1. DỪNG MỌI CÔNG TRÌNH TRONG SÂN GOLF, NGHIÊN CỨU MỞ ĐƯỜNG BĂNG SỐ 3 TÂN SƠN NHẤT
Thu Hằng
– Thủ tướng chỉ đạo dừng mọi công trình trong sân golf, thuê tư vấn nước ngoài mở đường băng số 3 Tân Sơn Nhất.
>> Chiều nay, Chính phủ họp bàn mở rộng Tân Sơn Nhất
>> Thu hồi vô điều kiện sân golf Tân Sơn Nhất khi có lệnh cấp trên
>> Mở rộng Tân Sơn Nhất về phía bắc: Hoàn toàn không khả thi
Chiều tối nay, Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng họp với các bộ ngành liên quan, đi đến quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm 1 đường băng nữa, để tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất (TSN).
Minh bạch trước cử tri cả nước
Trả lời báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết:
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng họp với các Bộ trưởng: Quốc phòng, Giao thông, Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo UBND TP. HCM.
Đây là cuộc họp thứ hai của Thường trực Chính phủ về sân bay TSN. Trước đó, có nhiều ý kiến, kiến nghị của ĐBQH, cử tri TP.HCM và có thư của Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, cũng như phản ảnh của báo chí.
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng kết luận: Giao Bộ trưởng GTVT chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở rộng sân bay TSN, tức thêm đường băng số 3 trên cơ sở hiệu quả tiết kiệm và đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải, với yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm thời gian.
Khảo sát đánh giá khách quan độc lập, trong 6 tháng báo cáo Thủ tướng.
Chính phủ quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu việc mở thêm một đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất
Giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước.
Không tính toán Bắc hay Nam
Vấn đề này nhiều ĐBQH có ý kiến, quan tâm. Vậy Thủ tướng có báo cáo QH không, thưa Bộ trưởng?
Đương nhiên là ĐBQH có ý kiến thì Thủ tướng sẵn sàng giao cho các cơ quan và lãnh đạo Chính phủ trả lời.
Vậy đã xác định đường băng mới nằm phía Bắc hay phía Nam hai đường băng hiện tại chưa?
Cuộc họp không tính toán phía Bắc hay Nam. Trên cơ sở kết luận như thế, cơ quan tư vấn, tham mưu sẽ tham mưu đường băng thứ 3 rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, nên đặt chỗ nào.
Lý do đầu tư sân bay Long Thành là vì Tân Sơn Nhất quá tải. Giờ làm thêm đường băng mới thì có cần thiết làm Long Thành?
Hai việc này vẫn song song. Dự án Long Thành là có chủ trương của QH, Bộ Chính trị. Có Long Thành thì sân bay TSN vẫn hoạt động và tồn tại. Cuộc họp này, Thủ tướng cũng chỉ đạo các biện pháp để tăng cường xúc tiến đầu tư theo tiến độ của sân bay Long Thành.
Nhưng đầu tư thêm đường băng TSN cũng cần vốn đầu tư lớn, trong khi đó vốn cho Long Thành còn đang khó khăn. Vậy tính toán ưu tiên cái nào trước?
Việc đầu tư đường băng số 3 TSN là ưu tiên số 1. Vì đang thuận lợi nhất. Làm nhanh sẽ xử lý được nhu cầu cấp bách trước mắt, nếu không sẽ ùn tắc. Còn Long Thành là chiến lược lâu dài.
*
2. MỞ RỘNG TÂN SƠN NHẤT: VÌ SAO PHẢI THUÊ TƯ VẤN NƯỚC NGOÀI?
Hương Quỳnh
– Trả lời báo chí bên lề QH sáng nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng xác nhận, việc thuê tư vấn nước ngoài để mở rộng Tân Sơn Nhất là để mổ xẻ vấn đề cho khách quan.
