Biền biệt đằng đẵng xa con sông Thương đã lâu. Nay trở về với một tâm trạng buồn, khi mà người dân quê tôi đang phải sống với bộ luật của đảng độc quyền – một bộ luật “do dân, vì dân” mà không hiểu sao lại cứ giáng xuống đầu dân mọi thứ tai họa trời ơi đất hỡi! Trong khi người thực thi pháp luật là những người cầm cân nảy mực, thì lại cũng chính họ lại là người ung dung ngồi xổm lên trên pháp luật, ung dung ngồi xổm trên đầu dân.
Người đầu tiên tôi đến là thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc. Đối diện với tôi là một thanh niên cao, to, khỏe mạnh, điềm đạm. Anh là giáo viên bộ môn thể dục của Trường phổ thông trung học Đồi Ngô, Bắc Gang.
Là một người thầy tâm huyết với nghề, không đồng ý với căn bệnh dối trá, thành tích một cách trầm kha, năm 2012, thầy giáo Nguyển Danh Ngọc đã tổ chức quay clip tố cáo về gian lận trong thi cử, tố cáo về việc cấu xén tiền bảo hiểm và tiền hỗ trợ học sinh nghèo của ngành giáo dục cho các em học sinh trường Đồi Ngô (xem đây).
Cũng như trong một lần thi đấu, Ban Giám hiệu Trường phổ thông Đồi Ngô đã thuê các vận động viên thể dục về để thi tuyển lấy giải, điều đó cũng gây sốc cho Nguyễn Danh Ngọc. Đạo đức truyền thống của người giáo viên trong anh không thể nào chấp nhận nổi khiến anh phải lên tiếng. Và tất cả những đơn tố cáo ấy của thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc đã được báo chí và truyền hình đưa tin. Thế nhưng, cho đến nay chúng vẫn rơi vào “im lặng”!!!
Kết quả thường thấy ở xứ ta đối với những người dám chống lại gian dối và tiêu cực là việc thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc đã bị nhà trường phổ thông trung học Đồi Ngô, Bắc Giang, sa thải ngay năm đó. Đặc biệt là sau đó, nơi nào trong tỉnh cũng từ chối nhận thầy vào làm việc.
Thậm chí còn có bọn giả danh côn đồ thường xuyên uy hiếp tấn công thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc.
Để kiếm kế mưu sinh thầy giáo Ngọc xin đi làm công nhân tại Nhật. Nhưng rồi việc xuất cảnh của thầy cũng đã bị một bàn tay vô hình bóp nghẹt. Đối với một con người không thỏa hiệp với một nền giáo dục dối trá thì bộ máy chuyên chế đã lập tức buông ngay xuống quanh người đó cả một mạng lưới vô hình. Đi đến đâu anh cũng không thoát khỏi cái mạng bùng nhùng vây bủa này.
Xin hỏi: bao giờ những người có thẩm quyền ở Bắc Giang mới trả lại sự công bằng cho thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc???
Người thứ hai tôi gặp là ông Nguyễn Thanh Chấn ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tìm vào ngôi nhà của ông, nơi đây đã từng là tổ ấm của một gia đình hạnh phúc. Giờ đây trước mắt tôi là một ngôi nhà xập xệ, cũ kĩ, ẩm mốc… lâu ngày không có bàn tay chăm chút sửa sang của người đàn ông.
Chỉ gặp một cháu trai con ông đang xay thóc cho khách hàng. Cháu cho biết: mẹ cháu bị tâm thần đi nằm bệnh viện. Hậu quả do sự kéo dài của những ngày khổ công đi kêu oan cho bố khắp nơi. Còn bố cháu đang đi xin cây chuối ở trong làng về cho heo ăn. Mấy con heo con thả rông, thấy có người lạ thì thi nhau chạy trốn.
Con chó mẹ thấy có người lạ cũng tha từng con giấu vào trong bếp. Chúng tôi đang chờ thì ông Chấn chở một cây chuối to về tới.
Thoạt gặp người lạ, một phản xạ hoảng loạn vô thức xuất hiện ngay trong ông mà tôi nắm bắt được. Lúc đó trông ông như một người không còn hồn vía. Tôi chạy nhanh ra cùng đỡ cây chuối ra khỏi xe cho ông và giới thiệu về tôi, để ông yên tâm.
Ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cái ngày đen tối ập xuống với ông, kéo theo sự sụp đổ tan hoang về danh dự cũng như vật chất cho người vợ, cho mẹ già (là vợ của một liệt sĩ) và những đứa con còn rất nhỏ không thể thiếu đi sự chăm sóc của ông – người đàn ông duy nhất và là người cha của các con. Còn ông thì tuổi trẻ bị “bọn thảo khấu” cảnh sát điều tra Bắc Giang vùi dập man rợ trong nhà tù của trại giam Kế ở Bắc Giang.
