Đặc phái viên của LHQ quan ngại về mối đe doạ đối với công nhân nhà máy và người hoạt động công đoàn độc lập ở Việt Nam

Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB)

Nhiều đặc phái viên(*) về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bày tỏ mối quan ngại của họ về báo cáo nói rằng phụ nữ làm việc tại hai nhà máy Samsung Electronics ở Việt Nam cũng như nhiều người hoạt động công đoàn độc lập đã bị đe doạ và quấy rối sau khi họ nêu quan ngại về điều kiện làm việc tại hai nhà máy này.

Một trong những mối quan ngại của họ là sự tiếp xúc với chất độc hoá học tại các nhà máy ở Khu Công nghiệp (KCN) Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh và KCN Phổ Yên ở tỉnh Thái Nguyên.

Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (Centre for Research on Gender, Family, and Environment in Development- CGFED) và Mạng lưới Quốc tế về Loại bỏ chất hữu cơ gây hại lâu dài (International POPs Elimination Network – IPEN) chỉ ra rằng các công nhân nhà máy của Samsung không được thông báo đầy đủ hoặc đào tạo để tự bảo vệ mình khỏi các hóa chất độc hại được sử dụng trong sản xuất thiết bị điện tử.

Điều tra cho thấy một số công nhân phụ nữ đang phải chịu nhiều hậu quả xấu về sức khoẻ liên quan đến điều kiện làm việc không lành mạnh bao gồm sẩy thai, mệt mỏi và ngất. Được biết, Tổng Công đoàn Việt Nam hiện đang thực hiện điều tra những phát hiện của báo cáo.

Các chuyên gia cho biết: “Chúng tôi rất bối rối khi biết rằng các nhà nghiên cứu thực hiện báo cáo đã nhận được yêu cầu giải trình với cơ quan Chính phủ”.

Họ đã được thông báo rằng tác giả chính của báo cáo, Phạm Thị Minh Hằng, đã bị yêu cầu giải trình với các quan chức vào ngày 19 tháng 3 sau khi trở về từ một cuộc họp về các biện pháp bảo vệ khỏi chất độc hoá học ở Stockholm, Thụy Điển.

Các chuyên gia cho biết: “Chúng tôi cũng yêu cầu Samsung giải thích về các cáo buộc rằng các công nhân trong các nhà máy cũng bị đe dọa nếu họ nói chuyện với những người bên ngoài công ty về điều kiện làm việc sau khi công bố báo cáo vào tháng 12 năm ngoái”.

Mặc dù việc đánh giá những phát hiện của báo cáo đòi hỏi phải có sự phản hồi của các cơ quan có thẩm quyền, một điều không thể chấp nhận là các nhà nghiên cứu và công nhân bị đe doạ và sách nhiễu bởi quan chức Chính phủ và doanh nghiệp khi họ báo cáo về những gì họ coi là những điều kiện làm việc không lành mạnh và không được bảo vệ đầy đủ”.

Chính quyền và các công ty liên quan phải đảm bảo không gian cho xã hội dân sự kiểm tra tính đầy đủ của điều kiện làm việc của nhiều phụ nữ Việt Nam trong các cơ sở sản xuất. Hăm dọa những người hoạt động và người lao động không chỉ là vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ mà còn có thể dẫn tới việc không trừng phạt cnhững người lạm dụng và vi phạm các quyền của người lao động. Những hành động như vậy cũng làm suy yếu các nghĩa vụ và trách nhiệm tương ứng của Chính phủ và các công ty về nhân quyền phù hợp với các Nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Nhân quyền.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam trong những năm gần đây là một thành tựu đáng chú ý. Tuy nhiên, những báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam không có không gian cho xã hội dân sự để theo dõi và thách thức các hành vi lạm dụng của các công ty hoặc cơ quan có thẩm quyền. Nếu không có sự minh bạch và không an an toàn để tranh luận công khai, việc lạm dụng có thể tăng lên và các thủ phạm có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm”, các chuyên gia cho biết. Họ cũng đề nghị được đến Việt Nam để hỗ trợ và gặp cơ quan chức năng để bàn luận về vấn đề.

__________

(*) Baskit Tuncak, Đặc phái viên của Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền và tình trạng rác thải độc hại; Anita Ramasastry, chủ tịch Nhóm Công tác của LHQ về nhân quyền và các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp; David Kaye, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về cổ xúy và bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến, biểu đạt, là những thành viên của Cơ chế đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Nguồn: Vietnam: UN experts concerned by threats against factory workers and labour activists

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in lao động. Bookmark the permalink.