Vũ Bồi Vân
Trần Quốc Việt dịch
Dịch giả gửi tới Dân Luận
Một bài viết đáng đọc. Hình như tác giả không chỉ đánh giá về tình hình chống tham nhũng của TQ.
Trong bài này có mấy nhân vật tác giả nhắc đến như các “điển tích” nhưng không ghi chú có lẽ vì dân TQ ai cũng biết cả rồi. Đối với người đọc VN thì có lẽ không phải ai cũng biết, ngoại trừ ông Đại thần Hòa Thân.
Lưu Thanh Sơn (1916) là một khai quốc công thần của Mao, còn Trương Tử Thiện (1914) cũng là người tham gia trước cướp chính quyền.
8/1949, Lưu được bổ nhiệm làm Bí thư và Trương làm Phó Bí thư khu Thiên Tân (tỉnh Hà Bắc). Từ đó, 2 ông này lo vơ vét và ăn chơi trác táng. Đây là 2 quan chức (cũng là công thần) làm nên vụ đại án tham nhũng đầu tiên và chấn động TQ lúc nhà nước CHNDTH mới thành lập. Vì thế, 1951, Mao Trạch Đông đã chỉ thị “xử tử”.
Còn Chu Nguyên Chương là ai và ông ta chống tham nhũng thế nào?
Chu Nguyên Chương chính là Minh Thái tổ. (Ông vua này ngoài tội xâm lược nước ta, còn mang một món nợ lớn đối với dân tộc VN, đó là tội hủy diệt văn hóa Việt bằng chủ trương cướp sạch, đốt sạch tất cả các loại giấy tờ có chữ, ngoại trừ các kinh Thi, Thư, Lão, Phật, một cách tàn bạo nhất). Vào một ngày tháng 6 năm Minh Hồng võ thứ 30 (1390), vào lúc nửa đêm, Hoàng đế Chu Nguyên Chương lâm triều và truyền Âu Dương Luân lên điện. Âu là con rể của Chu Nguyên Chưong, xuất thân là Tiến sĩ, được phong chức Phò Mã Đô úy rất được Chu Nguyên Chương yêu quý.
Khi Âu lên điện bái kiến, Chu hỏi: “Buôn chè tư phạm tội gì?”. Âu Dương Luân hiểu ra vấn đề bèn quỳ xin được tha tội. Vốn đây là thời kỳ đầu triều Minh, kinh tế tiêu điều, ngân khố trống rỗng, Chu Nguyên Chương phải áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để tập trung nguồn lực cho quốc gia, trong đó có việc cấm tư nhân buôn lậu chè khô. Âu Dương Luân đã dựa vào quyền thế Hoàng thân quốc thích để mưu lợi riêng rất lớn. Kết cục là Âu bị các quan địa phương mật tấu về triều.
“Đem ngay ra Ngọ môn chém”. Chu Nguyên Chương nói xong, đứng dậy bãi triều! Tin dữ đến với nàng công chúa thứ 3 An Khánh, nàng bèn khóc lóc chạy đến xin cha tha tội chết cho chồng. Phụ vương nói: “Đây là luật Đại Minh” còn phát ra kèm theo “Đại lệnh”, dân chúng trong thiên hạ đều có mỗi nhà một quyển, các quan địa phương đã đi giảng giải cho người dân hiểu và thi hành nghiêm pháp luật. Nếu ta không giết nó thì làm sao thuyết phục nổi người trong thiên hạ?”. Ba khắc sau giờ Ngọ, Âu Dương Cơ, con rể vua Minh Thái tổ bị hành quyết.
Ngày nay, liệu có ông vua nào dám làm thế không nhỉ?
Nguyễn Thái Nguyên
Tôi kính trọng Vương Kỳ Sơn[1]. Tôi kính trọng nhân cách cùng ý thức trách nhiệm của ông với tư cách quan chức chính quyền, và tôi tin ông thật sự đã làm được nhiều việc tốt. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn không quan tâm đến chiến dịch chống tham những hiện nay. Tôi thấy chiến dịch này khó làm cho tôi phấn khởi hay mang đến cho tôi chút vui thú nào, bất luận họ có thể bắt bao nhiêu quan tham đi nữa.
Tại sao?
Một vài lý do:
1. Cho dù chiến dịch chống tham nhũng dữ dội đến mấy, nó cũng sẽ chỉ giải quyết bề nổi của núi băng
Hiển nhiên đã từ lâu rằng dưới thể chế hiện nay, hầu như “không có quan nào không tham”! Những ai bị đánh tham nhũng đúng là tham nhũng, và đa số những ai đánh tham nhũng cũng đúng là tham nhũng. Không có sự khác biệt căn bản giữa tham nhũng và không tham nhũng, chỉ khác ở mức độ tham nhũng. Sự kết hợp méo mó giữa chính quyền hoàn toàn chuyên chế với nền kinh tế phần nào theo thị trường đã tạo ra cường quốc tham nhũng số một xưa nay chưa từng có. Ngày nay có hơn mười vạn Hòa Thân[2], và hàng chục triệu Lưu Thanh Sơn và Trương Tử Thiện![3] Đối với những kẻ vẫn còn dám nói rằng “đại đa số đảngviên và cán bộ đều tốt và liêm khiết”, thì nói một cách nhẹ nhàng, họ không thừa nhận danh ngôn chí lý “quyền lực tuyệt đối đưa đến thối nát tuyệt đối”; còn nói trắng ra, nói thế thì quả là quá ngu dốt và phi lý.