Trước khi bị bắt nhà ông là con liệt sĩ, một nhà có kinh tế khá giả trong làng. – có một hiệu bán tạp hóa ở chợ và lắp đặt điện thoại công cộng cho dân trong làng đến gọi, cùng một cỗ xe ngựa để chở hàng thuê và một chiếc máy xay xát gạo ăn công; trong chuồng khi nào cũng có một đàn lợn hơn mười con. Bỗng nhiên ông bị công an tình nghi gọi lên điều tra về vụ chị Hoan bị giết trong đêm. Tài sản đội nón ra đi, con cái thất học, gia đình thì tan tác.
Ông kể tiếp trong nước mắt với gương mặt vẫn không giấu được sự hoảng loạn đuổi theo dòng hồi ức: “Họ còng tay tôi lên song sắt cửa sổ, rồi họ đặt ghế lên chân tôi, họ ngồi hỏi cung tôi nhiều giờ liền. Tôi trả lời tôi không giết chị Hoan! Thì họ dùng tay tát, chán rồi họ lấy dép Lào quật vào mang tai và đấm đá. Họ hù dọa sẽ chích thuốc lú, v.v. Họ thay nhau tra hỏi tôi suốt 24 giờ trong nhiều ngày liền, không cho nghỉ. Khi bị họ đánh lên đầu, tôi giơ tay đỡ, thì chân họ đi giày, họ đá vào tay, khiến tay tôi bị gãy và thành tật tới bây giờ. Họ nhốt tôi vào nhiều phòng giam cho đầu gấu làm nhục. Chúng bắt tôi hát, đang hát thì bắt phải khóc, đang khóc thì bắt phải cười. Một phòng có một thằng “đại bàng” hung ác nhất trong những phòng tôi bị nhốt. Nó tụt quần bắt tôi quỳ xuống chơi trò “thổi kèn” bỉ ổi!
Vì không chịu nổi đòn tra tấn của họ, nên tôi phải nhận đã giết chị Hoan để sớm thành án cho tôi được đi tù, thoát khỏi cảnh hỏi cung tra tấn dã man. Tôi là con người bằng da, bằng thịt chứ đâu phải sắt thép. Tôi liên tục kêu oan. Nhưng đơn kêu oan của tôi đều bị bác bỏ.
Đến đây ông đưa tôi xem quyết định Tái thẩm của Tòa án tối cao ngày 9/11/2014: tuyên hủy hai bản án hình sự của hai cấp tòa Bắc Giang xét xử oan sai với ông.
Ông kể tiếp: “Kể từ ngày tôi bị bắt, các con tôi đi học thì bị bạn bè nguyền rủa và phải bỏ học. Mẹ tôi thì bị dân làng xỉ mắng. Đứa con trai lấy vợ, sinh được hai đứa cháu thì cũng vì áp lực dư luận, nên vợ nó đã ly hôn. Vợ tôi cùng gia đình thì liên tục đi gõ cửa kêu oan cho tôi khắp nơi, dẫn đến kiệt sức và chuyển sang thần kinh nặng, nay phải nằm viện. Tài sản thì đội nón ra đi”.
Sự việc oan sai của ông Chấn đã rõ, đã kỷ luật Giám đốc và Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cho nghỉ sớm (đó là Đại tá Phạm Văn Minh và Đại tá Nguyễn Văn Dư). Khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên Thượng tá, Phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm bị khởi tố với tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã ban hành. Thế nhưng những cơ quan có trách nhiệm thi hành việc bồi thường lại đặt ra những yêu cầu rất thiếu “thiện chí” mà những tội ác của các cơ quan tố tụng đã gây ra với gia đình ông Chấn: “người tù oan phải chứng minh được tổn thất tinh thần bằng những chứng từ”.
Câu hỏi được đặt ra là, trước khi vào tù ông Chấn là một người đàn ông khỏe mạnh, không bệnh tật. Ở trong tù ông Chấn từng bị cán bộ điều tra ép cung, đánh đấm, đá, tát, hậu quả để lại là gãy một cánh tay nay đã thành tật, hai lỗ tai nay đã nghễnh ngãng. Sức lao động bị suy giảm nghiêm trọng. Ông Chấn bị cảnh sát điều tra dẫn đi nhốt bốn phòng trong ngày cho “đại bàng” trong trại giam bắt hát, bắt khóc, bắt cười, làm nhục. Bốn đứa con ông Chấn phải bỏ học. Mẹ già một quả phụ vợ liệt sĩ không ai chăm sóc. Con trai thì bị vợ ruồng rẫy vì có cha là hung thủ “giết người” đã bỏ và ly hôn.
