BVN đưa cùng lúc hai nguồn tin dưới đây về phiên họp quốc hội Việt Nam sắp tới. Tuy chỉ mới là thông tin dọn đường của bộ phận Văn phòng Quốc hội, chúng ta cũng có thể biết trong phiên họp sắp tới, hai vấn đề trọng đại sẽ được đưa ra bàn thảo và đều là hai vấn đề mà giới chuyên gia không mấy mặn mà về tính khả thi của chúng: Đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030 có tính đến 2050 và Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Trên BVN đã đăng một loạt bài viết xoay quanh hai vấn đề nói trên. Viển vông, duy ý chí, hay vụ lợi, chỉ muốn làm cho nổi đình nổi đám (và cả nổi cộm túi) trong nhiệm kỳ của mình còn mọi việc về sau sai hỏng ra sao người khác sẽ phải gánh, đó gần như là đặc điểm tư duy của người chấp chính trong thời buổi chụp giật hiện nay. Xin chờ xem Quốc hội sẽ phán xét ra sao về hai đại kế hoạch rất hoành tráng nhưng cũng đầy tai tiếng này, kể từ khi được loan tải trên các phương tiện truyền thông hoặc được đưa ra thăm dò dư luận.
Bauxite Việt Nam
Đường sắt cao tốc: Quốc hội quyết trước, hiệu quả tính sau
Nguyên Hà
Quốc hội sẽ có nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM tại kỳ họp thứ bảy, còn hiệu quả đầu tư sẽ được xem xét sau khi có báo cáo khả thi.
Thông tin này đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đồng thời cũng là người phát ngôn của Quốc hội, ông Trần Đình Đàn khẳng định khi trả lời câu hỏi của VnEconomy xung quanh dự án này tại buổi họp báo chiều 17/5.
Sẽ “cung cấp đầy đủ thông tin”
Theo thông tin cung cấp cho báo chí tại buổi họp báo, mặc dù tán thành với đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM, song Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường, cơ quan thẩm tra dự án, đề nghị chưa quyết định cụ thể tại kỳ họp thứ bảy “để các đại biểu Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, xem xét”.
Theo Ủy ban này, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ, trong đó có hiệu quả kinh tế tổng hợp của dự án trong cân đối chung giữa vốn đầu tư – lợi ích kinh tế do dự án mang lại. Đồng thời Ủy ban cũng đề nghị phân tích đầy đủ nợ quốc gia của nước ta hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Ông Đàn giải thích, những vấn đề này cùng với băn khoăn của nhiều ý kiến được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng gần đây – được nêu tại câu hỏi của VnEconomy – sẽ được làm rõ tại báo cáo khả thi sau khi Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức, dự án xin Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư lần này mới chỉ là báo cáo đầu tư nên không cần phải có những nội dung chi tiết. “Bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể hơn”, ông Đức nói.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến những cảnh báo về vấn đề nợ công của một số ủy ban của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, tuy không bố trí thời gian thảo luận riêng về vấn đề này, “song không có nghĩa là vấn đề này không được quan tâm và thảo luận”.
Ông Dũng cũng cho biết, ngoài thời gian thảo luận về kinh tế, xã hôi, ngân sách, Quốc hội sẽ cho ý kiến về đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học cũng nằm trong chương trình kỳ họp.
Về những vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm như kết quả thực hiện xây dựng dự án nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, tình hình thực hiện các dự án thủy điện, các tổ chức kinh tế nước ngoài thuê đất trồng rừng…, ông Đàn cho biết sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu.
Thông qua Luật Ngân hàng (sửa đổi)
Phó chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ bảy, khai mạc ngày 20/5 và sẽ diễn ra trong khoảng một tháng, Quốc hội dành nhiều thời gian cho chương trình lập pháp.
10 dự án luật sẽ được xem xét, thông qua, gồm: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Thuế nhà đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật thi hành án hình sự; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật Bưu chính; Luật Trọng tài thương mại và Luật an toàn thực phẩm.
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.
6 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến gồm Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật Viên chức; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật khoáng sản (sửa đổi).
Câu hỏi về nguyên nhân cũng như trách nhiệm cụ thể khi một số dự án luật phút chót đã được rút ra khỏi chương trình kỳ họp như dự án Luật Biển Việt Nam, Luật Thủ đô, Luật đầu tư công… cũng được các phóng viên nêu ra tại buổi họp báo.
Theo ông Đàn, Luật Biển Việt Nam còn cần thời gian chuẩn bị thêm. Còn sự chậm trễ của các dự án luật khác trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan soạn thảo.
Cũng như các kỳ họp trước, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, khai mạc, bế mạc, giám sát chuyên đề và thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách… tại kỳ họp này sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
QH mổ xẻ những chỉ tiêu Chính phủ chưa thực hiện được
Mạnh Hùng
“Quốc hội sẽ mổ xẻ và làm rõ những chỉ tiêu Quốc hội đặt ra nhưng Chính phủ chưa thực hiện được, đồng thời có những giải pháp cấp bách để khắc phục tình trạng này”.