Rơi vào đâu, giải tỏa đó
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ không đặt vấn đề đường băng thứ 3 trong sân bay sẽ đặt ở đâu, vị trí nào mà việc đó phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu, báo cáo của đơn vị tư vấn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Hải
“Nếu như rơi vào phần đất sân golf hiện tại thì xem xét thu hồi diện tích đó để giao lại thực hiện dự án mở rộng sân bay. Nằm vào vị trí nào thì phải giải toả vị trí đó, với mục tiêu ưu tiên là để mở rộng sân bay, để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Hiện nay mình ngồi đây thì chưa biết nó ở vị trí nào. Việc cấp bách bây giờ là phải xử lý để giải quyết tình trạng ùn tắc, quá tải tại Tân Sơn Nhất”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá việc báo chí và dư luận đặt ra trong thời gian qua với việc thu hồi đất sân golf mở rộng sân bay là một kênh thông tin. Ngay Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng có thư trực tiếp gửi Thủ tướng cũng như nhiều ĐBQH đã có ý kiến, cử tri cả nước cũng nói về việc này từ lâu.
Hơn nữa, việc này cũng liên quan đến yêu cầu, dấu hỏi đặt ra là sân bay đã quá tải, khó gánh thêm được, phải cấp bách tháo gỡ.
“Chính phủ luôn lắng nghe để giải quyết cụ thể các vấn đề. Thủ tướng rất lưu ý các yêu cầu này, dù việc nâng cấp cải tạo sân bay Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước đó đã họp rất nhiều lần rồi.
Vấn đề này để quyết định sớm hơn bằng cách phải tạo ra môi trường thông tin rất minh bạch, khách quan nên mới thuê tư vấn nước ngoài để nghiên cứu, phản biện việc này một cách độc lập”, Bộ trưởng cho biết.
Tư vấn độc lập, minh bạch
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thuê tư vấn nước ngoài theo hướng nghiên cứu để mở rộng sân bay chứ không phải chỉ nâng cấp thêm về hạ tầng đường lăn, bãi đỗ, nhà ga…
Thuê tư vấn độc lập mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để khách quan
“Mức độ nào thì phải chờ nghe tư vấn nước ngoài, các nhà khoa học nói”, Bộ trưởng cho hay, thời điểm này Thủ tướng quyết định như vậy vì đã đủ các yếu tố, dữ liệu cho hướng này.
“Thực ra nghe tư vấn trong nước báo cáo nhiều lần rồi thì Thủ tướng, Chính phủ vẫn băn khoăn, chưa quyết định được. Vậy nên mới đặt vấn đề phải có tư vấn độc lập để có những thông tin khách quan, độc lập hơn để quyết định.
Chúng ta thuê để nghiên cứu đánh giá, rà soát cho khách quan minh bạch. Muốn ra được phương án tối ưu thì cần có sự so sánh, đối chiếu, để đảm bảo tiêu chí dự án phải tiết kiệm về tiền của, thời gian, mang lại hiệu quả từ việc sử dụng đất, hiệu quả kinh tế xã hội.
Khi có những lời giải khác nhau đặt ra thì mới có cơ sở so sánh chứ một người làm thì không thể nhìn ra, so sánh hết được”, ông Mai Tiến Dũng lý giải.
Hợp lòng dân
Trao đổi bên hành lang QH, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ hoan nghênh Chính phủ có chỉ đạo nhạy bén trong việc nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để phát huy hiệu quả. Theo bà, đây là kết luận quan trọng, hợp lòng dân, nếu làm minh bạch, tầm nhìn chiến lược thì việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là hướng nhanh và tiết kiệm. Bà Quyết Tâm cho rằng, Chính phủ đã có cân nhắc việc tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực đặc biệt, khách quan để giúp Chính phủ có quyết định hợp lý nhất. |
*
3. ‘DỪNG SÂN GOLF TÂN SƠN NHẤT’: VUI MỪNG QUÁ SỚM!
Kỳ Lâm
(VNTB) Các báo chính thống của Việt Nam tối 12/06 đã đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận: sẽ khẩn trương nghiên cứu xây dựng đường băng số 3, trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học và có thể thuê tư vấn nước ngoài”.
Báo giới chính thống tung hô quyết định tạm thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: chụp màn hình
“Thủ tướng chỉ đạo phải hết sức khẩn trương, mục đích là giải quyết các vướng mắc đang đặt ra, giảm ùn tắc, giảm quá tải. Công tác khảo sát, đánh giá phải khách quan, báo cáo Thủ tướng trong vòng 6 tháng” – ông Mai Tiến Dũng (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) nói.
