Tư liệu: Thông cáo Thượng Hải (27-02-1972)

Ngày 21/2, Tổng thống R. Nixon đến Bắc Kinh. Thủ tướng Chu Ân Lai ra đón, bắt tay Tổng thống Mỹ và nói: “Bàn tay của ngài đã vượt qua đại dương lớn nhất thế giới: 25 năm vắng bóng đối thoại.”. Ngày 27 tháng 2 năm 1972, Trung Quốc và Hoa Kỳ ra Thông cáo Thượng Hải. Đó là một tuần làm thay đổi thế giới, nói như nhà sử học Margaret MacMillan thuộc Trường đại học Toronto trong quyển sách Nixon và Mao (Nxb. Random House, 2007) của bà. Với bản Thông cáo này, Trung Quốc buộc Mỹ chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc”, mở đường cho việc đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc, để nhường chỗ cho Trung Quốc lục địa. Trung Quốc đạt được thắng lợi rực rỡ đó bằng cách nào? Tại sao nay Tổng thống Mỹ lại chủ động bắt tay Thủ tướng Chu Ân Lai trong khi 28 năm trước, ở Hội nghị Geneva, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles, gần như một hành động sỉ nhục công khai, không chịu bắt tay Thủ tướng họ Chu? Câu trả lời rõ như ban ngày: Cuộc chiến tranh Việt Nam đẩy Mỹ vào đường hầm, mà dường như Trung Quốc là ánh sáng le lói, dẫn Mỹ thoát thân. Mỹ cần Trung Quốc giúp giải quyết chiến tranh Việt Nam. Và Trung Quốc đáp ứng. Thông báo Thượng Hải chẳng qua là một chuyện buôn bán; Việt Nam là món hàng của Trung Quốc bán cho Mỹ.

38 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Nhưng cần phải nhắc đến Thông báo Thượng Hải qua bài báo sau đây đăng trên http://www.pbs.org, để cho những ai còn ngủ mê hoặc tự tiêm ma túy cho mê, thấy rằng cái gọi là “tình đồng chí”, “tinh thần quốc tế vô sản”, “16 chữ vàng”, vân vân, chỉ là cái lá nho che đậy dã tâm của nước lớn, vì quyền lợi của mình sẵn sàng bán tất tần tật những gì hàng ngày vẫn ca tụng, nếu được giá.

Anh Hoàng

Ngày 27 tháng 2 năm 1972, Hoa Kỳ và Trung Quốc ban hành một thông cáo chung, đỉnh cao của chuyến viếng thăm lịch sử kéo dài một tuần tới Cộng hòa Nhân dân [Trung Hoa] của Nixon và Kissinger. Kissinger đã bắt đầu đưa ra bản thảo Thông cáo Thượng Hải với Chu Ân Lai vào tháng 10 năm trước, khi ông ta gặp thủ tướng Trung Quốc tại Bắc Kinh để đặt nền tảng cho chuyến thăm sắp tới của Nixon. Kissinger tiếp tục đưa ra các chi tiết trong hội nghị thượng đỉnh tháng 2 năm 1972, thường là vào những lần họp khuya với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kiều Quán Hoa.

Theo thông cáo, cả hai nước cam kết đi đến “bình thường hóa” quan hệ, và để mở rộng “tiếp xúc giữa người với người” cùng các cơ hội làm ăn. Trong một tham chiếu úp mở dành cho Liên Xô, thông cáo tuyên bố rằng trong hai quốc gia, không nước nào “tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và mỗi nước chống lại các nỗ lực của bất kỳ nước nào khác hoặc nhóm các nước khác để thiết lập quyền bá chủ”.

Trước các cuộc đàm phán, nhận ra rằng Trung Quốc và Mỹ có nhiều quan điểm không thể dung hòa được, Chu Ân Lai đề nghị một bản thông cáo không chính thống. Hai bên nhất trí về cơ bản không đồng ý, mỗi bên nêu rõ quan điểm của mình trong các phần riêng biệt khi cần thiết. Về vấn đề Việt Nam gai góc, ví dụ, Hoa Kỳ xác nhận kế hoạch hòa bình mới nhất của Nixon, trong khi Trung Quốc bày tỏ sự hỗ trợ vững chắc cho các đề nghị của cộng sản.

Tuy nhiên, bất chấp kế hoạch về các tuyên bố đơn phương, Đài Loan vẫn là một trở ngại trong suốt quá trình đàm phán. Trong khi đang tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, nhưng về Đài Loan Hoa Kỳ vẫn chính thức công nhận chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch.

Thực ra, Hoa Kỳ đã đi từng bước nhỏ hướng tới một chính sách “hai Trung Quốc” trong nhiều năm. Chỉ bốn tháng trước đó, khi Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu về việc có nên thừa nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa hay không, Mỹ đảo ngược [quan điểm] đối lập 20 năm để bố trí chỗ ngồi cho Trung Quốc, nhưng phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm trục xuất Đài Loan. Cuối cùng, Mỹ đã không còn tranh đấu cho chuyện cả hai cùng có đại diện. Trung Quốc đã được nhận vào Liên Hiệp Quốc, Đài Loan đã bị loại ra – và Mỹ được để mặc chơi trò tung hứng quan hệ với hai nước mà cả hai đều thấy mình là chính phủ hợp pháp duy nhất của cả Trung Quốc.

