Thỉnh thoảng trong những buổi ‘trà đá chém gió’, không ít người nêu lên quan điểm: Việt Nam là Trung Quốc thu nhỏ. Liệu rằng điều này đúng hay sai?
Ánh Liên
Việt Nam có vẻ giống Trung Quốc, và những người Việt quan tâm đến chính trị – xã hội nhận thức sâu sắc vấn đề này, đến mức họ cho rằng, nước Việt là một sự sao chép từ người bạn lớn phương Bắc.
Khi chủ nghĩa xã hội rơi vào trạng thái khánh kiệt về mặt thực tiễn xã hội – kinh tế, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã mở đường cải cách dưới tên gọi Cải cách khai phóng nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng vào cuối năm 1978. Tám năm sau, Việt Nam cũng học tập theo dưới tên gọi ‘Đổi mới’. Cả hai hướng đi này đều tập trung vào việc chuyển nền kinh tế quan liêu – bao cấp sang nền kinh tế hướng thị trường hơn nhưng vẫn trong khuôn khổ kiểm soát của Đảng (gọi vắn tắt là kinh tế thị trường định hướng XHCN).
Đó là một trong nhiều ví dụ mà Việt Nam học hỏi, thậm chí sao chép gần như nguyên bản từ Trung Quốc, ngay cả trong vấn đề lập pháp như Luật an ninh mạng gần đây.
Thỉnh thoảng, khi Trung Quốc tiến hành một ‘hoạt động mới’ xuất phát từ Đảng cầm quyền, thì lập tức một thời gian sau, Việt Nam cũng rục rịch để thay đổi. Cả hai quốc gia như hai người anh em sinh đôi, người kia hắt xì thì tức người còn lại sẽ bị sổ mũi.
Vậy Việt Nam có phải là Trung Quốc thu nhỏ? Câu trả lời rõ ràng là chưa phải, dựa vào dân số của Việt Nam là ít hơn Trung Quốc; những gì Trung Quốc làm tốt chưa chắc Việt Nam sẽ làm ổn. Ví dụ như mô hình đặc khu vẫn đang được bàn lại trên Nghị trường, lý do – Trung Quốc đã thực hiện đúng vào thời điểm trong vài thập niên trước, và hiện giờ có vẻ nó đã… lạc hậu theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế độc lập Việt Nam.
Người dân Việt Nam đang ngang pano tuyên truyền biển đảo.
Là thành viên WTO cũng vậy, Việt Nam gia nhập sau Trung Quốc 6 năm… Và thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2018 là 2.300 USD thì Trung Quốc đã là 8.000 USD.
Nhiều giả thuyết được đặt ra, trong đó, nếu Việt Nam muốn bắt kịp Trung Quốc thì cần phải nỗ lực trong 10 năm, và Trung Quốc phải dừng phát triển lại. Nói một cách khác, Việt Nam hiện tại là Trung Quốc của 10 năm trước đó.
Rõ ràng, Việt Nam cần phải làm rất là nhiều để đạt được mô hình như Trung Quốc hoặc trở thành một Trung quốc thu nhỏ về mặt kinh tế, trong đó bao hàm cả chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn dựa vào nông nghiệp, trong khi Trung Quốc đã rời bỏ nó ít nhất 15 năm.
Như vậy, Trung Quốc có thể là mô hình dẫn lối cho Việt Nam học tập theo, nhưng Việt Nam chưa bao giờ là một mô hình mang tính đầy đủ của Trung Quốc, nói cách khác, Việt Nam là mô hình lỗi. Trong một bài phỏng vấn trên BBC Việt ngữ, TS Vũ Minh Khương đã thẳng thắn cho rằng Việt – Trung là một mô hình, nhưng lại là hai tầm nhìn.
Trung Quốc thì tìm cách nâng cao tính chính danh của đảng mình, nên ‘buộc tạo nên một thành quả kinh tế kỳ vĩ’. Trong khi lãnh đạo Việt Nam ‘chưa đủ tầm để xác định một chiến lược kỳ vĩ,’, ngay cả việc đưa đất nước trở thành hùng cường vào năm 2045, mà ‘thường nặng về những xoay sở để đủ tồn tại, bởi lẽ cái chính danh của quá khứ cũng tạm đủ cho họ tồn tại trong một số thập kỷ tới’.