Ngay khi tưởng đến cảnh họ tổ chức khai hội nơi tuyệt đại đa số những người ngồi trên bục và dưới bục thảy đều là những phần tử tham nhũng, phản ứng duy nhất của tôi trước cái gọi là chiến dịch chống tham nhũng của họ là cười nhạt, chỉ cười nhạt, và càng cười nhạt.
2. Chín mươi chín phần trăm những quan tham bị lộ chỉ là lũ chuột nhắt
Những đại tham quan và đại gia đình tham nhũng mà cả nước hầu như ai cũng biết thật sự lại không bị chạm đến. Toàn thể gia đình họ đều tham nhũng qua nhiều đời. Trong cùng gia đình đã có người nắm quyền lực thì phảicó người vơ vét tiền bạc. Tài sản của họ có thể bằng tài sản của cả nước. Tuy nhiên họ vẫn bình an vô sự. Thậm chí họ vẫn giữ đươc địa vị cao quý, cho nên họ tiếp tục tham nhũng không kiêng dè gì cả. Chuyện đời ngang ngược kỳ quái đến như vậy khiến nhân dân cả nước cực kỳ bất mãn, và đây cũng chính là lý do khiến chế độ hiện nay mất lòng dân nhiều nhất.
3. Con số tham ô chính thức nhỏ hơn rất nhiều con số lưu hành ở trên mạng
Tại sao cố tình che giấu những con số thực? Hay phải chăng sợ công chúng phẫn nộ? Hay anh cho rằng không công bố số thực thì chẳng ai biết rõ? Thực ra mọi người đều biết mức độ anh tham nhũng như thể họ nhìn thấu tất cả.
4. Cho dù tham nhũng đến mấy cũng chẳng ai bị tử hình
Nên nhớ trong quá khứ các quan tham từng bị kết án tử hình. Tuy nhiên, trong 30 năm qua chuyện ấy dường như xem ra khó xảy ra lại. Nếu như Trung Quốc xóa bỏ án tử hình thì lại chuyện khác. Nhưng Trung Quốc đã không xóa bỏ án tử hình. Không kết án tử hình các quan tham thì chẳng khác gì cho những kẻ tham nhũng chỗ dựa an toàn cuối cùng, càng khiến họ trở nên táo bạo xông lên không sợ hãi, dồn dập hết lớp này đến lớp khác, sau khi những kẻ khác ngã xuống. Riêng tôi, tôi cho tham nhũng còn nguy hại hơn các tội khác rất nhiều. Giết người thì chỉ giết một người, hay vài người. Buôn lậu ma túy chỉ hại cuộc đời của một vài người. Nhưng tham nhũng hại cả quốc gia và dân tộc-ít ra đối với tất cả dân thường. Tham nhũng làm nhiễm độc đạo đức và lòng người trong xã hội nói chung. Nếu có một tội mà không nên xóa bỏ án tử hình, thì đấy là tội gì? Riêng tôi, tôi cho tội ấy chính là tham nhũng. Cách chính xác là phải tăng cái giá của tham nhũng lên rất cao, và coi tham nhũng là trọng tội số một. Các quan tham nên bị trừng phạt nặng nề, còn tất cả của cải phi nghĩa thâu tóm được nên tịch thu hoàn toàn. Còn nếu như sau khi kẻ tham nhũng đi gặp Diêm Vương, thì mỗi xu của cải của y để lại cho người nhà kế thừa cũng phải bị tịch thu để sung vào ngân khố, để được xử dụng vì lợi ích của toàn thể nhân dân.
5. Nhân dân chẳng thấy một xu tiền bẩn tham nhũng nào
Xin hỏi, tất cả tiền bạc tịch thu được đi đâu? Phải chăng nên giải thích rõ ràng cho nhân dân biết việc xử dụng tiền này?
