Sát thủ “Quan làm báo” (QLB) trước đây như luồng áp thấp nhiệt đới, bất ngờ hình thành, lướt qua “Phủ chúa”, chỉ gây tổn thương nhẹ một đại quan và vài cận vệ. Sát thủ “Chân dung quyền lực” (CDQL) hôm nay như cơn bão không được dự báo, đột ngột đến rồi đi, để lại phía sau bao đổ vỡ ngổn ngang. Tuy diện bão không rộng, nhưng tâm bão chỉa thẳng vào “Cung vua” trong lúc quan đại thần về đây nhóm họp, làm trọng thương một số đại quan khiến cho thần dân xôn xao bàn tán.
Sát thủ mệnh danh CDQL xuất hiện quá bất ngờ đối với mọi người, gây chấn động dư luận. Họ thuộc phe nhóm nào? Ai đứng đàng sau? Vì sao xuất hiện đúng vào ngày đầu năm 2015? Lại vào những ngày trước, trong và sau hội nghị lần 10/khóa 11 của Đảng cầm quyền? Sao không “bắn” loạn xạ như phiến quân Hồi giáo mà nhằm vào một số vị cấp cao của Đảng cầm quyền “bắn tỉa”?, v.v. Đó là những câu hỏi đến nay chưa có lời đáp! Việc để đối phương tràn sang “phần sân” của mình gây sóng gió, bị lãnh đạo quy trách nhiệm và công chúng cật vấn, ngành Thông tin Truyền thông (4T) đến nay chưa trả lời được, tức giận mất bình tĩnh, đang chửi bóng chửi gió.
Biết rằng, trên lĩnh vực thông tin, chơi ẩn/nặc danh là không chính danh quân tử. Có điều, CDQL nói năng êm ái, đưa ra thông tin có kèm chứng cứ đủ thuyết phục, dầu không muốn người ta cũng buộc phải tin hay ít ra cũng chờ xem chớ không phủ định. Công chúng đã và đang bực tức về nạn tham những, CDQL điểm huyệt tham nhũng, coi như gãi đúng chỗ ngứa, họ hưởng ứng là điều dễ hiểu.
Chính xác cả định tính và định lượng, từ khi xuất trận 1/1/2015 đến khi giải tán hay án binh bất động 29/1/2015, vỏn vẹn 28 ngày, CDQL nổ 29 phát súng (29 bài) vào chủ yếu 4 vị quan đại thần theo trình tự: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Cả bốn vị bị trọng thương, không nói được, đang chờ “bác sĩ” kết luận “sức khỏe”. Trước khi ngưng tấn công, CDQL bắn chỉ thiên một phát “Mũi thuyền xé sóng – Mũi Cà Mau”, tung ra “Bó đũa chọn cột cờ” nhằm lăng-xê Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chỉ trong vòng 28 ngày, CDQL, một trang mạng vô danh tiểu tốt, với 29 bài phóng sự, làm sục sôi dư luận xã hội, khiến cho Bộ 4T đồ sộ đối phó một cách bị động.
Dầu sát thủ CDQL đã giải thể hay án binh bất động chờ thời ở đâu đó suốt gần tuần nay, nhưng dư luận dựa vào “sản phẩm” của nó nói tới nói lui, đoán già đoán, cãi qua cãi lại đủ thứ. Tôi chép lại những câu nói mà mình thu lượm được:
– Thông tin ngoài luồng và nặc danh không thể tin được.
– Dầu ngoài luồng nhưng chứng cứ rành rành sao không tin. Chắc người ta sợ nên ẩn danh.
– Chứng cứ không ngụy tạo được sao?
– Nhân chứng là những người còn sống sờ sờ, vật chứng là những lâu đài sừng sững… ngụy
tạo được sao?!
– Hãy chờ điều tra, cãi chi cho mệt.
– Tôi ngại quan binh quan, phủ binh phủ, xử lý nội bộ là xong, bất quá khiển trách hay cảnh cáo như vụ Trần Văn Truyền là xong việc.
– Quyền cao chức trọng đâu lẽ người ta bán rẻ danh vị?
– Hàng trăm, hàng ngàn tỉ mà rẻ cái nỗi gì. Vì lợi, Tổ quốc họ cũng bán.
– Phải chi ông Bá Thanh không bịnh, điều tra hốt liền bọn “nhám nhúa” thì đỡ cho dân biết mấy.
– Hốt ai, ai hốt? Hốt thải vào bịnh viện chờ chết cho hết hốt.
– Sao QLB và CDQL đều nhè vào nội bộ Đảng mà tung chưởng?
– Phải đâu ở ngoài, cùng trong Đảng với nhau, tranh giành quyền lợi chưởng nhau thôi. Chơi theo luật giang hồ “Mi không đánh ta, ta không đánh mi”, ngược lại thì ăn miếng trả miếng chớ có gì lạ?
– Kiểu này, cứ khui qua khui lại riết giáp mí “vỡ bình” mất!
– Ai bảo bình chứa chuột chi rồi trách mèo truy chuột làm vỡ bình?! Nên nhớ rằng, lửa gặp bổi thì cháy, ai bảo để bổi trong nhà gây cháy rồi than.
v.v. và v.v.
