Dư luận khác nhau trước tình hình “lò đã nóng lên rồi”

Bauxite Việt Nam tập hợp

1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ráo riết diệt tham nhũng?

Hòa Ái, phóng viên RFA

clip_image001

Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Photo: AFP

Qua các vụ việc liên quan đến giới chức cao cấp trong ngành ngân hàng như ông Trầm Bê bị bắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa không được thực hiện chấp nhận thủ tục xin thôi việc và cựu giới chức ngành dầu khí, ông Trịnh Xuân Thanh được nói ra đầu thú sau gần 1 năm bị phát lệnh truy nã… có phải chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng bắt đầu đi vào giai đoạn nước rút trước khi ông thôi vai trò Tổng Bí thư  tại Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2018?

Quyết tâm chống tham nhũng?

Giống như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” tại Hoa Lục, ông Nguyễn Phú Trọng, hồi năm 2012 ban hành quyết định tái lập Ban Nội chính Trung ương với nhiệm vụ chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ sau một năm ông được bầu vào vị trí Tổng Bí thư Đảng. Tuy nhiên chiến dịch chống tham nhũng do tân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng lúc bấy giờ cần theo chủ trương “diệt chuột đừng để vỡ bình”.

Với quyết tâm chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng lãnh đạo như vừa nêu, dư luận trong và ngoài nước không mấy trông chờ vào kết quả khả quan trước tệ trạng tham nhũng tràn lan mà dân chúng trong nước kêu than: từ địa phương đến trung ương đều tham nhũng. Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông từng khẳng định với Đài Á châu Tự do rằng mặc dù Đảng và Nhà nước quyết liệt chống tham nhũng nhưng vẫn không đạt được hiệu quả vì:

“Hoạt động của bộ máy chống tham nhũng là chưa có kết quả, bởi vì mang tính chất hô hào chứ chưa đi vào hoạt động một cách có trách nhiệm hay có hiệu lực. Điều đó cho thấy cần một cách thức chỉ đạo giải quyết vấn đề này một cách quyết liệt và hiệu lực hơn. Còn nếu như lâu nay thì tình trạng rất khó có sự chuyển biến mang tính chất đột phá”.

Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam được ghi nhận đạt thành tích qua việc Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị, ông Đinh La Thăng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Khóa 12 hồi đầu tháng 5 năm 2017, cũng như trước đó, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vào đầu năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành chưa có tiền lệ là cách chức một người đã về hưu, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và truy nã đối với ông Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới của ông Đinh La Thăng trong vụ đại án tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí, nhưng ông Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Tôi hoan nghênh những vụ án tham nhũng lớn bắt đầu có thể mở ra và việc bắt Trịnh Xuân Thanh về nước và Trầm Bê cùng một số vụ án khác thì có lẽ sẽ còn đi vào các mối quan hệ lớn mà từ trước giờ nhiều người mong đưa ra rằng đứng sau những những nhân vật đó là ai? Tại sao những người làm sai thời gian dài như thế mà không xử lý – Luật sư Trần Quốc Thuận

Ngay thời điểm ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, buộc phải ra khỏi Bộ Chính trị, Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy trong Khoa Chính trị, tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ và cũng là nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với RFA rằng “Đó là một thành công rất nhỏ bé” và Giáo sư Vũ Tường nhấn mạnh:

“Tôi còn chờ xem họ sẽ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không? Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ”.

Chống tham nhũng đạt hiệu quả?

Sự chờ đợi không chỉ của riêng Giáo sư Vũ Tường, đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu mà nhiều người cho là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ráo riết thực hiện quyết tâm của ông trong chiến dịch chống tham nhũng, trước khi ông thôi chức vụ Tổng Bí thư vào Đại hội giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra trong đầu tháng 1 năm 2018.

