Tấn công vào an ninh tiền tệ Việt Nam, tỉ số 1-0?

Vũ Kim Hạnh

Báo Bưu điện Hoa Nam ngày 7/6/2018 có bài của Bennett Murray: “Người Việt Nam xem “đặc khu kinh tế” như một cuộc tấn công từ Trung Quốc”. Đó là nhận định chủ quan của một nhà báo quốc tế. Nhưng chúng ta biết, thực tế đang có một cuộc tấn công khác, nhắm trực diện vào An ninh tiền tệ Việt Nam. Thủ phạm? Còn ai trồng khoai đất này? Và đau thay, hiện nay, ta chưa tìm được cách chống trả. Tỉ số tạm thời đang là 1-0.

Cuộc tấn công đã diễn ra dồn dập, ồn ào gần đây. Báo chí đã đề cập nhiều đến việc CHUYỂN TIỀN TRÁI PHÉP CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC QUA THANH TOÁN TRỰC TUYẾN.

Thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến khắp thế giới. Các nước Đông Nam Á: Thái, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia và Việt Nam đều chấp nhận thanh toán bằng Alipay và Wechat Pay cho du khách Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, tại Việt Nam, thường xuyên xảy ra nạn khách TQ vào du lịch, mua hàng lại thanh toán qua hệ thống máy PoS và qua QR Code, được phát hành từ TQ. Hệ thống này nhận thanh toán bằng đồng Nhân Dân Tệ của khách TQ đang giao dịch trong lãnh thổ Việt Nam. Thanh toán kiểu này, tiền từ thẻ ngân hàng hay ví điện tử cùa người mua TQ sang thẳng ví điện tử và tài khoản ngân hàng của người bán tại TQ chứ không về Việt Nam, nhà quản lý VN không quản lý được giao dịch và THẤT THU THUẾ.

Tại sao họ DÁM dùng NHÂN DÂN TỆ trên lãnh thổ Việt Nam? Họ cũng đã làm như vậy ở các nước khác nhưng không ở đâu TỰ DO như Việt Nam: luật pháp thực thi lỏng lẻo, nhà quản lý lúng túng (lại lúng túng) giải pháp công nghệ và người dân làm ăn quá dễ “chiều khách” mà không sợ bị phạt nặng, rút giấy phép vì phạm pháp và tiếp tay phá hoại an ninh tiền tệ.

Hiện nay lượng du khách TQ vào VN rất đông (Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Bình…). Các tỉnh miền Trung đều có những điểm kinh doanh treo bảng chấp nhận thanh toán bằng Alipay và Wechat Pay. Ta có yêu cầu thanh toán qua PoS phải đăng ký sử dụng với hệ thống ngân hàng VN và chủ DN phải lắp hệ thống thanh toán điện tử, gắn camera theo dõi. Nhưng thực tế thì sau thỏa thuận, khách đi ra khu vực khác quẹt thẻ hay dùng ứng dụng di động thanh toán, trong khi ta không kiểm soát được việc đăng ký máy POS (chỉ cần sim 3G là giao dịch xuyên biên giới và người nước ngoài chỉ cần trình hộ chiếu là mua được sim 3G).

Về việc thanh toán với TQ, tháng 11/2017, Alibaba hợp tác với Công ty thanh toán quốc gia Việt Nam là Napas. Kế đó, Công ty ví điện tử VIMO liên kết với Wechat Pay. Cả hai đều hứa tăng chi tiêu, giúp VN tăng doanh thu từ du khách TQ.

Thực tế lại quá cay đắng: các tour du lịch TQ thường là tour 0 đồng và dù tăng chi tiêu thì tất tật tiền của họ đều… CHUYỂN VỀ BÊN TÀU.

Trước cuộc tấn công trắng trợn này, rõ ràng cơ quan quản lý đã quá chậm. Tháng 9.2016, công ty Ant Financial quản lý ứng dụng thanh toán điện tử Alipay cho biết: tính đến tháng 9.2016, họ đã kết nối với hơn 80.000 thương nhân của 70 nước làm đại lý cho họ, trong đó có Việt Nam. Vậy mà, nửa năm sau khi bắt tay chính thức giữa Alipay và Napas, và đã gần 2 năm từ khi Alipay công bố tin họ chính thức đặt đại lý thanh toán của họ tại VN, mà chúng ta vẫn… chưa có giải pháp đáp trả cuộc tấn công. Gần đây, vào cuối thàng 5/2018, ngân hàng nhà nước phát hiện vụ cà thẻ hơn 200.000 NDT qua máy PoS bất hợp pháp tại Việt Nam càng dậy lên mối nghi ngờ lớn. Một mất mười ngờ, với các vị khách “trùm gian lận” thì phải… triệu ngờ.

Tuần qua, tôi tìm gặp và hỏi nhiều chuyên gia ngân hàng về giải pháp. Có gặp cả các chuyên gia công nghệ Singapore xem họ giải quyết về công nghệ thế nào. Họ cho biết: chính phủ Singapore đang chuẩn bị chuẩn hóa hệ thống máy tính tiền trên cả nước. Hiện nay, các cửa hàng ở đây vẫn đang dùng các máy tính tiền khác nhau được dùng cho các loại thẻ và các ứng dụng thanh toán khác nhau nên để hạn chế sự rắc rối và cũng để tăng tốc độ và trải nghiệm mua hàng, cơ quan quản lý sẽ gom tất cả lại chỉ còn một máy PoS và người tiêu dùng sẽ chỉ thanh toán trên nền tảng đó. Chính phủ kiểm soát việc thanh toán nội địa rõ ràng và chính xác hơn.

Tại Việt Nam hiện nay, tình hình “LÚNG TÚNG” đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả doanh nhân Việt. Vì sao? Ngành thuế được giao chỉ tiêu, khoản thất thu lớn vào tay khách TQ thì phải tăng thu, tận thu những kẻ “có tóc” là doanh nhân Việt chứ sao?

Tôi bày tỏ lo ngại rằng trong cuộc chiến công nghệ, VN thật khó khăn để đương cự với “ông thần gian lận” TQ, thì các chuyên gia, cả chuyên gia tài chính Singapore lắc đầu. Họ nói, với ca đặc biệt khó là TQ, thì công nghệ dù khó nhưng “vũ khi” này chỉ là một phần, quan trọng hơn là… dũng khí!

Bán rau ở TQ thanh toán bằng QR code.

Treo bảng chấp nhận Wechat Pay ở cửa tiệm VN

 

V.K.H.

 

Nguồn: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10156648799471122

This entry was posted in An ninh tiền tệ, chủ quyền, Trung Quốc. Bookmark the permalink.