Phạm Chí Dũng
Cali Today
Việt Nam – Cali Today News – Lần thứ hai trong những phiên tòa xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, lời khai thuộc loại “nhạy cảm chính trị” được tiết lộ trên mặt báo chí Nhà nước.
Lần đầu tiên thuộc về lời khai của Đinh La Thăng với ý “chỉ định thầu là do Bộ Chính trị”, được phát ra trên báo Tuổi Trẻ và một số báo khác, nhưng sau đó các báo đã phải gỡ bỏ nội dung này.
Sau phiên tòa “Thăng – Thanh”, đến phiên tòa dành riêng cho Trịnh Xuân Thanh với một tội “tham ô” nữa. Tại phiên tòa này, vào ngày 26/1/2018, điều bất ngờ đã xảy ra. Theo tường thuật của trang Zing.vn: “đây là lần đầu tiên Trịnh Xuân Thanh đã thẳng thắn nói rõ suy nghĩ và quan điểm của mình”, trong đó điểm nhấn ấn tương nhất là lời tán thán của Trịnh Xuân Thanh: “Đấu tranh chống tham nhũng chứ không phải như một cuộc đấu đá, thanh trừng”.
Dù cách hành văn trên của Trịnh Xuân Thanh chỉ mang tính ví von mà chưa chỉ thẳng vào thực tại, nhưng rõ ràng đã có một sự chuyển biến rất khác biệt về nhận thức và phát ngôn của Trịnh Xuân Thanh từ phiên tòa “Thăng – Thanh” đến phiên tòa này.
Nếu ở cuối phiên tòa “Thăng – Thanh”, Trịnh Xuân Thanh còn nức nở nói lời cuối “xin bác Tổng Bí thư xem như con cháu trong nhà” và “xin được sang Đức chăm sóc vợ con”, thì có vẻ như bản án chung thân không hề thay đổi theo ý chỉ của “Bác Trọng” đã khiến Trịnh Xuân Thanh vỡ mộng “được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước”, để lần đầu tiên đi đến quyết định trần trụi về “đấu đá, thanh trừng” trong tâm thế chẳng còn gì để mất.
“Đấu đá, thanh trừng” lại là một luồng dư luận xã hội và cả trong nội bộ Đảng, đã nổi lên từ giữa năm 2016 khi Tổng Bí thư Trọng phát lệnh “việc cần làm ngay” với chiếc xe hơi Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, kéo dài cho đến giờ đây với ngày càng nhiều đàm tiếu và mỉa mai về ý chí “chống tham nhũng thời kỳ trước” của ông Trọng.
“Thời kỳ trước” lại được hầu hết dư luận xã hội hiểu là “thời Nguyễn Tấn Dũng”.
Thế là đã xảy ra một sự trớ trêu đầy bất công của lịch sử Đảng CSVN: trong khi dồn dập các “củi” của “thời kỳ trước” bị Nguyễn Phú Trọng tống vào “lò”, vẫn còn rất nhiều ‘củi” của “thời kỳ này” không những ung dung tự tại mà còn nhơn nhơn tự đắc: Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và liên đới sâu đậm trách nhiệm với thảm họa xả thải của Formosa, Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế và phải chịu trách nhiệm về vụ ngành y tế nhập thuốc ung thư giả mà có thể đã gây ra cái chết thứ hai cho hàng ngàn bệnh nhân, Trịnh Văn Chiến – Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa với khối tài sản khổng lồ bị đồn đoán và mối quan hệ rất đáng ngờ với đại gia Trịnh Văn Quyết, Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái với ngôi biệt phủ không thua kém thời thực dân…
Kết quả của luồng dư luận chỉ trích trên là ông Trọng đã chỉ “chống tham nhũng một bên”.
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, cho dù từ lâu đã bị quá nhiều dư luận về lối sống xài tiền như nước và ăn đậm nhiều dự án, công trình có nguồn ngân sách và nguồn vốn ODA, nhưng lại tạo nên một hiện tượng đặc biệt khi vượt qua phiên tòa “Thăng – Thanh” mà không để lại một lời khai nào về sự dính dáng trực tiếp của hai nhân vật này đến tham nhũng cá nhân. Thậm chí Hội đồng xét xử còn không trưng ra nổi một chứng cứ nào đủ thuyết phục cho thấy Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, để cuối cùng phải “vận dụng vụ 119 tỷ đồng”, mà theo luật sự Nguyễn Văn Quynh là “tưởng tượng ra sự thiệt hại về lãi suất” để áp đặt tội danh và mức án đối với Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Khác với Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh đã có cơ hội thứ hai để “nói thẳng nói thật”, sau cơ hội thứ nhất đã trở nên ảo tưởng.
Có thể Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra giữa những lời gợi ý, hứa hẹn ngọt ngào trong quá trình lấy cung và những phủ dụ ngay sát phiên tòa “Thăng – Thanh” đã khác một trời một vực với ngữ cảnh “càng nói càng buộc thêm tội” của Viện Kiểm sát tối cao, để cuối cùng Trịnh Xuân Thanh vẫn phải nhận bản án chung thân, dù đã cày cục than khóc.
Cũng có thể là Trịnh Xuân Thanh đã nhận ra, ngay sau phiên tòa “Thăng – Thanh”, là anh ta cùng với Đinh La Thăng phải “chết”, như một định luật chính trị, trên bàn cờ chính trị, để Tổng Bí thư Trọng có cơ hội hoàn tất “kịch bản Bạc Hy Lai” ở Việt Nam và đang tràn trề hy vọng trở thành “Tập Cận Bình Việt Nam”.
“Đấu đá, thanh trừng”. Trịnh Xuân Thanh vừa “phản tỉnh”. Lần thứ hai “phản tỉnh”.
Lần “phản tỉnh” thứ nhất là sau khi bỏ trốn sang Đức, Thanh đã viết một bức thư và công khai trên mạng xã hội về “không còn tin tưởng Tổng Bí thư”, tuy vẫn tin vào Đảng.
Nhưng liệu vào lúc này, khi đã phải nhận một án chung thân và gần như chắc chắn sẽ phải nhận án chung thân thứ hai, Trịnh Xuân Thanh có còn “tin Đảng, theo Đảng”, hay anh ta sẽ quyết định tung hê tất cả những trò lật lọng tráo trở mà giới chức Đảng và công an quen thói đối xử với dân chúng và nay đang dùng để “xử nhau”?
P.C.D.
Tác giả gửi BVN.