Còn gì đau đớn, xấu hổ cho bằng, chỉ có việc dâng hương tưởng niệm liệt sĩ mà luôn diễn ra tranh chấp trước đền thờ Tổ, tại thủ đô được mệnh danh ngàn năm văn vật, ở một đất nước có bề dài lịch sử 4000 năm, với một dân tộc có truyền thống đoàn kết đấu tranh dựng nước và giữ nước – đó là Việt Nam.
Không như những năm trước, lực lượng “phá đám” lễ tưởng niệm liệt sĩ bị lãng quên năm nay, không phải nhóm cưa đá gây tiếng ồn, khói bụi; không phải cụ ông cụ bà chiếm chỗ tập thể dục củng cố dáng hình; cũng không phải nhóm trẻ dựng sân khấu ca hát, nhảy múa cuồng loạn… mà nhóm đặc chủng “hồng vệ binh”.
Số “hồng vệ binh” này mặc áo đỏ, mang khẩu hiệu “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”, cầm logo DLV, giương cao cờ Đảng xông vào đền Tổ như chỗ không người, với vẻ kiêu binh, đằng đằng sát khí.
Hành động hung hăng của hồng vệ đối với những người từ tâm đang thiện nguyện cho liệt liệt sĩ trước đền thờ Tổ, gây phản phản cảm và phản ứng dây chuyền chẳng những trong nước mà lan ra cả bên ngoài.
Theo báo điện tử VnExpress 17/03/2015, Thiếu tướng, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Phó Ban Tuyên giáo Hà Nội Phan Đăng Long phải xuất trận chữa cháy. Hai ông cố trấn nhưng khó an trong dư luận xã hội về việc này. Bởi vì lý lẽ các ông đưa ra không đủ thuyết phục, mang tính chất đối phó, chạy tội, đổ trút lên đầu nhóm lục tặc DLV (chữ nghiêng là trích, chữ đứng là ý kiến của người viết bài):
Ông Chung nói:
– “Một số người ngăn cản tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ chủ quyền đất nước không thuộc quản lý của Công an Thành phố và Ban Tuyên Giáo”. Chức năng công an là quản lý an ninh trật tự mọi mặt, mọi đối tượng trong khu vực mình phụ trách chớ đâu phải chỉ quản lý người trong ngành? Sao Công an lại phải nói giúp cho Ban Tuyên Giáo với dụng ý gì?
– “Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước”. Kiểm tra lùi lại xem có phải thế không? Ông Chung giải thích thế nào về việc công an và côn đồ trấn áp, đánh đập, bắt bớ, giam cầm những người tổ chức tưởng niệm liệt sĩ bị lãng quên hoặc những cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Trung Quốc xâm chiếm biên giới, hải đảo…
– Chúng tôi “yêu cầu giải tán nhóm thanh niên trên và sau khi được thuyết phục họ tự động rút đi”. Sao kỳ vậy? Biểu tình yêu nước, tưởng niệm liệt sĩ trong trật tự, bất bạo đông lại bị công an xử trị không nương tay, còn bọn chống lại người yêu nước thương nòi – đồng nghĩa với phản nước, chuyên nghề phá đám (đám tang người quá cố, đám biểu tình yêu nước, đám tưởng niệm liệt sĩ) thì công an chỉ yêu cầu, thuyết phục để họ tự giải tán. Sao lại hữu khuynh đến như vậy, để rồi giờ đây phải hứa “sẽ điều tra”, khiến cho người dân nghi ngờ ông lại hứa cuội. Hôm 17/03/2015, Trần Nhật Quang, đại diện cho số DLV phá phách hôm 14/3, viết thư nói đầu đuôi cớ sự gởi cho Giám đốc Công an Hà Nội (tôi có đọc). Ông Chung chỉ cần gọi Trần Nhật Quang đến hỏi là biết cặn kẽ – “điều tra” chi cho mất thời gian, thêm hao tốn?
Ông Long nói:
– “Hà Nội có hơn 900 dư luận viên. Dư luận viên là lực lượng đại diện cho các từng lớp thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh nằm rải khắp từ thành phố đến quận huyện. Họ nắm những vấn đề người dân đang bàn luận, quan tâm rồi tập hợp lại báo cáo cho Thành phố”. Vậy là rõ rồi, DLV như những điệp viên không số, do Thành phố chọn từ những tổ chức quần chúng của đảng, họ ẩn mình ở khắp nơi, theo dõi xem dân “bàn luận, quan tâm” những gì báo cho Thành phố.
– Ông Long khẳng định: “Những DLV không bao giờ xuống đường”. Vậy thì đám quậy phá hôm 14/3 là lực lượng nào mà giữa thanh thiên bạch nhật, dám giả danh xông vào phá rối lễ tưởng niệm liệt sĩ? Ban Tuyên giáo Thành ủy có trách nhiệm điều tra xử lý vụ này. Và phải giải thích rõ những vấn đề công chúng đang quan tâm:
+ Cơ quan nào ở TP Hà Nội tổ chức, quản lý DLV? Có trả lương cho họ không? Nếu có thì bao nhiêu một tháng trên mỗi đầu người? – vì nó có quan hệ đến tiền thuế của dân.
+ Sao họ mặc áo đỏ giống như “hồng vệ binh” Trung Quốc, mang khẩu hiệu “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”, với logo DLV, cầm cầm cờ Đảng xông vào đền thờ Tổ phá lễ tưởng niệm liệt sĩ chết vì chống quân Trung Quốc xâm lược?
+ Ban Tuyên giáo, cơ quan thuộc đảng cầm quyền, chuyên trách về chính trị và tư tưởng, phải có trách nhiệm trả lời trước công chúng: “Vì sao cấm biểu tình chống Trung Quốc khi họ xâm lược?”, và “Vì sao chết trận trong chống quân Trung Quốc xâm lược không được vinh danh?”. Nếu Ban Tuyên giáo không lý giải một cách thuyết phục hai câu hỏi này thì, dù muốn dù không, phải tôn trọng quyền của người dân biểu tình hay tưởng niệm về những gì có mang yếu tố Trung Quốc.
Qua giải thích của ông Long vừa trích, người ta có thể ngầm hiểu DLV là lực lượng cấp Thành phố, do Ban Tuyên giáo tổ chức, quản lý, sử dụng. “Trận chiến” 14/3 chỉ là cuộc diễn tập, thử nghiệm binh chủng.
Với Dư luận viên:
Qua hình ảnh video, Dư luận viên “tham chiến” hôm 14/03/2015 phần lớn tuổi đời còn non choẹt. Chú là cán bộ nghỉ hưu, tuổi 70, sau khi đọc bức thư tự biện kém thuyết phục của Trần Nhật Quang, đại diện cho nhóm DLV, gởi Giám đốc Công an Hà Nội và những gì xảy ra trong và sau 14/03/2015, chú có đôi điều cần trao đổi với các cháu DLV nói chung:
– Qua vụ việc, chú liên tưởng và thấm thía hơn câu ngụ ngôn “Con chó và người đi săn” – người đi săn phải biết ăn thịt chó khi nó không còn khả năng săn.
– Nhà cầm quyền tổ chức Dư luận viên, các cháu có quyền tham gia, được xem như một cái nghề làm để mưu sinh như những người làm bao nghề khác, miễn là giữ được phẩm hạnh con người.
– Các cháu hiểu sai rồi, liệt sĩ chống Pháp, Mỹ, Polpot đều được truy tìm hài cốt và được vinh danh, chỉ có số hy sinh trong những trận chống Trung Quốc xâm lược (ở biên giới phía Bắc, ở Hoàng Sa, Trường Sa) không/chưa được vinh danh mà thôi.
