“Cũng có thể có người gửi gắm vào đó ý đồ này, ý đồ khác; chúng ta phải kịp thời ngăn chặn việc đó. Chính vì thế, tôi cho đây là một bài học” – Dương Trung Quốc.
Những người đón ý nói theo ĐCS quá nhiều rồi thưa đại biểu Dương Trung Quốc kính mến. Trước ngày biểu tình nổ ra, tất cả những nhân vật mà đảng từ lâu vẫn cảnh giác là người “chống phá đảng”, thì tối hôm ấy đảng đã cắt cử hết đội này đến đội nọ đến canh đêm cho họ ngủ đẫy giấc. Có còn sót ai đâu mà nói “có người gửi gắm ý đồ này ý đồ khác” được nữa. Lại thêm Bình Thuận và Phan Rí là hai địa điểm nằm quá xa các phong trào dân sự, trước nay nào có ai trong số anh em dân chủ chú ý đến những địa phương này. Có “lo gửi gắm” thì lo ở mấy trung tâm Sài Gòn Hà Nội cho bõ công, sức mấy mà lo tận vùng sâu vùng xa cho xuể. Chẳng qua quy luật tất yếu: Con giun xéo mãi cũng quằn đang diễn ra không thể lường đấy thôi. Quy luật ấy hình như không ra ngoài quy luật mâu thuẫn của chủ nghĩa Mác. Người mác xít tụng nó ra rả mà không thèm hiểu nó bằng thực tiễn nên lãnh đủ. Và chắc chắn là ngày một ngày hai chứ không xa xôi gì nữa, sẽ còn lãnh nhiều hơn bây giờ, cho dù có bắt đầu lo trang bị trực thăng và súng cối đến tận cấp huyện. Ấy, cà cuống chết đến đít mà có hết cay đâu nhỉ.
Bauxite Việt Nam
Trước tình trạng một số người quá khích, đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận vào tối qua, ĐB kỳ cựu Dương Trung Quốc cho rằng: “Chúng ta rất cần một luật biểu tình để người dân có thể bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ và có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích”.
Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), quyết định của Chính phủ, QH lùi thông qua dự luật về đặc khu là kịp thời, đáp ứng mong muốn của người dân.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta có được một bộ luật để khắc phục những sai sót để xảy ra những rủi ro mà mối quan tâm của nhân dân là xác đáng. Tôi nghĩ rằng bài học lớn trong việc này là quá trình xây dựng luật chúng ta vẫn còn chưa lấy được hết ý kiến của người dân, đặc biệt là những tổ chức nghề nghiệp hay của các chuyên gia, nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có”, ông nói.
Ông chia sẻ, nếu chúng ta có ý thức bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, mục tiêu cuối cùng đạt được là tìm được sự đồng thuận, nhất trí, đoàn kết. Đoàn kết lại, chúng ta mới mạnh được.
Nói về việc người dân ra đường biểu thị chính kiến hôm qua, trong đó có một số người quá khích, ông Quốc cho rằng ở đâu cũng có các tổ chức, đoàn thể chính trị nhưng chúng ta không vào cuộc nên để một bộ phận người dân tự phát.
“Cũng có thể có người gửi gắm vào đó ý đồ này, ý đồ khác; chúng ta phải kịp thời ngăn chặn việc đó. Chính vì thế, tôi cho đây là một bài học”, ông nhấn mạnh.
ĐB tỉnh Đồng Nai cũng bày tỏ mong muốn: “Cũng nhân dịp này, tôi cảm thấy chúng ta rất cần một luật biểu tình. Nếu có luật biểu tình thì người dân có thể bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ. Và chúng ta có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích. Chúng ta không có luật nên mới xảy ra tình trạng này”.
Theo ông, có không ít người dân rất thành tâm tham gia việc đó, chứ không phải ai cũng là quá khích. Nhưng chúng ta không có hệ thống pháp lý để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình, điều chúng ta ghi nhận trong Hiến pháp đã 70 năm nay rồi, tại sao không thực hiện.
Rất nhiều kênh biểu thị chính kiến, không làm ảnh hưởng việc chung
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, luật Biểu tình hiện thực hóa quy định của Hiến pháp nhưng phải đảm bảo chất lượng.
“Thời gian qua, các cơ quan tổ chức đã rất quan tâm, đang hoàn thiện chất lượng dự thảo để đảm bảo đáp ứng nguyện vọng của người dân, thể hiện quyền thể chế hóa, hiện thực hóa quan điểm của Hiến pháp một cách chính xác nhất”, bà nói.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/rat-can-luat-bieu-tinh-tranh-tu-phat-456104.html