Sheri Berman, Foreign Affairs, tháng 11-12, 2016
Trần Ngọc Cư dịch
Sheri Berman là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Barnard College, Đại học Columbia“Các nhà chính trị cực đoan cánh hữu hiện nay vì thế đáng được gọi là dân túy [populist] chứ không phải phát xít, vì họ rêu rao là họ đang nói lên tiếng nói của người dân bình thường, nam cũng như nữ, chống lại giới quyền lực chóp bu thối nát, xuống cấp, và xa rời quần chúng cũng như chống lại các định chế hiện hành. Nói cách khác, họ chắc chắn phản lại xu thế tự do – bình đẳng [antiliberal], nhưng họ không phản dân chủ [antidemocratic]. Sự phân biệt này có ý nghĩa không nhỏ. Nếu các nhà lãnh đạo dân túy lên nắm chính quyền – thậm chí trong đó có các phần tử dân tộc chủ nghĩa – sự tồn tại liên tục của thể chế dân chủ sẽ cho phép xã hội lựa chọn một sự làm lại từ đầu [a do-over] bằng cách sau đó sẽ bỏ phiểu tống cổ họ ra khỏi chính quyền. Thật vậy, đây có lẽ là ưu điểm lớn nhất của thể chế dân chủ: nó cho phép các nước hồi phục từ các sai lầm của mình” – Sheri Berman
Trong khi các phong trào cánh hữu ngày càng đặt ra nhiều thách thức đối với các giới quyền lực chính trị khắp châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều nhà bình luận đã rút ra những điểm tương đồng giữa các phong trào này với sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít trong thập niên 1920 và thập niên 1930. Năm ngoái, một tòa án Pháp ra phán quyết cho phép các đối thủ chính trị của Marine Le Pen, lãnh tụ của Mặt trận Dân tộc Pháp, có quyền gọi bà là một “phần tử phát xít” – một quyền mà họ thường xuyên sử dụng. Tháng Năm vừa qua, sau khi Norbert Hofer, lãnh đạo của Đảng Tự do tại Áo, suýt đắc cử Tổng thống nước này, báo The Guardian nêu lên câu hỏi, “Làm sao mà quá nhiều người Áo dám ve vãn cái chủ nghĩa phát xít gần như không che đậy này?”. Và trong một bài báo đăng cùng tháng nói về sự trỗi dậy của Donald Trump, ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Mỹ, nhà bình luận bảo thủ Robert Kagan cảnh báo, “Đây là cung cách mà chủ nghĩa phát-xít đi vào nước Mỹ”. Phát xít được dùng như một thuật ngữ chung chung để chỉ sự lạm quyền chính trị trong nhiều thập kỷ qua, nhưng đây là lần đầu tiên trong một thời gian rất lâu dài, các nhà bình luận dòng chính đang sử dụng nó một cách nghiêm chỉnh để mô tả các nhà chính trị và các chính đảng quan trọng.
Chủ nghĩa phát xít gắn liền với châu Âu trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, khi các phong trào mang danh xưng này lên nắm quyền tại Ý và Đức và gây ra bao tang thương đổ nát tại nhiều nước châu Âu khác. Mặc dù các phần tử phát xít thay đổi theo từng quốc gia, nhưng họ có một đặc tính chung là mãnh liệt chống lại thể chế dân chủ và chủ nghĩa tự do bình đẳng [liberalism], cũng như hoài nghi chủ nghĩa tư bản một cách sâu sắc. Ngoài ra, người phát xít còn tin tưởng rằng quốc gia – thường được định nghĩa qua từ vựng tôn giáo và chủng tộc – là cái gốc bản sắc quan trọng nhất cho tất cả mọi người thực sự là công dân của nó. Và vì thế họ hứa hẹn một cuộc cách mạng nhằm thay thế thể chế dân chủ tự do bình đẳng [liberal democracy] bằng một loại trật tự chính trị mới với quyết tâm nuôi dưỡng một quốc gia thống nhất và thuần khiết dưới sự dìu dắt của một lãnh tụ đầy quyền lực.
