Lương Thanh Quang (ANU)
Cuối tháng 08/2017, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố bộ phim tư liệu có tựa đề “Ngoại giao Nước lớn của Trung Quốc” bao gồm 6 tập, được chia làm hai phiên bản tiếng Trung và tiếng Anh, có tổng thời lượng dài 270 phút. Bộ phim do ba cơ quan của Trung Quốc là Vụ Tuyên truyền thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Trung Quốc, Tân Hoa Xã, và Truyền hình Trung ương Trung Quốc liên kết hợp tác sản xuất.
Bộ phim quảng bá cho các thành tích đối ngoại nổi bật kể từ sau Đại hội 18, nhấn mạnh ba thành tố lớn: (i) chủ động thực hành chính sách “ngoại giao nước lớn” để xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; (ii) tích cực thúc đẩy xây dựng “khuôn khổ quan hệ quốc tế kiểu mới” và “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” nhằm nâng tầm uy tín quốc tế của cường quốc mới nổi; và (iii) nỗ lực triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tạo tăng trưởng bền vững, hiện thực hóa phương châm “hợp tác cùng thắng”, hoàn thành hai “mục tiêu trăm năm” và giấc mộng “phục hưng dân tộc Trung Hoa”.
Bài viết này tập trung đánh giá Tập 4 trong tổng thể bố cục của toàn bộ phim.
Tập 4 xoay quanh tranh chấp ở Biển Đông, trong đó các nhà làm phim Trung Quốc vừa khẳng định cái gọi là “chủ quyền lịch sử” vừa ca ngợi cách tiếp cận của Trung Quốc trong xử lý ổn thỏa vấn đề, giữ được cái gọi là đại cục chung và ngăn chặn các quốc gia khác “khuấy động” vùng biển quan trọng này. Được đầu tư và dàn dựng công phu, mặc dù nội dung thì không có gì mới, bộ phim vẫn gây chú ý lớn. Từ góc độ nghiên cứu, bộ phim là “ánh xạ tư duy” của những nhà tư tưởng ở Bắc Kinh, là một nguồn tư liệu để giới phân tích và quan sát tìm hiểu thêm chính trị đối ngoại của Trung Quốc.
China’s Major-Country Diplomacy Episode Four:Through Clouds and Mist : https://www.youtube.com/watch?v=Vom6jn8zF6w
Trên màn ảnh
Xuyên suốt bộ phim, các tập đều mở đầu với hai phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình được trích từ thông điệp chúc mừng năm mới 2016 tới toàn thể nhân dân Trung Quốc:
“Thế giới lớn như vậy, vấn đề cũng rất nhiều, cộng đồng quốc tế mong đợi nghe thấy tiếng nói của Trung Quốc, trông thấy phương án của Trung Quốc, Trung Quốc không thể vắng mặt”.
“Tôi chân thành mong cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực, hoà bình nhiều hơn, hợp tác nhiều hơn, cùng nhau xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại, và một hành tinh hòa bình và thịnh vượng”.
Phân đoạn một chiếu cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm ngư dân tại làng chài Đàm Môn, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào năm 2013. Đây là sự kiện đáng lưu ý thể hiện nỗ lực Trung Quốc trở thành một cường quốc biển, trong đó Biển Đông được gọi là cửa ngõ. Chương trình đã sử dụng các hình ảnh thể hiện dẫn chứng lịch sử rằng hoạt động khám phá đi biển của Trung Quốc được gìn giữ qua nhiều năm và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bằng chứng được đưa ra bao gồm bản khảo sát chính thức các lãnh thổ Trung Quốc từ thời nhà Nguyên [1], rồi sự kiện kết hợp chính thức quần đảo Trường Sa cũng như Đảo Hải Nam vào quản lý của tỉnh Quảng Đông dưới thời nhà Thanh.
