Nhân đọc bài báo của ông Cao Khải về Hiến pháp Trung Quốc 1982 có sửa đổi, tôi xin bàn thêm đôi lời và nhân tiện so sánh với Hiến pháp Việt Nam 2013.
1.
Ông Cao Khải nguyên chủ nhiệm Phòng nghiên cứu thuộc Ủy ban công tác pháp chế Quốc hội Trung Quốc viết trên Tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu[1] số 8 năm 2011. Bài viết phê phán HP trước 82 và ca tụng sự tiến bộ của Hiến pháp 1982 (Nguồn: http://blog.sina.com.cn/)
Ông Cao Khải viết “Hiến pháp cũ trước 1982 đã viết “Nước CHND Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo” – điều này về tình cảm là hợp với tâm nguyện của chúng ta. Nhưng nếu suy nghĩ về câu chữ và lý luận thì cách viết đó thể hiện sự thô bạo và gò ép, nhưng ai cũng chẳng muốn (chẳng dám) nói ra”.
Ông Cao Khải nói “hợp với tâm nguyện của chúng ta”, nhưng “chúng ta” là ai? Chúng ta là đảng viên hay nhân dân TQ?
Các ông cộng sản rất thích dùng kiểu nói này, “chúng ta” lẫn lộn mơ hồ giữa Đảng và Nhân dân, giữa tôi/chúng tôi và anh/các anh. Đây cũng là căn bệnh cố hữu của quan chức cộng sản khi phát ngôn công cộng không dám xưng “tôi”, nói về đối tượng bàn luận thì không dám nói “các anh, quí vị”.
Tuy nhiên ông Cao Khải đã nói đúng điều này: Nhưng nếu suy nghĩ về câu chữ và lý luận thì cách viết đó thể hiện sự thô bạo và gò ép, nhưng ai cũng chẳng muốn (chẳng dám) nói ra”.
Ông Cao Khải viết tiếp: “Đảng phải hoạt động trong phạm vi luật pháp nhà nước, không thể có mâu thuẫn với bất kỳ luật pháp nào của nhà nước, lại càng không được ra lệnh, chỉ huy nhà nước và nhân dân”
Và nhấn mạnh:
“Nếu để cho một tổ chức hoặc đoàn thể nào đó đứng cao hơn nhà nước thì quốc gia đó sẽ biến thành một nước phong kiến độc tài chuyên chế, thậm chí còn không bằng ngay cả các nước theo chế độ tư bản”.
2. Mấy điểm mới của HP 82
Hiến pháp Trung Quốc 1982, thường gọi Hiến pháp Bát Nhị, là Hiến pháp hiện hành có 4 sửa đổi bổ sung (tu chính 1988,1993, 1999, 2014)[2].
Sau đó chúng tôi đọc qua Hiến pháp Việt Nam 2013 và có đôi điều so sánh.
Lời nói đầu Hiến pháp Bát Nhị (nguyên tác là: Tự ngôn):
“Trung Quốc là một trong những quốc gia có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới. Nhân dân các dân tộc Trung Quốc đã cùng nhau xây dựng nên một nền văn hoá huy hoàng, xán lạn, với truyền thống cách mạng quang vinh”.
Lời bàn: Ngay câu văn mở đầu HP, các nhà lập pháp TQ đã bộc lộ thói tự mãn tự kiêu Đại Hán.
Sau khi kể lể công lao của Đảng CSTQ, chủ nghĩa Mác Lê, chủ tịch Mao và Lý luận Đặng Tiểu Bình (bổ sung thêm năm 1999), Hiến pháp khẳng định:
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự hướng dẫn của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và thuyết “Ba đại diện”, nhân dân các dân tộc Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ chế độ dân chủ của nhân dân và theo con đường xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện thể chế xã hội chủ nghĩa (…) từng bước biến Trung quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa có nền văn hóa và dân chủ bậc cao”.
Câu văn trên khôn khéo ở chỗ đặt “Nhân dân các dân tộc Trung Quốc” làm chủ ngữ, “Đảng” chỉ đóng vai trò trạng ngữ. Câu văn đã mềm hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều sửa đổi này cho thấy họ tự hào đất chữ nghĩa và giỏi ngữ pháp hơn các đồng chí đồng nhiệm ở Việt Nam.
Điều này giải thich vì sao vừa qua ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Tổng Tập sẽ đưa một đội cán bộ cao cấp sang bồi dưỡng chuyên môn (học nghề) ở Trung Quốc.
Trung cộng chấp nhận “đa đảng” nhưng khẳng định vai trò lãnh đạo của Trung cộng:
“Hệ thống hợp tác đa đảng và tham vấn chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo sẽ tồn tại và phát triển ở Trung Quốc trong một thời gian dài sắp tới”[3]. (Bản tu chính năm 1993 thêm câu này để kết thúc đoạn mười của Lời nói đầu).
