Ánh Liên (VNTB)
Bài phát biểu với điểm nhấn của Chủ tịch Tập Cận Bình với câu phát biểu nhấn mạnh đường lối không xoay chuyển của nước này: Lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội có thể cứu Trung Quốc.
‘ĐCS là đội ngũ lãnh đạo chính trị tối cao của đất nước, là nền tảng đảm bảo đạt mục tiêu hồi sinh TQ’.
Quan điểm này được phát ra sau khi giới hạn 2 nhiệm kỳ dành cho Chủ tịch nước được ghi nhận trong Hiến pháp Trung Hoa bị phá vỡ. Thời kỳ chuyên chế và phục hưng giấc mộng Trung Hoa qua thể chế chuyên chế.
Người viết đồng ý với một bài dịch của dịch giả Phạm Nguyên Trường trên Việt Nam Thời Báo, đó là luôn diễn ra vòng xoắn kép của lịch sử Trung Quốc.
‘Ngay cả khi lịch sử Trung Quốc thời hiện đại đã có thêm những thành tố cải cách, nhưng bao giờ nó cũng bị vặn vẹo thành chế độ độc tài’, bài viết cho hay.
Với sự kết thúc kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình cho thấy khả năng mở ra một thể chế độc tài chuyên chế tương tự như Triều Tiên. Khóc khi ông phát biểu, và ghi chép khi ông chỉ đạo.
Tập Cận Bình cũng làm sống lại không khí ‘sùng bái cá nhân’ từ thời Mao Trạch Đông, cái thời kỳ mà mọi lời nói và quyết định của lãnh đạo Mao là chân lý soi đường của cuộc sống. Và thực tế đã chứng minh cho thấy, quan chức Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ‘nóng lòng quá đà và nhiệt tình thái quá’, đến mức tờ New York Times gần đây cho hay, các quan chức Trung Quốc phải làm như vậy để biểu lộ sự trung thành, tiến hành các hoạt động và chỉ đạo một cách cứng rắn như cái thời chiến dịch ‘bắt chim sẻ’ Mao Trạch Đông khiến hàng triệu người chết đói.
Trở lại câu chuyện đóng lại kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình, 40 năm về trước, khi Trung Quốc mở cửa, nhiều nhận định đó là một bước tiến trên con đường dân chủ. Và việc Đặng Tiểu Bình tiến hành các phương pháp nhằm đảm bảo nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia sẽ không có quyền lực cao và tập trung như Mao Trạch Đông nữa đã dẫn đến con đường – lãnh đạo tập thể (Việt Nam cũng đang trong mô hình này). Thời điểm này, cũng là thời điểm Trung Quốc ghìm mình lại để trỗi dậy hòa bình, và có vẻ Việt Nam đã được hưởng lợi gián tiếp từ điều đó.
Nhưng rồi sao nữa? Giờ đây, liệu ‘lịch sử đã và sẽ tiếp tục chứng minh rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội có thể cứu Trung Quốc’? Nói chính xác ra, là lịch sử đã và sẽ chứng minh chỉ có lớp màn CNXH với nguyên tắc độc tôn quyền lực lãnh đạo mới cứu rỗi được ĐCSTQ và chỉ có CNXH mới tạo nên thế độc tôn quyền lực (vốn bị chôn vùi trước đó cùng với chế độ phong kiến), và tiếp tục duy trì tính chất cố hữu để giữ vị trí lãnh đạo tối cao tại đất nước tỷ dân này. Qua đó có thể hiểu hơn về việc, sự ích kỷ và lạm dụng quyền lực của giới lãnh đạo tối cao của nước này, ngay khi chuyển từ tập thể sang cá nhân. Và trên cả, nó sẽ là bước kỷ nguyên khiến Việt nam phải đối diện với nhiều vấn đề trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam là đất nước đang đối diện trực tiếp trong tranh chấp vùng biển Đông.
Sự chuyên chế trở lại của Trung Quốc có ý nghĩa nào nữa đối với Hà Nội?
Nó có khơi dậy lòng tham đưa một lãnh đạo tối cao tại Việt Nam? Điều này khá khó khăn, ít nhất trong dàn lãnh đạo hiện tại, những người có tiềm năng thì đã quá già; chưa kể sự phân mảnh giữa 2 chức vụ Chủ tịch nước lẫn Tổng Bí thư. Nhưng về sâu xa, Việt Nam sẽ dành ra 1 thập niên (theo truyền thống) để nghiên cứu và đi theo mô hình của Trung Quốc nếu như mô hình chuyên chế phát huy được hiệu quả của chính nó trong cứu lấy ĐCS cũng như thiết lập vị trí lãnh đạo vững chắc của tổ chức này. Đúng theo nguyên tắc ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt nam’.
Việt Nam cũng đang trong thời kỳ đổi ngôi, khi ‘nhiệm kỳ 2.5’ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng đang gần đến giới hạn. Người được đánh giá có triển vọng nối ngôi nhất là ông Trần Quốc Vượng – một thạc sĩ Luật. Đánh giá được người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ cho thấy Việt Nam sẽ học tập nhanh hay chậm tính chuyên chế đã hiện hữu tại Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ông Vượng tỏ ra kín tiếng, phát biểu của ông thuần túy chỉ là chỉ đạo theo văn bản có sẵn, thỉnh thoảng chỉ có một số quan điểm ngoài lề như khẳng định BOT đúng, nhưng cần phải minh bạch hoặc thể hiện tính pháp quyền của mình qua câu nói năm 2011 – ‘việc dân sự cốt ở hai bên nhưng cũng phải tuân theo luật pháp’? Tính cẩn trọng thể hiện đậm nét trong thời kỳ ông Vượng giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao, thì vụ án in tiền giấy polymer được truy xét tính cẩn trọng đến mức khi thông tin báo chí Úc đưa tin về vụ việc, ông vẫn coi đó là tin ‘tố giác’ hơn là bằng chứng, căn cứ để khởi tố’. Tính cẩn trọng này có thể khiến phải qua thế hệ sau ra sau chiến tranh (1 thập niên) thì Việt Nam mới thể hiện được rõ nét những dấu hiệu theo sự chuyên chế của Trung Quốc hay không. Và vì hướng theo tính chuyên chế nên, giai đoạn 1 thập niên kết tiếp, nếu chuyên chế Trung Quốc đạt những thành công nhất định, thì đây sẽ là ‘cơ hội’ gia cố tính chất bảo thủ tư tưởng (về XHCN) của một số nhân vật trong Bộ Chính trị và thúc đẩy cơ hội cho những nhân vật này lên nắm quyền.
Trong khi chờ một sự thay đổi tính chuyên chế đó tại Việt Nam, thì trước mắt, Hà Nội vẫn phải đối diện với việc đe dọa ở Biển Đông. Và vô tình, đây sẽ tiếp tục là cơ hội và rủi ro của ĐCSVN trong việc củng cố tính chính danh và khả năng lãnh đạo của mình. Bởi từ nhiều năm qua, ĐCSVN vẫn luôn bị chỉ trích bởi cách thức đấu tranh ‘hữu nghị lâu dài’ của Trung Quốc.
A.L.
VNTB gửi BVN.