Luật sư: Để tránh án oan cần thay đổi mô hình xét xử hiện nay

Gia đình tử tù Hồ Duy Hải gặp gỡ với 12 đại diện ngoại giao của các nước phương Tây tại Hà Nội để cầu cứu sự quan tâm, can thiệp từ công luận quốc tế.

Luật sư của một trong số các tử tù gây chú ý công luận về nạn bức cung nhục hình, xét xử oan sai tại Việt Nam nói án oan là tình trạng tất yếu, không thể tránh của mô hình pháp lý hiện nay trong nước.

Luật sư Trần Hồng Phong thuộc nhóm đại diện pháp lý cho Hồ Duy Hải, người bị kết án tử hình với cáo trạng ‘giết người, cướp của’ liên quan đến cái chết của hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa (Long An) vào năm 2008.

Luật sư Trần Hồng Phong thuộc nhóm đại diện pháp lý cho Hồ Duy Hải​

Luật sư Trần Hồng Phong thuộc nhóm đại diện pháp lý cho Hồ Duy Hải​

Vụ án của Hải gây rúng động dư luận khi rất nhiều vi phạm và tình tiết mâu thuẫn được phơi bày trong suốt 7 năm bị cáo và thân nhân ròng rã kêu oan.

Sau nhiều lần đệ đơn và lặn lội gõ cửa từng cơ quan chức năng từ Nam ra Bắc không kết quả, gia đình Hải tuần rồi đã có buổi gặp gỡ với 12 đại diện ngoại giao của các nước phương Tây tại Hà Nội để cầu cứu sự quan tâm, can thiệp từ công luận quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của Hải, người  trực tiếp tham dự cuộc họp này, cho biết thêm:

“Chủ tịch nước đề xuất lập tổ công tác liên ngành xem lại vụ án, Ban Nội chính trung ương cũng vào cuộc mà tới nay vẫn chưa thấy trả lời gì hết. Người dân này mất niềm tin rồi. Họ nói không chứ chưa thấy thực thi cho dân thỏa đáng. Dân oan ngày càng nhiều. Nền tư pháp chưa có bứơc chuyển mình hòa nhập với quốc tế. Cho nên, tôi mong muốn đại sứ quán  các nước làm việc với chính quyền Việt Nam cho họ đổi mới, làm đúng với những gì họ đã ký với quốc tế, chứ tình trạng như vầy dân rất khổ. Gặp được các nhà ngọai giao, gia đình đã nêu ra án oan ở Việt Nam rất nhiều, mong các ngài quan tâm. Mong mỏi của gia đình tôi là xóa bỏ án tử hình tiến tới xã hội văn minh. Hồ Duy Hải khi bị bắt là một thanh niên khỏe mạnh. Sáu tháng sau gia đình được gặp, Hải đi không nổi, tay chân mang xích. Chúng tôi có nêu nhiều lắm.”

Đau lòng trước cái chết cận kề của con trai và những oan ức chưa được giải tỏa, bệnh tim của bà Nguyễn Thị Loan, thân mẫu tử tù Hồ Duy Hải, ngày càng trở nặng trong quá trình đi ‘đánh trống kêu oan’ cho con.

Trong nỗi uất nghẹn khôn xiết, bà Loan chia sẻ:

“Con tôi oan thật sự, nhưng mà nước Việt Nam này không có công lý, không có công bằng, người dân bị khổ. Nguyện vọng của tôi là xin các ngài ở đại sứ quán, cộng đồng quốc tế,  và các anh chị em trong và ngoài nước xin hãy giúp dùm  gia đình tôi một tiếng nói để Hải sớm được  trả tự do trở về với gia đình.”

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án đã đề nghị Chủ tịch nước xem xét lại vụ việc vì theo bà, ‘việc kết tội Hồ Duy Hải chưa đủ căn cứ vững chắc.’

Hồ Duy Hải

Hồ Duy Hải

Tuy nhiên, tới nay, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn khẳng định án tử hình của Hải là ‘đúng người, đúng tội’.

Trả lời chất vấn trước  Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/3, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hoà Bình tuyên bố ‘chưa có căn cứ để kháng nghị vụ Hồ Duy Hải’ dù thừa nhận có ‘phát hiện một số thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra.’

Các luật sư của bị cáo cho biết những cơ sở khoa học pháp lý trình bày qua đơn yêu cầu làm rõ hơn 40 điểm mâu thuẫn trong quá trình điều tra-xét xử để đưa vụ án lên Giám đốc thẩm tới nay vẫn chưa được cứu xét.

