Formosa và âm mưu chính trị: Chính thể Việt Nam đã chui đầu vào thòng lọng

Thiên Điểu

clip_image002

“Formosa là sự cố”. Tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ hai lần liên tiếp

Vấn đề thảm họa môi trường do Formosa đã bắt đầu nóng lên nơi nghị trường chính trị Việt Nam. Nhiều câu hỏi chất vấn được đặt ra, nhiều câu trả lời cũng đã được các cá nhân và cơ quan liên quan được công bố. Tuy nhiên, chưa có câu hỏi nào hay lý giải nào cho câu hỏi: Vụ xả thải gây nhiễm độc vùng biển Việt Nam của Formosa là vô ý hay cố ý?

Ngay sau khi sự cố xảy ra chỉ khoảng một tuần và khi có lời kêu gọi các nhà khoa học, các nhóm hoạt động đậc lập tự tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên mạng. Cũng chỉ thêm mấy ngày sau đó đã có thông tin kết luận trong nước biển miền lấy tại khu vực cá chết lẫn mẫu sinh thiết từ xác cá và rong rêu, bùn cát, san hô.. đều có tỷ lệ Phenol và Xianua rất cao. Thêm khoảng bốn, năm ngày nữa thì có thông tin tiếp tục cho biết ngoài Phenol và Xianua còn có tới ba, bốn loại hóa chất cực độc được phát hiện, nó hoàn toàn trùng hợp với thông tin báo chí phát hiện ra hóa đơn nhập khẩu gần 300 tấn hóa chất với hơn 40 loại và có tới gần một nửa các loại trong đó là chất cực độc. Những loại độc tố này đều có nguồn gốc là chất độc vô cơ nên dẫn đến kết luận hoàn toàn do tác nhân từ hoạt động con người mà ra. Tất nhiên, con số 296 tấn hóa chất Formosa nhập về chỉ là trên một vận đơn, còn bao nhiêu tấn trong những vận đơn khác hoặc nhập lậu thì không ai biết. Kèm theo những kết quả phân tích, người ta không khó và có nhiều cơ sở để khẳng định Formosa chính là thủ phạm chứ không cần chờ tới gần ba tháng sau như Chính phủ Việt Nam công bố.

Việc người dân bức xúc trước một thảm họa quá lớn, quá nguy hiểm như vậy không có gì khó hiểu. Sự bức xúc được thổi bùng thêm từ chính việc Chính phủ Việt Nam tự thỏa thuận nhận 500 triệu dollar bồi thường mà không hề đếm xỉa tới ý kiến người dân lẫn việc xác định một cách nghiêm túc mức độ thảm họa. Không những thế, chính quyền lại ra tay đàn áp một cách dã man những người xuống đường đòi minh bạch thông tin và đòi xử lý Formosa. Trong khi đó, mặc dù nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề giữa nghị trường của cơ quan lập pháp quyền lực nhất, nhưng với câu trả lời báo chí về khả năng lập một Ủy ban điều tra về Formosa hay không, bà Chủ tịch QH nói ngay là “Chưa có chủ trương. Để có một kết luận về Formosa, Chính phủ đã rất cố gắng, huy động nhà khoa học trong và ngoài nước, điều tra thực địa để cuối cùng Formosa phải cúi đầu nhận lỗi, cam kết bồi thường và khắc phục sự cố. Đó là thắng lợi bước đầu của chúng ta.”(!)

Điều đó đồng nghĩa: QH sẽ im lặng như một sự đồng ý với cách giải quyết của Chính phủ.

Tất cả đều cho thấy một kết luận rõ ràng: Tất cả các cơ quan quyền lực trong bộ máy của chế độ ở Việt Nam đều định hướng tiếp tục cho phép Formosa tồn tại và vụ đầu độc biển được chốt lại trách nhiệm trong phạm vi 500 triệu dollar mà Chính phủ đã công bố.

Tại sao lại có những động thái kỳ lạ, thậm chí trái pháp luật như trên?