Mặc dù các nhà chính trị dân túy cánh hữu [right-wing populists] ngày nay có một số điểm tương đồng với những phần tử phát xít vào thời kỳ giữa hai Thế chiến, nhưng các dị biệt giữa họ có ý nghĩa hơn nhiều. Và điều quan trọng hơn chính là, các cách so sánh ngày nay thường không giải thích được cái tiến trình theo đó các chính trị gia và chính đảng độc hại phát triển thành loại phong trào cách mạng trên cơ bản có khả năng đe dọa thể chế dân chủ như chủ nghĩa phát xít đã từng làm giữa hai cuộc Thế chiến. Để tìm hiểu tiến trình này, nếu chỉ duyệt xét các chương trình hành động và sức hấp dẫn của các đảng cực đoan cánh hữu, hay nhân cách của các chính khách, hay xu thế của những người hậu thuẫn trong các phong trào này, thì đó là một việc làm gần như thiếu sót. Thay vì vậy, ta phải thận trọng xét đến một bối cảnh chính trị rộng lớn hơn. Cái nguyên nhân đã biến đổi các người phát xít từ những phần tử cực đoan hoạt động bên lề thành những kẻ thống trị phần lớn châu Âu chính là sự thất bại của các giới tinh hoa và định chế dân chủ trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng đang đối đầu với xã hội trong những năm giữa hai cuộc Thế chiến. Dù có nhiều vấn đề nổi bật, phương Tây ngày nay chưa đến nỗi phải đối đầu một dạng thức suy sụp như nó đã đối đầu trong thập niên 1930. Vì thế việc gọi Le Pen, Trump, vàc các nhà chính trị dân túy khác là “phát xít” chỉ làm tăm tối thêm chứ không làm sáng tỏ vấn đề.
SỰ RA ĐỜI CỦA CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT
Cũng giống như các phong trào cánh hữu ngày nay, chủ nghĩa phát xít phát sinh trong một giai đoạn toàn cầu hóa cao độ. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản đã nhanh chóng thay đổi các xã hội phương Tây, phá hủy các cộng đồng, các nghề nghiệp và các chuẩn mực văn hóa lâu đời. Đây cũng là một thời kỳ có những cuộc di dân rộng lớn. Nông dân lũ lượt tràn vào các thành thị, từ những vùng thôn quê vốn đã bị hủy diệt vì các công nghệ nông nghiệp mới và sự du nhập các nông phẩm rẻ. Công dân của các nước nghèo lũ lượt đến định cư tại các nước giàu có hơn nhằm mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thời bấy giờ, cũng như hiện nay, những thay đổi sâu rộng này đã gây hoảng sợ và giận dữ cho nhiều người, tạo vùng đất màu mỡ cho một giới chính trị gia mới rêu rao là họ đã tìm ra đáp án cho các vấn đề. Nổi bật nhất trong các nhà chính trị này là những thành phần dân tộc chủ nghĩa cánh hữu thề bảo vệ công dân nước mình chống lại ảnh hưởng độc hại của người nước ngoài và các thị trường kinh tế. Các phong trào phát xít mọc lên gần khắp các nước phương Tây, từ Achentina đến Áo, từ Pháp đến Phần Lan. Các thành phần phát xít trở thành các lực lượng phá hoại tại một số nước và ảnh hưởng lên chính sách tại một số nước khác, nhưng trên cơ bản, trước năm 1914 họ không đủ sức thách thức các trật tự chính trị đang có. Nói cách khác, các chính sách và sức hấp dẫn của họ tự thân không thể làm cho họ trở thành nguy hiểm hay biến họ thành những nhà cách mạng. Thế chiến I sẽ làm việc này cho họ.
Cuộc chiến ấy đã giết, gây thương tích, và chấn thương tâm lý cho hàng triệu người châu Âu, tàn phá vật chất lẫn kinh tế trên phần lớn lục địa này. “Khắp châu Âu các ngọn đèn đang tắt; chúng ta sẽ không thấy chúng được thắp sáng trở lại trong cuộc đời mình,” Bộ trưởng Ngoại giao Anh Edward Grey nhận xét ngay từ đầu cuộc chiến. Và thật vậy, vào khi chiến tranh chấm dứt, cả một lối sống hoàn toàn biến mất.