Luật sư Trần Hồng Phong đã dành cho Tạp chí Thanh Niên VOA cuộc trao đổi về những gúc mắc trong vụ án Hồ Duy Hải nói riêng và về vấn nạn án oan sai trong thực trạng nền tư pháp Việt Nam hiện nay.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

Luật sư Phong: Có nhiều dấu hiệu cho thấy Hải bị kết án oan, cần xem xét lại. Thứ nhất, qua giám định, cả 10 dấu vân tay của Hải đều không trùng khớp với các dấu vân tay thu giữ tại  hiện trường. Thứ hai, nhân chứng duy nhất Đinh Vũ Thường nói có nhìn thấy một thanh niên vào bưu điện tối 13/1/2008. Biên bản lời khai anh Thường nói anh không thể xác định đó có phải là Hải hay không. Trong khi đó, bản án lại nói xác định là Hải. Ngoài ra, trên mặt ghế tại hiện trường có dấu dép. Tuy nhiên, kết quả điều tra nói khi gây án Hải không mang dép. Vậy dấu dép này của ai? Đó là một số tình tiết mâu thuẫn chính.

Trà Mi: Đề nghị của luật sư xem lại các tình tiết mâu thuẫn của vụ án không được giải quyết, lý do họ đưa ra là gì?

Luật sư Phong: Tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Đạt có nêu ra 43 điểm mâu thuẫn. Tòa không trực tiếp giải thích hoặc tranh luận mà bác bỏ một cách rất đơn giản. Các luật sư đã ghi hết những vấn đề này trong đơn xin Giám đốc thẩm. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ trả lời là đã xét xử đúng người, đúng tội rồi. Dấu vân tay là chứng cứ ngoại phạm rất quan trọng. Khoa học tới nay đã chứng minh mỗi người có một dấu vân tay riêng. Ngạc nhiên là giám định dấu vân tay nói không phải là của Hải, nhưng trong bản án lại nói là không giám định được dấu vân tay. Điều này rõ ràng làm sai lệch bản chất và bác bỏ chứng cứ về dấu vân tay. Viện kiểm sát nói bằng chứng quan trọng nhất là Hải đã nhận tội.

Trà Mi: Luật có quy định không nhất thiết dựa vào lời nhận tội, nếu có, của bị cáo nếu nó mâu thuẫn với những yếu tố khách quan khác. Luật sư đã đặt vấn đề thế nào với tòa về điểm này? Tòa phản hồi ra sao?

Luật sư Phong: Vấn đề này chúng tôi đã nêu lên trong đơn xin Giám đốc thẩm, nhưng Tòa án và Viện kiểm sát chỉ trả lời ngắn gọn ‘đúng người đúng tội rồi’. Luật sư rất bức xúc khi mình đặt các vấn đề về mặt chuyên môn, khoa học pháp lý mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền lại trả lời một cách quá đơn giản. Đây cũng là điều cho thấy ý kiến của luật sư thật sự không được coi trọng. Trong bối cảnh có thể gây oan sinh mạng một con người mà trả lời như vậy thì lếch thếch quá.

Trà Mi: Mâu thuẫn giữa những chứng cớ ngoại phạm mang tính thuyết phục và lời nhận tội của bị cáo khiến ngừơi ta có thể suy luận rằng có lẽ bị cáo đã bị tra tấn, bức cung. Luật sư có nghĩ tới trường hợp đó không? Có khả năng đó không?

Luật sư Phong: Tra tấn thì tôi không có bằng chứng. Tuy nhiên, trong đơn đề nghị Giám đốc thẩm, tôi có đặt vấn đề bị cáo bị ép cung, mớm cung vì ra tòa sơ thẩm, phúc thẩm và cho tới lúc này bị cáo vẫn một mực kêu oan. Trong đơn nói một trong những nguyên nhân dẫn tới việc kết án oan là việc ngăn cản bị cáo tiếp cận với luật sư ngay từ đầu. Có rất nhiều sai phạm về tố tụng trong vụ này. Chẳng hạn như, cơ quan tố tụng đã đi mua ‘tang vật’ là con dao và cái thớt từ chợ về để minh họa đây là hung khí. Đây là điều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự. Về nguyên tắc, tang vật phải là vật có thật và có dấu vết liên quan đến vụ án. Các bản khai của nhân chứng và của Hải cũng có rất nhiều mâu thuẫn. Theo quy định , khi có mâu thuẫn thì cơ quan tố tụng phải tiến hành đối chất giữa những người này. Đây lại không có. Đặc biệt hơn, có nhiều biên bản lấy cung có dấu vết điều tra viên đã chỉnh sửa, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Đây là những vi phạm rất nghiêm trọng.

Trà Mi: Dường như vai trò của luật sư mới dừng lại ở mức ‘đề nghị’. Người luật sư với nhiệm vụ bảo vệ công lý, lẽ phải nhưng nghiệp vụ của họ bị giới hạn như vậy thì khó tròn trách nhiệm, đạt hiệu quả trong công việc. Theo luật sư, làm thế nào có thể gỡ bỏ những gúc mắt này?