Đó là một số nội dung chính tại buổi họp báo ngày 17/5 giới thiệu Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII sẽ khai mạc vào 20/5 tới đây.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông quan 10 dự án Luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án Luật.
Nhiều mục tiêu Quốc hội đặt ra Chính phủ chưa đạt
Theo Phó chủ nhiệm QH Nguyễn Sĩ Dũng, ngoài việc thảo luận và thông qua các dự án luật Quốc hội cũng sẽ nghe và thảo luận báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm 2009 và kế hoạch 2010. Đồng thời đưa ra các giải pháp chủ yếu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và điều hành ngân sách Nhà nước đến hết năm 2010.
Theo ông Dũng, qua tổng hợp 25 chỉ tiêu Quốc hội thông qua chỉ có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý là tốc độ tăng trường GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Một số các chỉ tiêu khác của kinh tế vĩ mô cũng chưa thật ổn định, bội chi ngân sách nhà nước ở mức cao 6,9% so với GDP; dư nợ Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh. Số lao động được đào tạo việc làm trong năm chỉ đạt khoảng 89% so với kế hoạch. Việc xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường chuyển biến còn chậm, nhiều chỉ tiêu về môi trường không đạt kế hoạch đề ra…
Ngoài ra đối với chỉ tiêu mà Chính phủ đề xuất Quốc hội là thay đổi mục tiêu khống chế lạm phát từ 7%/năm lên 8%/năm đại diện Văn phòng Quốc hội cho biết: Chính phủ đặt ta mục tiêu khống chế lạm phát 8% căn cứ vào tình hình giá cả 4 tháng đầu năm.
“Mục tiêu khống chế lạm phát 7% rất khó khăn. Do vậy, Chính phủ đưa ra con số 8%. Nếu đạt được mục tiêu này thì lãi suất tiết kiệm sẽ giảm xuống, tác dụng lớn đối với nền kinh tế”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn khẳng định.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Trần Đình Đàn thông báo một số hoạt động giám sát của Quốc hội đối với những vấn đề dân sinh cấp bách trước mắt.
Cụ thể liên quan đến vấn đề cung cấp điện, thiếu điện, cắt điện, ông Đàn cho hay: Qua kiểm tra, giám sát về tình hình cung cấp điện tại các địa phương, Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công thương sớm có các giải pháp khắc phục thiếu hụt điện. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có các nhà máy nhiệt điện, thủy điện lớn. Do vậy, khó có thể khắc phục việc thiếu điện một sớm một chiều.
Theo đề xuất của ông Trần Đình Đàn, từ kết quả kiểm tra đó cần áp dụng các biện pháp như, cắt điện các cơ quan hành chính và ưu tiên cung cấp điện cho sản xuất. Nếu cắt điện sản xuất, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ảnh hướng tới việc làm và cuộc sống của hàng triệu lao động.
Quốc hội sẽ cho ý kiến về quy hoạch Thủ đô
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho hay, theo luật định Quốc hội không phải quyết định thông qua đề án này.
Tuy nhiên, tại kỳ họp tới, QH sẽ tập trung thảo luận 4 vấn đề về quy hoạch Hà Nội, gồm: Thực trạng và quản lý quy hoạch Thủ đô, so sánh đời sống xã hội của người dân khu vực Hà Tây trước và sau khi sáp nhập vào Hà Nội; Phương án duy trì bản sắc văn hoá dân tộc; xem xét về di chuyển trung tâm hành chính của Thủ đô mới và phương án tài chính cho quy hoạch, định hướng quy hoạch Thủ đô phải phải tránh đột biến về giá bất động sản.
Cũng theo ông Trần Đình Đàn, song song với thảo luận của Quốc hội, Chính phủ cũng cần phải tiếp tục lấy ý kiến nhân dân ở các vùng miền Bắc-Trung-Nam.
“Nếu thấy đồ án chưa có sức thuyết phục thì QH sẽ tham gia góp ý kiến bằng văn bản để Chính phủ có những lựa chọn, tìm ra phương án tối ưu nhất”, ông Đàn cho hay.
Cũng theo thông báo của ông Trần Đình Đàn, tại kỳ họp thứ 7, QH cũng sẽ nghe báo cáo và thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – TP.HCM.
Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề như: Cơ sở lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc ở VN trong giai đoạn hiện nay, trong khi chỉ rất ít các quốc gia trên thế giới áp dụng; Hiệu quả kinh tế tổng hợp của dự án trong cân đối chung giữa vốn đầu tư và lợi ích kinh tế do dự án mang lại; Tính khả thi của công tác quy hoạch, khả năng đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; giá thành đầu tư; tính hợp lý trong dự án vốn và phương thức huy động vốn; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân; các biện pháp để đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu cao tốc trong hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam; phân tích đầy đủ nợ quốc gia của nước ta hiện nay và trong thời gian tới khi đầu tư dự án, đảm bảo nợ quốc gia luôn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước…
MH
Nguồn: http://www.laodong.com.vn/NewsGrabber/News.aspx?newsid=208752