Tình cờ gặp bài báo trên Dân Trí onlines “Tìm cơ chế bán đường cao tốc”, theo đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang nghiên cứu tìm đối tác để bán đường cao tốc cho các doanh nghiệp, tư nhân trong và ngoài nước vào năm 2015 để lấy vốn phát triển đường cao tốc khác… tôi nhớ đến câu chuyện cũng tình cờ nghe được hôm về thăm quê tấp vào một quán nước ven đường:
Tự nhiên lão chủ nhà phà xong hơi thuốc lào rồi đặt điếu hớn hở nói với bà xã đang vo gạo:
– Sắp có món tiền khá uống rượu rồi…
Bà vợ ngừng tay:
– Nhà mình có đồng cắc nào nữa, số tiền bán lợn năm ngoái, tiền đền bù đường cao tốc gửi tiết kiệm ông rút hết về mua xe rồi, ngủ mơ à?
– Ai tính số tiền ấy, tiền bán cao tốc ngoài kia kìa! Hôm trước họp cựu chiến binh “chuẩn bị kỷ niệm Đảng” có thông tin nhà nước sắp bán đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai kia kìa. Nhà mình hiến hơn ba sào đất, nhận đền bù giá bèo vì “phục vụ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng” nhưng nay nhà nước đem bán cho “Tây” theo giá thị trường thì phải “thối” lại tiền cho mình chứ…
Không ngờ cái ông này lại nảy ra cái ý tưởng lạ, hay hay và có thể đúng – tôi thoáng nghĩ.
Việt Nam đã bán rất nhiều thứ của quốc gia cho nước ngoài, tư nhân mà không phải người dân nào cũng biết. Thế nhưng, khi tiếp xúc với dân ở vùng có đường cao tốc đi qua thì họ rất quan tâm. Dân đồn đại cấp trên đã “chốt” bán cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đang soạn hợp đồng và họ đòi việc này phải minh bạch bán được bao nhiêu phải trích “thối” lại tiền cho dân. Nghe ra, dân ta cũng có lý.
Bởi vì, khi nhà nước giải tỏa đất đai làm đường sá thì ai cũng hiểu đó là công trình quốc kế, dân sinh phục vụ công cộng phát triển đất nước nên hầu hết người dân vui vẻ dỡ nhà, phá vườn hiến đất nhận bồi thường với giá thấp xa với thực tế. Chính tôi cũng đã viết bài đăng trên blog “Bà Đầm xòe” khuyên nhân dân một địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc nên giao đất cho nhà nước làm đường vì đó là công trình phục vụ công cộng, an ninh, quốc phòng bà con không nên đòi hỏi hơn, thiệt…
Tuy nhiên, nay nhà nước có chủ trương bán đường cao tốc thì những con đường đó không còn là con đường phục vụ công cộng nữa mà là dự án thương mại. Bên mua những con đường đó không còn là của “công cộng” mà là của một doanh nghiệp, tư nhân. Khi doanh nghiệp đã sở hữu con đường đó thì tất nhiên họ phải đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu. Như vậy người dân hiến đất đai ruộng vườn, nhà cửa cho nhà nước làm đường muốn sử dụng con đường này phải trả tiền theo giá thị trường, tức họ không có quyền lợi gì ở những con đường đó nữa… Để thử xem lý sự của ông chồng ra sao, tôi “vặn” lại:
– Đường cao tốc của nhà nước, các ông đã nhận tiền đền bù rồi, còn mong gì nữa.
Thì ông ta “đốp” lại ngay:
– Do dự án đường cao tốc bị bán đã là dự án kinh doanh thương mại, dự án kiếm lời thì tất nhiên chúng tôi những người “góp vốn” bằng đất đai để nhà nước có chỗ làm đường phải có phần khi thành quả đem bán.Vì vậy tới đây nếu nhà nước đem bán đường cao tốc thì phải tính lại toàn bộ số diện tích đất đai đã lấy của dân theo giá thị trường trừ số tiền đền bù ít ỏi đã nhận còn bao nhiêu trả lại cho dân chứ… Đấy là chưa nói nếu Trung Quốc “nó” mua, khi muốn hại mình nó không cho đi thì cũng phải chịu…
Được biết, để làm đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai số đất giải tỏa của 25.031 hộ dân là 2.062,38 ha.
N. Đ. A.
Tác giả gửi BVN.