Chắc chắn câu trả lời không còn nằm trong phạm vi chính sách kinh tế thuần túy. Bởi lẽ: Nếu chỉ vì chính sách kinh tế, mọi sai phạm đã có luật điều chỉnh. Nhưng ở đây, vụ việc Formosa đã vượt qua cả luật.

Điều gì khiến chính quyền Hà Nội phải trì hoãn tới ba tháng, thỏa thuận xong cả tiền bồi thường rồi mới công bố? Nếu nói chỉ vì lo ngại ảnh hưởng chính sách thu hút đầu tư lại càng sai. Vì ngày nay, các doanh nghiệp trên thế giới điều hiểu rằng mọi hoạt động kinh doanh phải gắn với môi trường như một điều kiện để tồn tại và phát triển chứ không ai nghĩ tới kinh doanh bất chấp như Formosa. Ngay tại Việt Nam, Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai đã phải trả giá thế nào khi đầu tư vào Lào nhưng bị quốc tế truy việc phá rừng là ví dụ không hề xa lạ. Nếu nói vì thể diện ngoại giao do liên quan yếu tố nước ngoài thì càng không. Vì bản thân chính quyền Hà Nội đã liên tục phát đi thông điệp “Formosa là doanh nghiệp Đài Loan”, nhưng chính chính quyền và truyền thông Đài Loan là nơi phát đi đầu tiên về câu trả lời Formosa Hưng Nghiệp là thủ phạm, đồng thời bày tỏ thái độ lên án rất rõ ràng trước công luận. Mặt khác, quan hệ ngoại giao là quan hệ sòng phẳng, dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi, không lý do gì vì yếu tố ngoại giao mà phải bao che cho một doanh nghiệp gây thiệt hại ghê gớm như vậy.

Chỉ có thể là một âm mưu cố ý đầu độc gắn với mưu toan chính trị.

Quay lại vấn đề các loại chất độc được phát hiện trong các mẫu phân tích liên quan thảm họa môi trường biển. Các nhà phân tích khoa học đã chỉ ra rằng: Công suất của Formosa trong điều kiện hoạt động hiện tại mới chỉ đạt 25% (tương đương khoảng 1 triệu tấn/năm) thì khối lượng Phenol và Xianua sinh ra trong quá trình sản xuất (luyện cốc) hoàn toàn không thể đủ để đầu độc biển với diện rộng và nhanh như vậy. Lý do “hệ thống xử lý gặp sự cố mất điện trong 5 ngày” càng không thuyết phục vì với 5 ngày sản xuất, lượng Phenol và Xianua – dù được xả tự do không qua lọc – cũng quá ít để gây ra tác động ghê gớm đến vậy.

Câu trả lời chính xác có thể hé mở từ vài chứng cứ như sau:

Thứ nhất: Formosa biết rõ và cố ý tẩu tán chất thải độc đi khắp nơi và các nơi mà chất thải của Formosa được phát hiện đều khá nhạy cảm đối với sinh hoạt con người.

Việc kết luận Formosa “biết rõ” không cần bàn cãi vì với bất cứ ai làm trong ngành luyện kim đều biết chất thải từ ngành này mức độ độc hại ra sao. Chính vì vậy mà chính Phó giám đốc đối ngoại của Formosa đã buột miệng trả lời ngay bằng câu nói gây sóng gió “chọn thép hay chọn tôm cá”. Phần “cố ý” ở vế sau chính là Formosa biết rõ nó độc hại nhưng các vị trí chôn lấp chất thải trên đất liền của Formosa lại không có những vị trí hẻo lánh, cách xa các hoạt động dân cư hoặc môi trường nước. Hãy xem bản đồ mới nhất các vị trí chôn giấu chất thải của Fomorsa vừa được đăng tải trên báo điện tử Vnexprees.net thì các vị trí phát hiện chất thải của Formosa luôn gắn với các khu vực có độ tương tác cao với sinh hoạt của con người như nguồn nước, khu sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư… Đây không thể biện minh là yếu tố trùng hợp hay vô tình được.

clip_image004

Bản đồ các vị trí phát hiện chất thải của Formosa trên đất liền của vnexpress.net

