Pasovsky, miền nam Moravia của Cộng hòa Séc. Mô hình giả lập của dự án được công bố lần đầu trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2015 của Tổng thống Séc Milos Zeman, cho thấy hơn 20 tòa nhà được xây dựng dọc theo hồ Nove Mlyny.

Tuy nhiên, dự án hiện đã được chính quyền địa phương xem xét cẩn thận.

Công ty Trung Quốc cho biết, trung tâm y học này vẫn chưa được xây dựng nhưng khẳng định nó đang ở trong quá trình xin phê duyệt”. Giới quan chức Pasohlavky hiện đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Nhiều người trong số họ cho biết, RiseSun chỉ là một trong những nhà đầu tư quan tâm đến việc mua đất.

Chính quyền địa phương cho biết, họ chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi, một số cư dân đã bày tỏ sự bất mãn về các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ngoài ra, họ đang theo dõi chặt chẽ những thông tin liên quan đến công ty năng lượng CEFC China Trung Quốc và những sự việc xảy ra tại Prague, thủ đô Séc.

Một vài năm trước, công ty Trung Quốc này đã mua lại một số công ty của Séc, bao gồm cả cổ phần một ngân hàng, nhà máy rượu và thậm chí là một đội bóng đá. Sau đó, người sáng lập CEFC China bất ngờ biến mất trong năm nay, làm dấy lên những lo ngại về số phận của các công ty mà họ đã mua lại tại Cộng hòa Séc.

“Tòa thị chính thậm chí còn nhận được những tin nhắn thể hiện sự phẫn nộ”, bà Dominova nói. “Họ cáo buộc chúng tôi bán nước cho người Trung Quốc”.

* Lược dịch từ bài viết của hai nhà báo Alexandra Stevenson và Cao Li, New York Times.

theo Thời đại

T.T.

Nguồn: http://soha.vn/tren-bao-duoi-khong-nghe-chinh-phu-tq-muoi-mat-vi-doanh-nghiep-lo-rai-tien-o-nuoc-ngoai-20180802162943209.htm

This entry was posted in Tập Cận Bình Chiến lược Vành đai và con đường. Bookmark the permalink.