Phân đoạn tiếp theo đề cập vụ kiện giữa Phillipines và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông ở Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật biển. Bắc Kinh phản đối quyết liệt và chỉ trích Manila, cho rằng phía Philippines đã vi phạm luật quốc tế khi tự ý theo đuổi vụ kiện và đã phá vỡ các cam kết song phương trước đó đạt được với Trung Quốc. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lục Khảng nhấn mạnh phán xét của vụ kiện không có giá trị và không có hiệu lực đối với các hành động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, một cố vấn pháp lý của chính phủ cũng khẳng định “những gì được viết ra ở Hague chẳng khác gì một đống ‘giấy lộn’ sẽ chẳng bao giờ được sử dụng”. Chương trình tiếp tục trích dẫn phát biểu của một quan chức cấp cao thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc: “Bắc Kinh sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải thông qua các kênh ngoại giao khác nhau”.
Chương trình cũng khẳng định Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao láng giềng với nội hàm “thân, thành, huệ, dung”. Để chứng minh sự thân thiện của Bắc Kinh, đạo diễn đã sử dụng hình ảnh chuyến thăm chính thức của Tổng thống Philippines Duterte tới Trung Quốc, và đặc biệt lưu ý đến những lời phát biểu ‘có cánh’ của ông. Chương trình cũng đưa vào một số lời bình luận và hình ảnh minh họa cho tính hòa hiếu và vai trò kinh tế của Trung Quốc, như việc Trung Quốc mở cửa thị trường, nhập khẩu chuối, đem lại nguồn thu nhập lớn cho những người trồng chuối ở quần đảo Mindanao, Philippines [2], cùng với sự kiện hai thuyền viên của Phillipines được lực lượng chấp pháp Trung Quốc giải cứu, chăm sóc và cung cấp lương thực, nước uống trên biển.
Phần cuối thể hiện chính sách ngoại giao tích cực của Trung Quốc, đề cập đến hợp tác trong phòng chống ma túy tiểu vùng sông Mê Kông, lập mạng lưới trấn áp tham nhũng tại APEC, và sự tích cực của Bắc Kinh khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Cùng năm đó, Sách trắng Quốc Phòng của Trung Quốc cho rằng sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đòi hỏi quân đội Trung Quốc phải vươn ra biển lớn để bảo vệ lợi ích của đất nước. Chương trình cũng có chiếu cảnh Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti.
Đáng chú ý, chương trình lồng vào các cảnh phim có sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các chuyến thăm chính thức tới Nga, Mỹ và Singapore. Bộ phim lồng hình ảnh và tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore vào ngày 7/11/2015: “Các quần đảo trên Biển Đông, nơi xảy ra các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại”. Tại đây, ông Tập cũng khẳng định lập trường và quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông là “mong muốn kiên trì giải quyết các tranh chấp thông qua cơ chế đối ngoại hợp tác, đàm phán và tham vấn”, và nhấn mạnh “các lợi ích quốc gia của Bắc Kinh ở nước ngoài cũng cần được bảo vệ đúng cách”.
Phía sau Hậu trường
Bộ phim được công bố trước thềm Đại hội 19, nhằm nâng cao uy tín chính trị cho lãnh đạo Trung Quốc, củng cố dư luận ủng hộ việc đưa tư tưởng thời đại mới Tập Cận Bình vào Điều lệ Đảng, khẳng định với thế giới về xu hướng chính sách đối ngoại và phương châm chiến lược mới của Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến việc xử lý tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
Xem xét thấu đáo những hình ảnh và ví dụ minh họa của Tập 4, có thể nhận thấy: toàn bộ chương trình này là sản phẩm tuyên truyền, sử dụng bối cảnh chung để lấp liếm các yêu sách thiếu cơ sở và hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó khoác lên “tham vọng bá quyền: của Trung Quốc với “bộ cánh mỹ miều” có tên gọi “ngoại giao nước lớn”.