Cũng ngay tối ngày 12/06, báo Tuổi Trẻ đã chạy ngay tiêu đề: “Cám ơn Thủ tướng quyết định hợp lòng dân!”. Trong đó, trích dẫn ý kiến của các độc giả báo này:
“Tôi đã khóc khi đọc thông tin này, Thủ tướng đã quyết một việc quá hợp lòng dân. Chưa bao giờ ý kiến nhân dân và công luận được cân nhắc như lần này. Quá vui”. Hay “Tin rất vui cho những ai đã nói lên tiếng nói dừng sân golf dành đất cho sân bay. Như vậy mới là 1 chính phủ hành động. Nếu không giải quyết bức xúc dư luận về sân golf này thì chúng ta rất khó xây dựng lòng tin của dân”.
Có thể nói, chỉ qua 2 quan điểm như vậy, cũng cho thấy quan điểm của báo Tuổi Trẻ, cũng như những người đang quan tâm đến sự kiện sân golf Tân Sơn Nhất. Đó là họ nhìn vào sân golf để đánh giá mục tiêu chống lại lợi ích nhóm, tham nhũng của Đảng đến đâu và khả năng của một Chính phủ kiến tạo như thế nào! Và thực tế, sự thu hút dư luận xoay quanh sự kiện này cũng đã biến sân golf Tân Sơn Nhất trở thành một nước cờ lớn nhằm lấy lại niềm tin từ nhân dân của ĐCSVN, vốn đang tụt dốc không phanh trong thời gian qua. Nhưng trên hết cả, đây rõ ràng là một điểm nhấn để tạo dư luận, nhằm hướng vào một nhóm lợi ích đằng sau. Bởi cũng ngay vào giờ chiều tối ngày 12/06, báo Vnexpress đã chạy nhanh bài viết: Sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép như thế nào. Trong đó, đề cập thẳng vào khoảng thời gian chấp nhận đầu tư là năm 2007, sau “nhiều lần bị phản đối, thanh kiểm tra, thậm chí đề xuất thu hồi”. Tất nhiên, thời kỳ đó ông Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức Thủ tướng; ông Phùng Quang Thanh đang giữ chức Bộ trưởng BQP. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ… sân golf trên cả nước, nhiều quan điểm coi sân golf là một hình thức phát triển kinh tế và có lợi ích xã hội (?).
Tuy nhiên, quan điểm kết luận là như vậy, kể cả việc người bên BQP tuyên bố sẵn sàng thu hồi đất nếu như có lệnh, thì câu chuyện “bao giờ thực hành” vẫn sẽ là câu hỏi được trông đợi nhất. Liệu rằng, quan điểm của Chính phủ có thực sự biến thành hành động? Điều này khó tưởng tượng ra, một phần trong đó là TSN là tổ hợp sân golf với số tiền đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, và nếu thu hồi thì chủ đầu tư mất trắng, trong khi bản chất của nó được hình thành từ những cái bắt tay giữa “tiền và quyền”.
Thứ nữa, hiệu lực từ Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn liên tục bị thử thách, mà trước đó, câu chuyện về chung cư 50 tầng xây dựng tại Trung tâm Giảng Võ vẫn chưa giải quyết xong, dù rằng, Thủ tướng cũng đi đến kết luận nó là thảm họa từ tháng 1/2017 và truy hỏi: “Ai cho phép xây nhà 50 tầng?”. Tất nhiên, đây là câu hỏi vô nghĩa, vì ai không biết những tập đoàn kinh tế – chính trị đứng sau dự án này, tuy nhiên, nó thể hiện một sự bất lực về mặt hành pháp ngay trong trục lợi ích nhóm. Do đó, cho đến nay, sau hàng loạt chỉ đạo “gay gắt” từ Chính phủ, Chung cư Giảng Võ vẫn đang theo đúng Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND – tức tối đa là “không quá 50 tầng, với tổng số căn hộ lên đến 4000 căn hộ để ở và 2000 văn phòng cho thuê”, tiếp tục gây áp lực mạnh lên hạ tầng khu vực này, đồng nghĩa tiền thuế của người dân sẽ được sử dụng để giải quyết hậu quả do tòa nhà chung cư của ba đại gia VinGroup, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và T&T Group gây ra.