Năm 1918 kết thúc chiến tranh, nhưng không chấm dứt những tổn thất đau thương. Các đế chế trên lục địa châu Âu – Áo-Hung, Đức, Ottoman, và Nga – sụp đổ ngay trong chiến tranh hoặc sau đó, tạo ra nhiều quốc gia mới khác nhau, các nước này không hề có kinh nghiệm dân chủ và chứa đựng trong chúng những khối dân hỗn hợp gần như không muốn sống chung với nhau. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia xưa hơn của châu Âu, như Đức và Tây Ban Nha, các chế độ cũ cũng sụp đổ, dọn đường cho việc chuyển đổi qua dân chủ. Nhưng cũng như các quốc gia mới, hầu hết các nước này cũng thiếu kinh nghiệm về chế độ dân trị [popular rule] – và do đó thiếu các lề thói, các chuẩn mực, và các định chế cần thiết để làm cho thể chế dân chủ vận hành có hiệu quả.
Tồi tệ hơn nữa, việc kết thúc chiến tranh thay vì đưa đến một giai đoạn hòa bình và tái thiết, lại mang theo một loạt vấn đề xã hội và kinh tế miên viễn. Các nước dân chủ mới mẻ phải phấn đấu vất vả để giúp hàng triệu chiến binh hội nhập trở lại với xã hội và tái thiết các nền kinh tế bị méo mó và gián đoạn vì chiến cuộc. Áo và Đức phải đối phó mối nhục vì một cuộc chiến bị thua trận và một hòa bình bị trừng phạt, và cả hai nước đều trải qua nạn lạm phát phi mã [hyperinflation]. Khắp đại lục châu Âu, tình trạng vô pháp luật và bạo loạn nhanh chóng lây lan như nạn dịch khi các chính phủ dân chủ mất quyền kiểm soát các đường phố và các vùng lãnh thổ. Ý chịu nhiều thiệt hại trong gần hai năm vì các cuộc chiếm đóng nhà máy do công nhân gây ra, các cuộc chiếm đất do nông dân phát động, và các cuộc xung đột vũ trang giữa dân quân cánh tả và dân quân cánh hữu. Tại Đức, Cộng hòa Weimar đương đầu với các cuộc nổi dậy bạo động của cánh tả và cánh hữu, buộc chính phủ phải gửi quân tái chiếm các thành thị và các khu lãnh thổ của mình.
Mặc dù tình hình trở nên tồi tệ vì những sự kiện nói trên và các vấn đề khác, các nhóm phát xít ban đầu vẫn là những lực lượng bên lề. Tại Ý, gần như họ không nhận được phiếu nào trong cuộc tuyển cử đầu tiên sau chiến tranh tại nước này. Và tại Đức, âm mưu đảo chính của Hitler ở Munich năm 1923 bị thất bại, khiến Hitler và đồng phạm vào tù. Song với thời gian trôi qua, các vấn đề trên vẫn còn tồn tại. Các nền kinh tế châu Âu gần như không thể gượng dậy nổi, và các vụ xô xát trên đường phố, các vụ ám sát, và các hình thức rối loạn xã hội khác tiếp tục quấy phá nhiều nước châu Âu. Nói tóm lại, vào cuối thập niên 1920, niềm tin của nhiều người châu Âu vào thể chế dân chủ bị lung lay tồi tệ.
