Ánh Liên (VNTB)
Nhiều quan điểm cho hay, chiến dịch chống tham nhũng Việt Nam đang đi theo một nhận thức chung như cách mà Trung Quốc đang tiến hành. Quả thực, sự học hỏi này là có! Nhưng liệu chống tham nhũng có giống như việc, ‘trà Trung Quốc ngon hơn trà Việt Nam’?
Mới đây nhất, một Siêu ủy ban được lên kế hoạch nhằm quản lý vốn có hiệu quả hơn (với trị giá lên đến 5 triệu tỷ đồng), nó được đánh giá sẽ tước bỏ lợi ích nhóm của các bộ ngành thông qua việc giảm bớt sự can thiệp tùy tiện của các cơ quan nhà nước vào trong DNNN. Một nghị quyết về thành lập Ủy ban sẽ được ra đời trong cuộc họp Chính phủ ngày 2.2 tới, dưới sự chủ trì của PTT Vương Đình Huệ. TS. Lê Đăng Doanh – một chuyên gia kinh tế có tiếng nói phản biện cũng thể hiện sự ‘kỳ vọng’, và coi đây như một cách để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, cải cách tốt hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa, Siêu ủy ban về quản lý vốn sẽ là bước tiếp theo trong kiểm soát chống tham nhũng.
Vấn đề đặt ra là, trong một hệ thống nhà nước mà chương trình phát triển kinh tế được tiến hành bằng chỉ đạo (thông qua nghị quyết), cấu trúc nhà nước được đan xen bởi trục dọc và trục ngang thì liệu Siêu ủy ban có được như kỳ vọng?
Khó: từ chính trị gia đến minh bạch
Chuyên gia kinh tế và nhà phản biện độc lập – bà Phạm Chi Lan đã đúc kết sự thành bại của Siêu ủy ban này trong câu nói: Người quản lý phải là người có kỹ trị chứ không chỉ là chính trị. Nếu chỉ am hiểu chính trị mà không am hiểu thị trường, không nắm rõ các nguyên tắc quản lý cơ bản thì không thể làm tốt được.
Lo lắng này là có thực, bởi ngay cả người anh cả Trung Quốc, nơi đang là nguồn cảm hứng của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước của Việt Nam cũng găp nhiều vấn đề khi khai sinh và quản lý Siêu ủy ban quản lý vốn, và Phó Chủ tịch SASAC (là một chính trị gia) bị bắt vì tham nhũng và ‘bảo trợ chính trị’.
Cần diễn giải thêm rằng, SASAC là cơ quan quản lý hệ thống DNNN của Trung Quốc, lên đến 200 DN cấp Trung ương – vốn trước đây trực thuộc quản lý của nhóm Ủy ban Kinh tế và Thương mại Nhà nước (SETC), Ủy ban Kế hoạch Phát triển Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động và An sinh xã hội, và Ủy ban Doanh nghiệp Trung ương.
Trong khi đó, tại Việt Nam, thông qua quyết định của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ định ông Nguyễn Hoàng Anh – nguyên Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chủ tịch của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Vậy sự ‘độc lập’ ở đây sẽ được hiểu như thế nào?! Liệu sẽ xuất hiện sự bảo trợ cho các nhóm thân hữu của nguyên Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng?
Thứ hai, Siêu ủy ban muốn làm tốt phải đảm bảo tính ‘giám sát, minh bạch’, mà hai yếu tố này thì Việt Nam liên tục bị đội sổ trong xếp hạng của tổ chức Minh bạch Quốc tế trong các năm vừa qua. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Do vậy, người viết đồng ý với quan điểm của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam là ‘không cần thiết’ trong lập Siêu ủy ban, thay vào đó nên tập trung cổ phần hóa DNNN. Bởi suy cho cùng, sự tách-nhập từ các ủy ban thành Siêu ủy ban vẫn là duy trì chức năng sở hữu nhà nước về doanh nghiệp.