Chỉ trong mấy ngày qua, những thông tin dồn dập được truyền thông nhà nước loan đi liên quan hai giới chức cao cấp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín-Sacombank, ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa không được chấp nhận cho thôi việc trong quá trình bà Thoa bị xem xét kỷ luật do nghi vấn khối tài sản giá trị lớn của bà bất minh và thông tin nổi cộm nhất là ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau gần một năm trốn sang Đức và xin quy chế tị nạn.

clip_image002

Ông Trịnh Xuân Thanh trong bản tin của Đài Truyền hình VTV phát vào ngày 3 tháng 8 năm 2017. Screen capture of VTV’s video

Trước những thông tin như thế, rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, như Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, chia sẻ với RFA:

“Tôi hoan nghênh những vụ án tham nhũng lớn bắt đầu có thể mở ra và việc bắt Trịnh Xuân Thanh về nước và Trầm Bê cùng một số vụ án khác thì có lẽ còn đi vào các mối quan hệ lớn mà từ trước giờ nhiều người mong đưa ra, rằng đứng sau những nhân vật đó là ai? Tại sao những người làm sai thời gian dài như thế mà không xử lý? Theo tinh thần, nghị quyết của Đảng là không chừa người nào, cho dù người đó đang làm việc hay đã nghỉ thì cũng phải xử lý đến nơi đến chốn. Đó là dấu hiệu tích cực”.

Hầu hết những người quan sát về chính trường và nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và những người cầm quyền thì đều cho đây họ chỉ núp danh chống tham nhũng, thực tế đều nghĩ rằng đó là sự đấu đá nội bộ và phe nhóm thôi
– Nhà báo tự do Sương Quỳnh

Thế nhưng, Đài Á Châu Tự do cũng ghi nhận không ít người lại lo ngại rằng “dấu hiệu tích cực” theo như nhận xét của Luật sư Trần Quốc Thuận sẽ theo hướng nào vì một số nhà phân tích tình hình chính trị Việt Nam cho rằng cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản đang đến hồi gay cấn khi nhóm thuộc phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị “vào tròng”.

Nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với chúng tôi về quan điểm của bà trước diễn tiến trong những ngày đầu tháng 8:

“Hầu hết những người quan sát về chính trường và nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và những người cầm quyền thì đều cho đây họ chỉ núp danh chống tham nhũng, thực tế đều nghĩ rằng đó là sự đấu đá nội bộ và phe nhóm thôi. Bây giờ thấy qua cách bắt bớ và làm một việc hết sức bất lợi cho Việt Nam, đó là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, theo lời cáo buộc của Đức. Nếu đúng như vậy thì họ không cần biết đến ngoại giao đối với các nước như thế nào, họ không cần quan tâm đến dư luận của thế giới nữa thì chỉ là nhóm lợi ích này hay nhóm lợi ích khác hoặc quyền lực này hay quyền lực khác đánh nhau mà thôi”.

Đồng quan điểm với Nhà báo tự do Sương Quỳnh, một số nhà quan sát tình hình chính trị trong nước mà chúng tôi tiếp xúc cho biết khó tiên liệu được kết quả của cuộc đấu đá nội bộ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có lời ví von “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, nhưng họ đều khẳng định Đảng Cộng sản lãnh đạo thừa biết và nhận thức rõ tệ trạng tham nhũng chỉ giải quyết được một khi thể chế chính trị tại Việt Nam thay đổi.

H.A.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/general-secretary-of-vcp-nguyen-phu-trong-accelerating-in-anti-corruption-campaign-ha-08042017141831.html

2. Công ty nước ngoài có rủi ro khi VN chống tham nhũng?

·

clip_image004Ảnh: AFP – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) nói việc kỷ luật ông Đinh La Thăng mới chỉ ‘về mặt Đảng’

Tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ mới đây có bài đánh giá về nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam và hệ lụy với giới công ty nước ngoài.

Bài viết của Jeremy Tan, nhà nghiên cứu từ tổ chức Control Risks, hãng tư vấn rủi ro toàn cầu, liệt kê một chuỗi các án vụ tham nhũng xảy ra tại Việt Nam trong gần một năm qua trong đó nổi bật nhất là việc loại bỏ ông Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị hồi tháng Năm năm nay.

Trong giai đoạn ngồi ghế Chủ tịch PetroVietnam (PVN) từ năm 2009 đến năm 2011, ông Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là đã xảy ra nhiều sai phạm.

Việc ông Thăng được đưa về Ủy ban Kinh tế Trung ương, nơi có lãnh đạo là ông Nguyễn Văn Bình, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là người mà tác giả mô tả là nhân vật trung thành với ông Dũng, được xem là “chiếu nghỉ” trước khi sẽ có hành động kỷ luật tiếp theo.