CÁC NƯỚC DÂN CHỦ TRONG CƠN KHỦNG HOẢNG
Rồi cuộc Đại suy trầm kinh tế xảy ra. Cái điều thảm khốc nhất không phải là tổn thất kinh tế mà nó gây ra – mặc dù nó đủ tồi tệ – mà là sự thất bại của các định chế dân chủ trong việc đối phó với thảm họa này. Để hiểu sự khác biệt, ta hãy so sánh số phận của Đức và Hoa Kỳ. Hai nước này bị tác hại nặng nhất bởi cuộc Suy trầm, chịu những tỉ lệ thất nghiệp, doanh nghiệp phá sản, và sút giảm sản xuất lớn nhất. Nhưng tại Đức, chế độ Cộng hòa Weimar vào thời điểm này bị Đảng Quốc xã tấn công dữ dội, trong khi tại Mỹ, thể chế dân chủ vẫn tồn tại – bất chấp sự xuất hiện của một số lãnh đạo phát xít giả hiệu [pseudo-fascist] như chính trị gia Huey Long ở Louisiana và nhà thuyết giáo vô tuyến Cha Charles Coughlin. Tại sao có hậu quả khác nhau như vậy?
Câu trả lời nằm trong cách đối phó khác nhau của hai Chính phủ trước cuộc khủng hoảng kinh tế. Các lãnh đạo Đức gần như chẳng làm gì cả để xoa dịu nỗi đau khổ trong xã hội; trên thực tế, họ theo đuổi các chính sách khắc khổ, gây ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc suy trầm kinh tế nói chung và tỉ lệ thất nghiệp cao khủng nói riêng. Đáng ngạc nhiên là, ngay cả phe đối lập chính, Đảng Dân chủ Xã hội, cũng không đưa ra được một chương trình nào khác hấp dẫn hơn. Trong khi đó tại Mỹ, các định chế và chuẩn mực dân chủ có truyền thống lâu đời hơn và nhờ vậy cũng vững mạnh hơn. Nhưng còn có một yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn chủ nghĩa phát xít là việc Tổng thống Flanklin Roosevelt nhấn mạnh rằng Chính phủ có thể và sẽ giúp đỡ người dân của mình, bằng cách đặt nền móng cho Nhà nước phúc lợi hiện đại.
Thật là không may cho châu Âu, có nhiều chính phủ ở đó tỏ ra bất lực hay không muốn đối phó một cách tích cực như Mỹ, và hầu hết các đảng chính trị dòng chính [mainstream political parties] không đưa ra được các phương án thay thế khả thi. Vào khoảng đầu thập niên 1930, các đảng tự do – bình đẳng [liberal parties] đã mất hết uy tín trong nhiều nước của châu lục này; việc họ tin tưởng vào thị trường tự do, không muốn phản ứng mạnh mẽ đối với các khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản, và có thái độ thù nghịch với chủ nghĩ dân tộc khiến cử tri có ấn tượng là họ đã xa rời tình hình thực tế trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến. Trong khi đó, trừ trường hợp ngoại lệ tại các nước Bắc Âu, hầu hết các đảng xã hội [socialist parties] châu Âu cũng rất lúng túng; họ chỉ hứa hẹn với dân rằng cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi nào chủ nghĩa tư bản hoàn toàn sụp đổ – và rằng họ không thể giúp người dân trong giai đoạn giao thời. (Các đảng viên xã hội cũng thờ ơ hoặc xung khắc với những quan tâm về bản sắc dân tộc và về tiến trình hủy bỏ các chuẩn mực truyền thống [traditional norms] – một lập trường chính trị thiếu khôn ngoan trong một giai đoạn bất ổn xã hội nghiêm trọng.) Các đảng viên cộng sản chí ít cũng đưa ra được một phương án triệt để thay thế nguyên trạng, nhưng sự thu hút của họ bị hạn chế vì họ gần như chỉ tập trung vào giai cấp công nhân và vì thái độ thù nghịch của họ đối với chủ nghĩa dân tộc.