Thực tế, Trung Quốc “xào lại” bài cũ về “chủ quyền lịch sử đã có từ ngàn xưa” ở Biển Đông. Bộ phim nhắc lại lập luận rằng ngư dân Trung Quốc khám phá ra các đảo này sớm nhất và đã khai thác các đảo ở Biển Đông từ lâu đời và liên tục. Chương trình cũng sử dụng câu chuyện của Đô đốc Trịnh Hòa, một nhà hàng hải và thám hiểm của Trung Quốc thời nhà Minh, đề cao cái gọi là “phát kiến hàng hải” của Trịnh Hòa ở thế kỷ 15, và cho rằng đây là bằng chứng hùng hồn về việc người Trung Quốc thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, “vải thưa chẳng che được mắt thánh”. Điểm thú vị là các hải đồ do Trịnh Hòa vẽ đoạn đi ngang qua Việt Nam, chú thích ở dưới ghi một hàng chữ nhỏ ghi “Giao Chỉ dương” (Biển Giao Chỉ) [3], ám chỉ sự ghi nhận đây là vùng biển ngoài sự cai quản của người Trung Quốc. Chưa cần xem xét tính chính xác của các bằng chứng mà Trung Quốc đưa ra, theo luật pháp quốc tế, việc phát hiện các lãnh thổ bởi một hay nhiều cá nhân không đủ để hình thành danh nghĩa chủ quyền. Chính vì vậy, lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền do người Trung Quốc đã phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý các quần đảo tại Biển Đông từ lâu là thiếu cơ sở và không thuyết phục.
Trên thực tế, bộ phim không đưa ra được các cứ liệu lịch sử rõ ràng, mà chỉ nói dựa theo quan điểm và nhận định của những nhân vật được cho là các nhà địa lý hoặc nhà hàng hải. Những tài liệu mà bộ phim trình bày chỉ thể hiện được những nhận biết chung về địa lý của một khu vực rộng lớn bao gồm của cả lãnh thổ Trung Quốc và của các nước khác. Sự thật lịch sử không thể thay đổi. Cách suy diễn kiểu nhập nhằng đánh lận con đen không thể qua mắt đưọc giới chuyên gia.
Bộ phim bù lại các luận điệu kém thuyết phục bằng các hình ảnh và kỹ xảo hoành tráng phô trương sức mạnh quân sự hải quân được lặp đi lặp lại nhiều lần. Tập phim nhấn mạnh luận điểm xuyên suốt rằng Trung Quốc có đầy đủ sức mạnh về mặt quân sự và khí tài cũng như sự tự tin và quyết tâm để bảo vệ lãnh thổ. Thông qua bộ phim này, Trung Quốc đang ám chỉ tuyên bố quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “Đừng hi vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận đem các ‘lợi ích cốt lõi’ của mình đi đổi chác, đừng hi vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận ăn ‘trái đắng’ tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia”. Thông thường, phô diễn khoa trương hay nói trống để thể hiện tự tin chỉ để che đậy yếu kém và thiếu chính danh.
Qua bộ phim, Trung Quốc muốn tuyên truyền rằng họ luôn chú trọng giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua hiệp thương và đối thoại giống như nhà hàng hải Trịnh Hòa, người mà trong quá trình khám phá các vùng biển và thúc đẩy giao thương đã không thực hiện hành vi xâm chiến. Hiện tại, Trung Quốc muốn thúc đẩy sáng kiến “một Vành đai, một Con đường”, trong đó có “Con đường tơ lụa trên biển” với khẩu hiệu liên kết kinh tế vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Bộ phim cũng liên tục nhắc đến việc Trung Quốc không có ý định mở rộng lãnh thổ, chủ trương hòa bình với các bên. Đoạn kết của chương trình thậm chí chiếu cảnh chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tái khẳng định rằng “Bắc Kinh sẽ không bao giờ mưu toan mở rộng lãnh thổ cũng như sử dụng các hành động gây hấn trừ khi bị khiêu khích bởi kẻ thù xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, bia đá lịch sử ghi lại thực tế khác. Nhìn suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang để đánh chiếm các lãnh thổ của các quốc gia khác khi có cơ hội. Ở Biển Đông, Trung Quốc là quốc gia đến sau. Để có chỗ đứng chân, Trung Quốc buộc phải sử dụng vũ lực. Trung Quốc xâm chiếm nhóm đảo An Vĩnh năm 1956, thôn tính nốt nhóm đảo Trăng Khuyết của Hoàng Sa năm 1974, tấn công Gạc Ma và một số cồn cát ở Trường Sa năm 1988, chiếm đóng bất hợp pháp Bãi Vành khăn (Mischief Reef) năm 1994 và Bãi cạn Scaborough năm 2012. Khi Trung Quốc đủ mạnh về mặt quân sự, rất có thể nước này sẽ dùng thế mạnh quân sự của mình để uy hiếp bất chấp đạo lý và pháp luật.