Trở lại với câu chuyện sân golf Tân Sơn Nhất, sau khi báo chí chính thống loan tin về quyết định của Thủ tướng, thì sáng ngày 13/06, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho báo Tuổi Trẻ biết: ‘Chưa cụ thể vị trí mở rộng Tân Sơn Nhất’. Điều này cũng có nghĩa là vị trí của sự mở rộng có thể nằm trên phía Bắc hoặc không. Và ngay cả khi có quyết định thu hồi lại sân golf Tân Sơn Nhất thì đây vẫn là một phát tên trúng hai đích. Đích thứ nhất như đề cập là lấy lại uy tín cho Đảng, cho người dân thấy rằng, Đảng vẫn mạnh mẽ và có đủ khả năng để chống lại lợi ích nhóm. Điều thứ hai, đó là tạo cơ sở dung hòa cho việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mà không gặp quá nhiều sự phản ứng, mà theo lời ông Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thì Long Thành “vẫn tiến hành bình thường, theo tiến độ đã được đề ra”. Tất nhiên, nếu đặt một cách sòng phẳng trên bàn kinh tế, thì miếng bánh Long Thành nhìn hấp dẫn hơn, ăn ngon hơn và có phần liên quan đến nhiều người hơn.
Nhưng dù sao đi nữa, việc thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất vẫn là một “ván bài chính trị” đẹp! Ít nhất nó cũng giải tỏa một phần nào quyền lợi của người dân, cộng đồng!
Nguồn: http://www.ijavn.org/2017/06/vntb-dung-san-golf-tan-son-nhat-vui.html
*
4. QUANH VỤ SÂN GOLF SÁT SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT: BÁO CÁO THIẾU CHÍNH XÁC ĐỂ GIỮ SÂN GOLF TÂN SƠN NHẤT?
Huy Thịnh
TP – Nhiều ý kiến cho rằng, các số liệu báo cáo, thậm chí các trích dẫn tài liệu quốc tế được sử dụng không chính xác, thiếu nghiêm túc trong vấn đề hệ trọng như Tân Sơn Nhất. Điều đó tạo nghi ngờ việc cố tình không mở rộng Tân Sơn Nhất, giữ đất làm sân golf.
Vừa chơi golf vừa ngắm máy bay cất cánh? Ảnh: Ngô Bình – Văn Minh
“Trích dẫn sai ý của ICAO”
Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua là công suất của đường cất hạ cánh tại sân bay này tới đâu, có cần xây thêm đường cất hạ cánh mới hay không?
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, đã kỳ công đọc bản gốc các khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để tìm lời giải.
Theo TS Phúc, Bộ GTVT đưa ra số liệu: Khoảng cách giữa hai đường băng của Tân Sơn Nhất chỉ có 365 m, không đạt tiêu chuẩn của ICAO. Từ đó, khi nói về việc nâng cấp Tân Sơn Nhất, Bộ này cho rằng phải làm thêm một đường băng mới cách đường băng cũ khoảng 1.400 m cho phù hợp với tiêu chuẩn của ICAO, tương ứng phải giải phóng một vùng đất rộng tới 1.500 ha và buộc phải di dời 140.000 hộ gia đình với khoảng 500.000 ngàn dân, chi phí di dời tới 9,1 tỷ USD.
Theo ông Phúc, ICAO không hề đưa ra “tiêu chuẩn” cho khoảng cách giữa hai đường băng, mà chỉ đưa ra khuyến nghị. Tại phụ lục 14 về cảng hàng không, trong chương 3, là phần khuyến nghị cho khoảng cách giữa hai đường băng song song. Khuyến nghị này rất chi tiết, liên quan đến mức độ lớn nhỏ của sân bay, chiều dài chiều rộng và đặc tính của đường băng, các chế độ cất hạ cánh độc lập hỗn hợp…
Áp dụng khuyến nghị này vào trường hợp cụ thể của Tân Sơn Nhất, có hai đường băng song song cấp 4D, dài 3.200 m và 3.800 m, hoạt động không độc lập, cất hạ cánh hỗn hợp (cả hai đường băng cho phép cất và hạ cánh), sẽ thấy rằng khoảng cách tối thiểu giữa hai đường băng phù hợp với khuyến nghị là 300 m. Trong khi khoảng cách ở Tân Sơn Nhất là 365 m.