Vì thế, tại rất nhiều nước châu Âu, chỉ có các đảng viên phát xít mới có thể lợi dụng sự giảm sút lòng tin vào thể chế dân chủ, một sự kiện đi đôi với cuộc Đại suy trầm kinh tế. Các đảng phát xít vừa gay gắt chỉ trích tầng lớp cai trị vừa đưa ra một phương án thay thế mạnh mẽ. Họ chỉ trích thể chế dân chủ là bất lực, yếu ớt, không thể đáp ứng tình hình và do đó họ hứa sẽ thay thế toàn bộ thể chế này. Chế độ mới sẽ sử dụng Nhà nước để bảo vệ người dân tránh khỏi những hệ quả tai hại nhất của chủ nghĩa tư bản, bằng cách tạo công ăn việc làm, mở rộng Nhà nước phúc lợi (cho các công dân “chân chính” mà thôi, hẳn nhiên), tiêu diệt giới tư bản bị gán là bóc lột (thường là người Do Thái), và thay vào đó sẽ dồn tài nguyên vào các doanh nghiệp được coi là để phục vụ lợi ích quốc gia. Các đảng phát xít hứa hẹn chấm dứt các mối chia rẽ và các xung đột vốn làm suy yếu quốc gia – thông thường, hẳn nhiên, bằng cách loại bỏ những thành phần bị coi là không nằm trong hàng ngũ dân tộc của họ. Và họ hứa hẹn hồi phục lại niềm tự hào và mục đích cho xã hội vốn đã từ lâu bị băng hoại vì các thế lực nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Những lập trường này đã giúp chủ nghĩa phát xít tại Đức, Ý, và các nơi khác thu hút một khối cử tri cực kỳ đa dạng xuyên qua mọi giai cấp xã hội. Mặc dù các đảng phát xít nhận hậu thuẫn cao một cách thiếu tương xứng từ nam giới, giai cấp trung lưu nghèo, và cựu chiến binh, nhưng họ có được một cơ sở hậu thuẫn rộng lớn hơn bất cứ loại đảng phái nào tại châu Âu trong thời kỳ giữa hai Thế chiến.
Mặc dù có tất cả những lợi thế nói trên, các đảng phát xít vẫn thiếu sức mạnh để tự mình giành lấy chính quyền; họ còn cần đến sự đồng lõa của giới bảo thủ truyền thống. Những thành phần bảo thủ này – vốn luôn luôn tìm cách duy trì quyền lực của giới tinh hoa bảo thủ và tiêu diệt sức mạnh của người dân – thiếu các khối cử tri quần chúng dưới trướng của mình, nhưng tin tưởng rằng họ có thể sử dụng tính đại chúng [popularity] của các nhóm phát xít để thực hiện các mục tiêu dài hạn của mình. Vì thế, họ vận động hậu trường để đưa Mussolini và Hitler vào vị trí quyền lực, tin tưởng rằng về sau họ có thể dùng thủ đoạn để giật dây hoặc loại bỏ những người này. Gần như họ không hề biết rằng chính người phát xít cũng đang dùng một bài bản như họ. Chẳng bao lâu sau khi được chọn làm Thủ tướng, vào năm 1933, Hitler loại bỏ các đồng minh bảo thủ trước đây của mình, những người mà ông đã đúng đắn coi là một trở ngại cho dự án cách mạng được lên kế hoạch từ lâu của mình. Mussolini, được chọn làm Thủ tướng năm 1922, phải mất một ít thời gian dài hơn để củng cố địa vị của mình – nhưng rốt cuộc ông cũng cho ra rìa (hoặc chỉ việc đem giết đi) nhiều thành viên bảo thủ truyền thống đã từng giúp ông trở thành Il Duce [Lãnh tụ].
CÁC BÀI HỌC CHO NGÀY NAY
Vậy tất cả kinh nghiệm ở trên nói lên được điều gì về Le Pen, Trump, và những nhân vật cực đoan cánh hữu khác trong thế giới ngày nay? Họ chắc chắn chia sẻ một số điểm tương đồng với các phần tử phát xít giữa hai cuộc Thế chiến. Cũng như các vị tiền bối của họ, các phần tử cực đoan cánh hữu ngày nay mạnh miệng cố cáo các lãnh đạo dân chủ tại chức là bất lực, yếu ớt, và không đáp ứng trước tình hình. Họ hứa hẹn duy trì đất nước, bảo vệ quốc gia chống lại quân thù, và phục hồi một ý thức về mục đích chung cho người dân đang cảm thấy mình bị các thế lực bên ngoài tấn công và làm mất quyền kiểm soát. Và họ nêu quyết tâm đứng lên bảo vệ lợi ích của “người dân”, tức khối dân chúng thường được định nghĩa theo tôn giáo và chủng tộc của họ.
