J.B Nguyễn Hữu Vinh
…qua các phát biểu của quan chức nhà nước Việt Nam […] người ta thấy được tư duy của quan chức Việt Nam đối với người dân là gì? Đó là cách nghĩ: Cứ bóp nặn, cứ làm những điều mình thích và đưa lại lợi ích như mình muốn. Còn dân ư? Còn chịu được, nghĩa là ta đúng.
Theo dõi những vấn đề xung quanh việc thu tiền của dự án BOT đường tránh Cai Lậy, Tiền Giang mấy hôm nay qua nhiều diễn biến sôi động, người ta thấy được nhiều điều.
Ở đó, người dân thấy sự bất cập của Chính phủ mà đại diện là Bộ GTVT đã có những hành động mờ ám, trong việc để các nhà thầu tư nhân xây dựng các dự án BOT nhằm mục đích cướp tiền dân có bảo kê một cách bất chính.
Ở đó, người ta thấy các dự án BOT là những miếng mồi béo bở mà rất nhiều nhà đầu tư đã thi nhau lao vào kiếm ăn, chia chác…
Ở đó, người ta thấy sự tù mù về thông tin, cách làm dự án và những khuất tất đằng sau biểu hiện rõ lợi ích của cá nhân, phe nhóm đã lũng đoạn cả Nhà nước ra sao.
Nhất là, ở đó, qua các phát biểu của quan chức nhà nước Việt Nam, đặc biệt quan chức ngành Giao thông Vận tải người ta thấy được tư duy của quan chức Việt Nam đối với người dân là gì?
Đó là cách nghĩ: Cứ bóp nặn, cứ làm những điều mình thích và đưa lại lợi ích như mình muốn. Còn dân ư? Còn chịu được, nghĩa là ta đúng.
BOT và bao mánh lới cướp xương máu người dân
Ngày 20/07/2017 Thanh tra Chính Phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, hàng loạt dự án nghìn tỷ đã được “điểm danh” với những sai phạm nghiêm trọng.
Những sai phạm được chỉ ra là: Lựa chọn nhà đầu tư, hẳn nhiên ở đây chẳng ai không hiểu nhà đầu tư như thế nào để được bên quản lý tiền Nhà nước ưu ái. Để ưu ái, việc công bố thông tin và cách lựa chọn nhà dầu tư có nhiều mập mờ. Đồng thời, để ưu ái các nhà đầu tư, những chỉ số về năng lực, về tính pháp lý… của nhà đầu tư được ưu ái đều được bỏ qua.
Và cái ưu ái này chắc chắn một điều là tiền Nhà nước, tức là tiền thuế của dân ra đi. Bởi họ không quản lý và đầu tư bằng tiền của họ, mà là của Nhà nước – của chung – của chùa – của dân.
Tiếp theo, đó là việc thiết kế, lập dự toán và thi công, giám sát thi công cũng như quyết toán giá trị đầu tư, xác định khả năng thu hoàn vốn… tất cả đều trong một quy trình tít mù vòng quanh. Để rồi cuối cùng thì bao sự khuất tất xảy ra như đội giá, đánh giá không đúng, lãng phí và phải điều chỉnh…
Nhưng có điều này thì chắc chắn. Đó là tất cả những sai phạm, thiếu sót trên đều dẫn đến kết quả là người dân cứ móc tiền nộp thuế là chịu thiệt.
Chỉ riêng thanh tra mấy dự án BOT tại Hà Nội, con số sai phạm đã là hàng nghìn tỷ đồng.
Điều đó giải thích vì sao các nhà đầu tư thích BOT, nhiều tập đoàn tư nhân đã kết hợp các quan chức để lập những dự án BOT nhan nhản mà như báo chí phản ánh thì ở miền Bắc, BOT bao vây Hà Nội.
Trên bình diện cả nước, có lẽ béo bở nhất là dự án BOT giao thông.
Các dự án BOT giao thông như một ma hồn trận đẩy người dân đến chỗ hết lựa chọn. Oái oăm nhất là việc đầu tư một nơi, thu tiền một chỗ. Oái oăm hơn nữa, là những chỗ đặt sai trạm thu tiền, lại là những chỗ gom nhiều nạn nhân nhất hoặc chặn tất cả những đường khác có thể đi, nhằm buộc người dân đi vào đường BOT như vụ Cầu Việt Trì.
Cuối cùng, thì… không cho chúng nó thoát.