Vụ hạ đặt giàn khoan HD 981 giữa năm 2014 là minh chứng gần nhất cho thấy Trung Quốc sẽ luôn sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự với khả năng tiến hành chiến tranh để nhằm đạt được mục đích. Trung Quốc xảo quyệt dùng lực lượng bán vũ trang để khiêu khích [4], nhưng được hộ tống bởi lực lượng hải quân (tàu hộ vệ tên lửa, tàu săn ngầm) để răn đe, sẵn sàng can thiệp. Độc chiếm Biển Đông luôn là một mục tiêu không bao giờ thay đổi trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nhưng theo thời gian thủ đoạn và đường đi nước bước của họ ngày càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn.
Những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn trên Biển Đông và biến những nơi này thành những căn cứ quân sự trên biển khổng lồ hiện tại của Bắc Kinh cho thấy sự sáo rỗng, thậm chí trơ trẽn, của các tuyên bố, lập trường của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc không nhất quán với lời nói. Rõ ràng, các hoạt động này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thay đổi nguyên trạng theo hướng vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), hủy hoại môi trường, sinh thái biển, làm phức tạp thêm tình hình. Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 là bản án bác bỏ mạnh mẽ các yêu sách và hành vi sai trái của Trung Quốc.
Nước lớn cần Ứng xử chính trực
Bộ phim tài liệu nằm trong chiến lược chung của Trung Quốc nhằm tạo cơ sở dư luận trong nước và quốc tế cho các bước vươn ra bên ngoài mạnh mẽ của Trung Quốc, chấm dứt thời kỳ “giấu mình chờ thời”. Nội dung tập phim, cho thấy người Trung Quốc có tham vọng phát huy mạnh mẽ sức mạnh, tìm kiếm vị trí “trung tâm” trong nền chính trị quốc tế mà họ cho là Trung Quốc xứng đáng. Tuy nhiên, cách thực hiện của Trung Quốc hết sức tinh vi, kết hợp giữa phô diễn súng lớn để đe dọa, lấn tới mở rộng trên thực địa với chủ động trấn an ngoại giao và tuyên truyền, xây dựng hình ảnh để bao biện cách thức ứng xử không đàng hoàng. Có ba yếu tố đáng được chú ý thêm:
Thứ nhất, “lấy thịt đè người” không phải là cách hành xử quân tử. Trung Quốc tính toán kỹ khi sử dụng lực lượng dân sự để thực thi yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi lý vừa là để áp đặt các nước khác nhưng vừa hạn chế xung đột quy mô lớn nổ ra. Lực lượng chấp pháp có thể sử dụng biện pháp cứng rắn trong khi ‘lực lượng dân quân biển’ được triển khai ồ ạt trong chiến thuật “lấy thịt đè người”. Chuyến thăm đến làng Đàm Môn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây lo ngại cho các nước láng giềng do ngư dân Hải Nam, vốn được coi là ‘dân quân biển’, có thể sử dụng “danh nghĩa dân sự nhằm phổ biến tư duy, tạo sự quan tâm xã hội với việc bảo vệ quyền lợi hàng hải, cũng như thể hiện sự tự tin, thống nhất của toàn thể dân chúng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải” [5]. Chung quy, các lực lượng này có sự phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp qua các tổ chức nghề nghiệp hoặc chịu sự kiểm soát của Cục Hải dương Quốc gia. Do đó, sự hiện diện của các lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực biển một cách đầy quy củ giúp Bắc Kinh dễ khuyến khích ngư dân tiến vào các vùng lãnh thổ tại Biển Đông hơn bằng hoạt động đánh cá, qua đó thực hiện yêu sách chủ quyền.