Tập trung cổ phần hoá DNNN là một điều tổt, ít nhất nó đảm bảo cho kinh doanh của khối doanh nghiệp này hoạt động có tính thị trường và quản lý theo tinh thần thị trường hơn. Tuy nhiên, xu hướng cổ phần hoá Việt Nam lại bị coi như một cách thức bán tài sản quốc gia hơn là một cách thức để thúc đẩy nền kinh tế cạnh tranh quốc gia qua các tập đoàn kinh tế, chưa kể số lượng tài sản của khối DNNN tiếp tục bị bổ sung vào nhóm lợi ích khi các doanh nghiệp sân sau của quan chức nhà nước được lập ra để kiểm soát cổ phần bán ra của DNNN. Và một điểm đặc biệt, là ngay cả trong tiến trình cổ phần hóa, nhà nước vẫn bộc lộ chức năng duy trì tính sở hữu nhà nước về doanh nghiệp, nhất là khi mà cổ phần hóa chỉ thiên về mặt số lượng với 96,5% số DNNN được cổ phần hóa, nhưng thực tế chỉ khoảng 8% số vốn trong các DNNN được cổ phần hóa, chuyển giao cho khu vực tư nhân.
Như vậy, khúc dạo đầu của công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam theo mô hình Trung Quốc, từ đưa các quan chức tham nhũng bị truy tố sang kiểm soát nguồn tài sản tại các DNNN dương như chỉ mang tính hữu hạn về mặt ‘làm sạch tạm thời’ hệ thống quyền lực trong khối kinh tế nhà nước, nhưng về lâu dài, nó không khiến bản chất nhà nước trở nên trong sạch hơn.
Và như thế, nguồn tiền ngân sách bị thất thoát sẽ khó có xu hướng giảm, mà nó chỉ tạo nên những nhóm lợi ích, kiểm soát với mục tiêu chính trị của những phe nhóm mới trong nhà nước. Và như thế, cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam vẫn cần một yếu tố mang tính ‘minh bạch hệ thống chính trị’ nếu không, mọi nỗ lực sẽ trở về không (0).
Dễ rơi lại vào vòng lặp Đinh La Thăng
Ở một góc nhìn nào đó, quan điểm của tác Hương Lệ Thu trên trang lowyinstitute.org có phần chính xác liên quan đến việc tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng mở rộng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và tất nhiên, thông qua trường hợp truy tố ông Đinh La Thăng.
Đinh La Thăng là ‘người bạn’ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người nắm quyền 2 nhiệm kỳ ở Việt Nam.
Trong thời gian từ 2009 – 2011, ông đầu tư 20% vốn của Petro vào Oceanbank và gây thiệt hại 88 triệu USD, tiếp đó, cũng cũng chịu trách nhiệm về khoản đầu tư không sinh lãi trị giá 523 triệu USD, gây thiệt hại 5,5 triệu USD cho nhà nước.
Những con số triệu USD nêu trên, không chỉ vì ‘quy mô quản lý kém’, mà còn liên quan đến tính chất hồi cứu của cuộc điều tra, bởi giai đoạn được quy kết của việc lạm dụng ngân sách có từ thời 2009 – 2011. Do đó, nó gây ra nỗi hoài nghi trong dân chúng, và nếu đây là ‘một trò chơi quyền lực chính trị có chọn lọc và nhắm mục tiêu, nó có thể đạt được sự thống nhất lớn hơn trong Đảng nhưng gây ra sự chia rẽ rộng lớn hơn trong xã hội Việt Nam.’
Siêu ủy ban nếu bị chính trị hóa quá mạnh, thì có thể dễ dàng tạo nên một Đinh La Thăng thứ 2 với quy mô và tốc độ phá ngân sách lớn hơn!!! Trong đó trọng tâm là nắm và thu gom nguồn vốn lớn thông qua các DNNN và dễ xuất hiện một lực lượng siêu ‘bảo trợ chính trị’ trong tương lai.
A.L.
VNTB gửi BVN.