Hãy nhìn lại vài ba chục lần trong những năm trở lại đây, mỗi khi có tiếp xúc cấp cao giữa hai đảng và hai nước, TQ bao giờ cũng có “động thái” đặt Việt Nam trước việc đã rồi. Trong nước gọi là “há miệng mắc quai”, nhìn từ phía Việt Nam, hoặc “trùm chăn lại đánh”, nhìn từ ý đồ của Trung Quốc.
Một mặt, mời khách đến nhà, mặt khác đánh “vỗ mặt” khách, không để cho khách kịp phản ứng. Hành động trên đây hoàn toàn có thể coi là một kiểu bá đạo “sản xuất tại Trung Quốc”.
Tâm Việt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam có mặt tại thành phố Nam Kinh, bắt đầu chuyến thăm tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), từ sáng 26/4.
Một ngày trước đó (25/4), Trung Quốc tuyên bố bắt đầu tuần tra thường xuyên ở Biển Đông bằng việc điều động hai tàu mới, thay thế hai tàu khác đang làm nhiệm vụ hộ tống các tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực biển quần đảo Trường Sa.
Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam kéo dài đến 1/5 có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh năm 2010 là “năm Hữu nghị Việt – Trung” và hai nước đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang của ông Dũng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương cũng như giữa hai quốc gia, triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai đảng và hai chính phủ.
Trung Quốc cử tàu ngư chính đi tuần tra tại khu vực quần đảo Trường Sa đúng vào lúc ông Nguyễn Tấn Dũng sắp gặp ông Hồ Cẩm Đào tại Thượng Hải.
Hành động này phải chăng là trùng hợp ngẫu nhiên, hay nó có ý nghĩa gì khác?
‘Bá đạo’
Hãy nhìn lại vài ba chục lần trong những năm trở lại đây, mỗi khi có tiếp xúc cấp cao giữa hai đảng và hai nước, TQ bao giờ cũng có “động thái” đặt Việt Nam trước việc đã rồi. Trong nước gọi là “há miệng mắc quai”, nhìn từ phía Việt Nam, hoặc “trùm chăn lại đánh”, nhìn từ ý đồ của Trung Quốc..
Một mặt, mời khách đến nhà, mặt khác đánh “vỗ mặt” khách, không để cho khách kịp phản ứng. Hành động trên đây hoàn toàn có thể coi là một kiểu bá đạo “sản xuất tại Trung Quốc”.
Có đốt đuốc tìm cả ngày cũng không thấy đạo “nước lớn ức hiếp nước nhỏ” trong sách Khổng Tử khi ông trùm Nho này quảng bá lấy giáo dục làm phương thức chủ yếu để đạt tới thế giới “đại đồng”. Ông cũng đi khắp nơi dạy thiên hạ: “Việc gì mình không muốn chớ đem cho người”.
Phản đối việc TQ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, trước đây, Bộ ngoại giao VN thường thì cũng lên tiếng mau lẹ. Nhưng lần này, cho đến tận ngày 28/4, VN chưa hề có bất cứ một phản ứng nào. Phải chăng vì có đoàn cấp cao Chính phủ đang ở trên đất Trung Quốc mà Bộ Ngoại giao im hơi lặng tiếng?
Một bài báo khá xúc động về cuộc họp mặt của hơn 300 sinh viên Trường đại học Ngoại thương cũng đúng vào chiều 26/4 để nghe nhà ngoại giao lão thành Dương Danh Dy nói về thân phận hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những diễn biến mới nhất xung quanh vấn đề trọng đại này của đất nước đã được đăng trên VietNamnet.
Bài báo trích lời ông Dy xác nhận: “Thời gian qua, với vấn đề Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta cũng đã làm được nhiều việc: từ chỗ im lặng đến chỗ lên tiếng, từ chỗ phiếm chỉ, chúng ta đã nêu đích danh thủ phạm”.
Dẫn báo chí chính thống Trung Quốc, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho hay, “Trung Quốc đã chuẩn bị xong cho dư luận về việc sẵn sàng thu phục Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực. 92% của hơn 300 triệu dân mạng Trung Quốc tán thành chủ trương đó”
Thế mà, không hiểu vì nguyên do gì, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, bài báo trên nghe nói được lệnh phải gỡ xuống!
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100428_viet_china.shtml