Dù trên thực tế người dân không sử dụng, thì BOT vẫn thu tiền người dân. Điều này rõ nhất là trạm BOT cầu Bến Thủy 1 nhằm thu cho đường tránh TP Vinh và mới đây là trạm thu phí Cai Lậy.
Hẳn nhiên là phải kể đến hàng chục dự án như vậy, chẳng hạn trạm thu phí Cầu Rác, Kỳ Anh để thu phí đường tránh TP Hà Tĩnh cách đó có… 30 km.
Dù không hề đi, không hề sử dụng đường BOT, người tham gia giao thông vẫn cứ phải móc hầu bao hàng ngày. Mà con số đâu có ít, mới đây, một tờ báo đã nêu câu chuyện “Viện phí 2,2 triệu nhưng hết 2,8 triệu BOT phí” đấy thôi.
Một sự trắng trợn nữa, là những con đường được đầu tư từ tiền Nhà nước, nghĩa là tiền của người dân, hàng năm người dân vẫn đóng hàng triệu đồng mỗi đầu xe để bảo dưỡng, duy tu… Giờ bỗng nhiên được một nhóm tư nhân rải thêm lớp mặt, lau dọn sạch sẽ và cắm biển thu tiền BOT. Đó là điều đang xảy ra ở BOT Cai Lậy, BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Những đoạn đường khác song song với BOT mà người dân có thể lựa chọn, có nguy cơ không lùa được dân vào chiếc thòng lọng BOT, thì Nhà nước cũng đua với tư nhân giở trò nâng cấp và thu phí. Mức phí cũng đua nhau cạnh tranh với BOT cho xứng tầm.
Người dân không còn lựa chọn nào khác là nôn tiền ra.
Những hành động và cách làm đó, không thể dùng từ nào khác ngoài một từ đúng nghĩa: Cướp.
Và người dân bị cướp bóc trắng trợn không chỉ mới đây, mà đã từ rất lâu.
Quan chức của dân!?
Còn nhớ, mới đây thôi, dàn lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đua nhau giơ tay thề phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước hết sức mình và vì hạnh phúc của nhân dân. Mà những lời thề thốt ấy không chỉ một lần. Chỉ trong vòng mấy tháng, họ đua nhau diễn đến vài lần chuyện đó.
Thế nhưng, họ đã thực hiện lời thế hứa ra sao?
Dù hàng loạt văn bản quy định nọ kia nhan nhản về khoảng cách, về quy định, về dự án… bao nhiêu báo chí phản ánh và tiếng kêu của người dân vang lên khắp nơi, nhưng hầu như chẳng mấy tác động đến quan chức nhà nước.
Họ bị điếc, bởi họ không cần nghe những thông tin không có lợi cho họ.
Họ bị đui mù, bởi họ không cần nhìn đến thực tế xã hội và đời sống người dân – những người rút máu, mài xương để nuôi họ.
Họ bị câm, bởi những điều họ nói ra không được lòng đồng bọn, những người cũng quan chức như họ
Điều cơ bản, là họ nói ra, họ sẽ bị bật ra khỏi guồng máy và hệ thống tham nhũng hiện nay. Và điều cơ bản hơn, là với tình trạng người khuyết tật như vậy, họ sẽ được vinh thân, phì gia một cách rất “đàng hoàng” rồi dạy dỗ đạo đức cho người khác.
Điều này đã được chứng minh rất sống động là lời của ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng rằng “Tham nhũng là những người có chức, có quyền, chống lại họ có khi chúng tôi chết trước”.
Bó tay với một Cục trưởng cục Chống tham nhũng. Không biết thỉnh thoảng ông ta đọc trong những tiêu chuẩn hay những lời tuyên truyền về phẩm chất, tính chiến đấu hy sinh vì lý tưởng, vì giai cấp của các đảng viên như lời ông ta thề thốt khi vào đảng, thì ông ta có bật cười văng cơm ra không?
Trên lĩnh vực BOT, những phát biểu của quan chức nhà nước, từ Đại biểu Quốc hội cho đến ngành GTVT đều cho thấy một tư duy bảo vệ đám cướp của người dân mà cướp cách ngang nhiên, trắng trợn.
Ngày 15/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về chính sách đầu tư giao thông. Tại hội nghị này, khi nói đến BOT Cai Lậy, các đại biểu thi nhau kêu “buồn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu kêu la rằng ông “buồn”. Người ta cứ tưởng ông ta buồn vì dân của ông ta, những người dân một nắng hai sương vùng Miền Tây của ông đang khốn nạn bởi bọn cướp ngày, ngang nhiên chặn đường đòi tiền những người dân không mua, không bán.
