Hội đoàn dân sự gửi thư đến Thủ tướng Phúc vụ sân bay-sân golf

clip_image001

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf

Cựu phó tổng biên tập một tờ báo Đảng nói với BBC rằng ông ký vào thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ sân bay-sân golf Tân Sơn Nhất vì “bất bình chuyện quân đội làm kinh tế từ lâu”.

Hôm 13/6, báo Điện tử Chính phủ cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, thuê tư vấn nước ngoài tiến hành làm việc độc lập để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát theo hướng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất “với cách làm phải khách quan, trung thực nhất về hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng đất”.

“Thủ tướng chỉ đạo dừng hoạt động xây dựng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định,” báo này viết.

Cùng thời điểm, các hội đoàn dân sự, giới nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước ký thư ngỏ gửi Thủ tướng về vụ việc với những nội dung chính: Phản đối Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa “ngụy biện phản khoa học và vô trách nhiệm tại diễn đàn Quốc hội” khi bác yêu cầu chính phủ sớm thu hồi đất sân golf; Bày tỏ sự phẫn nộ trước “thái độ tham lam bất chấp kỷ cương phép nước, quyền dân của nhóm lợi ích và một số thế lực trong quân đội”; Yêu cầu tổ chức hội thảo thẩm định khách quan và khoa học những vấn đề được đặt ra; Yêu cầu chính phủ khẩn trương thu hồi toàn bộ đất sử dụng không đúng mục đích để phục vụ công ích.

Trong danh sách ký vào thư ngỏ có các nhân vật: Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Nhà giáo Nguyễn Khắc Mai, Nhà thơ Hoàng Hưng, cựu Giám đốc Sở Tư pháp TP. HCM Võ Văn Thôn, cựu Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Huỳnh Sơn Phước…

‘Áp lực mạnh’

Hôm 13/6, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, ông Kha Lương Ngãi, cựu Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, một trong những người ký vào thư ngỏ, nói: “Tôi ký vào thư vì đã bất bình chuyện quân đội làm kinh tế từ lâu”.

“Thử hỏi đất của sân bay mà họ còn lấy được thì đất của người dân thì thế nào?”.

“Việc quân đội lấy đất sân bay làm sân golf là sai trái, bất hợp pháp, gây nhiều hệ lụy cho người dân”.

clip_image002

Việc tắc nghẽn giao thông ở TP HCM được cho là có liên quan đến tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất

“Và lẽ ra với việc Bộ Giao thông Vận tải bỏ qua trách nhiệm của họ trong vụ này thì người đứng đầu bộ phải từ chức chứ không chỉ trả lại đất rồi thôi”.

Thành viên Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng – Sài Gòn nói thêm: “Tôi hy vọng là với áp lực mạnh từ phía công luận, Thủ tướng Phúc sẽ buộc quân đội phải thực hiện việc trả lại đất làm sân golf chứ không chỉ dừng lại ở những chỉ đạo ban đầu”.

“Nhưng nói thật là trong vụ này, tôi chỉ biết hy vọng chứ chưa biết kết cục ngã ngũ ra sao vì chưa tin tưởng hoàn toàn”.

“Trọng trách của Bộ Quốc phòng là bảo vệ tổ quốc, lãnh thổ, nhưng có thể do đường lối, chủ trương của Đảng những năm trước tạo điều kiện cho những người nhân dân quân đội thực hiện lợi ích nhóm”.

“Theo như tôi biết, trên thế giới không có nước nào cho quân đội làm kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam”.

“Nhưng Trung Quốc đã thấy nguy cơ và bỏ rồi, còn Việt Nam cách đây hai, ba năm có nghị quyết về việc này nhưng rồi tình trạng này vẫn tiếp tục”.

Nhà báo Kha Lương Ngãi là một trong những người tuyên bố công khai bỏ Đảng và tham gia các hoạt động chống Trung Quốc.

Cùng thời điểm, nhà báo Huy Đức lên tiếng trên mạng xã hội: “Sân golf xây trong Tân Sơn Nhất cho công luận một cơ hội lớn để lên tiếng”.

“Không chỉ là mở rộng Tân Sơn Nhất hay không mà vấn đề chính là cần buộc các cơ quan quyền lực phải tuân thủ quyền lực nhà nước”

“Quân đội cần bao nhiêu đất để phục vụ cho mục đích quốc phòng thì dân sẵn sàng và nhà nước phải đáp ứng liền. Phần đất nào không còn phục vụ cho mục đích quốc phòng thì phải trả lại”.

“Nếu muốn sân golf không còn xây trong sân bay, cao ốc không còn mọc ra sau các bức tường quân sự, Chính phủ nên căn cứ Điều 65 của Luật Đất đai & Nghị định số 09/CP (Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 12-2-1996) để tuyên vô hiệu một số hợp đồng chuyển mục đích và chuyển nhượng đất trái thẩm quyền của một số đơn vị quân đội cũng như của các cơ quan quyền lực khác. Và, từ nay phải nghiêm cấm các đơn vị công an, quân đội, các cơ quan công quyền khác chuyển quyền sử dụng đất hay tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất (từ doanh trại, trận địa, trụ sở… sang đất phục vụ cho các nhu cầu dân sự)”.

“Các đại biểu Quốc hội không chỉ lên tiếng mà nên ngồi lại soạn thảo một nghị quyết nhằm ngăn chặn tiến trình “dân sự hóa” một cách khuất tất đất quân đội và các loại đất chuyên dùng khác”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40246442

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.