Giới quốc phòng ASEAN “quên” vấn đề Biển Đông?

Nói cách gì thì nói nhưng những ai quan tâm đến thời cuộc đều hiểu rằng tất cả các vị đứng đầu khối ASEAN vẫn mang trong lòng tâm lý e ngại trước một con hổ dữ đang giương nanh múa vuốt ở khu vực Biển Đông. Thôi thì hãy cứ âm thầm chuẩn bị thực lực và tránh đi, đừng chọc tức nó mà mang vạ vào mình. Huống chi, trong đám “phường săn” toàn những lưới giáo cung tên cổ lỗ kia, không những chưa thấy kẻ nào xứng đáng đối mặt được với hổ mà điểm lại, lại có vài ba anh “trành” lẫn vào trong đấy (trành là loài ma vốn đã bị hổ hóa kiếp, chỉ còn sống bám vào đuôi hổ và làm tay sai chỉ đường cho hổ).

Thế thì mỗi cử động dù nhỏ nhặt khôn khéo đến đâu, làm gì mà hổ không đánh hơi biết trước, sẽ nhảy tới vồ ngay. Dại gì rước lấy cái họa diệt thân cho riêng mình! Giữa một hội nghị ăn to nói lớn bàn dân thế giới đều nghe thấy, LẨN vẫn là kế sách vạn toàn hơn cả, chứ có nước nào mà lại không ngay ngáy lóng tai đếm từng tiếng gầm của hổ.

Bauxite Việt Nam

Khác với các hội nghị ngoại giao ASEAN, khi vấn đề Biển Đông dậy sóng đã là tâm điểm chú ý, và chen được chân vào tuyên bố chung, không ít người đặt câu hỏi khi chữ Biển Đông hầu như không được nhắc tới trong các văn kiện, tuyên bố hay phát ngôn báo chí của các lãnh đạo quốc phòng, quân sự các nước suốt các hội nghị vừa qua.

Có thực vấn đề an ninh quan trọng của khu vực – Biển Đông không được giới quốc phòng – an ninh ASEAN đặt đủ sự quan tâm?

Đã có nhiều diễn đàn khác

Trao đổi với VietNamNet, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho hay, ASEAN có nhiều diễn đàn để giải quyết các vấn đề an ninh của mình.

Diễn đàn chính để giải quyết vấn đề Biển Đông là Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông DOC và các diễn đàn cấp cao, lãnh đạo ngoại giao hơn là tại các hội nghị quốc phòng, quân sự. “Nó thể hiện quyết tâm của ASEAN và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng phương pháp hòa bình“, ông Vịnh cho hay.

Vị Thứ trưởng nói thêm, diễn đàn quốc phòng với tính chất quốc phòng mà đặt lệch đi sẽ mất đi tính chất hòa bình, tự vệ của quân đội Việt Nam và các nước ASEAN. Chủ đề hợp tác quốc phòng được bàn thảo cũng là các vấn đề quốc phòng nhưng phục vụ cho an ninh và hòa bình, ổn định. Nói cách khác, quân đội không chỉ bảo vệ Tổ quốc, mà để củng cố hòa bình.

Đại tá Vũ Tiến Trọng, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, “tranh chấp chủ quyền, tài nguyên biển… sẽ được giải quyết trên các kênh khác, tiệm tiến, trên nguyên tắc thương lượng bằng con đường hòa bình”.

Cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN dựa trên ba khối hợp tác: chính trị – ngoại giao; quốc phòng – an ninh và tư pháp. Và ngoại giao là kênh chủ đạo cho câu chuyện tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Biển Đông.

Vấn đề ưu tiên của các quan chức quốc phòng ASEAN là “thảo luận các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống, đề xuất các sáng kiến, ý tưởng để tăng cường khả năng của quân đội tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực, tăng cường xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng thông qua trao đổi quân sự trực tiếp các cấp, chia sẻ thông tin và hợp tác tình báo, tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm“, như Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho hay.

Trên thực tế, an ninh phi truyền thống là vấn đề được ASEAN và đối tác dành nhiều thời gian và nỗ lực bàn thảo, để thúc đẩy sự hợp tác trong quốc phòng và cả quân sự. Nó bao gồm nguy cơ khủng bố, vấn đề thiên tai, dịch bệnh, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh biển, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh kinh tế…

“Trước mắt, các vấn đề an ninh phi truyền thống là thiết thực nhất tới lợi ích của từng quốc gia và cả khu vực”, ông Trọng nói.