Nhưng không, ông buồn vì ông sợ cho các nhà đầu tư (!) và ông yêu cầu “sớm xử lý vì nếu không thì nó sẽ lan rộng đến nơi khác”. Nghĩa là, với ông ta, chuyện cướp là đương nhiên, còn việc người dân phản ứng chống lại cướp là “phải xử lý”.
Nghe những lời này, người dân Miền Tây chắc hiểu rằng ông ta đã bứng hết họ hàng hang hốc mồ mả cha ông nhà ông ta ra Hà Nội và chắc chẳng bao giờ trở lại miền An Giang.
Hèn chi nhà đầu tư BOT Cai Lậy không thèm giải thích việc hút máu dân, mà ngược lại gửi cho Nhà nước danh sách các lái xe trả tiền lẻ để yêu cầu”trừng trị”.
Ông Đỗ Bá Tỵ, một ông quân đội sang làm Phó CT Quốc hội cũng kêu “buồn” như các đại biểu khác.
Nhưng, buồn xong rồi thì sao? Chẳng ai nói được điều gì hơn có lợi cho dân.
Dân còn chịu được, thì quan cứ bóp
Có lẽ phát biểu lan truyền và nhận được sự phản ứng dữ dội nhất là của các quan chức ngành GTVT, một ngành tiêu nhiều tiền bậc nhất của đất nước, của người dân.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu như sau: “Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm… Hàng ngàn xe đi qua, họ tuân thủ, tại sao chỉ có một số ít tài xế phản ứng?”.
À, thì ra vậy.
Có điều Hiến pháp và pháp luật ấy ở đâu, ai phải sống và làm theo nó còn ai được miễn thì ông không nói. Có cái Hiến pháp và pháp luật nào cho phép chặn đường móc tiền người khác khi không bán, không mua? Cứ người dân không phản ứng thì ông cứ bóp? Nếu phản ứng thì ông cho là phá hoại và đưa danh sách cho công an?
Với Nguyễn Nhật, nếu ai chú ý chắc hẳn chẳng ai không nhớ về một nhân vật mà cứ đến làm ở đâu bị kỷ luật đấy, và cứ mỗi khi bị kỷ luật xong lại leo lên cao hơn.
Hẳn ông Nhật còn nhớ tên ông được ghi bảng đen trong vụ Formosa? Ông đã góp công tạo nên thảm họa cho quê hương, để rồi sau đó chạy ra Cục trưởng Cục Hàng hải và lại tiếp tục bị Bộ GTVT kỷ luật. Rồi sau đó lên Thứ trưởng Bộ GTVT. Người ta còn đồn với nhau rằng chỉ cần ít lần bị kỷ luật nữa thì chúng ta có Chủ tịch nước Nguyễn Nhật.
Cái “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước” của ông là vậy sao ông Nhật? Nếu không phải là đảng viên CS, là quan chức thân thế, thì liệu Nguyễn Nhật có được ưu ái hơn thằng bé cướp hai cái bánh mỳ rồi đi tù không? Thật đúng là chuyện cha ông nói “gái đĩ già mồm”.
Tại cuộc họp nói trên, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng GTVT nói rằng: Những người dân, doanh nghiệp, hội vận tải địa phương không kêu mà chỉ có doanh nghiệp ở địa phương khác. Nghĩa là, phải hiểu rằng người dân không kêu, tức là còn bóp được, và cứ thế mà bóp.
Ừ, ông nói cũng phải thôi. Vấn đề là ở người dân thôi, chèo thuyền hay lật thuyền đều là người dân. Nếu người dân không biết giành lấy cái quyền của mình, kể cả cái quyền được rên, thì hẳn nhiên cứ vậy mà chấp nhận.
Bị hiếp mà không kêu, không chống cự, nghĩa là đã đồng tình với tên cưỡng bức.
Bị cướp mà không kêu, dù với bất cứ lý do gì nghĩa là đã đồng ý để nó cướp.
Và cả hệ thống quan chức đang hành xử trên tư duy như vậy, để đưa đất nước “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên CNXH” và “vì hạnh phúc của nhân dân”.
Và những câu chuyện hài xuyên thế kỷ chẳng biết bao giờ chấm dứt.
Hà Nội, Ngày 16/8/2017
N.H.V.
Tác giả gửi BVN.