Trung Quốc đang cạn nguồn tiền để đổ vào Vành đai và Con đường?

 

Hồng Thủy

 

(GDVN) – Nếu không quản lý được các khoản vay của Trung Quốc, một ngày nào đó có thể trở thành “châu, quận” của họ, học giả Philippines cảnh báo.

CNBC ngày 15/4 đưa tin, các nhà quản lý cấp cao ngành tài chính ngân hàng và các nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc tiết lộ, kế hoạch đầy tham vọng Vành đai và Con đường đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về tài chính.

Phát biểu hôm thứ Năm 12/4 tại Quảng Châu, cựu Chủ tịch Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc Li Ruogu cho hay, hầu hết các quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường không có tiền để trả cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà họ tham gia.

Nhiều nước đã trở nên nợ nần và cần đến nguồn tài chính bền vững và đầu tư tư nhân. Do đó theo ông Li Ruogu, việc gây quỹ cho các quốc gia mục tiêu Vành đai và Con đường là nhiệm vụ lớn.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết, Bắc Kinh muốn làm việc với các tổ chức quốc tế, các nhà cho vay thương mại và các trung tâm tài chính như Hồng Kông hay London để đa dạng hóa nguồn tiền tài trợ cho Vành đai và Con đường.

Wang Yiming, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của chính phủ Trung Quốc nhận định:

Mặc dù nhiều dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi các tổ chức tài chính lớn của Trung Quốc (Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, Ngân hàng Phát triển mới, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, quỹ Con đường tơ lụa), vẫn còn khoảng cách lớn với nhu cầu thực tế, lên tới 500 tỉ USD mỗi năm.

Theo ông, sự tham gia hạn chế của các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án này là vì mức độ sinh lời thấp, các kênh tài chính hẹp. [1]

Nguy cơ đe dọa mất chủ quyền, an ninh quốc gia khi tham gia Vành đai và Con đường

The Economic Times, Ấn Độ ngày 15/4 dẫn kết quả nghiên cứu (của nhóm C4ADS, Hoa Kỳ) về sáng kiến Vành đai và Con đường: Có 7 quốc gia đang đứng trước những nguy cơ “mất chủ quyền” và đe dọa an ninh quốc gia vì tham gia “sáng kiến” này của Trung Quốc, bao gồm: Indonesia, Sri Lanka, Kazakhstan, Bangladesh, Ba Lan, Lào và Pakistan. 

Tại Indonesia, dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường đang gặp phải sự chậm trễ nghiêm trọng.

Việc xây dựng tuyến đường sắt trị giá 6 tỉ USD đang bị chậm tiến độ và đội vốn. Đây cũng là kịch bản tương tự ở Kazakhstan và Bangladesh.

Còn về tình trạng thâm hụt thương mại cũng như nguy cơ không có khả năng trả nợ Trung Quốc đang được báo động với Sri Lanka, Maldives, Lào và Pakistan.

Và “chủ quyền quốc gia”, “an ninh quốc gia” đang trở thành “tài sản thế chấp” cho các khoản vay Trung Quốc. 

Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota 99 năm để “gán nợ” cho các khoản vay xây dựng cảng này trong dự án trị giá 1,5 tỉ USD, được khởi động dưới thời Tổng thống Mahinda Rajapaksa năm 2008.

Chính phủ Sri Lanka đã nhận thấy mình không thể trả các khoản nợ Bắc Kinh trong khi nợ ngày càng tăng. Colombo nợ Trung Quốc 8 tỉ USD với lãi suất 6%.

Năm 2009, ông Mahinda Rajapaksa tiếp tục vay vốn Trung Quốc để xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 của nước này ở Mattala, cách cảng Hambantana 20 km.

Tuy nhiên hiện tại chính phủ Sri Lanka đang có kế hoạch bán sân bay này vì nó làm tăng thiệt hại kinh tế, khi mỗi tuần chỉ có 4 chuyến bay đến và đi [2].

Chính từ bài học của Sri Lanka và các quốc gia mục tiêu khác của Vành đai và Con đường, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Philippines dưới thời Tổng thống Filde Ramos, ông Jose Almonte khuyến cáo chính phủ đương nhiệm:

“Nếu chúng ta không quản lý đúng đắn các cơ hội mà Trung Quốc chào mời qua các khoản viện trợ, các món tín dụng, chúng ta sẽ trở thành một châu quận của Trung Quốc”.

