Trân trọng gửi đến các đồng nghiệp cầm bút, các Luật sư và tất cả những ai quan tâm
(Kính nhờ các báo đài trong ngoài nước và mạng internet công bố giùm)
Ngày 08.05.2010, điện thoại và đường truyền internet của nhà khoa học Hà Sĩ Phu (địa chỉ tại 4E Bùi Thị Xuân, Đà lạt) ngưng hoạt động.
Sau khi yêu cầu sửa chữa không kết quả và cố công lần tìm manh mối, tiến sĩ sinh học Hà Sĩ Phu mới được chính thức thông báo rằng cơ quan nhà nước quyết định cắt vĩnh viễn liên lạc từ 2 máy điện thoại mà ông thuê của Trung tâm viễn thông Đà Lạt vì lý do “được sử dụng để truyền tải những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an tỉnh Lâm Đồng)” (trích biên bản làm việc số 64/BB – TTr ngày 18.05.2010 giữa công dân Nguyễn Xuân Tụ tức Hà Sĩ Phu với Thanh tra sở Thông tin Truyền thông tỉnh Lâm Đồng gồm chánh thanh tra Bạch Ngọc Dũng và phó chánh thanh tra Nguyễn Thúy Hằng).
Tôi, Bùi Minh Quốc, cũng có mặt cùng Tiến sĩ Hà Sĩ Phu trong buổi làm việc đó. Tôi nói với Chánh, Phó thanh tra Sở TTTT: Thế là hôm nay nhà nước cũng đã hơi khá lên về mặt hành chính trong quan hệ với công dân, chứ như lần trước, ông Hà Sĩ Phu bị cắt điện thoại liên tục 11 năm 7 tháng từ 1997 đến 2008 mà chẳng nhận được một văn bản nào của cơ quan thẩm quyền.
Tôi tha thiết đề nghị các đồng nghiệp cầm bút và anh chị em trong giới Luật sư luật gia hãy cùng gấp rút góp tiếng nói làm rõ thế nào là “những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam”, đặc biệt đối với người cầm bút thì phải xác định thật cụ thể rõ ràng rành mạch dứt khoát thế nào là “chống”?
Một người cầm bút viết bài bày tỏ những quan điểm bất đồng với nhà nước và cấp lãnh đạo nhà nước là Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể gọi là “chống nhà nước”. Mà theo chỗ tôi biết thì nhà khoa học Hà Sĩ Phu suốt mấy chục năm qua chỉ làm mỗi việc ấy thôi, đó là cái việc nhìn thẳng vào sự thật bằng con mắt của mình, suy nghĩ bằng cái đầu của mình, nói đúng nói rõ sự thật bằng tiếng nói trung thực của mình, dù tiếng nói ấy gây chối tai xóc óc những người sợ sự thật đang cầm quyền.Và suốt mấy chục năm qua, những người sợ sự thật trong giới cầm quyền với một bộ máy lý luận đồ sộ đã không thể có một bài nào tranh luận công khai với các luận điểm của Hà Sĩ Phu, lại chỉ một mực huy động bộ máy bạo lực đồ sộ dùng đủ mọi biện pháp thất nhân tâm từ bỏ tù đến quản chế, cắt điện thoại, cho công an “mời làm việc” rồi đưa ra đấu tố ở phường chỉ nhằm dập tắt tiếng nói của Hà Sĩ Phu. Tổng cộng, ngoài việc bị cắt điện thoại liên tục 11 năm 7 tháng, ông đã bị tù (bởi một bản án phản công lý) 1 năm, bị khởi tố tội “phản bội Tổ Quốc” nhưng sau ít ngày, phía khởi tố thấy vô lý lộ liễu quá phải đình chỉ vụ án, chuyển thành quản chế 2 năm, bị “mời làm việc” và đưa ra phường đấu tố trên 400 buổi. Ấy là chưa kể biết bao những sự sách nhiễu nhiều kiểu, nhiều cách diễn ra dai dẳng triền miên.
Xin lược lại vắn tắt quá trình “mở miệng” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) của công dân – nhà khoa học Hà Sĩ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) và quá trình hành xử của nhà nước nhằm bịt miệng ông.
Năm 1988, Hà Sĩ Phu “mở miệng” bằng bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Bài này, khi dự thảo, Hà Sĩ Phu đã trình bày trong một cuộc gặp mặt thân mật gồm Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Giáo sư Phạm Vĩnh Cư, Tiến sĩ Kiến trúc sư Đặng Việt Nga (ái nữ của cố Tổng bí thư Trường Chinh) và người viết thư ngỏ này – Bùi Minh Quốc, toàn là con đẻ của Cách mạng, trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa cả. Nhân đây xin kể luôn, Hà Sĩ Phu sinh năm 1940 tại làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (cùng làng với thi sĩ Hoàng Cầm), vốn là một thầy giáo dạy cấp 2 tại Vĩnh Phú, được cử đi học Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp Cử nhân sinh học năm 1965, tốt nghiệp Phó tiến sĩ Sinh học (nay gọi Tiến sĩ) tại Cộng hòa XHCN Tiệp khắc năm 1981, là cán bộ giảng dạy tại Đại học Dược khoa Hà Nội, rồi cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Việt Nam; khi Viện thành lập Trung tâm Khoa học của Viện đặt tại Đà Lạt, ông tự nguyện xung phong rời Hà Nội vào đây nhận nhiệm vụ Phó giám đốc Trung tâm. Công trình về nuôi cấy mô và tế bào của ông đã trích đăng trên tạp chí Sinh học tháng 8.1984 và tháng 3.1991. Là một trong mấy Phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực này, nhưng năm 1986, ông đột ngột bị một Kỹ sư, cũng là Phó giám đốc Trung tâm, ngang ngược đẩy ra khỏi chức vụ. Vụ việc phi lý tệ hại này đã được thông tin rất cụ thể trên báo Lao động năm 1987 nhưng những người có trách nhiệm tại Viện Khoa học Việt Nam vẫn coi như không biết; Hà Sĩ Phu bị đẩy khỏi biên chế của Trung tâm, chuyển sang Trung tâm khác không hợp chuyên môn và cuối cùng đành về hưu lúc 53 tuổi.
Trở lại bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, ngay từ khi Hà Sĩ Phu trình bày trong phạm vi hẹp các trí thức văn nghệ sĩ nêu trên và tiếp đó khi hoàn chỉnh và chuyền tay bằng bản đánh máy, bài này đã được đồng tình tán thưởng mỗi lúc càng rộng rãi tuy thầm lặng. Luận điểm cơ bản của bài là khẳng định dứt khoát rằng động lực phát triển của xã hội loài người là trí tuệ chứ không phải đấu tranh giai cấp. Theo nhìn nhận của riêng tôi, trong phạm vi hoạt động lý luận Việt Nam mà tôi thấy được cho đến lúc ấy, đây là một luận điểm có tính phát hiện động trời, thách thức dữ dội luận điểm chính thống về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản đã kìm trí trói tay xã hội Việt Nam suốt bao năm ròng. Cũng cần nói luôn, chủ trương “Đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật…” của đại hội Đảng lần thứ 6 và lời hô “cởi trói” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã mở ra một không gian mới cho sự “mở miệng” hồ hởi của giới trí thức văn nghệ sĩ trong đó có Hà Sĩ Phu. Tôi đã viết sẵn “Lời tòa soạn” để chuẩn bị đăng trên tạp chí Lang Biang của Hội Văn Nghệ Lâm Đồng do tôi làm Chủ tịch kiêm Tổng biên tập. Ở Huế, tạp chí Sông Hương đã đăng lời báo tin sẽ đăng “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, tiếc rằng sau đó bị buộc phải thay bằng bài“Biện chứng và ngụy biện trong công cuộc đổi mới” cũng của Hà Sĩ Phu. Hà Sĩ Phu gửi bài cho Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhận được thư báo tin ân cần của nhà văn Xuân Thiều, Chánh văn phòng Hội. Tháng 10 năm 1989, tại đại hội lần thứ 4 của Hội, họp tại hội trường Ba Đình Hà Nội, tôi đã trao tặng bài này (gộp với một bài nữa của Hà Sĩ Phu in vi tính thành cuốn sách mỏng nhan đề “Suy nghĩ của một công dân”) cho đại hội, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương) thay mặt Chủ tịch đoàn đại hội đã trân trọng tiếp nhận.
Mặc dù bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” bị Ủy viên Bộ Chính trị Đào Duy Tùng trực tiếp phê phán trong “Đề cương dự thảo Cương lĩnh Đại hội VII”, nhưng nhà văn Ma Văn Kháng (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam) đã khéo léo đưa nhiều luận điểm của bài ấy vào tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” của ông xuất bản đầu những năm 90; trong hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” xuất bản tháng 10 năm 2009 (NXB Hội Nhà văn), ông đã thuật lại cụ thể việc đó khi dành hẳn một chương viết về người bạn cố tri Nguyễn Xuân Tụ – Hà Sĩ Phu. Các cán bộ lão thành, đảng viên lâu năm và các cựu chiến binh rất yêu mến, tin cậy vào con người và tiếng nói trung thực của Hà Sĩ Phu, đã tìm mượn cuốn hồi ký của Ma Văn Kháng đem photo truyền nhau, thấy phần viết về Hà Sĩ Phu bị cắt nhiều đoạn (thay bằng ký hiệu chấm chấm chấm) đã viết thư gọi điện cho tác giả yêu cầu cung cấp bổ sung những đoạn ấy. Tóm lại, dù chưa được chính thức thừa nhận, những luận điểm của Hà Sĩ Phu đã ghi được những dấu ấn nhất định, và sự quan tâm ngày càng rõ trong giới trí thức nước ta.
Thiết nghĩ cũng nên trích dẫn ra đây một số ý kiến đánh giá của đồng nghiệp qua thư gửi đến Hà Sĩ Phu mà ông cho tôi xem.
Thư của nhà văn Xuân Thiều:
Hà Nội ngày 4 tháng 7 năm 1989
Kính gửi đồng chí Hà Sĩ Phu! Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ 4 đã nhận được bài phát biểu của đồng chí “Dắt tay nhau, đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ” . Chúng tôi hoan nghênh sự tìm tòi mạnh dạn của đồng chí về những vấn đề xã hội đang rất nóng bỏng cũng như tấm lòng của đồng chí đối với Đại hội Nhà văn Việt Nam sắp tới. Tuy nhiên thời gian ở Đại hội hạn hẹp sẽ rất khó có điều kiện để trình bày bài phát biểu này. Xin đề nghị với đồng chí gửi cho các tạp chí, các báo để bài phát biểu của đồng chí được ra mắt trước bạn đọc rộng rãi. Kính chúc đồng chí sức khỏe, tiếp tục những công trình nghiên cứu mới đóng góp cho đất nước.
TM/Ban chuẩn bị Đại hội Nhà văn lần thứ 4
Xuân Thiều (đã ký)
Thư của Tạp chí SÔNG HƯƠNG:
Huế, ngày 24 tháng 4 năm 1989
Kính gửi anh Hà Sĩ Phu! Chúng tôi đã nhận được bài “Dắt tay nhau…” của anh .
Đây là một bài viết tốt, thẳng thắn, mạnh dạn và trung thực, chắc chắn sẽ được bạn đọc ủng hộ. Chúng tôi sẽ sử dụng bài viết này trong số tới (39) (*). Vậy chúng tôi kính báo để anh biết. Chúc anh khỏe, đóng góp cho SÔNG HƯƠNG chúng tôi những bài viết khác của anh.
TM Ban Biên tập, Biên tập viên Vương Hồng Nam (*).
Thư của nhà văn Ma văn Kháng:
Hà Nội ngày 15/6/89
…Trong hoàn cảnh hiện nay, bài “Dắt tay nhau…” quý giá ấy, cố gắng ra được ở những tờ báo, chưa cần là những chốn công luận có danh tiếng, là tốt và cần… Mình nghĩ… đã làm sao xài nổi thức ăn siêu đẳng này? Nói vậy thôi, ta vẫn cứ nên chờ…. Hay là cứ gửi thẳng bài ấy tới Tạp chí Cộng sản?…
16/9/93: Bài “Đôi điều suy nghĩ…” mình đọc ngay trong đêm đầu tiên nhận được.
Tuyệt! Sâu sắc, có hệ thống logic chặt chẽ và lập được thành một lý thuyết; ngoài ra là sự kín kẽ, chu đáo, trọn vẹn lý tình…
Thư của ông Vũ Văn Thanh, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Mác-Lê trường Đại học Dược khoa Hà Nội:
Hà Nội 24/11/88.
Chiều qua mình nhận được thư và bài viết của Tụ [bài “Dắt tay nhau…” ]. Vừa thú vị vừa kinh ngạc. Thú vị vì câu đối viếng đồng chí Trường Chinh , có dịp lên Viện Mác-Lênin mình sẽ đưa cho anh Đặng Xuân Kỳ, trưởng nam của đồng chí Trường Chinh; câu đối hay lắm, khái quát được cả cuộc đời, mà chữ nghĩa thì đúng nhà câu đối! Kinh ngạc vì mình không ngờ Tụ lại có những ý tưởng rất sâu sắc về một lĩnh vực vốn không phải của mình. Đó chính là Trí tuệ. Người ta có thể có trí thức, là người trí thức, nhưng có trí tuệ lại là chuyện khác.
Các trang 1,2,3,4 rất hay [bài “Dắt tay nhau…” 10 trang đánh máy]
Các trang sau phân tích rất hay, kèm theo một sơ đồ hệ thống rất sáng rõ tư tưởng người viết.
Sau ba bài lý luận cơ bản “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, “Suy nghĩ của một công dân” và “Chia tay ý thức hệ” nhằm góp phần xây dựng một nền lý luận cho con đường phát triển lành mạnh bền vững của Việt Nam, những năm gần đây Hà Sĩ Phu dành thời gian làm thơ, làm câu đối (ông có tập thơ và câu đối mang tên “Sáng trăng”xuất bản tại Pháp và Mỹ), đồng thời tập trung lên tiếng về hiểm họa mất nước bởi thế lực bành trướng trong giới cầm quyền Trung Quốc và bởi thái độ bạc nhược của một số người gánh vác việc dân việc nước Việt Nam. Nếu có chuyện ông “chống nhà nước” thì quả là ông đang chống cái nhà nước bành trướng phương Bắc, và luôn mong muốn Nhà nước ta mạnh lên bằng cách thật sự gắn bó máu thịt với nhân dân, đặt chiếc ghế quyền lực giữa lòng dân chứ không nên xoắn xuýt với cái quan hệ mười sáu chữ vàng giả dối nói một đằng làm một nẻo.
Dù một số người nào đó trong giới cầm quyền có nhân danh Đảng và Nhà nước, núp dưới một số điều khoản mơ hồ do họ cố ý cài đặt vào các quy định (như cái câu “những thông tin có nội dung chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam”) để đày đọa hành hạ sách nhiễu Hà Sĩ Phu thế nào đi nữa thì ai ai cũng chỉ ngày càng thấy rõ Hà Sĩ Phu là một nhà khoa học yêu dân yêu nước yêu tự do vào hàng mãnh liệt nhất, trung kiên bền bỉ nhất, và dứt khoát ông sẽ cứ như thế trọn đời, như lão thành cách mạng 95 tuổi Nguyễn Trọng Vĩnh: “Còn hơi thở còn lên tiếng!”.
Hà Sĩ Phu không đơn độc. Mái nhà xập xệ chật chội nép bên bờ đường Bùi Thị Xuân nồng nặc mùi nước cống mà vợ chồng ông trú ngụ lại là nơi các cán bộ lão thành, đảng viên lâu năm và các cựu chiến binh thường xuyên lui tới thăm hỏi và đàm đạo chuyện thế sự quốc sự. Bà Virginia E. Palmer, Phó đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt nam đã đến đây ngày 22.05.2009 thăm hỏi và vấn ý Hà Sĩ Phu về tình hình và lối ra của Việt Nam cũng không vì lý do nào khác ngoài ảnh hưởng về những bài lý luận của ông. Cuộc đến thăm của bà Phó đại sứ đã diễn ra tốt đẹp trong sự tôn trọng lịch lãm của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.
Việc đối xử với Hà Sĩ Phu không còn bó hẹp trong quan hệ giữa nhà nước với cá nhân ông nữa mà quan hệ tới toàn thể giới trí thức có tư duy và tư thế độc lập của Việt Nam, do đó quan hệ đến quốc thể.
Một người như Hà Sĩ Phu mà không được dùng điện thoại và đường truyền internet, vì bất cứ lý do gì, là một sự phi lý không thể chấp nhận được.
Muốn cắt điện thoại của Hà Sĩ Phu, hãy cho xuất bản các tác phẩm của Hà Sĩ Phu và dùng mấy trăm báo đài của nhà nước phân tích phê phán, đồng thời đăng bài Hà Sĩ Phu tự bảo vệ mình, nếu tìm được chỗ nào có nội dung “chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam” thì khởi tố truy tố đưa ra tòa xét xử và việc cắt điện thoại chỉ được thực hiện theo phán quyết của tòa mà thôi.
Trong khi chờ đợi một sự ứng xử nghiêm túc đúng pháp luật như thế, cần nối lại ngay điện thoại và đường truyền internet cho Hà Sĩ Phu, đấy mới là thượng sách của một nhà nước tử tế.
Đà Lạt 22.05.2010
BMQ