Nhân cách văn hóa trong ứng xử với đối tượng nghệ thuật – Văn hóa dân gian: con người – sự nghiệp…

Đây là tham luận của ông Hải Liên (Ninh Thuận) tại đại hội Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa qua tại Hội trường Bảo tàng HCM – Hà Nội. Bài viết quyết liệt, đau đớn, chỉ ra những vệt đen của việc tổ chức các lễ hội dân gian VN, thực ra nó là chuyện… tiền, là chuyện chạy chọt kiếm chác, đến nỗi thầy trò cùng là NSND phải lôi nhau lên báo bôi nhau, đến nỗi ông Ksor Phước yêu cầu QH giám sát Chính phủ việc tưng bừng mở lễ hội, chen nhau xem pháo hoa và kẻ khẩu hiệu sai bét nhè, bắt lính Trung Quốc bồng súng dưới cờ VN… Đọc mà đau, mà xót, và hụt hẫng, rồi lo, cứ đà này rồi sẽ như thế nào với di sản, với dân tộc và với nhân dân…

Post lên đây một đoạn trích như là sự cộng hưởng với ông Hải Liên, người lính già mà trái tim ngùn ngụt lửa, dù nó đụng đến cả một bác Thứ trưởng…

Văn Công Hùng

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: xuantoan.vnweblogs.com

Toàn cảnh đại hội. Ảnh: xuantoan.vnweblogs.com

Kính thưa quý vị đại biểu và các bạn. Với thời lượng cho phép được nói 10 phút, tôi chỉ xin được nói hai ý của một điều đã trải qua trong quá khứ gần: Một cần phải kịch liệt phản đối, ngăn chặn, và một cần phải tôn vinh, phát huy.

Ý thứ nhất tôi muốn nói là: Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều Nghị quyết về lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, về bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc và Hội của chúng ta trong những năm qua đã lặng lẽ, âm thầm, cố gắng hết mình, góp phần thực hiện hóa những nghị quyết  ấy với chức năng, nhiệm vụ của mình. Thế nhưng cùng trong một hàng trận văn hóa, lại có sự đối đầu ngược chiều với chúng ta, những điều mắt thấy, tai nghe trong những ngày qua không thể không kịch liệt lên án, loại trừ. Vì nếu làm ngơ, chúng ta sẽ tự phủ định chính mình. Đó là sự lợi dụng về văn hóa dân gian của các tộc người để kiếm tiền qua quảng bá du lịch, hoặc là đạo diễn, dàn dựng các chương trình lễ hội dân gian:

– Ở Hội An trong dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện thánh địa Mỹ Sơn, không biết Hội An đã mời ông đạo diễn và biên đạo múa nào dàn dựng chương trình múa Chăm, có đoạn đưa ra hình tượng song đôi, Công chúa Huyền Trân và Chế Mân như một đám cưới Chăm – Việt để gọi là “đoàn kết dân tộc”. Họ cho 2 thanh niên ăn vận quần áo, chít khăn chẳng biết là dân tộc nào, mỗi người đeo qua vai một chiếc trống dài hình quả bí trắng mà người Chăm gọi là hagăr sit, ra trước cô dâu, chú rể vỗ trống liên hồi ngợi ca tình yêu “vượt qua biên giới”.

Thế nhưng họ có biết đâu các nghệ nhân người Chăm chuyên sản xuất trống kèn ở các làng Chăm không bao giờ dám làm loại trống này nếu không phải vì mục đích để tấu trong lễ hỏa táng của người Chăm Bàlamôn. Vì thiếu hiểu biết về nhạc cụ Chăm, vì túi tiền, họ đã đem nhạc cụ lễ tang vào đám cưới Chăm – Việt, gây nên nhiều nguy hiểm về tâm lý dân tộc, về dư luận xã hội Chăm mà họ không hề hay biết! Hiện tượng như thế này hầu như ở các điểm du lịch đi đến đâu chúng ta cũng bắt gặp.