Theo ông, Biển Đông là trung tâm của Đông Nam Á, bất cứ ai kiểm soát Biển Đông sẽ kiểm soát các nước ngoại vi.

Ai kiểm soát Đông Nam Á sẽ có ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, đó là mục đích an ninh của Trung Quốc đằng sau Vành đai và Con đường [3].

Nhật Bản vẫn nhìn thấy cơ hội, quyết định nhảy vào Vành đai và Con đường

Forbes ngày 17/4 bình luận, cho dù là một đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc về ảnh hưởng kinh tế tại các nước châu Á đang phát triển, Nhật Bản đã tham gia một cách có hiệu quả vào sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1 ngàn tỉ USD.

Tháng Năm, tháng Bảy năm ngoái, Nhật Bản đã 2 lần lên tiếng ủng hộ Vành đai và Con đường.

Thứ Hai vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nói, Bắc Kinh và Tokyo đã đạt được sự nhất trí quan trọng về hợp tác trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.

Tại sao Nhật Bản lại tham gia sáng kiến này, bất chấp những căng thẳng song phương cả trong quá khứ lẫn hiện tại?

Jefferey Kingston, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, Nhật Bản nhận định:

“Tôi nghĩ rằng Nhật Bản đang rất mơ hồ về sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng không muốn bị bỏ rơi và bỏ lỡ cơ hội, lợi ích.

Rõ ràng Nhật Bản coi đây là một phần của chiến lược rộng lớn hơn mà Bắc Kinh triển khai để tăng ảnh hưởng, đòn bẩy của họ trong khu vực, còn Tokyo thì không thích điều này”.

Tuy nhiên, Giáo sư Stephen Nagy từ Đại học Christian ở Tokyo phân tích:

Cho dù là đối thủ cạnh tranh hay đối tác, Nhật Bản đã nhận ra các công ty đa quốc gia của mình có thể hưởng lợi từ các nỗ lực của Trung Quốc.

Ví dụ Trung Quốc sẽ xây dựng các tuyến đường bộ, đường sắt ban đầu và các công ty Nhật Bản sẽ sử dụng chúng để tiếp cận các thị trường mà Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở đó.

Doanh nghiệp Nhật Bản có kinh nghiệm lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, không tham gia Vành đai và Con đường có nghĩa là họ sẽ không được hưởng lợi ích kinh tế từ nó.

Theo ông, đã có những áp lực từ doanh nghiệp lên chính quyền Nhật Bản để tham gia Vành đai và Con đường.

Ví dụ như công ty Nippon Express, Nhật Bản đã tham gia hoạt động vận tải bằng đường sắt của Kazakhstan để vận chuyển hàng hóa qua một số nước Trung Á giàu tài nguyên, xây dựng một trạm trung chuyển quan trọng dọc theo con đường Tơ lụa mới.

Trong một giao dịch tương tự, doanh nghiệp Itochu Corp. của Nhật Bản đang bắt đầu dịch vụ vận tải hàng hóa có thể kết nối Nhật Bản với châu Âu thông qua Trung Quốc.

Công ty này nhận ra rằng, một mạng lưới hậu cần mạnh mẽ hơn trong khuôn khổ Vành đai và Con đường sẽ làm tăng dịch chuyển hàng hóa.

Ông Shutaro Sano, Phó giám đốc  Trung tâm trao đổi quốc tế, Học viện Quốc phòng Nhật Bản cho hay:

“Tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường cho phép Tokyo theo đuổi một số mục đích kinh tế quan trọng của mình qua các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Sáng kiến này cũng có thể thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm các cơ hội kinh doanh lớn hơn” [4].

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.cnbc.com/2018/04/15/is-chinas-belt-and-road-infrastructure-plan-running-out-of-money.html

[2] https://economictimes.indiatimes.com/news/international/world-news/chinas-bri-initiative-hits-roadblock-in-7-countries-report/articleshow/63771550.cms

[3] http://globalnation.inquirer.net/165824/china-military-planes-land-ph-reef

[4] https://www.forbes.com/sites/ralphjennings/2018/04/17/why-japan-had-to-join-china-in-building-trade-routes-around-asia/#61ab18af7175

H.T.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Trung-Quoc-dang-can-nguon-tien-de-do-vao-Vanh-dai-va-Con-duong-post185461.gd

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.