Mục đích chung của ASEAN là giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống, như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, hậu quả của các cuộc khủng hoảng tài chính… “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) tính tới tất cả các vấn đề đó. ADMM mở rộng (ADMM+) bao gồm ASEAN và các đối tác không tính gì ngoài các vấn đề đó”

Ẩn mình

Lẽ tự nhiên, các vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp chủ quyền không được chú ý. Như nhận xét của Bí thư thường trực về Quốc phòng Thái Lan, ông Apichart Penkitti, “không một hội nghị quốc phòng – quân sự nào trực tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông. Các tranh chấp lãnh thổ rất hiếm khi được đề cập”.

Thế nhưng, điều đó không có nghĩa vấn đề Biển Đông thực sự bị các quan chức quốc phòng – an ninh ASEAN lãng quên.  Nó chỉ ẩn đi, dưới một thuật ngữ rộng hơn, mờ hơn và cũng ít nhạy cảm hơn: “an ninh phi truyền thống”.

Là thách thức an ninh truyền thống tranh chấp chủ quyền, Biển Đông còn là điểm nóng chứa đựng thách thức an ninh phi truyền thống, với vấn đề an ninh hàng hải, an ninh năng lượng, và mối lo về kinh tế khi những hoạt động khai thác, hợp tác bị cản trở bởi một bên thứ ba. Cùng với nó là an ninh con người khi tính mạng, tài sản của những ngư dân thường xuyên bị đe dọa khi khai thác ở khu vực chồng lấn.

“Các nước ASEAN đều phải hợp tác cùng nhau, chia sẻ vấn đề Biển Đông. Đây là một trong những vấn đề hợp tác mà ASEAN phải thực hiện“, ông Apichart nói.

Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Abu Bakar Bin Haji Abdullah cũng chỉ rõ, các nước ASEAN “chia sẻ khu vực rất quan trọng về mặt chiến lược: eo biển Malacca, các tuyến hàng hải và Biển Đông”, và Biển Đổng không nằm ngoài mối quan tâm an ninh của các quốc gia. Đó là mối quan tâm chung, cần sự hợp tác nhiều hơn.

Không chỉ ASEAN, nhiều nước đối tác của ASEAN cũng chia sẻ mối quan tâm và quan ngại với vấn đề an ninh Biển Đông, đặc biệt là đảm bảo an ninh hàng hải và sự tự do thương mại, giao thương ở khu vực này. Đơn cử, chỉ trong 6 tháng qua, Quốc hội Mỹ đã có nhiều phiên điều trần liên quan đến vấn đề Biển Đông và hoạt động của lực lượng quân sự các nước liên quan ở khu vực.

Chọn vấn đề dễ để hợp tác trước, thế nên, vấn đề Biển Đông vốn được coi là “nhạy cảm” như ông Apichart nói đành ẩn đi. Cho tới thời điểm này, chỉ có kênh thảo luận học giả, giữa các viện nghiên cứu quốc phòng là dành nhiều quan tâm thực chất đối với vấn đề Biển Đông.

Trung tướng Trần Thái Bình, Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng từng lí giải: “Với vai trò là kênh II không chính thức, NADI có thể là diễn đàn thích hợp để thảo luận rộng rãi về khả năng hợp tác quốc phòng và an ninh giữa các nước ASEAN. Những ý kiến và đề xuất có thể được cho là “nhạy cảm” khi đưa ra thảo luận tại các cuộc họp của kênh I có thể được nêu ra và thảo luận tại các cuộc họp của kênh II”.

Báo cáo kết quả làm việc tại Hội nghị quan chức cấp cao quốc phòng ASEAN, việc hợp tác giữa các quốc gia và quân đội các nước trong khu vực biển tranh chấp đã được nêu lên, dù là kênh không chính thức.

Hi vọng, nếu cơ chế đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng được thông qua, với sự tham gia của Trung Quốc, ASEAN và nhiều quốc gia đối tác quan tâm, Biển Đông sẽ được nêu lên tích cực hơn, nhất là khi xử lý vấn đề an ninh hàng hải, là ưu tiên quan tâm của các nước lớn đối tác với an ninh khu vực. Và khi đó, không ai có thể chụp mũ “nhằm chống lại bên thứ 3” cho sự hợp tác quốc phòng của ASEAN liên quan đến vấn đề này.

Và việc hợp tác khi đó sẽ thực chất hơn, không phải “diễn ra nơi diễn đàn là chính, còn việc giải quyết tranh chấp, chia sẻ thông tin vấn đề cụ thể thì hầu như chưa có” như điều Đại tá Vũ Tiến Trọng quan ngại.

PL

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-28-gioi-quoc-phong-asean-quen-van-de-bien-dong-

This entry was posted in Hoàng Sa, Ngoại Giao, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.