Thứ hai, nước lớn phải hành động có trách nhiệm. Trung Quốc ra sức thanh minh rằng căn cứ quân sự ở Djibouti chỉ được dùng cho các sứ mệnh nhân đạo, chẳng hạn như nỗ lực chống hải tặc ngoài khơi Somalia và Yemen. Không khó để nhận thấy đây vẫn là một thông điệp của Bắc Kinh tới giới lãnh đạo, nhân dân và quân đội các nước rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp đủ nguồn lực hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang của họ để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài, ở khu vực biển sâu và cả các vùng xa xôi. Như Chủ tịch Tập đã nói trong Đại hội đảng thứ 19, giấc mơ xây dựng quân đội hùng mạnh là “điểm tựa chiến lược thực hiện hai mục tiêu ‘100 năm’, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Bắc Kinh đang tỏ rõ quyết tâm bảo vệ hoạt động khai thác dầu ngoài khơi, và tiếp tục thiết lập mạng lưới các trạm cung ứng quân sự ngoài khơi tại những khu cảng chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia, dần dần hợp pháp hóa sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc ở các vùng biển. Qua đó, Bắc Kinh đã linh hoạt điều chỉnh các bước đi trên cơ sở, đa dạng trong công cụ, cách thức, đối tượng và thời điểm triển khai để tăng cường ảnh hưởng chính trị, khẳng định vai trò “cường quốc biển”, phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Thứ ba, nước lớn phải chính trực và thực tâm. Bắc Kinh có xu hướng sử dụng lợi ích kinh tế để mặc cả với các nước có tranh chấp trực tiếp trong khi dùng các can dự chính trị ngoại giao vận động các nước không có tranh chấp đứng về phía Trung Quốc. Người dẫn chương trình nhiều lần đề cập đến việc mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đang trở nên ổn định, cởi mở và ngày càng phồn vinh, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho nhân dân các nước. Điều này chứng tỏ mối tương quan trực tiếp giữa chính sách ngoại giao và dòng chảy thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có xu hướng vận động các quốc gia nói tốt về họ thông qua các gói hợp tác kinh tế, theo đó có tổng cộng hơn 80 nước và gần 200 tổ chức và cá nhân thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông. Những điểm này sau đó cũng được lặp lại trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đại hội đảng thứ 19. Qua đó, Trung Quốc “sẽ kiên trì giải quyết tranh chấp qua đối thoại, giải quyết bất đồng thông qua hiệp thương.”
Thay lời kết
Chỉ trong khoảng thời lượng ngắn 45 phút, tập phim đã thể hiện rõ tư duy và hàm ý chiến lược lớn của Trung Quốc. Những nhà làm phim không ngần ngại đưa vào bộ phim những thông điệp đầy “dọa dẫm” về sự hiện đại hóa của quân đội Trung Hoa, đồng thời dùng những ngôn từ “bóng bẩy” để quảng bá cho đường lối đối ngoại của chính quyền, đồng thời ra sức bảo vệ những yêu sách thiếu cơ sở của nước này ở Biển Đông. Qua đó có thể thấy, màn ảnh hoàn toàn có thể trở thành công cụ chính trị để Trung Quốc thúc đẩy các nghị trình đối ngoại đầy tham vọng của họ ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
L.T.Q.
Tác giả xin chân thành cám ơn bình luận và góp ý của các chuyên gia đã giúp hoàn thành bài viết.
—————–
[1] Bản đồ có chỉ rõ tên và địa điểm của từng đảo và đá ngầm ở khu vực biển Đông.
[2] Ngụ ý việc Trung Quốc đang làm giàu quê hương của Tổng thống Duterte của Philippines.
[3] Giao Chỉ là Việt Nam theo cách gọi cổ của người Trung Quốc.
[4] Việc sử dụng dụng lực lượng bán quân sự vẫn giúp sử dụng vũ lực nhưng không bị coi là “khiêu khích” do không được coi là quân đội.
[5] Andrew Erickson and Kennedy, C., China’s Maritime Militia. [online] Foreign Affairs, 2016 xem tại: https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2016-06-23/chinas-maritime-militia
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2018/04/18/ngoai-giao-nuoc-lon-trung-quoc/