Một mảng tối khác mà ngay cả chính quyền Việt Nam đến nay vẫn che giấu là: Danh mục các chất cực độc có mặt trong bảng kê khai hồ sơ nhập khẩu của Formosa đã bị lộ trước truyền thông công khai. Nhưng đến nay, ngoài cái tên thương mại trên tờ vận đơn bị lộ thì công thức của nó là gì, các đợt nhập khác bao nhiêu? Đã dùng bao nhiêu? v.v. đều rơi vào im lặng không có bất cứ thông tin nào khác. Việc một số phân tích độc lập, trùng hợp với báo cáo phân tích của các cơ quan khoa học nhà nước phát hiện ngoài Phenol và Xianua, còn có một số độc chất khác cùng với sự có mặt chất Hydroxyt Sắt – là chất khi trộn chung vào sẽ khiến Phenol và Xianua khó phân hủy hơn trước khi gây tác hại cho môi trường là một lý do để khẳng định chất độc gây thảm họa môi trường do Formosa phát tán không chỉ là hóa chất sử dụng cho luyện thép hay trong quá trình luyện thép.

Vấn đề Formosa cố ý phát tán chất độc đến đây có lẽ không cần phân tích thêm. Vấn đề còn lại là câu hỏi: Nó có gì liên quan một đòn cân não chính trị hay không?

Xét về thời điểm xảy ra vụ việc thì thảm họa xả độc môi trường biển của Formosa (tháng 4/2016) là thời điểm mà TW ĐCSVN đang tổ chức bầu cử cho giàn lãnh đạo nhiệm kỳ Khóa 14 và chuẩn bị chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Việt Nam. Trong bối cảnh các sự kiện nhạy cảm như vậy, những thủ đoạn và hành động nhằm truyền tải những thông điệp cảnh cáo, gây sức ép luôn hiệu quả. Nó chính là lý giải cho việc Chính phủ Việt Nam phải vội vã âm thầm quyết định làm một việc trái pháp luật là chấp nhận cho Formosa bồi thường chỉ 500 triệu dollar.

Phía sau động cơ chính trị này thì những yếu tố nào thực sự đủ gây sức ép cho Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc và cao hơn là cả TW Đảng CSVN?

Về kinh tế: Ở đây không nói về thiệt hại kinh tế mà người dân và cả Nhà nước Việt Nam hiện tại lẫn tương lai bị mất do thảm họa vì chưa có một thống kê tạm coi là tương đối vào lúc này. Khi mà tác hại của nó chưa ai biết sẽ còn những gì và bao lâu mới xử lý xong. Khía cạnh kinh tế được xét đến là yếu tố kinh tế tạo ra sức ép trong thông điệp mà không đối tượng nào khác hơn là chính quyền Trung Quốc – đối tượng duy nhất thủ lợi – đã đè lên Chính phủ Việt Nam.

Truyền thông nói nhiều tới con số hơn 20 tỷ dollar tổng mức đầu tư của Formosa tại KCN Vũng Áng, nhưng lờ tịt đi thực chất cấu trúc vốn của dự án ra sao. Về căn bản, KCN Vũng Áng là của Công ty Fomosa HA TINH (CAYMAN) LIMITED. Mức vốn điều lệ là 94,500 tỷ VNĐ (4,2 tỷ USD). Nguồn vốn đầu tư vào KCN Vũng Áng mà cụ thể hiện nay là khu liên hợp sản xuất thép được xác định theo nguyên tắc đầu tư FDI, theo đó, Formosa Ha Tinh sẽ có một phần vốn của Công ty đầu tư trực tiếp và còn lại là vốn vay ưu đãi. Nguồn vốn vay này không đâu khác hơn là vay từ ngân hàng Trung Quốc thông qua thỏa thuận vay mà Chính phủ Việt Nam đã ký và được thiết kế sẵn dành cho Dự án của Formosa. Điều này lý giải tại sao Formosa đến nay vẫn nợ tiền thuê đất của tỉnh Hà Tĩnh hơn một trăm tỷ đồng (phải dùng tiền của doanh nghiệp) và nhiều khoản nợ khác mặc dù đã đầu tư và giải ngân lên tới gần chục tỷ dollar (chủ yếu gần như toàn bộ là vốn vay). Nếu như tính hết các khoản nợ chưa thanh toán từ thi công, máy móc, thiết bị nhập khẩu v.v. thì không khó để suy ra là con số tiền đầu tư thực sự của Formosa vào Hà Tĩnh không đáng là bao nhiêu. Trong khi khoản nợ mà Chính phủ Việt Nam đã nhận vay liên quan cho riêng Formosa chắc chắn không dưới chục tỷ dollar (!)

