Lần đầu tiên từ 1975 bùng phát tổng biểu tình phản kháng chính quyền!

Phạm Chí Dũng/Cali today

Ngày Mười tháng Sáu đã bất thần trở thành một trong những ngày lịch sử nhất trong lịch sử thời hậu chiến: lần đầu tiên kể từ ngày ‘thống nhất đất nước’ Ba Mươi tháng Tư năm 1975, một cuộc tổng biểu tình phản đối Luật Đặc khu đã bùng nổ trên suốt chiều dài của mảnh đất ‘lệ rơi hình chữ S’.

Vào tháng Năm năm 2014, cũng đã nổ ra một cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, tập trung hàng chục ngàn người dân chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội, được phát động bởi giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự độc lập.

Hai năm sau – tháng Năm năm 2016 – lại nổ ra một phong trào biểu tình lớn phản đối thảm họa ô nhiễm do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung. Nhưng cuộc biểu tình này đã phát lộ hiện tượng lần đầu tiên các nhóm nhỏ tự phát của người dân kết tụ lại với nhau để thành đám đông biểu tình và biểu tình khá thành công, trong lúc hầu hết những gương mặt đấu tranh nhân quyền nổi bật đã bị công an khống chế và bắt bớ nên không thể dẫn dắt cuộc biểu tình.

Và hai năm sau nữa…

Tháng Sáu năm 2018. Ngay sau khi Dự luật Đặc khu – ‘luật bán nước’ – được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Chỉ đến sát kỳ họp Quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.

Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó: không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’.

Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.

Rộng hơn hẳn và đông hơn hẳn các cuộc biểu tình trước đây, phong trào biểu tình phản đối Luật Đặc khu không chỉ bùng nổ ở Sài Gòn và Hà Nội mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác như Nha Trang, Cam Ranh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Mỹ Tho…

Không chỉ là những tiếng hô “Không Trung Quốc, Không đặc khu!”, “An ninh mạng, Bịt miệng dân!”, mà cả tiếng thét “Đả đảo bọn bán nước”, “Đả đảo cộng sản bán nước”, “Đả đảo Việt gian”.

https://1.bp.blogspot.com/-S9r2XlKX3NY/Wx2qAcmq0dI/AAAAAAAAcKo/OYelrvX-z4U0Y_ZQRvBn7uXEK1F4j0IiwCLcBGAs/s640/image-1-2.png

Ảnh: Dân Làm Báo

Đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.

Đến lúc này, công an chẳng biết phải làm gì để “siết” nữa. Từ lâu, những đòn phép đối phó với phong trào biểu tình dân oan từ năm 2007 và biểu tình chính trị từ năm 2011 đã được tung ra hết: trên hết là thói trấn áp và “biện pháp nghiệp vụ” của ngành công an, sau đó là luật Giao thông đường bộ, luật Hình sự về “gây rối trật tự công cộng”, kể cả những điều luật khắc nghiệt chính trị như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (258), “tuyên truyền chống nhà nước” (88), “lật đổ chính quyền nhân dân” (79) đã từ lâu được dùng để áp chế giới bất đồng chính kiến nhưng chỉ khiến nảy sinh “bắt một sinh mười”.

Đến lúc này, mọi chuyện đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để “lấy lại lòng tin của nhân dân”. Cũng quá muộn để ban hành Luật Biểu tình.

Sự kiện ‘Mười tháng Sáu’ còn lạ lùng ở chỗ trước đó đã hầu như không có một tổ chức xã hội dân sự độc lập hay những nhà hoạt động trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước đứng ra kêu gọi biểu tình, trong khi phần lớn giới này vẫn bị công an canh chặn ở nhà như mỗi khi có biểu tình. Do vậy có thể cho rằng toàn bộ hoạt động biểu tình là xuất phát từ tâm trạng phẫn uất và động lực tự phát kết nối với nhau của người dân – rất tương đồng với hình ảnh người dân tự phát xuống đường chống Formosa vào tháng Năm năm 2016.

Kết luận đã bắt đầu có tính quy luật trên có thể rất quan trọng: bất chấp việc nhà cầm quyền đã thẳng tay đàn áp dã man nhân quyền và Hội Anh em Dân chủ trong suốt 17 tháng từ năm 2016 đến năm 2017, một lực lượng mới đang nổi lên và dần thay thế vai trò dẫn dắt của giới đấu tranh nhân quyền chính là Nhân dân.

Một sự thật đơn giản mà bất kỳ ai cũng hiểu và nằm lòng là công an ‘còn đảng còn mình’ có thể bắt bớ hàng trăm người hoạt động nhân quyền, nhưng không thể nào tống giam hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người dân – những người luôn trong tâm thế nước tràn ly, ngày càng sẵn sàng thay thế những nhà hoạt động nhân quyền đã bị chính quyền tống giam.

Nếu các cuộc biểu tình phản đối Hải Dương 981 vào năm 2014, phản đối chặt hạ cây xanh vào năm 2015, phản đối Luật Bảo hiểm xã hội cùng vào năm 2015, và phản đối Formosa vào năm 2016 vẫn nhắm tới đối tượng phản đối là Trung Quốc hay những chính sách của chính quyền, thì cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 không thể khác hơn là lần đầu tiên kể từ năm 1975 đã thể hiện một hành động phản kháng trực tiếp đối với nhà cầm quyền.

‘Mùa xuân Ả Rập’ đang bắt đầu tái hiện ở Việt Nam như thế đó.

P.C.D.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.