– Với vẻ trách móc, khinh bỉ, các cháu nói rằng chỉ có một số người quen nhẵn mặt biểu tình, tưởng niệm gây rối đó thôi. Thử nghĩ xem có đau lòng không: ở thủ đô người đông như kiến cỏ mà chỉ bấy nhiêu người còn “có lòng” với nước với dân, nên trân quí hay nên mạt sát họ? Muốn kết tội họ, các cháu phải có bằng chứng cụ thể chớ không được tự suy diễn rồi kết luận hồ đồ.
– 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma là có thật, Đảng và Nhà nước đều công nhận điều đó. Người ta tưởng niệm 64 chiến sĩ ấy, các cháu mang trên người khẩu hiệu “…chống xuyên tạc” xông vào phá đám – chính các cháu mới là những người xuyên tạc sự thật!
– Điều chú thấy cần cho các cháu biết: từ lâu người ta luôn theo dõi từng cử chỉ, lời nói, hành động của các cháu. Cử chỉ và hành động không đúng của các cháu hôm 14/3 chắc chắn được trong nước và thế giới ghi, lưu lại để cần dùng về sau.
– Qua những hình ảnh ghi nhận được, người ta quả quyết những vụ phá đám (biểu tình, tưởng niệm, đám tang…) có những người trong nhóm DLV các cháu – khi đối mặt tất nhận ra nhau.
– Nên nhớ: “làm đĩ mười phương cũng phải để một phương lấy chồng”. Người chân chính, thà cạp đất ăn chớ quyết không làm những điều bất nhơn, thất đức. “Hùm chết để da người ta chết để tiếng” – chỉ có tiếng thơm hoặc tiếng nhơ.
Không biết có đâu như ở Việt Nam ta, ngoài biết bao thi thể liệt sĩ ở những mặt trận chống Trung Quốc khác bị lãng quên, đã 27 năm trôi qua (14/03/1988 – 14/03/2015), thi thể 61 liệt sĩ (có 3 đã lấy được xác) hy sinh ở đảo Gạc Ma vẫn còn nằm dưới lòng biển lạnh. Dầu dân chúng thương xót, người thân đau lòng trước thảm cảnh cũng phải tuân thủ câu nói ghẻ lạnh: “Để họ nằm ở đấy có sao đâu”, thốt ra ở một diễn đàn, từ miệng Tổng Bí thư đảng cầm quyền Nông Đức Mạnh. Có lẽ ông Mạnh thuộc nhóm 50 người con lên núi, quen sống vùng cao (Bắc Kạn), nên không thấu hiểu sự giá lạnh của 50 người con xuống biển. Còn đau xót nào hơn, là lính chiến, khi đối mặt với kẻ thù, “Tổng tư lệnh” không cho nổ súng dù để tự vệ; chết Tổng Bí thư không cho tìm xác; Nhà cầm quyền không cho vinh danh! Thử hỏi, nếu Trung Quốc tiếp tục xâm lăng, còn mấy ai đủ dũng khí xung trận?
Chỉ là chuyện nhỏ, nếu hôm ấy (14/3) để yên cho người ta tưởng niệm liệt sĩ trong trật tự tại đền thờ Tổ, cao lắm vài giờ sau họ sẽ giải tán thì có hại gì đâu? Đàng này để/cho “hồng vệ binh” quấy nhiễu trở thành chuyện lớn, thất nhân tâm. Lớn cỡ nào? Lối ăn vận, hống hách, trương cờ Đảng phá phách của DLV hôm 14/3 làm cho dư luận xã hội rộ lên bất bình, phản đối. Nói theo cách lập luận của giáo sư Ngô Bảo Châu: “Dù những ai cố tình chống Đảng đến mấy cũng không hơn DLV làm hôm 14/3 tại đền thờ Lý Thái Tổ”!
21/03/2015
T. T.
Tác giả gửi BVN.