Chủ nghĩa Mác: Soi rọi đến đâu, lụi tàn đến đấy?*

Nguyễn Tường Thụy

(VNTB) Nếu không có người nhắc thì chẳng ai còn nhớ Các Mác sinh ngày nào, năm nay là năm thứ bao nhiêu kể từ khi ông sinh ra. Đến khi xuất hiện các bài phát biểu của mấy nhà tuyên giáo
nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Các Mác thì người ta mới biết đến. Cũng phải thôi, nếu mấy nhà tuyên giáo này mà còn không nhớ nữa thì các ông biết chuyển sang nghề gì.
Bauxite Việt Nam

Các Mác

Để giữ cái nghề của mình, các ông bất chấp thực tế, bất chấp lý luận để ca ngợi Mác và cái chủ nghĩa Mác đưa ra bằng những ngôn từ tốt đẹp nhất, tưởng như kho từ vựng Tiếng Việt không đủ để diễn tả. Nào là “bộ óc kiệt xuất”, “Học thuyết của Mác là công cụ vạn năng để giải cứu thế giới”, “Tư tưởng của Mác là một nguồn động lực vô biên để động viên, thúc đẩy phong trào cách mạng trên thế giới”, “Những giá trị của chủ nghĩa Mác là không thể xuyên tạc”. Thậm chí tư tưởng của Mác còn soi rọi đến cả… cách mạng công nghiệp 4.0, làm cho nhiều người được phen cười nghiêng ngả.

(Trích phát biểu của ông Nguyễn Xuân Thắng, Tạ Ngọc Tấn, chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương).

Vậy Mác đã cống hiến cho loài người những gì? Trước hết cũng nên thừa nhận học thuyết của ông có những luận điểm chấp nhận được về thế giới quan, trong đó có những luận điểm ông thừa hưởng từ Hêghen, Phơ bách. Hoặc ông đưa ra một nguyên lý đúng mang tính đúc kết cao là “quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Tuy nhiên, ông có những luận thuyết chết người cộng thêm với sự vận dụng và phát triển tùy tiện của những nhà mác xít ở các nước cộng sản đã gây ra tác hại rất lớn ở khu vực chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác. Ở đây xin đề cập hai luận thuyết đấu tranh giai cấp và giá trị thặng dư.

Trong học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đánh tráo khái niệm, lập lờ đánh lận lao động của nhà tư bản thành bóc lột lao động của công nhân, làm cho người ta tưởng bị bóc lột thật nên cần phải dùng bạo lực để cướp lại. Mác cổ vũ cho sự cướp bóc này, gọi hành động này là “tước đoạt của kẻ tước đoạt”.

Từ nhận xét “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, Mác đưa ra luận điểm “đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội”

Học thuyết về giá trị thặng dư và đấu tranh giai cấp là hai luận thuyết mà sự ảnh hưởng của nó sâu đậm nhất đối với các quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, gây nên bao nhiêu tai ương ở các quốc gia này.

Chủ nghĩa Mác đã từng ảnh hưởng và làm thay đổi chế độ chính trị khoảng 1/3 thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác “soi rọi” đến đâu thì ở đó có bạo lực và thanh trừng đẫm máu trong nội bộ. Tất nhiên, những cuộc chiến tranh trên thế giới không chỉ sinh ra từ luận điểm đấu tranh giai cấp. Có tài liệu ước tính, nạn nhân của những cuộc tàn sát ở riêng 3 quốc gia: Liên Xô, Trung Quốc, Campuchia lên tới 70 triệu người. Không chỉ là nội chiến hay thanh trừng nội bộ mà còn có cả chiến tranh giữa các nước XHCN với nhau.

Chủ nghĩa Mác “soi rọi” đến đâu thì kinh tế ở đó tụt hậu, sản xuất không phát triển được vì động lực thúc đẩy sản xuất bị triệt tiêu bởi chính sách làm ăn chung, triệt tiêu kinh tế tư bản tư doanh, công hữu hóa tư liệu sản xuất. Nhiều quốc gia lâm vào cảnh đói kém, nhất là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên. Theo Wikipedia, giai đoạn 1958 – 1962 Trung Quốc có khoảng 15 đến 45 triệu người chết đói. Nạn đói ở Bắc Triều Tiên trong thập niên 1990 đã làm chết khoảng 240.000 tới 3.500.000 người mà đỉnh cao là năm 1997.

Ngoài bạo lực chuyên chính vô sản, kinh tế tụt hậu, việc áp dụng chủ nghĩa Mác còn bộc lộ ra rất nhiều điều bất ổn trong tất cả các mặt của đời sống xã hội.

May thay, chủ nghĩa Mác những tưởng sẽ thắng thế ở phần còn lại của thế giới thì cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bỗng dưng đồng loạt sụp đổ, từ Liên Xô, “thành trì của cách mạng thế giới” đến Đông Âu, Mông Cổ. Sự sụp đổ này không phải là ngẫu nhiên mà là do mâu thuẫn nội tại trong lòng các nước đi theo chủ nghĩa Mác bùng nổ. Ngày nay chỉ còn 3 đứa con đơn độc của chủ nghĩa Mác là Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba (Triều Tiên trong tình trạng không rõ ràng). Tất cả các quốc gia đã thoát ra khỏi chủ nghĩa Mác không có gì phải nuối tiếc nếu không nói là vẫn còn kinh hoàng. Chủ nghĩa Mác đã kéo nhân loại chậm lại, có lẽ không dưới một trăm năm hoặc hơn, nếu tính đến cả những ảnh hưởng lâu dài của nó.

Sự sụp đổ của hệ thống XHCN vào thập niên cuối của thế kỷ trước là quá ngoạn mục. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác là một thực tế trông thấy.

Chủ nghĩa Mác soi rọi đến đâu thì lụi tàn đến đấy.

Đó là một sự thật.

Sự sụp đổ của hệ thống XHCN cũng là một sự thật. Thế nhưng, các nhà tuyên giáo ở Việt Nam cố tình không nhìn thấy. Chủ nghĩa Mác là một sai lầm tạm thời của nhân loại, nó đã chết ở quê hương Các Mác, chết ở châu lục mà Mác sinh ra nhưng ở một đất nước nghèo đói xa lạ, người ta cố thổi hồn vào nó, hà hơi cho nó những mong nó sống lại. Đó là một điều không tưởng. Và: Chết rồi mà vẫn sống mãi, vẫn thúc đẩy được phong trào cách mạng thế giới, vẫn là chìa khóa vạn năng để giải cứu thế giới và còn đòi soi rọi đến cả… cách mạng 4.0. Thật là không còn sự khôi hài nào hơn.

Dám chắc, chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa Mác, kể cả những người đang cổ súy cho nó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Gần 90 năm đi cùng nó, tuyên truyền, cổ vũ cho nó, từng thất bại ê chề vì nó, chẳng lẽ giờ lại đột nhiên từ bỏ, hóa ra công nhận mình đã từng sai? Đây là tâm lý bảo thủ cố hữu của người cộng sản. Ngoài ra, người ta cố giữ lấy nó còn để làm bình phong lừa mị dân, để kéo dài sự độc quyền thống trị chứ không chịu chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước cho người khác, còn đất nước ra sao, đi về đâu thì không cần biết.

* Bài viết phản ảnh quan điểm riêng của tác giả về nhân vật lịch sử, được bảo hộ bởi Điều 19 – Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN, Quốc Tế. Bookmark the permalink.