Đối với trường hợp hai đường băng song song hoạt động đồng thời và độc lập, và chỉ cất hoặc hạ cánh, ICAO khuyến nghị khoảng cách lớn hơn, từ 760 m đến 1.400 m. “Vì chỉ là khuyến nghị, chứ không phải “tiêu chuẩn” có tính bắt buộc, nên trên thế giới có nhiều sân bay quốc tế, công suất hàng chục triệu hành khách năm, nhưng khoảng cách giữa 2 đường băng song song còn nhỏ hơn 300 m” – TS Phúc nói.
Ông Phúc nêu ví dụ, sân bay quốc tế San Francisco, California, có các chuyến bay đến khắp châu Mỹ và một cửa ngõ chính đến châu Âu, châu Á và châu Đại Dương. Năm 2007, sân bay này phục vụ 36 triệu hành khách, xếp hạng thứ 23 trong các sân bay bận rộn nhất thế giới. Thế nhưng hai đường băng song song của sân bay này chỉ cách nhau có 228 m. Sân bay Mexico kết nối với hơn 100 điểm trên thế giới, phục vụ 32 triệu lượt khách mỗi năm. Hai đường băng song song của sân bay này chỉ cách nhau có 310 m.
Theo tính toán của ông Phúc, nếu lấy phần đất của sân golf để làm thêm nhà ga, sân đỗ cộng với các biện pháp điều hành bay hiện đại, công suất của Tân Sơn Nhất có thể lên đến 80 triệu khách/năm. “Chúng tôi thấy rằng đang có việc gian dối, thiếu tinh thần khoa học trong khi đưa ra các nội dung quan trọng như Tân Sơn Nhất. Điều đó khiến chúng tôi không thể không đặt nghi ngờ việc bóp méo sự thật để bảo vệ sân golf hay vì mục tiêu đẩy nhanh xây dựng Long Thành”- ông Phúc nói.
Sân golf (phần điện sáng) nhìn từ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bảo An
Đừng để mọi việc rộ lên mới nghiên cứu
Những ngày qua, lãnh đạo Giám đốc Cty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) lên tiếng phản hồi đề nghị xây dựng đường băng dài 2.600 m của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (chuyên gia kỹ thuật hàng không) tại khu vực sân golf hiện nay. Cụ thể, ông Nguyễn Bách Tùng – Giám đốc ADCC cho rằng ngoài diện tích đường băng dài 2.600 m, hệ thống đường băng cần thêm diện tích hai đầu để lắp đèn dẫn đường, phần dự phóng ở cuối đường băng nên buộc phải giải phóng mặt bằng ngoài khu vực sân golf.
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói, chiều ngang của khu vực sân golf hiện nay rộng đến 3.000 m nên nếu quyết tâm làm họ không phải giải phóng quá nhiều, không đền số tiền để mở rộng Tân Sơn Nhất đến 9 tỷ USD như Bộ GTVT đưa ra.
Trước thông tin, Bộ GTVT và tư vấn thiết kế khẩn trương báo cáo Chính phủ đề xuất xây thêm đường băng, mở rộng ra phía sân golf, ông Tống nói: “Chúng tôi rất mừng Chính phủ, Quốc hội quan tâm đến các đề xuất tâm huyết của mình. Nhưng dù sao, các nghiên cứu của chúng tôi dừng lại ở tổng thể. Doanh nghiệp tư vấn thiết kế họ có các công cụ nghiên cứu, đáng ra họ phải đưa ra trước, không nên để Quốc hội và các chuyên gia lên tiếng gay gắt họ mới vội vàng nghiên cứu”.
“Chúng tôi cũng ngại nhất việc họ nghiên cứu vội vàng vài ngày, các cơ quan nhà nước cũng căn cứ vào nghiên cứu của họ để bác bỏ hay đồng thuận. Chúng tôi muốn họ đưa ra phương án phải có những tính toán với các con số cụ thể vì họ được trả tiền để làm việc đó, không thể nói suông được” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đề nghị.