Luật sư Phong: Vấn đề chị nêu là vấn đề chung đang  tồn tại, là thực tế nền tư pháp Việt Nam. Muốn khắc phục, trước tiên pháp luật phải được thật sự tôn trọng . Thật ra, luật có quy định rồi nhưng phía cơ quan tiến hành tố tụng lại không tuyệt đối tuân thủ. Ngừơi ta cố tình đưa ra những cản trở vậy đó. Theo tôi, ngoài việc thay đổi về mặt nhận thức, cấp lãnh đạo cao nhất như bên đảng và nhà nước cần phải cụ thể hơn các vấn đề về quyền và nghĩa vụ của luật sư, của bị can. Chẳng hạn bắt buộc có luật sư tham gia từ đầu thì lời khai mới được ghi nhận là bằng chứng. Hoặc phải quy định rõ khi bị cáo bị tạm giam phải giải thích ngay về quyền được mời luật sư. Hoặc các buổi hỏi cung phải có camera, ghi âm lại. Tất cả vấn đề này đã nêu ra rồi nhưng cũng chưa thấy chuyển biến gì.

Trà Mi: Những sự mà luật sư mô tả là ‘cố tình’ ‘không tuân thủ’ phải chăng vì chưa có chế tài thỏa đáng?

Luật sư Phong: Đúng rồi. Một trong những hạn chế là do chưa có biện pháp chế tài nên người ta lờn, rất cản trở hoạt động của luật sư. Giới luật sư rất bức xúc, buồn phiền khi hoạt động của mình mang tính hình thức là chính.

Trà Mi: Cấp nào hay cơ quan nào có trách nhiệm chính có thể giải quýêt được những vấn đề nan giải hiện nay?

Luật sư Phong: Ví dụ như trong vụ án của Hải, cái đơn kêu oan xin Giám đốc thẩm cho Hải cũng hàm chứa nội dung tố cáo khiếu nại những tiêu cực trong việc điều tra xét xử, thế nhưng đơn hầu như không được xem xét, thì biết như thế nào? Nó cũng rất khó. Nói chung chỉ chia ra làm 2 nhóm. Các cơ quan tiến hành tố tụng và bên tham gia tố tụng. Các cơ quan tíên hành tố tụng thì không có sự độc lập  giữa bên kết tội với bên xét xử. Ở đây lý thuyết thì độc lập, nhưng ngay từ quá trình điều tra đã có sự liên thông , trao đổi với nhau. Theo luật, tất cả các cơ quan nhà nước đứng về một bên, gọi là cơ quan tiến hành tố tụng gồm công an, tòa án, Viện kiểm sát. Bên còn lại gồm luật sư và bị cáo là bên tham gia tố tụng. Với mô hình như vậy có thể thấy phía tham gia tố tụng yếu hơn rất nhiều. Không có sự tách biệt, giám sát độc lập các cơ quan đó. Cho nên, rất khó.

Trà Mi: Riêng vụ án của Hải, khó khăn nhất đối với luật sư là gì?

Luật sư Phong: Khó khăn trong vụ này không hẳn của luật sư mà khó khăn chính là đối với các cơ quan thẩm quyền. Các vấn đề luật sư đặt ra đều là những căn cứ hợp lý, xác đáng. Họ đã kết tội Hải rồi. Giờ nếu họ chấp nhận đề nghị của luật sư tức là họ tự bác chính họ, như vậy rất có thể ảnh hưởng tới uy tín, vị trí-chức vụ của ai đó. Cho nên, vụ này cái khó thuộc về tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Để tránh án oan, ngay từ giai đoạn điều tra phải bảo đảm tính chính xác, khách quan. Muốn vậy, phải tránh các tiêu cực như chạy án, trình độ điều tra viên phải nâng cao, sự tham gia của luật sư phải coi như là bên giám sát đối trọng. Tới giai đoạn xét xử, quan trọng nhất là các chứng cứ, lý luận của luật sư phải đựơc đánh giá ngang bằng với phía bên công tố.

Trà Mi: Để đạt được những điều luật sư nói đó, cần nỗ lực từ ai, cần những tác động như thế nào?

Luật sư Phong: Câu hỏi của chị cũng rất lớn. Đầu tiên là nhận thức của con người. Do thể chế ở Việt Nam, không hẳn là do những ngừơi đứng đầu Tòa án hay Viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà phải từ những người có thẩm quyền cao hơn nữa, khi họ thay đổi về nhận thức, họ có quyền có thể tác động tới việc chỉnh sửa pháp luật. Ao ước của tôi là nên thay đổi mô hình xét xử như ở Việt Nam hiện nay vì cách xét xử hiện giờ chủ yếu là truy xét, tức là tòa muốn làm rõ cáo trạng thôi chứ không căn cứ vào kết quả tranh luận tại tòa. Đặc biệt là các thẩm phán có quyền quyết định ngay mà không xử theo mô hình bồi thẩm đoàn như các nước. Nếu mình thay đổi mô hình xét xử theo hướng có sự tranh tụng và có sự cân bằng giữa bên kết tội và bên gỡ tội thì rất lý tưởng.

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/luat-su-de-tranh-an-oan-can-thay-doi-mo-hinh-xet-xu-hien-nay/2688940.html

This entry was posted in phản biện, Pháp Luật. Bookmark the permalink.