Với khoản nợ này, Việt Nam sẽ phải trả dù đóng cửa Formosa hay không. Nó không khác mấy với các dự án như Bauxite Tây Nguyên, đường tàu điện Cát Linh và rất nhiều các dự án khác do Trung Quốc đầu tư hoặc thắng thầu nhờ liên quan nguồn vốn từ Trung Quốc. Hiệu quả hay không, dùng được hay không thì tất cả vẫn là nợ phải trả! Đây là lý do duy nhất khả dĩ giải đáp được cho câu hỏi tại sao Chính phủ Việt Nam không thể cương quyết xử lý Formosa cũng như các dự án có nguồn vốn vay từ Trung Quốc. Nó cũng là lý khiến Chính phủ phải chấp nhận chịu thêm một cú siết của cái thòng lọng khi nhận khoản tiền bồi thường mà về mặt pháp lý sẽ giết chết mọi uy tín lẫn tính pháp lý về mặt chính trị, xã hội. Chưa nói những cái bẫy hối lộ mà chắc chắn không ít quan chức đã nhúng tay vào, giờ đây khó bề mà che giấu.

Về an ninh chính trị: Phản ứng gay gắt của người dân khi xuống đường biểu tình thực ra chỉ là vấn đề không quá lớn về mặt tác động tới khía cạnh an ninh xã hội trong bối cảnh hiện nay. Điều nguy hiểm nhất chính là kịch bản rối loạn tương tự tháng 4 năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam. Dù chỉ cách nhau hai năm, nhưng nếu kịch bản quá khích tái diễn thì sẽ khác xa nhau rất nhiều. Yếu tố đe dọa an ninh lớn nhất không phải là ở người dân Việt Nam hành động quá khích – vì đã rút ra kinh nghiệm sau vụ HD 981 – mà chính là ở lực lượng lao động Trung Quốc lên tới cả triệu người đã nằm khắp nơi trên đất Việt Nam. Một chi tiết “trùng hợp” khác là sau vụ Formosa thì lượng du khách Trung Quốc tới Việt Nam tăng một cách bất thường, các hành vi quấy rối, vi phạm pháp luật của dạng “du khách” này cũng xuất hiện một cách công khai, thể hiện sự bức xúc, cố ý gây gổ… thời gian vừa qua không dễ có lý do để loại trừ rằng nó không liên quan ý đồ “tăng người” từ phía Trung Quốc. Không cần nói đây là quân đội trá hình, chỉ cần hình dung lực lượng công nhân và du khách này sẽ phản ứng ra sao khi xảy ra những xô xát tương tự năm 2014 thì sẽ hiểu sức đe dọa của nó lớn ra sao.

Có vẻ như đang có một kịch bản mới cho Formosa nhằm cố gắng giữ lại cái kho thuốc độc Formosa mà không bị nó phát nổ ngay lúc này khi bắt đầu úp mở “sự cố kỹ thuật liên quan nhà thầu phụ”. Nhưng dù nguy hiểm đến đâu, Fomosa không còn bất cứ lý do gì tồn tại ở Việt Nam là nhận thức của cả dân tộc. ĐCSVN hay Chính phủ Việt Nam nếu tiếp tục bất chấp thì chính Formosa là bản án tử mà nền chính trị Việt Nam sẽ phải đối mặt.

T.Đ.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/07/vntb-formosa-va-am-muu-chinh-tri-chinh.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.