Trung Quốc coi sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đài Loan là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và ép quân đội Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi hòn đảo. Nixon và Kissinger muốn điều kiện rút quân phải có sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc kết thúc chiến tranh Việt Nam. Và trong khi Trung Quốc xem quan hệ của mình với Đài Loan là một vấn đề hoàn toàn nội bộ, được xử lý theo cách nào họ thấy phù hợp, thì Mỹ khăng khăng Trung Quốc giải quyết vấn đề Đài Loan mà không được sử dụng vũ lực.

Cuối cùng, cả hai bên đã nhượng bộ. Như Henry Kissinger đã viết trong hồi ký của mình, cả Mỹ lẫn Trung Quốc, không bên nào muốn vấn đề Đài Loan là trở ngại trong mối quan hệ mới giữa hai bên: “Chủ đề cơ bản trong chuyến đi của Nixon – và Thông cáo Thượng Hải – là để vấn đề Đài Loan lại cho tương lai, để hai nước lấp cái hố ngăn cách hai mươi năm và theo đuổi chính sách song song nơi mà hai bên có cùng quyền lợi”.

Hoa Kỳ tuyên bố “mối quan tâm của họ trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan là do chính người Trung Quốc”, và khẳng định tất cả số quân Mỹ rút khỏi hòn đảo như là “mục tiêu cuối cùng”. Hoa Kỳ cũng đồng ý “giảm dần các lực lượng và các căn cứ quân sự ở Đài Loan để giảm căng thẳng trong khu vực”, do đó cho phép Trung Quốc giúp giảm bớt chiến tranh Việt Nam.

Về phần mình, Trung Quốc kiên quyết bác bỏ bất kỳ sự tính toán nào về “hai nước Trung Quốc”, tuyên bố dứt khoát rằng “Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc” và “Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc”. Hoa Kỳ đã khéo léo thừa nhận “rằng tất cả người Trung Quốc ở hai bên eo biển Đài Loan duy trì một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc,” nhưng tránh các câu hỏi ai nên lãnh đạo “nước một Trung Quốc” này.

Phản đối vào phút cuối của Ngoại trưởng Rogers được xem như là một sự lảng tránh. Nixon và Kissinger đã cố tình giữ Rogers và nhân viên của ông ngoài các cuộc đàm phán về thông cáo, và khi các viên chức Bộ Ngoại giao cuối cùng đã nhìn thấy văn bản, họ đã phản đối ngay lập tức.

Tất cả các đối tác có ký hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ ở châu Á đã được được gọi tên cụ thể – ngoại trừ Đài Loan. Khi Rogers cố gắng đưa vấn đề để Nixon chú ý, Tổng thống giận dữ. Nixon biết ông không thể bỏ các cam kết của Mỹ dành cho Đài Loan mà không hứng chịu cơn thịnh nộ của những người ủng hộ bảo thủ của ông ở nhà. Ông không có đủ khả năng đón nhận hình ảnh xấu trước công luận nếu Rogers đã phá vỡ tôn ti và “rò rỉ” thông tin cho báo chí. Rogers đã cố gắng đưa thông cáo trở lại bàn đàm phán – làm Nixon và Kissinger bực mình – nhưng cuối cùng, cả hai bên chỉ đơn giản là bỏ tất cả những chỗ nhắc tới các đối tác có ký hiệp ước với Hoa Kỳ, thay vì ép buộc trong vấn đề Đài Loan.

Thực tế, Nixon và Kissinger đã đi xa hơn nữa về Đài Loan trong đàm phán riêng của họ với Chu hơn là trong thông cáo. Các ghi chép và bản ghi theo băng thu âm được tiết lộ trong thời gian gần đây cho thấy phía Mỹ đã đề nghị Chu bảo đảm rộng rãi rằng họ dự định mở quan hệ ngoại giao đầy đủ với Bắc Kinh càng sớm càng tốt – và đã sẵn sàng hy sinh Đài Loan để làm điều đó. Tuy nhiên, theo sau vụ bê bối Watergate, Nixon đã không thể thực hiện những lời hứa hẹn này, và Hoa Kỳ không thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc cho đến năm 1979.

Tuy nhiên, một khi thông cáo Thượng Hải đã được ban hành, các văn bản đã được đặt trên tường. Như ông James Mann, nhà báo và học giả Trung Quốc, đã viết: “…Bước đột phá của Nixon là nhằm truyền đạt sự chấp nhận của Mỹ, lần đầu tiên, về kết quả của cuộc nội chiến Trung Quốc và thất bại của Tưởng Giới Thạch. Hoa Kỳ ngừng thách thức quyền lực cai trị đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc…. Việc chấp nhận người Mỹ (trong thông cáo) và, thật ra để nắm lấy (trong các cuộc hội đàm riêng tư của Nixon) chính sách một Trung Quốc là nhằm chi phối sự điều khiển của người Mỹ kể từ thời điểm đó trở đi”.

NT

Nguyên văn: http://www.pbs.org/wgbh/amex/china/peopleevents/pande08.html

This entry was posted in Sử Liệu and tagged , . Bookmark the permalink.