6. Chiến dịch chống tham nhũng là bí mật, rất không minh bạch,và nhân dân không có quyền biết rõ ràng
Những quan tham và những lĩnh vực có vấn đề mà nhân dân từ lâu đã phản ánh nhưng không bao giờ được điều tra và xử lý. Hội Hồng thập tự, đã điều tra xử lý chưa? Lĩnh vực xổ số, đã điều tra xử lý chưa? Lĩnh vực bệnh viện và ghép nội tạng, đã điều tra xử lý chưa? Lĩnh vực tiền phạt kế hoạch hóa gia đình, đã điều tra xử lý chưa? Những quan chức đã bị đồn đãi trong nhiều năm trời trong dân chúng và trên mạng là tham nhũng, đã điều tra xử lý chưa? Hơn nữa những quan tham đã bị điều tra trong một năm, hai năm, hay sau nhiều năm vẫn không bị xét xử. Bọn quan tham này hiện giờ ở đâu? Còn trước kia chỗ ẩn náu của chúng ở đâu? Hay họ có thể đã được thả ra để bí mật đi chữa bệnh? Hay họ đã lợi dụng thân thế để ra khỏi tù và nay đang kín đáo an hưởng hạnh phúc? Một quốc gia hoàn toàn thiếu minh bạch thì dân chúng hoàn toàn không biết gì. Thật rất khác xa với cách truyền thông tường thuật về nhất cử nhất động của TrầnThủy Biển[4] khi ở tù-mọi thứ ông ta ăn, uống, ỉa, đái đều được kể lại rất rõ ràng.Về biện pháp “song quy”[5] mà ủy ban kiểm tra và kỷ luật nội bộ của đảng chính trị xử dụng liệu có phù hợp với thượng tôn pháp luật hay không, tạm thời tôi không bàn đến. Nhưng rõ ràng điều này đáng tranh luận.
7. Những phần tử tham nhũng ở cái gọi là “những nhà tù cấp tỉnh”
Những quan tham cấp cao hưởng thụ cuộc sống và đãi ngộ xa hoa ở trong tù mà đa số dân thường suốt đời không bao giờ có thể hy vọng có được. Nhân quyền của những quan tham được bảo vệ, đặc biệt những người có nhân thân tốt. Đây không phải là chuyện cười siêu đẳng trong lịch sử nhà tù ở trong và ngoài nước- đối với nhân dân đây là chuyện cười mỉa mai đầy cay đắng, thật đáng khinh bỉ.
8. Cho dù chiến dịch chống tham nhũng có làm được gì chăng nữa, kết cục cuối cùng nhất định sẽ luôn luôn là tham nhũng lại càng nhiều hơn trước
Chúng ta không cần phong trào chống tham nhũng. Cái chúng ta cần là thể chế dân chủ. Chúng ta cần nhân dân có quyền bầu ra chính quyền và giám sát chính quyền, buộc chính quyền chỉ nghe lời nhân dân. Đây chính là biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ nhất. Chính quyền chuyên chế mới là môi trường tốt nhất phát sinh ra tham nhũng. Cho dù phong trào chống tham nhũng có hà khắc như Chu Nguyên Chương[6] thì cũng không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề. Tham nhũng mang tính thể chế cho nên chung cuộc đòi hỏi phải thay đổi mang tính thể chế để giải quyết triệt để vấn đề. Tôi chắc chắn có thể hiểu được tâm trạng đằng sau cái gọi là “chữa cái ngọn trước để có thời gian chữa cái gốc sau”, nhưng tôi hy vọng không phải chờ quá lâu để chữa cái gốc. Chờ quá lâu, tôi e rằng, phải mất rất nhiều năm trời mới sửa lại bao nguy hại và tổn thất do nền chính trị chuyên chế và tham nhũng thuộc về bản chất của nó gây ra.
Tóm lại, tôi không có niềm tin và hy vọng vào chiến dịch chống tham nhũng đang tiến hành dưới thể chế hiện nay ở Trung Quốc. Tôi cũng chẳng quan tâm đến.Nhưng điều này không ảnh hưởng đến mối thiện cảm tôi dành cho Vương Kỳ Sơn. Hai nhà lãnh đạo Đảng[7] tôi rất kính trọng đã qua đời từ lâu. Vẫn còn một số rất ít những người lãnh đạo Đảng còn sống mà tôi hơi thiện cảm, như Chu[8] và Vương. Tôi tin nếu Trung Quốc không tiến đến dân chủ càng nhanh càng tốt thì bao nỗ lực chống tham nhũng của Vương nhất định thất bại. Những phần tử tham nhũng sẽ mãi mãi giống như “cỏ dại lại mọc rậm rạp trên đồng mỗi khi gió ấm áp thổi về”! Giống như Chu năm xưa than thở từ biệt chúng ta, số phận của Vương chắc cũng không khá hơn- trừ phi Trung Quốc thật sự thấy ánh bình minh của dân chủ!
V.B.V.
__________
Chú thích:
1. Vương Kỳ Sơn là Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
2. Hòa Thân là đại tham quan vào đời vua Càn Long, nhà Thanh.
3. Lưu Thanh Sơn và Trương Tử Thiện là hai tham quan bị Mao Trạch Đông ra lệnh tử hình.
4. Trần Thủy Biển là tổng thống Đài Loan bị kết tội tham nhũng.
5. “Song quy” là biện pháp trừng phạt và giam giữ ngoài luật pháp của ĐCSTQ.
6. Chu Nguyên Chương là hoàng đế sáng lập triều đại nhà Minh.
7. Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương.
8. Chu Dung Cơ
Nguồn: Bản dịch tiếng Anh của Little Bluegill. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Nguồn bản dịch Việt văn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20180112/that-chan-khi-xem-chong-tham-nhung