Nhưng nếu những điểm tương đồng là đáng chú ý, thì những dị biệt lại còn đáng chú ý hơn. Rõ ràng nhất là, các thành phần cực đoan ngày nay rêu rao rằng họ không muốn chôn vùi thể chế dân chủ mà chỉ tìm cách cải thiện nó thôi. Họ chỉ trích sự vận hành của thể chế dân chủ đương đại nhưng không đưa ra một phương án thay thế nào, mà chỉ hứa hẹn mơ hồ là sẽ làm cho Chính phủ mạnh hơn, hữu hiệu hơn, và có khả năng đáp ứng yêu cầu của xã hội nhiều hơn.
Các nhà chính trị cực đoan cánh hữu hiện nay vì thế đáng được gọi là dân túy [populist] chứ không phải phát xít, vì họ rêu rao là họ đang nói lên tiếng nói của người dân bình thường, nam cũng như nữ, chống lại giới quyền lực chóp bu thối nát, xuống cấp, và xa rời quần chúng cũng như chống lại các định chế hiện hành. Nói cách khác, họ chắc chắn phản lại xu thế tự do – bình đẳng [antiliberal], nhưng họ không phản dân chủ [antidemocratic]. Sự phân biệt này có ý nghĩa không nhỏ. Nếu các nhà lãnh đạo dân túy lên nắm chính quyền – thậm chí trong đó có các phần tử dân tộc chủ nghĩa – sự tồn tại liên tục của thể chế dân chủ sẽ cho phép xã hội lựa chọn một sự làm lại từ đầu [a do-over] bằng cách sau đó sẽ bỏ phiểu tống cổ họ ra khỏi chính quyền. Thật vậy, đây có lẽ là ưu điểm lớn nhất của thể chế dân chủ: nó cho phép các nước hồi phục từ các sai lầm của mình.
Nhưng sự khác biệt quan trọng hơn giữa các thành phần cực đoan cánh hữu ngày nay và các thành phần phát xít ngày xưa chính là cái bối cảnh rộng lớn hơn. Dù với các vấn đề đương đại to lớn và nhiều người dân giận dữ như hiện nay, phương Tây giản dị là chưa đến nỗi đương đầu một cái gì nghiêm trọng như tình hình xáo trộn diễn ra giữa hai cuộc Thế chiến. “Chỉ cái cảnh thiếu thốn không mà thôi thì chưa đủ để đưa đến một cuộc nổi dậy; nếu nó là điều kiện đủ, thì quần chúng sẽ luôn luôn vùng lên”, Leon Trotsky có lần đã viết, và cái logic này có thể áp dụng cho sự xuất hiện của của chủ nghĩa phát xít. Tại Mỹ và Tây Âu hiện nay, chí ít, thể chế dân chủ và các chuẩn mực dân chủ chưa đến nỗi vô bổ như chúng đã cho thấy trong thập niên 1920 và thập niên 1930. Ngoài ra các thủ tục và định chế dân chủ, các Nhà nước phúc lợi, các đảng chính trị, và các xã hội dân sự vững mạnh liên tục cung ứng cho người công dân vô vàn phương cách để nói lên những quan tâm của mình, ảnh hưởng lên các hệ quả chính trị và làm cho chính quyền đáp ứng nhu cầu của mình.