Theo một nguồn tin cho hay, chiều 12/6, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về phương án mở đường cất hạ cánh, nhà ga trên diện tích sân golf hiện nay theo đề nghị của các chuyên gia. Cụ thể, Bộ GTVT tập trung giải trình về tính khả thi của phương án xây dựng đường băng có chiều dài 2.600 m và nhà ga bằng việc giải tỏa sân golf theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống và một số chuyên gia hàng không khác.
Trong bài viết về thực trạng sân bay Tân Sơn Nhất đăng ngày 11/1/2008, Tiền Phong đã cảnh báo, có đoạn: “Chắc chắn là sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục được khai thác kể cả khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác. Vậy tại sao lại không phát triển Tân Sơn Nhất lên tối thiểu 30 triệu hành khách/năm, thậm chí 50 triệu hành khách/năm bằng quỹ đất đang dự kiến làm sân golf?”.
Khai thác chưa hiệu quả
Thạc sỹ Nguyễn Phụng Tâm Phúc, kỹ sư trưởng hàng không Emirates (sân bay Kennedy, New York) đặt vấn đề: Tại sao không mở rộng Tân Sơn Nhất để tận dụng vị trí hiện có? Các nước khác sẵn sàng tốn rất nhiều tiền của để đắp sông, lắp biển để có vị trí và diện tích hữu dụng xây dựng sân bay gần trung tâm thành phố. Ta có lợi thế cạnh tranh như vậy lại ngại tốn thêm tiền của để tái đầu tư, mở rộng và phát triển?
Ông Phúc cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất quản lý khai thác dịch vụ không hiệu quả nên chưa khai thác được toàn bộ công năng. Tân Sơn Nhất chỉ sử dụng một mặt tiền cho tất cả các dịch vụ, trong khi các sân bay ở nước ngoài tận dụng triệt để ít nhất 2 mặt ngoài của sân bay cho các dịch vụ khai thác để giảm tải. “Tân Sơn Nhất có thể duy trì vị trí nhà ga hiện tại hoán chuyển làm nhà ga quốc nội, đồng thời phát triển mặt Bắc của sân bay, tận dụng đất sân golf, trục đường Quang Trung-Tân Sơn giải tỏa để xây nhà ga quốc tế mới hoặc xây nhà ga mới trong diện tích đất của Tân Sơn Nhất dưới dạng nhà ga vệ tinh (satellite terminal)”, ông Phúc đề xuất.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bao-cao-thieu-chinh-xac-de-giu-san-golf-tan-son-nhat-1157833.tpo
*
5. SÂN GOLF TÂN SƠN NHẤT “HẠI NƯỚC, HẠI DÂN” NHƯ THẾ NÀO?
SPUTNIKNEWS – Năm 2011, báo chí đã có loạt bài phân tích rất kỹ về những hệ lụy của dự án sân golf Tân Sơn Nhất nhưng sau đó, dự án này vẫn được tiến hành xây dựng.
Cách đây 6 năm, trung tá Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay — sân bay Tân Sơn Nhất, đã phân tích rất kỹ về những hệ lụy của dự án sân golf Tân Sơn Nhất với an toàn bay và phản đối quyết liệt dự án này. Thế nhưng sau đó, dự án này vẫn được tiến hành xây dựng.
Hôm qua (11.6), ông Lê Trọng Sành, người có thâm niên 30 năm làm trong ngành hàng không, vẫn giữ nguyên quan điểm nhưng phân tích cụ thể, chi tiết hơn sự uy hiếp này khi dự án đã đi vào hoạt động.
Góp phần gây ngập sân bay
Theo ông, việc sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) bị ngập nước vừa rồi có một phần từ sân golf. Phần đất phía sân golf do đắp cỏ cao hơn khiến nước dồn sang phía sân bay gây ngập khi mưa lớn.
“Khi người Pháp chọn vị trí đặt sân bay TSN, nơi đây là vị trí cao nhất. Nay làm sân golf với các ụ cỏ cao khiến nước mưa chảy về phía sân bay gây ngập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bay”, ông phân tích.
