Thành Luân
Việc đánh giá toàn diện dự án bauxite có thể cho quyết định sáng suốt đối với dự án này, nên tiếp tục, mở rộng hay đóng lại…
Phải làm từ lâu
11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá.
Theo đề nghị của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan tham gia vào việc đánh giá hiệu quả dự án là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng; các doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, yêu cầu báo cáo toàn diện về hiệu quả dự án bauxite Tây Nguyên là việc làm bắt buộc và cần thiết và đáng ra phải được thực hiện từ lâu.
“Lẽ ra, ngay từ khi có kế hoạch đầu tư phải thực hiện việc xem xét, đánh giá một cách toàn diện dự án theo đúng quy trình, từ điều kiện, cơ sở, luận cứ khoa học để thực hiện dự án đến hiệu quả kinh tế, tài chính của dự án. Đặc biệt, đối với các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bauxite, phải đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ và chuẩn mực.
Tuy nhiên, công việc này được làm tương đối khẩn trương và có lẽ là hơi vội khi Việt Nam chưa có đánh giá đầy đủ hiệu quả và tác động của dự án đến đời sống cũng như môi trường, đặc biệt là hiệu quả tài chính của dự án.
Thực tế, ngay từ khi có ý định triển khai dự án bauxite, các chuyên gia kinh tế, môi trường và khoáng sản đã cảnh báo nhiều về hiệu quả và tác động môi trường của dự án này, đặc biệt là vấn đề liên quan đến khai thác, chất lượng sản phẩm.
Công nghệ của dự án này lạc hậu, không đảm bảo an toàn về mặt môi trường, vì thế chất lượng sản phẩm không cao, hiệu quả không lớn, từ đó nhiều ý kiến đánh giá rằng hiệu quả tài chính, kinh tế không đảm bảo.
Về tác động môi trường, dự án này cũng không đáp ứng được yêu cầu của các dự án khai thác bauxite hiện đại trên thế giới.
Những khâu trên đã không được làm một cách chuẩn mực mà TKV là người thực thi tất cả các công việc đó. Vì thế, sau một quá trình khai thác, vận hành, việc thua lỗ là điều có thể nhìn thấy ngay trên báo cáo của TKV. Thời gian gần đây TKV tự nhiên báo lãi nhưng nhiều nhà kinh tế đánh giá đó là “bài” để xin đầu tư thêm vốn của TKV”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Nhà máy Alumina Tân Rai. Ảnh: Đầu tư
Vị chuyên gia cho rằng, báo cáo hiệu quả của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên cần phải nhìn nhận lại việc khai thác bauxite của Việt Nam ở trình độ nào của thế giới và liệu việc sử dụng các công nghệ đó có phù hợp với Việt Nam không cũng như có tận dụng được tài nguyên khoáng sản của Việt Nam hay không…
Nếu Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại thì tỷ lệ thu hồi quặng sẽ lớn hơn và có thể bán được các sản phẩm khác cho các quốc gia khác trên thế giới. Nhưng nếu Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu thì chỉ có thể bán được cho một vài nước và họ trở thành người bắt chẹt Việt Nam vì Việt Nam không bán được cho ai ngoài họ. Khi đó, họ muốn đặt giá thế nào, ra điều kiện thế nào Việt Nam đều phải phụ thuộc.
“Vì thế cần xem xét cả góc độ công nghệ, không chỉ vì năng suất lao động, hiệu quả thu hồi khoáng sản, mà quan trọng là nó sẽ dẫn đến đối tác, người mua, người bán, thị trường, từ đó trở ngược lại là chúng ta khai thác liệu có hiệu quả không, chưa nói đến tác động môi trường”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Một điểm quan trọng khác mà báo cáo hiệu quả dự án bauxite cần có, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh là vấn đề kiểm tra, giám sát môi trường phải được đánh giá theo cơ sở tổng quát chứ không phải chỉ nhìn vào mỗi khu vực khai thác.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, lưu trữ bùn đỏ là một bài toán rất khó. Nếu không khéo để sự cố, nhiều vùng trở thành đất chết và đó sẽ là thảm họa về môi trường.
Theo vị chuyên gia, với công nghệ và trình độ như hiện nay, nguy cơ thất thoát tài nguyên thiên nhiên, tác động môi trường, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng về môi trường là điều rất đáng lo ngại.
Thêm nữa, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải quan tâm đến một mảng khác, đó là mảng tài chính của dự án, không thể nào bỏ tiền ra đầu tư, cuối cùng chịu lỗ qua năm này qua năm khác.
“Việt Nam đang cần vốn, phải xem xét việc sử dụng nguồn vốn ra sao, có hợp lý không. Bỏ đồng tiền ra phải tính toán căn cơ chứ không phải để lỗ dần lỗ mòn rồi lại bán đổ bán tháo, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường. Nếu như vậy thì thà dừng lại còn tốt hơn.
Việc tham gia của các bộ, ngành, các bộ phận kinh tế vào hoạt động kiểm tra, đánh giá lại các mặt của dự án bauxite là cần thiết và sáng suốt, để từ đó có thể có được quyết định sáng suốt đối với dự án này, nên tiếp tục duy trì, mở rộng hay đóng lại dù có thể đau nhưng kịp thời để có thể xử lý được những vấn đề ung nhọt”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng, Việt Nam đã lấn sâu vào dự án này nên cá nhân ông không rõ cơ quan quản lý có dám ra những quyết định có tính bước ngoặt hay không.
Sai đâu, truy trách nhiệm ở đó
Bởi Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng đề cương tổng kết, và chủ trì nhận báo cáo, tổng hợp đánh giá dự án bauxite nên theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Bộ Công Thương phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng.
Các tập đoàn, bộ, ngành được giao nhiệm vụ đánh giá, thẩm định các hoạt động của dự án sẽ phải thực thi theo yêu cầu của Bộ Công Thương.
“Bản thân các doanh nghiệp, tập đoàn và những người được giao đầu mối phụ trách phải có trách nhiệm với báo cáo của mình, thuê chuyên gia, tư vấn để thẩm định lại tình hình và số liệu. Nếu họ báo cáo sai thì họ phải chịu trách nhiệm.
Về phía Bộ Công Thương, dù các bộ, tập đoàn báo cáo lên nhưng Bộ vẫn có trách nhiệm thuê các tư vấn, chuyên gia thẩm định lại báo cáo của các đầu mối. Khi Bộ Công Thương báo cáo với Chính phủ, các số liệu đó là của Bộ Công Thương và bộ này phải phải chịu trách nhiệm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh giải thích.
Đáng lưu ý, sau khi đánh giá hiệu quả dự án, sai ở đâu thì phải tìm ra nguyên nhân, tìm ra người chịu trách nhiệm để quy trách nhiệm và xử lý.
T.L.
Nguồn: