Rối loạn tại Thái Lan tạm chấm dứt nhưng vấn đề của xã hội Thái còn nguyên. Thực chất đó là mâu thuẫn lợi ích của nhóm thiểu số đặc quyền với lợi ích của đa số yếu thế và vẫn được coi là “thầm lặng” trong một xã hội có vẻ “ổn định” – vấn đề của mọi xứ sở mới ra khỏi ách độc tài.
Ai đã qua xứ Thái cũng có thể nhận thấy người dân Thái hết sức hiền lành, chất phác. Nhưng rồi cũng đến lúc họ nổi giận đến mức không tự kiểm soát nổi. Bài viết trên BBC dẫn lời một nhà xã hội học người Thái giấu tên nói rằng “trong những năm gần đây, hoạt động chính trị đã trở thành con số không, khi mà tiếng nói của một xã hội dân sự, của các học giả và của nền truyền thông đã bị ép phải câm lặng. Ông nói người nông dân Thái nay không còn là những đối tượng nghèo nàn, thất học nữa. Họ muốn được hưởng phần lớn hơn trong miếng bánh kinh tế, và họ muốn có tiếng nói trong xã hội. “Liệu nhà cầm quyền VN có rút ra được bài học nào từ đây, hay cứ chỉ khăng khăng tuyên bố những phản ứng, phản biện của trí thức, nông dân, công nhân, tín đồ các tôn giáo, các nhà đấu tranh dân chủ là “diễn biến hoà bình”, “âm mưu lật đổ” và chỉ tìm cách đối phó bằng những hình thức bạo lực công khai cũng như giấu mặt?
Hoàng Hưng
Sau hai tháng tương tàn với hàng chục người bị giết chết trong cuộc chiến chính trị dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát, một số người Thái đang lo sợ là xã hội nước này đã bị tổn hại nghiêm trọng.
Ngay khi nhìn thấy các hậu quả của việc quân đội tiến vào khu lều trại của phe biểu tình áo đỏ, người ta đã nói tới mối hiểm họa về một cuộc nội chiến và tình trạng nổi dậy trên diện rộng.
Người ta nói về sự thù hận và chia rẽ trong xã hội Thái hiện nay.
Ở đất nước này, đã xảy ra tình trạng bắn giết giữa binh lính với người biểu tình, các vụ bạo loạn, rồi việc tuyên bố khu vực trung tâm của thủ đô là vùng thảm họa.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã lên tiếng về việc hòa hợp, hòa giải giữa các lớp người trong xã hội.
Phân rẽ xã hội
Các nhà phân tích nhất trí rằng ông Abhisit không có gì nhiều để có thể thương lượng một cách rõ ràng, thành thực với phe áo đỏ.
Bởi họ không phải là những tay súng trong hàng ngũ áo đỏ, những người đã ném bom xăng, nã súng và phóng hỏa đốt nhà.
Họ là những con người có lý tưởng, đã lặn lội từ các vùng quê đổ về dựng lều trại trên các đường phố Bangkok. Không phải vì tiền mà vì muốn đòi công lý, bình đẳng. Và họ giận dữ trước cái mà họ gọi là tiêu chuẩn kép.
Chính phủ tiếp tục bôi xấu phe áo đỏ, coi họ là “những kẻ khủng bố”, hoặc đơn giản hơn, là những người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Các nhà phân tích nói rằng điều này đã phớt lờ đi những vấn đề mà phong trào đòi thay đổi đã đưa ra.
Một trong số đó là liệu ông Abhisit nay có khả năng vượt qua được những cảm giác ác cảm từ cả hai phía, để dẫn dắt các nỗ lực hòa giải được không.
Tất nhiên, phe áo đỏ đã mất đi sự ủng hộ từ tầng lớp trung lưu, vốn đang chú tâm tới việc hơn 30 tòa nhà trên toàn quốc đã bị phóng hỏa.
Vai trò trong xã hội
Một nhà xã hội học giấu tên nói rằng trong những năm gần đây, hoạt động chính trị đã trở thành con số không, khi mà tiếng nói của một xã hội dân sự, của các học giả và của nền truyền thông đã bị ép phải câm lặng.
Ông nói người nông dân Thái nay không còn là những đối tượng nghèo nàn, thất học nữa. Họ muốn được hưởng phần lớn hơn trong miếng bánh kinh tế, và họ muốn có tiếng nói trong xã hội.
Câu hỏi là liệu ông Abhisit cùng các cộng sự trong Cính phủ của ông có khả năng chấp nhận chuyện này, và có hành động thích hợp hay không.
Một phân tích gia cho rằng tình trạng bạo lực vừa rồi cũng có khía cạnh tích cực, bởi nó có thể gây sốc cho giới quý tộc cầm quyền, buộc họ phải xem xét kỹ hơn tới những câu hỏi đó.
Nếu Cính phủ không có phản ứng nhanh chóng, hào phóng và kịp thời, các vấn đề đằng sau các cuộc biểu tình có thể sẽ đặt nền móng cho tình trạng bạo lực ghê gớm hơn nữa bùng nổ.
Những người lo sợ về tình trạng bạo lực tiếp diễn cho rằng xã hội Thái vào thời điểm này đã bị phân rẽ hơn so với hai tháng trước, bởi các cuộc biểu tình đã diễn ra quá lâu.
Các nhà phân tích cảnh báo nếu như Cính phủ không xử lý khéo léo, thì sẽ có nhiều người đang sẵn sàng đẩy phong trào áo đỏ lên tới mức cực đoan hơn nữa.
Nguồn: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.oop.pb.hx/ivrganzrfr/jbeyq/2010/05/100522_gunvynaq_shgher.fugzy