Đặc biệt, việc sân golf án ngữ ở phía bắc sân bay là hết sức nguy hiểm. Theo quy chế bay trong khu vực TSN, vòng lượn của máy bay không bao giờ được thiết lập ở phía Nam đường cất — hạ cánh bởi ở khu vực này đã có nhà ga, sân đỗ máy bay, kho xăng, khu dân cư… Do đó, vòng lượn chỉ được thiết lập ở phía Bắc đường cất — hạ cánh, tức là về hướng khu đất trống làm sân golf hiện nay. Máy bay nhỏ chỉ cần vòng lượn hẹp, nhưng máy bay lớn tốc độ nhanh cần vòng lượn rất rộng. Do đó, việc xây dựng hàng rào và công trình cao tầng sát vòng lượn của máy bay là nguy hiểm, có khả năng uy hiếp an toàn bay.
Khi nào Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất?
Đặc biệt theo quy định công trình có độ cao từ 45 m ở phạm vi bán kính 30 km từ sân bay đều phải xin ý kiến về an toàn tĩnh không. Bởi một công trình ở cách rất xa sân bay cũng có thể hạn chế hoạt động của các đài, trạm thông tin, radar dẫn đường hàng không, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời. Thế nhưng, dự án sân golf TSN được phê duyệt tới 12 tầng, tương đương độ cao 50 m.
“Mặc dù đến nay chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng nhưng về mặt giấy tờ thì họ có quyền xây”, ông Sành cảnh báo.
Cụ thể hơn, ông Lê Trọng Sành phân tích an toàn bay không thể chỉ tính đến các yếu tố trên mặt đất, mà phải kể đến tĩnh không sân bay, là phần không gian an toàn để máy bay thực hiện các giai đoạn cất cánh lên cao, hạ thấp độ cao, hạ cánh và bay trên các đường băng. Vì khi máy bay cất — hạ cánh xuống đường băng bao giờ cũng cần một khoảng không gian để nâng — hạ độ cao theo vòng lượn được thiết lập. Ngoài ra, luôn luôn phải dự tính đến tình huống xấu nhất như máy bay hoạt động ban đêm, thời tiết xấu mưa to, gió lớn, mây thấp, tầm nhìn khuất, máy bay có sự cố kỹ thuật… Khi đó, nếu chẳng may phi công không xử lý hạ cánh xuống đường băng được mà bị dạt sang, va chạm hàng rào, cao ốc thì sao?
“Cần lưu ý đến tâm lý mệt mỏi của phi công sau chuyến bay dài, nhất là các chuyến bay quốc tế kéo dài trên 10 tiếng, phi công cần một không gian quang đãng, không có chướng ngại vật để hạ cánh. Nếu xây các chướng ngại vật ngay sát nơi hạ cánh sẽ tạo áp lực rất lớn cho phi công. Mỗi ngày, tại sân bay TSN có hàng trăm chuyến bay quốc tế, quốc nội, sử dụng máy bay loại lớn, ai dám chắc 100% máy bay không gặp trục trặc?”, ông Sành đặt câu hỏi.
Mở rộng là hoàn toàn khả thi
Liên quan đến phát biểu của Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng mở rộng sân bay TSN về phía Bắc (nơi có sân golf trên khu đất rộng 157 ha) là “không khả thi”, các chuyên gia lại chứng minh điều ngược lại.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia kỹ thuật hàng không, nhận xét Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói mở rộng TSN về phía Bắc, nâng công suất thêm 25 triệu hành khách là không khả thi, nhưng không đưa ra căn cứ khoa học lý giải cụ thể nào cả. Các con số thống kê cũng lấy lại từ báo cáo năm 2015. Theo ông Nguyễn Thiện Tống, Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC đã không khách quan khi đưa ra số liệu về chi phí và thời gian thực hiện các phương án mở rộng sân bay TSN.
Cụ thể, công ty này đưa ra phương án xây mới đường cất — hạ cánh số 3 ở phía Bắc sân golf, cách đường cất — hạ cánh 25R/07L đến 1.800 m, xây dựng 2 nhà ga mới và các công trình phụ trợ nằm trên khu vực đất sân golf với tổng mức đầu tư lên đến 201.350 tỉ đồng, thời gian xây dựng trên 15 năm, giải phóng 626 ha mặt bằng, trong đó có khu quân sự, sân golf và 322 ha đất dân cư với khoảng 140.000 hộ dân.