Còn chứng từ nào cụ thể hơn những chuyện sờ sờ như thế nữa. Mà điều tra để thu thập những chứng từ ấy thì đó đâu còn là việc của ông Chấn. Nó trước hết phải là việc của các cơ quan pháp luật muốn thực sự trả lại sự công bằng cho ông Chấn chứ! Sao lại “thọc gậy xuống nước” mặc kệ ông Chấn trong hoạn do chính mình gây ra với một sự bắt buộc kỳ lạ là “ông Chấn phải tự mình tìm ra chứng từ” cho mình?
Gây ra những hậu quả đau lòng này cho ông Chấn, nào có ai khác là công an điều tra Bắc Giang!!!
Vậy công an điều tra Bắc Giang có dám dũng cảm chứng thực sự thực này cho ông Chấn không???
Phải đâu ông Chấn tự cạy cửa trại giam Kế để vào đó ngồi tù? Để rồi nay ông Chấn tự sinh sự… ăn vạ Tòa???
Thế thì, một lôgic đơn giản là cần phải đưa ông Chấn đi giám định thương tật và sức khỏe để sớm bồi thường thỏa đáng cho gia đình ông Chấn. Nếu không, dù có bắt bớ người này người kia, cho nghỉ hưu sớm quan này quan nọ, thì dư luận dân chúng vẫn “đóng đinh” lên cái đầu chuyên chế không chỉ của ngành tư pháp Bắc Giang mà của cả một đất nước vốn nhìn vào đâu người ta vẫn cảm nhận được sự hiển hiện vô hình của hai chữ “chuyên chế” làm cho ai cũng khiếp hãi ấy.
Thiết nghĩ, những tổn thất đau đớn về thể xác cũng như vật chất của gia đình ông Chấn liệu 10 tỉ đồng bồi thường của Tòa với ông Chấn liệu có lấy lại được sự bình yên cho gia đình ông khi ông bị tù oan sai 10 năm trời???
Qua sự việc này chúng tôi có điều tra thêm một số việc ít nhiều có liên quan, và bỗng cảm thấy có điều gì kỳ lạ, hình như luật nhân quả là chuyện có thật trên đời.
- Ông Nguyễn Hữu Tâm, cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Giang, sau cuộc hỏi cung ép cung ông Chấn, trên đường từ cơ quan về nhà đã đâm vào ô tô chết bất đắc kì tử!
- Ông Thân Văn Sắc, là công an xã Nghĩa Trung, sau vụ việc đẩy ông Chấn vào tù, bị ung thư vòm họng và chết sau đó!
- Ông Hoàng Văn Vui, Phó thôn Me, sau khi ông Chấn đi tù cũng bị ung thư gan và chết!
- Ông Nguyễn Minh Năng, Chủ tọa phiên tòa xử sơ thẩm ông Chấn, ngay hôm sau phải đi viện cấp cứu!
Phải chăng trên cao kia, Ông Xanh vẫn còn có mắt? Tất nhiên đấy chỉ là một chuyện mơ hồ, chẳng ai dám tin là thật, nhưng trong một tình trạng xã hội nhập nhoạng như hiện nay thì nghĩ về một đấng Cao Xanh có lẽ cũng là cách duy nhất để giữ được không gục ngã cho rất nhiều, rất nhiều con người bé cổ thấp họng hiện đang sống trên mảnh đất gọi là Việt Nam.
Người thứ ba tôi đến là chị Đỗ Thị Hằng trú tại số 21, tổ 12 phường Mỹ Độ, Bắc Giang. Chị nguyên là một giáo viên dạy toán và có năm con nhỏ. Vào thời kỳ kinh tế khó khăn 1980, chị xin nghỉ dạy để chạy chợ nhằm có thêm thu nhập trong việc nuôi các con.
Nhưng từ khi chuyển sang chạy chợ chị đã bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc hai lần (lần thứ hai là do người đàn ông tên Ngọ lừa bán chị). Nhưng vì chị đã biết tiếng Trung, nên trong một lần công an Trung Quốc đến kiểm tra, chị tố cáo và công an Trung Quốc đã đưa chị về lại Việt Nam.
Khi bán được chị Hằng trót lọt, bọn buôn người (tên Ngọ) lại tiếp tục tìm cách lừa bán một chị tên Liễu qua Trung Quốc. Khi chúng đưa chị Liễu sang đến biên giới, chúng để chị Liễu ở nhà một người cũng tên Hằng để chờ mối lái đến ngã giá bán tiếp.