– Vừa qua tại Gia Lai có Festival cồng chiêng quốc tế, tổ chức hoành tráng, công phu, chắc chúng ta đều thấy trên tivi… Thế nhưng chúng tôi, những đoàn cồng chiêng đến từ các tỉnh đều cảm thấy bị xúc phạm. Tại Quảng trường khai mạc và bế mạc, người ta dựng 3 sân khấu trung tâm nối dài, sân khấu chính giữa cao chừng 2 m, sân khấu hai bên thấp hơn khoảng 0,5 m. Tất cả ánh sáng cực mạnh của hơn 100 đèn pha chớp nháy xanh, đỏ đều tập trung vào sân khấu trung tâm, đối diện với quan khách. Đây chính là nơi phô diễn của các tiết mục múa của các biên đạo trên nền nhạc sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ở dưới sàn đất và hai bên hông sân khấu lớn là nơi dành cho các đoàn mang cồng chiêng của các tộc người từ các tỉnh đến Gia Lai. Khi các diễn viên Gia Lai nhảy múa trên 3 sân khấu cao, nhạc của Nguyễn Cường nổi lên, đạo diễn bảo các đoàn ở dưới đất, trong ánh sáng tù mù, tấu cồng chiêng của mình để hòa nhịp. Thưa các bạn, hòa nhịp làm sao được. Ví như đoàn Raglai Ninh Thuận đã chọn và luyện tập đổ mồ hôi, sôi nước mắt dưới mưa bão với những bài nhạc Mã lai hay nhất như là Atoq ruwơ, Ruwơ Poriyu Chrao, Atoq Pakruk… có nhịp 3/4 – 12/8 để tham dự liên hoan ở Quảng trường này nhưng phải bó tay, đành phải “đánh hôi” theo tiết tấu các bài nhạc tràn lan trên sân khấu lớn, chẳng khác gì một đám “nô lệ” bên dưới đang tung hô gia chủ đứng trên đầu mình. Ngoài Quảng trường lớn này còn có 3 công viên dành cho các đoàn trình diễn vào ban ngày. Nhưng công viên nào cũng chỉ có sân khấu một mặt để biểu diễn văn nghệ hiện đại. Đoàn nào mang đi các trích đoạn lễ hội truyền thống để diễn tấu nhạc lễ cồng chiêng với một sàn diễn bốn mặt đều phải “ngậm đắng, nuốt cay”, bó mình vào cái sân khấu “nhạc rock” này! Thế nhưng trong 3 ngày đến diễn tại các công viên, nghệ nhân các đoàn đông gấp nhiều lần khán giả và chẳng thấy mặt trợ lý đạo diễn cũng như tổng đạo diễn đâu cả! Cái tội xem thường các tộc người anh em và bè bạn các nước láng giềng, cái lỗi bắt người ta phải theo mình với quan điểm “bôi son, trát phấn”, “cách tân” làm méo mó nghệ thuật dân gian cồng chiêng hoàn toàn không phải lỗi của các đoàn mà tất cả đều do tác giả kịch bản, nhạc sĩ, biên đạo múa và cao hơn hơn hết là người chịu trách nhiệm đứng đầu, vừa đóng vai trò chỉ đạo nghệ thuật lại vừa là tổng đạo diễn của cuộc liên hoan có tính quốc tế này. Đó là vì tổng đạo diễn từ Hà Nội vào chỉ đạo mọi việc. Đáng tiếc, đáng buồn và đáng phải nói lên vì đó là vị Thứ trưởng Lê Tiến Thọ của Bộ VHTT&DL, không ai khác! Phải chăng đây là những biểu hiện ứng xử thuộc về NHÂN CÁCH của những con người mang danh hiệu “chiến sĩ văn hóa”?

Việc này không phải nhỏ. Từ Đại hội này, tôi xin kiến nghị với Ban tuyên giáo Trung ương nên mở một cuộc hội thảo về bảo tồn di sản – tài sản văn hóa dân gian của các tộc người như thế nào trong các cuộc liên hoan nghệ thuật dân gian và qua việc quảng bá du lịch, qua đó đánh giá lại về liên hoan cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai vừa qua.

Kính thưa Đại hội,

Ý thứ hai tôi muốn nói đó là NHÂN CÁCH VĂN HÓA của những người làm công việc sưu tầm – nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy của chúng ta.

Sau chiến tranh, từ 25 năm trở lại đây, nhất là qua 3 nhiệm kỳ của Hội sau này, tôi vô cùng may mắn và hạnh phúc được làm người Hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam như “chuột rớt vô chĩnh nếp” nhà nghèo. Làm người hội viên của Hội không lương nhưng no đủ về tinh thần, tình nghĩa, làm được nhiều việc có ích cho đời. Tại sao lại no đủ về tinh thần, tình nghĩa? Vì văn hóa dân gian là VĂN HÓA MẸ. Được làm việc vì Mẹ, giúp Mẹ, tôn vinh Mẹ là không muốn mình trở thành đứa con bất hiếu của Người. Vì Hội VNDG chúng ta là Hội tuy có nhiều học hàm, học vị nhưng là một Hội hiền lành nhất, một Hội cần mẫn, nói ít, làm nhiều, âm thầm hoạt động nhưng làm được nhiều việc mà vài mươi năm sau những giá trị đích thực của nó mới phát sáng như hồng ngọc vốn ẩn mình trong bùn, trong đá vậy.

Hơn thế nữa được làm việc trong Hội VNDG Việt Nam mà người đại diện là các thành viên trong BCH là được sống với những con người có NHÂN CÁCH VĂN HÓA qua ứng xử với con người và sự nghiệp từ trung ương xuống các địa phương. Điều này tưởng rất bình thường nhưng nó là một nhân tố quyết định làm nên kết quả của kế hoạch “Tầm nhìn 2010” và các nhiệm kỳ trước đó. Nội bộ lãnh đạo mà xa rời cơ sở, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, ganh tị, xoi mói lẫn nhau thì ở cơ sở mà đại đa số là những hội viên không lương chỉ còn biết “ngồi chơi xơi nước”, luận bàn thời sự “cấp đôi” chứ đâu có được như ngày hôm nay. Tổ chức Đại hội mà đến để giành ghế, để choảng nhau thì đó là hội tề xôi thịt chứ đâu còn là Hội Nguồn Sáng Dân Gian nói ít làm nhiều như Hội của chúng ta. Đáng mừng là suốt trong mấy chục năm qua Hội của chúng ta, nhất là các Ban chấp hành đã không lây nhiễm những điều đã nói. Tất nhiên, chúng ta vẫn còn những thiếu sót, hạn chế nhưng chúng ta có quyền tự hào về cái HỘI DÂN DÃ HIỀN LÀNH mà THẬT THÀ, TỐT BỤNG, TRUNG THỰC NGHĨA TÌNH, ANH NGÃ EM NÂNG là những tiêu chí không thể thiếu được của những người lãnh đạo và tất cả hội viên của Hội VNDG Việt Nam của chúng ta…

HL

Nguồn: http://vanconghung.vnweblogs.com/post/1026/231128

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.