Thiền Lâm
Căn cứ vào “thành tích giảm đáng kể bội chi năm 2017”, Quốc hội thậm chí còn mạnh tay phóng con số chi ngân sách dự kiến năm 2018 lên 1,52 triệu tỷ đồng, tức cao hơn chi ngân sách 2017 đến gần 10%…
Vietnam-Cali Today news – Quốc hội Việt Nam vẫn trĩu nặng mái đầu trong cố tật gật gù quá khó bỏ trước các số liệu báo cáo của Chính phủ. “Thành tích” bội chi ngân sách năm 2017 “chỉ có 3,5% GDP” là một trong số cố tật đó.
Trong kỳ họp Quốc hội tháng 10-11 năm 2017, báo cáo tình hình dự toán Ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 cho biết nếu bội chi ngân sách năm 2017 dự tính 3,5% GDP, trong mục tiêu Quốc hội cho phép thì năm 2018 con số này sẽ tăng thêm 0,2%, lên mức 3,7% GDP.
Căn cứ vào “thành tích giảm đáng kể bội chi năm 2017”, Quốc hội thậm chí còn mạnh tay phóng con số chi ngân sách dự kiến năm 2018 lên 1,52 triệu tỷ đồng, tức cao hơn chi ngân sách 2017 đến gần 10%, trong đó phần lớn là chi thường xuyên (lương, tinh giản biên chế…) 434.000 tỷ.
Ảnh: Ba Sàm
Cũng có nghĩa là bất chấp mục chi thường xuyên đã tăng vọt từ dưới 50% vào năm 2001 lên đến 74% tổng chi ngân sách vào năm 2017 và đang bị dư luận lên án là dân chúng phải è cổ đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước cứ phình ra ngày càng khủng khiếp nhưng lại “hành là chính”, không chỉ các cơ quan hành chính mà cơ quan dân cử là Quốc hội vẫn thản nhiên vừa tìm cách moi móc những đồng tiền cuối cùng từ túi người dân, vừa thẳng tay chia chác tiền đóng thuế để chi xài cho các cơ quan này, và lẽ đương nhiên không thể thiếu mặt của khối Văn phòng Trung ương Đảng với 2 ngàn tỷ đồng/năm.
Nhưng tại sao tỷ lệ bội chi ngân sách thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại giảm “thần kỳ” đến thế?
Quả thật, nếu chỉ nhìn trên bề mặt số liệu, tỷ lệ bội chi ngân sách dự kiến của năm 2017 là quá “đẹp” so với mức bội chi khủng của những năm trước, đặc biệt là mức bội chi kỷ lục lên đến 6,6% GDP năm 2013 vào thời thủ tướng bị coi là “phá chưa từng có” là Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài nguyên nhân “ăn tàn phá hại” như ồ ạt vay mượn nước ngoài và trong nước, chi cho các công trình xây dựng cơ bản từ ngàn tỷ đến chục ngàn tỷ dồng, mức bội chi ngân sách thời Nguyễn Tấn Dũng quá cao là do cơ quan thống kê vào thời đó đã tính cả nợ gốc lẫn lãi vào bội ch ngân sách. Tuy nhiên, đến thời Nguyễn Xuân Phúc, chính một cơ quan chuyên môn là Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã cho biết bội chi của 8 tháng đầu năm 2017 được báo cáo giảm là do không tính chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách nhà nước từ năm tài khóa 2016.
Cần nhắc lại, kế hoạch của Chính phủ chi trả nợ gốc và lãi năm 2017 là khoảng 260 ngàn tỷ đồng, trong đó phần nợ gốc có thể chiếm gần 2/3 trong số đó, tức khoảng 150 ngàn tỷ đồng.
Với dự toán bội chi ngân sách năm 2017 là khoảng 250 ngàn tỷ đồng, nếu tính cả phần chi trả nợ gốc vào bội chi ngân sách năm 2017, cộng với thực tế bội chi 10 tháng đầu năm 2017 “giảm hẳn” là do xuất phát từ thực tế chậm giải ngân vốn đầu tư phát triển chứ không phải đến từ việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên của bộ máy nhà nước, con số bội chi thực sự sẽ lên đến khoảng 400 ngàn tỷ đồng, chiếm đến gần 9% GDP, tức còn cao hơn hẳn mức bội chi kỷ lục “thời Nguyễn Tấn Dũng” vào năm 2013 là 6,6% GDP.
Cũng cần nhắc lại, mức bội chi bị xem là nguy hiểm theo quy định của Liên Hiệp Quốc là 5% GDP.
Hẳn đó là lý do tại sao từ năm tài khóa 2016, Chính phủ và Bộ Tài chính đã quyết định “giấu” mà không đưa phần chi trả nợ gốc vào mục bội chi ngân sách, cố “ép” tỷ lệ bội chi/GDP giảm xuống để làm đẹp báo cáo.
Một dự báo của Chính phủ cho biết “đến năm 2020 nợ công sẽ vào khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách và lên tới hơn 100.000 tỷ mỗi năm. Hiện, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, mà nguồn trả nợ sử dụng là từ vay mới. Như vậy là nợ chồng lên nợ, đến mức dự báo đến năm 2020 không khắc phục được, nguồn vay sẽ lên tới 252.000 tỷ đồng”.
Trong thực tế, tỷ lệ nợ công quốc gia đã lên đến 210% GDP, tương đương đến 431 tỷ USD nếu tính cả nợ của các tập doàn và doanh nghiệp nhà nước theo cách tính và cũng là yêu cầu của Liên Hiệp Quốc.
Trong bối cảnh nợ công ngập mặt và đe dọa quá nghiêm trọng đến các thế hệ dân chúng hiện nay và trong tương lai, việc khoe khoang thành thích “bội chi được kéo giảm đáng kể” để lấy cớ tiếp tục vay mượn vô tội vạ sẽ càng khiến nợ chồng nợ, ngân sách hết sạch kết dư mà chỉ biết cắm đầu đi vay để đảo nợ, và nợ công sẽ vô phương cứu chữa.
T.L.