Sau này việc làm của Ngọ bị bại lộ. Ngọ bị công an Bắc Giang bắt. Ngọ nghĩ rằng chị Hằng sẽ không thể trở về Việt Nam được nữa, nên Ngọ đã khai đồng bọn là chị Đỗ Thị Hằng ở Mỹ Độ, Bắc Giang cộng tác với Ngọ để bán chị Liễu sang Trung Quốc. Cho nên khi chị Hằng vừa thoát được khỏi tay bọn Tú Bà trở về Mỹ Độ, Bắc Giang, chị liền bị công an Bắc Giang bắt giam với tội danh “buôn bán phụ nữ qua biên giới”. Trước đó trong giao dịch dân sự, chị Hằng có vay mượn tiền của anh Phương và bà Mỹ. Mặc dù anh Phương và bà Mỹ không có đơn kiện chị Hằng, Thế nhưng công an điều tra Bắc Giang cũng đưa việc vay mượn dân sự này của chị Hằng cấu thành tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” mà người bị hại lại không có đơn khởi kiện đương sự!!! Thời gian này thì Ngọ đã chết trong trại giam. Nên việc minh oan cho chị Hằng là mò kim đáy bể.
Trong thời gian tạm giam để lấy lời khai, chị Hằng cho biết đã bị công an tát và chị bị rụng liền một chiếc răng. Bằng nhiều thủ đoạn dụ dỗ khác, họ dụ chị Hằng khai nhận để cho ra tại ngoại, họ đưa tờ giấy trắng bảo chị ký lúc tranh tối tranh sáng; vì nhẹ dạ chị đã ký vào một tờ giấy khống để rồi họ phù phép biến thành tờ khai nhận tội của chị và oan nghiệt ập xuống đầu với chị từ đó.
Phiên tòa hình sự xử sơ thẩm chị ngày 24/3/1998, một phiên tòa mà người nắm pháp luật đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Không có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo và phiên tòa cũng không có người bị hại nào tham dự phiên tòa. Thế nhưng phiên tòa vẫn xử và tuyên án chị Hằng tổng hợp hình phạt tù cho hai tội danh là 5 năm 6 tháng. Vào 24/ 3/2002, do cải tạo tốt nên chị được giảm 12 tháng.
Sau khi chị Hằng thụ án xong thì bất ngờ chị Liễu trở về từ Trung Quốc. Chị Liễu xác nhận: chị Hằng không phải là người chủ nhà mà Ngọ đã gửi chị Liễu để bán cho đàn ông Trung Quốc. Và chị Liễu cũng không hề quen biết chị Hằng.
Từ xác nhận của nhân chứng là chị Liễu với các cơ quan công an, công việc điều tra đã được tiến hành và ngày 19/8/2014 Tòa án Tối cao đã mở phiên xét xử Giám đốc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, xét xử lại từ đầu.
Từ đó đến nay tiếp xúc với nhân chứng, cảnh sát điều tra Bắc Giang Đoàn Văn Canh đã gọi chị Liễu ra uống cà phê nhiều lần và dọa nạt chị Liễu bắt phải nói là “trong chuyến xe đưa chị Liễu sang Trung Quốc có chị Hằng ngồi ở hàng ghế sau”. Thông tin này đã được chị Liễu tố giác, bị chị Hằng phản đối, nên nay đã phải thay một cảnh sát điều tra khác!
Các báo Người lao động, ĐS &PL, Phụ nữ VN đã viết và đề cập nhiều lần về chuyện “tù oan” của chị Hằng. Nhưng cho đến nay câu chuyện oan trái nhiều năm vẫn chưa có hồi kết! Dễ đã hơn cả thời gian lưu lạc của nàng Kiều.
Những bản án “oan” cho chị Hằng và gia đình chị Hằng đã đưa đến hậu quả đẩy một gia đình có năm đứa trẻ đang tuổi lớn cần có sự kèm cặp, dạy dỗ của người mẹ, thành ra cầu bơ cầu bất, trong khi người cha của các cháu vì phẫn uất với nỗi oan ức của vợ đã lao đầu xuống ao tự tử. Không chỉ thế. Điều đau lòng không tránh được còn kế tiếp xảy ra: ba đứa trong số năm đứa con của chị Hằng dính vào pháp luật.
Những nỗi đau cùng tột trên đây ai trả cho ông Chấn? Ai trả cho chị Hằng và gia đình của chị? Và cán cân công bằng khi nào mới đến với thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc? Khi mà dưới gầm trời này, bất kỳ đâu, từ lâu rồi vẫn hầm hập một không khí “công an trị” lan tỏa khắp Nam cùng Bắc? Khi mà đến đâu trong các dinh thự to lớn của các loại công sở từ huyện lên tỉnh, lên đến trung ương, người ta cũng chỉ gặp rặt những khuôn mặt giống nhau, những khuôn mặt hoàn toàn lạnh lùng vô cảm, mà muốn tìm ở đó một chút tia sáng của lòng nhân thì thực là hiếm như tìm một giọt nước trên sa mạc – nếu như trong túi mình không nghe thấy, ngửi thấy, rổn rảng tiếng kêu cũng như mùi tanh của… hơi đồng ?
N.T.H.L.
Tác giả gửi BVN.