Lại thêm một điểm cộng so với Việt đảng.
Hiến pháp TQ nói “Đảng…tồn tại trong một thời gian dài sắp tới”!
– Nói như thế là tạm chấp nhận được, Trung cộng cao tay đấy chứ. Bởi vì các nước đồng văn như TQ, VN, Nhật, Triều Tiên đều biết “Vạn tuế/muôn năm” mang nghĩa “vĩnh viễn”, theo nghĩa cổ, mà không theo nghĩa đen là con số tròn, chính xác 10 000 (10 nghìn) năm. Vạn tuế/muôn năm chỉ dành cho ĐẤT NƯỚC.
Người có học thức trên thế giới, ai cũng biết chẳng có tổ chức nào do con người tạo ra có thể tồn tại vĩnh viễn.
Trung cộng khôn ngoan. Họ tránh lối xưng tụng kiểu phong kiến kệch cỡm và trắng trợn như “vạn tuế” (Hán ngữ) tương tự ”muôn năm” (tiếng Nôm).
Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 thì sao:
Các nhà lập pháp Việt Nam viết Điều 4 huỵch toẹt và “thô bạo” (theo ý ông Cao Khải):
Điều 4
1.Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Ngoài ra khắp Việt Nam, hàng vạn khẩu hiệu “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” dán khắp cơ quan, phố phường đến thôn cùng xóm vắng như một phép doping tiểu xảo.
Tuy nhiên, hai Hiến pháp TQ và VN vẫn giống nhau bản chất: Không có luật điều nào về hoạt động của Đảng. Có nghĩa, Đảng hoạt động tự tung tự tác. Việt Nam chỉ có một câu đơn giản, qua loa: “đảng viên và tổ chức đảng hoạt động trong pháp luật” (Luật nào?).
Về sở hữu ruộng đất: giống và khác
Trung Quốc: Điều 10. Chế độ đất đai
Đất đai ở thành phố thuộc sở hữu nhà nước.
Đất đai ở nông thôn, ngoại ô thành phố, ngoài do pháp luật quy định thuộc sở hữu nhà nước thì thuộc sở hữu tập thể, đất ở, đất phần trăm, diện tích đất đồi núi phần trăm đều thuộc sở hữu tập thể.
Việt Nam: Điều 53
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
NHẬN XÉT
Như vậy, TQ công nhận có hai chế độ sở hữu đất đai: nhà nước và tập thể.
Việt Nam chỉ một chế độ sở hữu đất đai là “toàn dân”. Về câu chữ người TQ nói rõ ràng cụ thể hơn, còn VN khoái chơi chữ “sở hữu toàn dân” nghe rất kêu mà điêu trá coi thường thiên hạ ngu đần.
KẾT
Mới chỉ so sánh mấy điều cơ bản, đã thấy Hiến pháp TQ cao tay hơn Hiến pháp VN.
Tuy nhiên điều cơ bản nhất vẫn là: tinh thần thực hành Hiến pháp, trung thành với Hiến pháp ở hai nước ra sao?
Chúng ta đều biết, Hiến pháp chỉ là bình phong cho các chế độ độc tài đảng trị. Họ sẵn sàng và thường xuyên ra các nghị định, chỉ đạo công tác vi hiến, xâm phạm quyền lợi CÔNG DÂN như cơm bữa, bất chấp Hiến pháp.
P.H.N.
__________
Chú thích:
[1]. “Viêm Hoàng xuân thu”: Lịch sử Viêm hoàng đế. “Xuân thu” nghĩa là “lịch sử” (nghĩa cổ trong văn sách). Theo truyền thuyết, Viêm đế là nhà vua thần thoại đầu tiên lập ra Trung quốc.
[2] Bản tiếng Việt:
Bản tiếng Anh: http://china.usc.edu/constitution-peoples-republic-china-1982
Bản tiếng Trung: http://www.people.com.cn/GB/shehui/1060/2391834.html
[3]. Bản tu chính 2004:
Nguyên bản tiếng Trung
中国共产党领导的多党合作和政治协商制度将长期存在和发展。
Trung Quốc Cộng Sản Đảng lãnh đạo đích đa đảng hợp tác hoà chính trị hiệp thương chế độ tương trường kỳ tồn tại hoà phát triển.
(Chế độ hợp tác đa đảng và chính trị hiệp thương dưới sự lãnh đạo của Trung cộng sẽ tồn tại thời gian lâu dài và phát triển- PHN dịch).
Nguyên bản tiếng Anh:
At the end of the tenth paragraph of the Preamble, add “The system of multi-party cooperation and political consultation led by the Communist Party of China will exist and develop in China for a long time to come”.