“Ông Thăng được xem là đã lợi dụng mối quan hệ thân cận của mình với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để làm giàu cá nhân”, tác giả viết.

clip_image005Ảnh: OTHER – Ông Trịnh Xuân Thanh nói lời “xin lỗi” trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8

Vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, cũng là nhân vật được mô tả là gần gũi với Thủ tướng Dũng, cũng được đề cập.

Trước đó, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng phải đối mặt với những gì được cho là một loạt quyết định quản lý yếu kém và lạm dụng chức vụ, cũng xảy ra dưới thời ông Dũng làm Thủ tướng.

Các vụ khởi tố nhân vật cựu lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng như Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank và nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, hay Trần Phương Bình nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á, cũng được nói tới.

Bài viết đánh giá ông Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank, người bị khởi tố về cáo buộc gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, là nhân vật núp dưới cái ô chính trị của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng và Nguyễn Văn Bình.

“Người cầm lái trong các vụ án chống tham nhũng này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người thường ca ngợi về lập trường chống tham nhũng.

“Tuy nhiên, giới quan sát Việt Nam cho rằng việc ông Trọng chỉ đạo xử lý các vụ này là hệ quả của sự cạnh tranh được nói tới nhiều giữa ông và cựu Thủ tướng Dũng.

“Các cá nhân bị ảnh hưởng cho đến nay, chẳng hạn như ông Đinh La Thăng và ông Vũ Huy Hoàng, đã bị cáo buộc làm giàu cho bản thân và tiến thân chính trị dưới sự bảo trợ của ông Dũng.

“Có thể xem nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng như một chiến dịch có mục tiêu cụ thể nhằm củng cố vị trí của mình bằng việc gỡ bỏ mạng lưới được ông Dũng bảo trợ và hạn chế các ảnh hưởng chính trị còn sót lại của cựu Thủ tướng Dũng”, tác giả nhận định.

Cũng có một cách giải thích khác, theo tác giả, rằng nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam là một động thái của Chính phủ để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi các vấn đề về kinh tế và những thảm họa môi trường lớn vào năm 2016 vốn làm ảnh hưởng đến vùng biển tại nhiều tỉnh ở miền Trung Việt Nam.

clip_image006Ảnh: GETTY IMAGES – Tác giả cho rằng ông Đinh La Thăng và Vũ Huy Hoàng, đã bị cáo buộc làm giàu và tiến thân chính trị dưới sự bảo trợ của ông Nguyễn Tấn Dũng

Bàn về hệ lụy với các nhà đầu tư nước ngoài và công ty đa quốc gia, tác giả cho rằng hoạt động kinh doanh có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu đối tác phía Việt Nam của họ bị qui chụp là ngả theo một phe phái chính trị nào đó hoặc quá chậm chạp trong việc thay đổi lòng trung thành.

Các cuộc điều tra chống tham nhũng tại Việt Nam, theo tác giả, cũng có thể phát hiện ra các công ty nước ngoài mắc sai phạm với Đạo luật Tham nhũng tại nước ngoài (của Mỹ) và Đạo luật về Hối lộ của Anh cũng như các luật lệ khác tại nơi mà các nhà đầu tư mở công ty.

Những hợp đồng với các công ty nhà nước bị phát hiện có sai phạm sẽ bị xem là không có giá trị, chẳng hạn như vụ Vinalines mua ụ nổi ”sắt vụn” với trị giá 83 triệu USD từ Nga.

Các cuộc điều tra giới các quan chức cấp cao trong chính phủ và các chủ doanh nghiệp được bảo kê có thể trực tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách kinh tế và phát triển trong các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, xây dựng và bất động sản.

Đây là các mảng có thực trạng quản trị doanh nghiệp yếu kém và quan hệ thân quen cấp địa phương luôn đóng vai trò là đòn bẩy để làm giàu.

Thực tế là các cuộc điều tra của chính phủ thường được tiến hành bí mật và có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm và làm giảm niềm tin nhà đầu tư.

Tác giả lưu ý các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài cũng nên chú ý đến Bộ luật Hình sự vừa thông qua, trong đó bao gồm việc hình sự hóa tội hối lộ liên quan đến các cá nhân và những đơn vị ngoài quốc doanh, cũng như dự thảo Luật phòng chống tham nhũng mới đang được thảo luận trong Quốc hội Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40841621

This entry was posted in tham nhũng. Bookmark the permalink.