“Phương án này có những con số được thổi phồng để dễ dàng đưa đến kết luận không khả thi. Tại sao khoảng cách giữa 2 đường cất hạ cánh là 1.800 m trong khi ICAO khuyến cáo mức tối thiểu chỉ là 760 m?”, ông Tống đặt câu hỏi.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cũng đưa phương án xây dựng đường cất — hạ cánh thứ 3 trên phía đất thu hồi từ sân golf và có khoảng cách 760 m với đường cất hạ cánh số 1 dài 3.800 m hiện hữu. Chiều dài trong phạm vi hiện hữu của sân bay TSN là khoảng 3.000 m nên đường băng thứ 3 có thể dài khoảng 2.700 m mà không cần giải tỏa hộ dân nào. Sân bay TSN hiện có hai đường băng cất hạ cánh song song với chiều dài 3.048 m và 3.800 m, cách nhau 365 m, đảm bảo cho các máy bay lớn như B747-400 và A340-600 cất — hạ cánh an toàn. Khi có thêm đường cất — hạ cánh thứ 3 này, sân bay TSN hoàn toàn có khả năng cho cất — hạ cánh an toàn các máy bay thương mại thông dụng hiện nay với tần suất trên 360.000 chuyến cất — hạ cánh/năm, từ đó tăng năng suất tối đa đến 75 — 95 triệu khách/năm.
Trong tương lai, đường băng thứ 3 có thể tăng đến 3.800 m như đường băng thứ 1 khi giải tỏa khoảng vài chục héc ta ra hướng đường Trường Chinh và đường Quang Trung. Có thể lấy đất phía đỉnh tam giác của sân bay TSN để đổi đất giải tỏa chứ không phải tốn tiền đền bù.
Bên cạnh đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá phương án xây thêm nhà ga T4 với công suất 10 — 15 triệu hành khách/năm như đề xuất của Bộ GTVT đưa ra không những không giải quyết được vấn đề giao thông kết nối đô thị, vấn đề đô thị sân bay mà còn tạo thêm gánh nặng cho ngân sách TP. Ông Sơn lý giải, mở rộng sân bay ra đường Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình) vẫn phải nối vào đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình) hiện đang tắc nghẽn. Như vậy, càng tăng công suất sân bay thì vấn đề giao thông càng hỏng. Chưa tính chuyện TP. HCM buộc phải bỏ thêm vài ngàn tỉ đồng xây các dự án cầu vượt để kết nối bởi không thể nghiên cứu giải quyết sân bay mà không kết nối đô thị thành phố.
“Trong khi đó, một giải pháp ưu việt hơn nhiều đó là vẫn xây nhà ga theo đề án của Bộ nhưng xây trên phần đất sân golf. Kinh phí vẫn như vậy nhưng TP không tốn tiền giải tỏa mặt bằng, không phải xây thêm cầu vượt vì mở rộng hướng này sẽ nối ra các đường Tân Sơn, Quang Trung, kết nối được cả QL1, vừa thuận tiện nếu muốn nâng cấp xây thêm đường băng trong tương lai, vừa giúp người dân quanh vùng đô thị TP.HCM có thể đi thẳng theo QL1 vào sân bay, không phải qua thành phố, giảm tải ách tắc giao thông nội đô”, KTS Nam Sơn nói.
Biểu hiện của những hành vi không ngay ngắn
Việc Bộ Quốc phòng cho phép công ty tư nhân hợp đồng kinh doanh trên đất sân bay và việc Bộ GTVT cũng như quy hoạch của Cục Hàng không khi mở rộng sân bay đều nhất quyết “né” sân golf là biểu hiện của những hành vi không ngay ngắn. Đất sân bay là phải làm nhiệm vụ phục vụ sân bay; an ninh quốc phòng cũng phải cho sân bay. Đằng này lại mở ra một khu vui chơi giải trí xa xỉ không phù hợp với đời sống người dân. Khi dân cần, nước cần lại không chịu thu hồi thì lý do ở đâu? Lợi ích ai hưởng? Tất cả thể hiện ý thức kém của các cán bộ thực thi thể chế, tầm nhìn hạn hẹp, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân, của nước.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường — Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM
Nguồn: Báo Thanh Niên
NGUỒN: https://vn.sputniknews.com/vietnam/201706123459406-san-golf-tan-son-nhat-viet-nam/