Vì những lý do này, những thành phần cực đoan cánh hữu tại Mỹ và Tây Âu ít có lựa chọn và ít có cơ hội hơn so với tiền bối của mình trong những năm giữa hai cuộc Thế chiến. (Trái lại, tại Đông Âu và Nam Âu, nơi các chuẩn mực và định chế dân chủ còn non trẻ và yếu ớt, các phong trào gần gũi hơn với chủ nghĩa phát xít truyền thống đã xuất hiện, gồm phong trào Hừng Đông Vàng [Golden Dawn] tại Hy Lạp và chủ nghĩa dân tộc cực đoan Jobbik tại Hungary). Như học giả Theda Skocpol từng nhấn mạnh, các phong trào cách mạng không tạo ra khủng hoảng; chúng chỉ khai thác các cuộc khủng hoảng. Nói cách khác, các đe dọa mang tính cách mạng thực sự đối với thể chế dân chủ xuất hiện khi chính bản thân các nước dân chủ tạo ra các cuộc khủng hoảng dễ bị khai thác lợi dụng, vì các nước này không có sức đối phó những thách thức trước mặt.
Hẳn nhiên, tình hình có thể thay đổi, và sự vắng bóng các phong trào phát xít chính hiệu tại Mỹ và Tây Âu không phải là lý cớ để tự mãn. Nhưng điều mà giai đoạn lịch sử giữa hai cuộc Thế chiến có thể minh họa là, phương Tây cần phải lo ngại nhiều hơn về các vấn đề đang tác hại thể chế dân chủ chứ không phải về bản thân các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Đường lối hữu hiệu nhất để đảm bảo rằng những Le Pen và những Trump đi vào trong lịch sử như những kẻ có ra tranh cử [also-rans] chứ không là mối đe dọa thật sự là làm cho các định chế dân chủ, đảng phái, và các nhà chính trị có khả năng đáp ứng nhiều hơn trước nhu cầu của tất cả mọi người dân. Tại Mỹ, chẳng hạn, tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng, đồng lương đứng yên một chỗ, các cộng đồng ngày một xuống cấp, việc làm luật ở quốc hội bị bế tắc, và luồng tiền khủng [của các nhóm lợi ích] chảy vào các ban vận động tranh cử, những yếu tố tiêu cực này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người dân hậu thuẫn Trump chứ không phải là sức lôi cuốn của cá nhân ông hay các xu thế hướng về độc tài của những người ủng hộ ông. Chặn đứng được những vấn đề này chắn chắn sẽ ngăn ngừa sự trỗi dậy của một Trump tương lai.
Lịch sử cũng cho thấy rằng những nhà chính trị bảo thủ phải đặc biệt cảnh giác về việc hậu thuẫn các thành phần dân túy cánh hữu. Các đảng viên Cộng hòa dòng chính đưa ra các tố cáo gượng gạo về cử tri giả mạo, bầu cử gian lận, và đặt nghi vấn về lòng ái quốc và quốc tịch của Tổng thống Barack Obama nhằm thu hút những nhóm ngoại biên cực đoan [extremist fringes], đang chơi một lá bài chính trị hết sức nguy hiểm, vì luận điệu này có thể nhen nhúm nỗi sợ hãi và sự nghi kỵ đối với các nhà chính trị và các định chế tại Mỹ. Và cũng như các tiền bối của họ trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến, những nhân vật bảo thủ này cũng có thể gia tăng thanh thế cho những nhà chính trị gần như chẳng chút trung kiên với các chính sách, các khối cử tri, hay các định chế bảo thủ của họ.
Chủ nghĩa dân túy cánh hữu – trên thực tế, chủ nghĩa dân túy dưới mọi hình thức – là một triệu chứng của thể chế dân chủ đang bị đe dọa; chủ nghĩa phát xít và các phong trào cách mạng khác là hậu quả của một thể chế dân chủ đang lâm vào khủng hoảng. Nhưng nếu các Chính phủ không có nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà Mỹ và châu Âu đang đối diện, nếu những nhà chính trị và đảng phái dòng chính không cải thiện các thông điệp gửi đến mọi công dân, và nếu các nhân vật bảo thủ vẫn tiếp tục kích động sự sợ hãi và nhắm mắt làm ngơ trước chủ nghĩa cực đoan, thì phương Tây nhanh chóng thấy mình chuyển động từ chủ nghĩa dân túy sang chủ nghĩa phát xít.
S. B.
Dịch giả gửi BVN.