Vụ báo Tuổi trẻ Online và VietnamNet bị xử phạt, mấu chốt là ở đâu?

Những ngày qua dư luận Việt Nam quan tâm rất nhiều đến vụ việc tờ báo Tuổi trẻ Online và tờ báo VietnamNet bị Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt hành chính vì liên quan đến lời nói của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và luật Biểu tình. Đâu đó cũng có thông tin cho rằng đây là đồn thù của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông…

Minh Hải

Ngày 16/7/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo Tuổi trẻ Online là đình bản tạm thời 3 tháng và phải đóng khoản tiền phạt 220 triệu đồng vì mắc phải hai sai phạm trong các bài viết đã đăng tải; sai phạm thứ nhất là ngụy tạo lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại cuộc tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh vào ngày 19/6/2018 rằng “ Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” bài viết đăng cùng ngày. Sai phạm thứ hai là thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây” đăng ngày 26/5/2017.

https://1.bp.blogspot.com/-so89krR6aDk/W1tQJtHfK5I/AAAAAAAAABI/9KieQAT98XoFC21INz_a7_XDmLpBe_U2gCLcBGAs/s640/thumbartboardwithouttext15317512788521616248156.jpg

Giao diện Tuổi Trẻ Online.

Khoảng 4 ngày sau, tức là ngày 20/7/2018 Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 50 triệu đồng đối với báo VietnamNet vì đăng tải bài viết ngụy tạo lời của Chủ tịch nước giống như trường hợp của báo Tuổi trẻ Online.

Đây là hai tờ báo chiếm một lượng đọc giả khá lớn ở Việt Nam, cụ thể ở đây là báo Tuổi trẻ Online, cho nên ngay sau khi quyết định xử phạt hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra nó đã có sự quan tâm đặc biệt đến từ dư luận. Trong những sự quan tâm ấy có sự quan tâm mang nội dung thắc mắc là căn cứ vào hai lỗi mắc phải như đã nêu trên thì thật không hiểu tại sao báo Tuổi trẻ Online lại nhận một quyết định xử phạt khá nặng đến vậy? Tâm điểm sai phạm ở đây là rút cuộc Chủ tịch nước Trần Đại Quang có nói lời ủng hộ việc ban hành Luật biểu tình tại cuộc tiếp xúc cử tri hay là không, bởi vì cả hai tờ báo cùng nhắc đến lời của Chủ tịch Quang với nội dung giống nhau? Câu trả lời chính xác nhất có lẽ ai cũng biết đó là ở chính bản thân Chủ tịch Quang và đông đảo đại biểu có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri hôm ấy. Tuy nhiên, dù báo Tuổi trẻ Online có ngụy tạo lời của Chủ tịch Quang thì với lỗi này, dư luận cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ cần ra quyết định phạt tiền là đủ chứ không cần phải mạnh tay đình bản thêm 3 tháng, gián tiếp gây ảnh hưởng đến hàng triệu đọc giả. Một quyết định xử phạt gây khá nhiều tranh cãi và thật khó hiểu là nó có động cơ gì ở đằng sau hay là không?

Trao đổi với Việt Nam Thời Báo (VNTB), Đại tá Nguyễn Đăng Quang, nguyên cán bộ Bộ Công an, hiện sinh sống ở Hà Nội dẫn một chia sẻ của luật sư Trần Vũ Hải coi việc xử phạt trên là “Một quyết định vô nhân đạo và trái pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn người và gián tiếp đến hàng triệu bạn đọc, cần được hủy bỏ sớm”! Còn Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm: “Hợp pháp thì cũng phải hợp lý. Phạt tiền TTO (Tuổi trẻ Online) là hợp pháp, nhưng đình bản báo TTO là không hợp lý. Đình bản tờ báo nghĩa là trừng phạt không chỉ TTO mà còn hàng vạn, thậm chí hàng triệu bạn đọc của báo. Điều này bất hợp lý, tương tự như việc đình chỉ hoạt động của một hãng xe buýt công cộng vì xe của hãng có vi phạm”.

Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm của 2 vị trí thức nói trên và cảm thấy rất khó hiểu sự công tâm, minh bạch của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông dẫn chứng:

“Tôi xin nêu trường hợp tương tự mới đây để so sánh. Cách đây không lâu (6/6/2018), GS.TS Toán-Ngôn ngữ (ĐHKHXH và NV- Tp. HCM) Nguyễn Đức Dân nhận trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Thành phố HCM (HTV9) về việc xuất hiện 2 khái niệm lạ trong tiếng Việt. Nhưng khi lên sóng, HTV9 lại không trích dẫn câu chữ ông đã dùng, ngược lại còn xuyên tạc và bóp méo ý kiến, từ ngữ ông sử dụng! Ông than phiền, xin trích: “Khi HTV9 hỏi tôi về chuyện “trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo”… Tôi đáp, cách nói này là kỳ cục và lạ tai vì nó không tồn tại trong tiếng Việt. Đây là cách nói do những người có chức quyền đặt ra, bịa ra rồi áp đặt vào tiếng Việt, nên đây không phải là ngôn ngữ hành chính mà là thứ ngôn ngữ quan quyền. Dân gian có câu “muốn nói oan làm quan mà nói”! Nhưng khi phát sóng, HTV9 cắt bỏ hết những từ ngữ đánh giá, bình luận của GS Nguyễn Đức Dân, thay vào đó là cố tình gán khái niệm “ngôn ngữ hành chính” là cách nói riêng của nhà đài HTV9 thành lời nói của GS.TS. Dân! Họ làm như vậy chẳng khác nào họ nhét chữ vào miệng người khác! GS. Nguyễn Đức Dân than thở: “Tôi thấy lời lẽ và ý kiến của mình bị cắt bỏ, gọt nhẵn trơn tru đến mức tôi không còn là tôi nữa”! Không rõ vụ việc này Bộ Thông tin và Truyền thông có biết không? Theo tôi, Bộ Thông tin và Truyền thông không thể không biết, nhưng sao lại cố tình bỏ qua?” – Đại tá Nguyễn Đăng Quang đặt câu hỏi.

Trở lại việc xử phạt 2 báo Tuổi trẻ Online và VietnamNet liên quan đến lời nói của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri ở TP.Hồ Chí Minh hôm 19/6/2018, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói cần đặt ra 2 giả thiết: Giả thiết thứ nhất, nếu đúng là Chủ tịch Trần Đại Quang không phát biểu như vậy mà hai tờ báo này lại trích dẫn đấy là lời ông nói! Như vậy Tuổi trẻ Online và VietnamNet là hoàn toàn sai. Bộ Thông tin và Truyền thông phạt hành chính 2 báo này là đúng, nhưng với báo Tuổi trẻ Online thì có thể là nặng. Gỉa thiết thứ hai, nếu Chủ tịch Quang có phát biểu như hai tờ báo đã đăng thì

“Tôi thấy ông nói như thế đâu có sai? Ngược lại, điều này rất đúng và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Quyền biểu tình của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, nhưng rất tiếc, quyền hiến định này mấy chục năm qua vẫn chưa được thực thi và luật hóa. Thiếu sót này là lỗi của Nhà nước và Quốc hội. Do vậy, việc cần có Luật biểu tình và Quốc hội nên sớm đưa vào chương trình nghị sự để ban hành Luật này là nguyện vọng của đại đa số người dân Việt Nam. Nếu quả Chủ tịch nước Trần Đại Quang có nói vậy, mà ý kiến của ông lại ngược với chủ trương của Bộ Chính trị, thì tôi xin phép không đưa ra bình luận cá nhân lúc này!”- Trích dẫn chia sẻ của Đại tá Nguyễn Đăng Quang từ email.

Dù như thế nào thì việc hai tờ báo có lượng đọc giả quan tâm, theo dõi lớn như tờ Tuổi trẻ Online và tờ VietnamNet bị xử phạt hành chính đang là một sự thật với nhiều tranh luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc 2 tờ báo này bị phạt hành chính là đòn trả thù của ông Trương Minh Tuấn vì lý do 2 tờ báo này không đồng hành bảo vệ ông Tuấn qua vụ án MobiFone mua AVG. Theo ý kiến cá nhân của Đại tá Nguyễn Đăng Quang thì ông cho rằng không phải như vậy. Bởi thời gian qua, ông Trương Minh Tuấn đâu còn tâm trí để ra đòn trả thù người khác, mặc dù ông ta nổi tiếng là người không thân thiện với báo chí, ông ta được mệnh danh là “sát thủ báo chí”. Lúc này, chính ông Tuấn là người đang phải lĩnh án kỷ luật nặng nề về mặt Đảng lẫn chính quyền, ông ta khó có thể thoát khỏi bị truy tố hình sự vì đã “vi phạm rất nghiêm trọng” trong vụ án MobiFone mua AVG, làm thất thoát 7.006 tỷ VNĐ ngân sách nhà nước. Cho nên, theo Đại tá Nguyễn Đăng Quang, nguồn dư luận trên là không chính xác. Có thể việc xử phạt này là ở cấp cao hơn ông Tuấn.

Người viết cũng đồng tình với chia sẻ này của Đại tá Nguyễn Đăng Quang và cũng xin nói thêm, ngày 23/7/2018 vừa qua Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ông Trương Minh Tuấn, biến ông này giờ đây chính thức thành cựu Bộ trưởng./.

M.H.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in báo chí, Báo Tuổi trẻ. Bookmark the permalink.