Việt Nam chưa bao giờ là Trung Quốc thu nhỏ, về nhiều mặt. Việt Nam đã trở thành một nước lạc hậu nằm cạnh Trung Quốc, và theo đuổi những yếu tố thuộc Trung Quốc nhưng khi áp dụng lại đầy lỗi.
Một trong những cuốn sách mà không ít người đem ra để phê phán Trung Quốc là cuốn ‘Death by China’ (Chết bởi Trung Quốc) được viết bởi Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công cộng tại Đại học California, Irvine, Peter Navarro và đồng sự Greg Autry. Nhưng đặt ở một góc nhìn khác, đến bao giờ sẽ có một cuốn sách mang tên ‘Chết bởi Việt Nam’, với sự trỗi dậy thực sự của một con Rồng?
Chúng ta không thể hòa tan với Trung Quốc, nhưng chúng ta cần đối diện là phải học hỏi, thậm chí vượt Trung Quốc. Bởi phải học hỏi, và vượt lên trên, thì Việt Nam mới thực sự thoát khỏi định kiến ‘mô hình lỗi’ của Trung Quốc.
Nhưng Việt Nam có gì trong tay?
‘Đổi mới, dũng cảm, cải tiến, và lắng nghe nhân dân’ là điều mà Việt Nam có thể làm được và vận dụng một cách sáng tạo, nhanh chóng hơn Bắc Kinh. Lý do, Việt Nam không có ‘Vạn lý trường thành’ trên internet, mạng internet vẫn có sự hiện diện của Google, Facebook và hàng tá dịch vụ khác. Số lượng người dùng internet Việt Nam vẫn tăng trưởng đều theo hằng năm (năm 2018 là 55.19 triệu người dùng), và theo bản đồ dự báo của Statista 2018, đến năm 2022, Việt Nam sẽ có 59.48 triệu người dùng.
Internet không phải lật đổ chính quyền, mà giúp giải thiêng chính quyền và nâng cao đời sống dân trí – kể cả là về với nhà nước (đi từ ‘cấm’ sang ‘quản lý’). Vấn đề là, liệu nhà nước Việt Nam có thực sự định hình tính chính danh của mình trên cơ sở tôn trọng quyền con người trong thời kỳ internet hay không! Hay là vẫn tìm cách ‘ngăn sông cấm chợ’ và quy nạp internet hay người dùng mạng xã hội như những kẻ thù vô hình trong cái gọi là ‘diễn biến hòa bình’?
Trong một sự kiện có liên quan, mới đây khi ông Trương Minh Tuấn bị điều chuyển sang làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thì cái ghế Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ được ông Nguyễn Mạnh Hùng (hiện đương chức Chủ tịch Viettel nắm giữ). Trong khi ông Trương Minh Tuấn vẫn hoài niệm về Liên Xô với ‘Đợi anh về’ thì ông Nguyễn Mạnh Hùng lãnh đạo một tập đoàn doanh nghiệp mà khởi đầu với sự gợi ý – hướng dẫn của Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Bản thân ông Hùng cũng từng tuyên bố rằng: Hãy làm nên chương mới thay vì đọc lại ánh hào quang của thế hệ trước.
Quan điểm nêu trên nếu được coi là xuyên suốt trong lãnh đạo của ông, ngay cả khi ngồi ghế quản lý báo chí – internet (Bộ Thông tin & Truyền thông) thì đó sẽ là cơ hội để xóa bỏ sự ‘xoay sở để đủ tồn tại’ – yếu tố khiến Việt Nam duy trì sự chính danh dựa trên quá khứ, chứ không phải sự bức phá để đạt thành tựu như Trung Quốc.
Việt Nam chưa bao giờ là Trung Quốc thu nhỏ dựa trên sự hy vọng về tăng trưởng đột phá internet, lắng nghe người dân qua internet, và một tư duy cởi mở – dân chủ về internet.
A.L.
VNTB gửi BVN.