Tôi nghe người ta không hài lòng về “đấu pháp” của lãnh đạo Bộ 4T trước loạn thông tin. Để biết sự việc ra sao, tôi tìm đọc những phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (không trích). Tôi xin trao đổi với hai anh 7 vấn đề:
1/ Ở lĩnh vực chính trị tư tưởng, 4T là những người lính trực chiến bằng cái miệng và phương tiện để tranh thủ trái tim, khối óc của con người – rót mật vào tai người ta mới ngồi yên lắng nghe, chớ không ai rót a-xít vào tai người ta sẽ giãy nảy; tuyệt nhiên/tuyệt đối không được dùng lời lẽ hay biện pháp mang yếu tố hành chính, hình sự. Bởi vì, người tìm thông tin là người tìm sự thật (chân lý). Người ta thường xử lý thông tin qua hai công đoạn: Cái đầu là kho chứa thông tin chưa xử lý, trái tim là kho chứa thông tin qua xử lý. Người ta ví cái đầu là “bảo tồn” giữ cho còn thông tin để có mà xử lý theo kiểu gạn đục khơi trong, còn trái tim là “bảo tàng”, nơi tàng trữ những báu vật đã qua xử lý (chân lý-tinh chất). Thông tin đạt lý thấu tình người ta mới cất vào tim, ngược lại nó bị thải ra đôi khi chưa đến cái đầu. Trong thời đại bùng nổ thông tin này, tất nhiên thôi, những thông tin qua chế biến theo định hướng, một chiều, bóp méo sự thật, vì lợi ích cục bộ, phe đảng… công chúng liệt nó vào loại phế liệu, cho vào sọt rác.
2/ Ở lĩnh vực thông tin phải tôn trọng luật chơi bằng hình thức đối thoại bình đẳng: dầu đang ở vị thế nào cũng không được dùng lời lẽ lỗ mãng theo kiểu hình sự, cửa quyền, phải với thái độ lịch sự, cởi mở, dùng lý lẽ tranh luận với nhau tìm ra chân lý. Ngay cả ở lĩnh vực đối chọi người ta cũng phải có luật chơi: Đấu võ đài nếu quy định có găng tay thì cùng đeo găng tay. Chiến tranh nóng, người ta cũng cấm dùng vũ khí hóa học chớ đâu được tùy tiện?
3/ Tôi không dám nói cả ngành 4T, qua lời nói và bài viết của hai anh, tôi có cảm nhận có hơi hướng không chính trực, dựa thế cậy quyền, dùng ngôn từ đượm mùi hành chính, hình sự.
4/ Đưa tin hay tìm kiếm thông tin… là quyền của công dân được Hiến định, họ có phạm pháp đâu mà các anh cay đắng chi đối với họ, không khéo vô tình mình lại là người vi Hiến?
5/ Các vị lãnh đạo, nhất là 4T thường nói chuyền với nhau những đôi từ sai trái, bịa đặt, nói xấu… để phủ lấp, bác bỏ những thông tin gọi là ngoài luồng, trái chiều, bất kể nó đúng hay sai sự thật. Thử đặt những câu hỏi về những đôi từ đó:
- Sai trái: Trái với sự thật hay trái với định hướng? Kiểm định thông tin, người ta lấy sự thật (tính chính xác) làm chuẩn, còn định hướng định héo gì đó ra ngoài chơi, đừng lộn xộn ở đây.
- Bịa đặt: Bịa đặt là tự dựng chuyện chớ gì? Người ta đưa tin bịnh nhân Nguyễn Bá Thanh về Đà Nẳng hay những vụ tham nhũng có tên người, có đầy đủ chứng cứ là bịa đặt sao?! – Chẳng lẽ chưa được sự cho phép của lãnh đạo là bịa đặt?
- Nói xấu: Nó tốt mà nói nó xấu mới sai, chớ nó xấu nói nó xấu thì có gì sai? – Nếu ai đụng đến cán bộ, chính quyền… thì các vị chụp cho cái mũ: Nói xấu cán bộ, nói xấu chính quyền. Phải minh xét lại từng vụ việc xem người ta dựng chuyện nói xấu cán bộ, chính quyền hay cán bộ chính quyền đã xấu. Nếu đã xấu thì nói xấu có gì sai? Nhiều người ở tù oan về việc ỷ thế cậy quyền cố tình chụp mũ sai trái này?! – Ác vừa vừa thôi, ác quá chết không nhắm mắt.
6/ Họ đưa tin ông này, bà kia tham nhũng hay hư hỏng gì đó, thì các anh đề nghị cơ quan chức năng điều tra hoặc gọi/buộc người cho là bị bôi xấu đó phản biện. Khi tìm ra sự thật rồi, qua các cổng thông tin, các anh cho công bố để giải độc cho công chúng. Nếu ai thông tin sai sự thật thì buộc họ phải đính chính, xin lỗi hoặc xử lý theo pháp luật. Mắc mớ gì mà các anh đỗng lên, vu vạ nọ kia, không khéo người ta liệt mình vào loại không chính trực. Phải hiểu mọi chi phí, kể cả lương cho ngành và người đều từ tiền thuế của dân. Người ta chúa ghét những ai sống nhờ toàn bộ mà phục vụ cục bộ.
7/ Nghe nói chẳng biết đúng không, con người là cốt khỉ hay vượn gì đó, có thuộc tính “tò mò”. Con người cũng có thói quen “xấu che, tốt khoe”. Nhưng vì là cốt khỉ, con người thích tò mò tìm hiểu cái che hơn cái khoe – cứ che đi, sớm muộn gì cũng lòi ra hết.
Nếu ngày nào ngành 4T còn tiếp tục thông tin theo định hướng, bóp méo sự thật, một chiều, cục bộ thì việc kéo công chúng về với mình chỉ là ảo tưởng.
6/2/2015
T. T.
Tác giả gửi BVN.